Dự thảo Quy hoạch Điện VIII (Kỳ 3): Nguy cơ mất cân đối điện vùng miền
Nếu không tính toán tối ưu, dài hạn, có thể sẽ dẫn đến việc đầu tư mất cân đối nguồn điện vùng miền, gây khó trong vận hành hệ thống và lãng phí trong đầu tư lưới điện.
Trong dự thảo Quy hoạch Điện VIII có một điều đáng chú ý đó là việc phân bổ công suất nguồn điện giữa các vùng, tiểu vùng và tỉnh thành phố, theo dự thảo quy hoạch.
Phân bố về địa phương gặp nhiều khó khăn
Theo đó, mặc dù cơ cấu nguồn điện tại 6 vùng đã được xác định bởi chương trình tối ưu nguồn, nhưng Quy hoạch Điện VIII nêu rõ - việc phân bổ chi tiết nguồn về các tỉnh, nhất là nguồn điện năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời vẫn gặp nhiều khó khăn.
Nguyên nhân là do số lượng dự án năng lượng tái tạo đã đăng ký tại mỗi tỉnh hiện nay quá lớn, có thể vượt quá quy mô từ các chương trình tối ưu.
Cụ thể, do chính sách khuyến khích đầu tư điện mặt trời và điện gió hấp dẫn, hiện nay lượng công suất đăng ký của các nhà đầu tư đã vượt xa kết quả tính toán tối ưu mở rộng phát triển nguồn điện đến năm 2030. Các dự án năng lượng tái tạo tập trung chủ yếu ở 4 vùng Trung Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Các nguồn điện đăng ký tập trung quá nhiều tại miền Trung, miền Nam như vậy sẽ gây ra dư thừa điện lớn.
Trong đó, tính riêng về điện mặt trời, năm 2030, kết quả tính toán tối ưu ở khu vực Tây Nguyên đạt khoảng 1500 MW, nhưng tổng công suất đã và đang đăng ký đầu tư là 5500 MW, khu vực Nam Trung Bộ tính toán đạt khoảng 5200 MW nhưng đã đăng ký tới 11600 MW, khu vực Nam Bộ dự kiến đạt khoảng 9200 MW nhưng đã đăng ký 14800 MW.
Đối với điện gió, năm 2030, chương trình phát triển nguồn điện tối ưu đề xuất khu vực Tây Nguyên là 4000 MW nhưng đã đăng ký là 10000 MW, khu vực Nam Bộ đề xuất 6.800 MW nhưng đã đăng ký lên tới 17.000 MW.
Như vậy, nếu tất cả các nguồn đăng ký đầu tư đều được phê duyệt thì tổng công suất nguồn điện toàn quốc sẽ đạt khoảng 220 GW (dư 162%) và năm 2045 là 150 GW (dư 47%).
Do vậy, theo dự thảo Quy hoạch Điện VIII - đến năm 2030 sẽ chỉ có một phần nguồn điện đăng ký được phê duyệt bổ sung quy hoạch và đầu tư xây dựng. Lượng công suất nguồn còn lại có thể được xem xét phát triển trong giai đoạn 2031-2045.
“Nếu không tính toán tối ưu, một cách tổng thể, dài hạn, rất có thể sẽ dẫn đến việc đầu tư mất cân đối nguồn điện vùng miền, gây khó khăn trong vận hành hệ thống điện và lãng phí trong đầu tư hạ tầng lưới điện, hậu quả là tổn thất lâu dài về kinh tế - xã hội”, dự thảo Quy hoạch điện VIII nêu.
Nhận định về vấn đề này, Tổng Giám đốc EVN Trần Đình Nhân từng nhìn nhận, phải tiếp tục giải quyết bài toán mất cân bằng giữa nguồn và tải của 3 miền. Ông Nhân cho rằng nguồn năng lượng tái tạo hiện đang có tập trung quá mức ở một số địa phương, trong khi điều kiện giải phóng mặt bằng cho các công trình gặp nhiều khó khăn.
Miền Bắc sẽ được xem xét cơ chế riêng
Trái ngược với thực tế trên, các dự án nguồn điện đăng ký ở miền Bắc không nhiều, vị trí tiềm năng xây dựng nguồn nhiệt điện hạn chế, tiềm năng điện gió và điện mặt trời không lớn.
Tuy nhiên, Quy hoạch Điện VIII đánh giá nhu cầu điện miền Bắc có tốc độ tăng cao hơn miền Nam trong những năm tới, sau năm 2035 nhu cầu điện của miền Bắc sẽ vượt miền Nam.
Do đó, khu vực Bắc Bộ sẽ bắt đầu phải nhận điện từ hệ thống điện Bắc Trung Bộ và miền Trung từ năm 2023. Vì vậy các dự án cung cấp điện cho miền Bắc nên được ưu tiên phát triển trong giai đoạn tới. Mặc dù điện năng phát điện của điện mặt trời đặt tại miền Bắc không được cao như miền Nam, tuy nhiên điện mặt trời lại có thể đáp ứng tốt phần phụ tải đỉnh ban ngày, giảm nhu cầu truyền tải từ miền Nam ra miền Bắc, cần xem xét cơ chế khuyến khích đầu tư điện mặt trời nói riêng và NLTT nói chung cho khu vực Bắc Bộ.
Còn với khu vực Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên có tiềm năng lớn về điện gió và điện mặt trời, đặc biệt các dự án điện gió ngoài khơi ở khu vực Nam Trung Bộ. Khu vực phía Nam trong giai đoạn tới cần tập trung phát triển các dự án năng lượng tái tạo và các nguồn điện linh hoạt.
Sau năm 2025, các nguồn điện linh hoạt như: động cơ ICE và TBK chu trình đơn sử dụng LNG, các nguồn tích năng sẽ rất cần thiết cho hệ thống điện để đảm bảo phủ đỉnh và dự phòng cho điện gió và mặt trời. Cần xây dựng cơ chế về giá công suất dự phòng cho các nguồn điện linh hoạt, để đảm bảo khả năng tài chính cho loại nguồn này do số giờ phát điện thấp.
Có thể bạn quan tâm
Quy hoạch Điện VIII (kỳ 2): Khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo lên tới 44%
12:37, 24/02/2021
Dự thảo Quy hoạch điện VIII: Biểu giá bán lẻ điện có gì mới?
11:00, 24/02/2021
Quy hoạch điện VIII có thể được phê duyệt vào năm 2021
11:20, 09/11/2020