Dự thảo Quy hoạch Điện VIII: (Kỳ 2) Khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo lên tới 44%

THY HẰNG 24/02/2021 16:00

Đối với chương trình phát triển nguồn điện, theo dự thảo, tới năm 2030, tổng công suất đặt nguồn điện của Việt Nam đạt 137,2 GW. Năm 2045 tổng công suất đặt của nguồn điện đạt gần 276,7GW.

Nhu cầu tiêu thụ điện giảm gần đây hay giá điện vẫn đứng yên trong gần 2 năm qua là lý do khiến nhiều dự án điện mới gặp khó khăn trong quá trình triển khai. Tuy nhiên tại Quy hoạch Điện VIII, các dự án năng lượng tái tạo vẫn được khuyến khích.

Dự thảo Quy hoạch Điện VIII nêu rõ, phát triển năng lượng tái tạo là xu hướng phù hợp với sự phát triển của trên thế giới.

Dự thảo Quy hoạch Điện VIII nêu rõ, phát triển năng lượng tái tạo là xu hướng phù hợp với sự phát triển của trên thế giới.

Mới đây, trước và sau Tết Tân Sửu, Thủ tướng Chính phủ đã có 2 văn bản nhằm rà soát lại các vấn đề liên quan đến điện mặt trời và điện gió. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu thanh tra về phát triển điện mặt trời áp mái và kịp thời chấn chỉnh nghiêm các sai phạm, các hành vi trục lợi chính sách cũng như đề xuất các biện pháp quản lý có hiệu quả với năng lượng tái tạo để không xảy ra việc có sơ hở trong chính sách. Đối với các dự án điện gió, Thủ tướng yêu cầu dừng bổ sung các dự án mới vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Tuy nhiên, các dự án mới sẽ được bổ sung trong Quy hoạch Điện VIII.

Cụ thể, theo dự thảo Đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch Điện VIII) với dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030 đạt bình quân 6,6%/ năm, giai đoạn 2031 – 2045 bình quân 5,7%/ năm, dự báo điện thương phẩm năm 2030 đạt 491 tỉ kWh, năm 2045 đạt 877 tỉ kWh. Hệ số đàn hồi điện thương phẩm/GDP đạt 1,13 lần năm 2030 và giảm xuống 0,58 lần năm 2045 (năm 2020 hệ số này là 1,20).

Đối với chương trình phát triển nguồn điện, theo dự thảo, tới năm 2030, tổng công suất đặt nguồn điện của Việt Nam đạt 137,2 GW. Năm 2045 tổng công suất đặt của nguồn điện đạt gần 276,7GW .

So với Quy hoạch điện VII, trong giai đoạn đến 2030, chương trình phát triển nguồn điện của Quy hoạch VIII có những thay đổi lớn, thứ nhất, phát triển với quy mô lớn nguồn điện gió, điện mặt trời (công suất nguồn điện gió gấp 3 lần và điện mặt trời gần gấp 2 lần so với QHĐ VII ĐC).

Thứ hai, chỉ tiếp tục xây dựng các dự án nhiệt điện than đang xây dựng và đang xúc tiến đầu tư để có thể vào vận hành trong giai đoạn 2021-2025.

Thứ ba, xây dựng thêm nguồn điện khí sử dụng LNG (CCGT) ở miền Bắc và nguồn điện linh hoạt (ICE) ở cả hai miền Bắc và Nam.

Theo Dự thảo Quy hoạch Điện VIII, tổng vốn đầu tư phát triển điện lực giai đoạn 2021-2030 khoảng 128,3 tỉ USD. Trong đó, cho nguồn điện là 95,4 tỉ USD, cho lưới điện khoảng 32,9 tỉ USD. Cơ cấu trung bình vốn đầu tư nguồn và lưới là 74%/26%.

Giai đoạn 2021 – 2030, trung bình mỗi năm cần đầu tư khoảng 12,8 tỉ USD (9,5 tỉ USD cho nguồn và 3,3 tỉ USD cho lưới). Tổng vốn đầu tư phát triển điện lực giai đoạn 2031-2045 khoảng 192,3 tỉ USD.

Dự thảo Quy hoạch Điện VIII cũng nêu rõ, trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ khuyến khích phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo (ngoài thủy điện), từ khoảng 13% năm 2020 lên tới gần 30% năm 2030 và 44% năm 2045. Đây là xu hướng phù hợp với sự phát triển của trên thế giới.

Cụ thể, giai đoạn 2021 – 2030, cơ cấu công suất có sự thay đổi theo hướng giảm dần tỷ trọng nhiệt điện than từ 34% năm 2020 xuống còn 27% vào năm 2030, trong giai đoạn này không phát triển thêm nhiệt điện than mới ngoài các nhà máy nhiệt điện than đang trong quá trình xây dựng, và đang xúc tiến đầu tư để có thể vào vận hành trong giai đoạn 2021-2025.

Phát triển mạnh mẽ nguồn điện sử dụng khí từ 7GW năm 2020 lên 13,5GW năm 2025 và 28-33GW năm 2030. Tỷ trọng nguồn điện khí tăng từ 15% năm 2020 lên 21- 23% năm 2030.

Phát triển mạnh mẽ điện gió từ công suất khoảng trên 600MW năm 2020 lên đến hơn 11-12 GW năm 2025 và hơn 18-19 GW năm 2030. Tỷ trọng điện gió chiếm 12% tổng công suất đặt năm 2025 và 13% tổng công suất đặt năm 2030.

Phát triển điện mặt trời từ công suất khoảng 17 GW giai đoạn 2020-2025 lên gần 19-20GW năm 2030. Tỷ trọng điện mặt trời chiếm 17% tổng công suất đặt năm 2025 và chiếm 14% năm 2030.

Song song với việc phát triển điện gió, điện mặt trời, cũng cần xây dựng các nhà máy điện có khả năng điều chỉnh linh hoạt, các nguồn pin tích năng, thủy điện tích năng, động cơ đốt trong ICE để đảm bảo vận hành ổn định hệ thống điện có tỷ trọng cao nguồn năng lượng tái tạo. Tổng các nguồn điện loại này đạt 2,6-2,8 GW năm 2030, chiếm gần 2% tổng công suất đặt của nguồn điện.

năng lượng tái tạo (ngoài thủy điện), từ khoảng 13% năm 2020 lên tới gần 30% năm 2030 và 44% năm 2045.

Năng lượng tái tạo (ngoài thủy điện) được khuyến khích phát triển từ khoảng 13% năm 2020 lên tới gần 30% năm 2030 và 44% năm 2045.

Định hướng phát triển nguồn điện giai đoạn 2031 – 2045, cơ cấu công suất có sự thay đổi theo hướng giảm dần tỷ trọng nhiệt điện than từ 27% vào năm 2030 xuống còn 17-18% năm 2045. Tỷ trọng nguồn nhiệt điện khí tăng dần từ 21-22% vào năm 2030 lên tới 24-25% vào năm 2045. Tỷ trọng thủy điện sẽ giảm dần (do hiện đã khai thác gần hết tiềm năng). Các nguồn điện gió và mặt trời sẽ được phát triển mạnh trong tương lai, với tỷ trọng công suất lên tới trên 42% vào năm 2045. Tỷ trọng công suất nguồn năng lượng tái tạo (gồm cả thủy điện lớn) đạt 53% năm 2045.

Về cơ cấu điện năng, tỷ trọng điện năng của nhiệt điện than sẽ giảm dần từ 40% vào năm 2030 xuống còn khoảng 30% vào năm 2045; tỷ trọng nhiệt điện khí sẽ tăng dần từ 24-26% vào năm 2030 lên trên 28-30% vào năm 2045. Tỷ trọng điện năng của năng lượng tái tạo (gồm cả thủy điện lớn) sẽ đảm bảo đạt mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính Trị và Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam (được phê duyệt tại quyết định số 2068/ QĐ-TTg ngày 25/11/2015).

Nhu cầu than nhập khẩu cho sản xuất điện sẽ tăng từ 47-52 triệu tấn năm 2030 lên tới 75-96 triệu tấn năm 2045 tủy theo kịch bản phát triển phụ tải cơ sở và cao. Nhu cầu LNG nhập khẩu cho sản xuất điện sẽ tăng từ 10-13 triệu tấn năm 2030 lên đến 32-43 triệu tấn năm 2045. Trong giai đoạn tới nhu cầu nhiên liệu cho các nhà máy điện chạy dầu sẽ giảm dần, chỉ còn nhu cầu tiêu thụ dầu của các nhà máy điện đồng phát.

Kỳ 3: Nguy cơ mất cân đối điện vùng miền

Có thể bạn quan tâm

  • Dự thảo Quy hoạch điện VIII: Biểu giá bán lẻ điện có gì mới?

    11:00, 24/02/2021

  • Quy hoạch điện VIII có thể được phê duyệt vào năm 2021

    11:20, 09/11/2020

  • Huy động vốn cho Quy hoạch điện VIII

    14:00, 02/11/2020

  • Quy hoạch điện VIII: Tạo liên kết và hướng tới thị trường điện cạnh tranh

    11:00, 28/09/2020

  • Quy hoạch Điện VIII: Chú trọng phát triển năng lượng tái tạo

    03:00, 07/09/2020

THY HẰNG