Dự thảo Quy hoạch Điện VIII (kỳ 5): Áp dụng công nghệ 4.0 trong truyền tải
Bên cạnh vấn đề lưới điện liên vùng, lưới điện 500kV và liên kết lưới điện khu vực, Dự thảo cũng đề xuất việc áp dụng lưới điện thông minh, áp dụng công nghệ 4.0.
Về chương trình phát triển lưới điện tại Dự thảo Quy hoạch điện VIII cũng chỉ rõ về nhu cầu của xây dựng lưới điện truyền tải liên vùng, lưới điện 500kV theo vùng và cả vấn đề liên kết lưới điện khu vực cũng như phát triển lưới điện nông thôn.
Nghiên cứu áp dụng lưới điện thông minh
Trong đó, đáng chú ý, về lưới điện liên kết vùng, dự thảo nêu rõ, do sự phát triển quy mô lớn các nguồn năng lượng tái tạo gió và mặt trời ở khu vực miền Nam và miền Trung, nên lưới truyền tải liên vùng trong giai đoạn tới sẽ tập trung vào truyền tải từ Nam Trung Bộ và Tây Nguyên ra miền Bắc, từ Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đi Nam Bộ, và từ Tây Nam Bộ đi Đông Nam Bộ.
Quy hoạch điện VIII cũng đề xuất tiếp tục xây dựng hệ thống truyền tải điện 500kV để truyền tải điện từ các trung tâm nguồn điện lớn tại Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, Bắc Trung Bộ về các trung tâm phụ tải lớn của Việt Nam tại Tp.HCM và đồng bằng Sông Hồng.
Vấn đề truyền tải điện bằng đường dây một chiều cũng đã được đặt ra và nghiên cứu, xem xét trong Quy hoạch điện VIII. Theo đó, giai đoạn 2021 – 2030 cần xây dựng thêm tổng cộng khoảng 86 GVA công suất trạm 500kV và gần 13.000 km ĐZ, giai đoạn 2031 – 2045 cần xây dựng thêm khoảng 103 GVA công suất trạm 500kV và gần 6.000 km ĐZ. Lưới điện 220kV tương ứng cần xây dựng 95 GVA, gần 21.000 km ĐZ và 108 GVA, hơn 4.000 km ĐZ.
Với chương trình phát triển lưới điện này, Bộ Công Thương cho rằng, lưới điện của Việt Nam sơ bộ đáp ứng được tiêu chí N-1 đối với cung cấp điện cho các phụ tải, tiêu chí N-2 đối với các phụ tải đặc biệt quan trọng.
Đặc biệt, việc áp dụng lưới điện thông minh, áp dụng công nghệ 4.0 trong truyền tải điện cũng được nghiên cứu, tính toán và đề xuất trong quy hoạch điện.
Cần cơ chế rõ ràng cho thu hút đầu tư lưới điện
Vấn đề lưới điện hiện là vấn đề được các doanh nghiệp và nhà đầu tư đặc biệt quan tâm, thậm chí đây được xem là “điểm nghẽn” khiến nhà đầu tư ngần ngại đầu tư vào ngành.
Thực tế, đã có nhiều dự án ở một số khu vực phải giảm công suất phát điện vì vấn đề đường dây truyền tải điện có sự hạn chế. Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Bùi Quang Tuấn cho rằng, bắt buộc phải có cơ chế đột phá, tự do hóa một phần để khu vực tư nhân nhanh chóng tham gia. Bởi nhiều nhà đầu tư rất mong chờ cơ chế, chính sách thuận lợi, dài hơi. Song song với đó, vẫn phải đảm bảo an ninh năng lượng, đường truyền tải điện thuộc về an ninh quốc gia, nên cần phải có tính toán kỹ lưỡng.
Chia sẻ với DĐDN về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Tuấn - Tổng giám đốc CTy CP TTP Phú Yên (TTPPY) nhận định, đây là mong muốn của nhiều doanh nghiệp, các doanh nghiệp hiện vẫn mong muốn chủ động lưới để hoà lưới điện quốc gia. Nhưng còn nhiều yếu tố pháp lý liên quan vận hành lưới và trạm đó sau khi doanh nghiệp tư nhân xây dựng, chất lượng lưới truyền tải, chứ không đơn thuần là câu chuyện vốn cho đầu tư lưới. Doanh nghiệp mong muốn tính pháp lý và ràng buộc cần chặt chẽ hơn.
“Nhiều nước trên thế giới đã cho doanh nghiệp tư nhân làm lưới, thậm chí cho bán lẻ điện, đây là câu chuyện trước sau chúng ta sẽ làm, câu chuyện là chế tài giám sát và quản lý. Chúng ta cần tận dụng tất cả các nguồn lực cho phát triển”, ông Tuấn nhấn mạnh.
(Kỳ 6): Khả năng nhập khẩu điện từ các nước láng giềng
Có thể bạn quan tâm
Dự thảo Quy hoạch Điện VIII (Kỳ 4): Cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư
04:40, 26/02/2021
Dự thảo Quy hoạch Điện VIII (Kỳ 3): Nguy cơ mất cân đối điện vùng miền
04:30, 25/02/2021
Dự thảo Quy hoạch Điện VIII: (Kỳ 2) Khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo lên tới 44%
16:00, 24/02/2021
Dự thảo Quy hoạch điện VIII: (Kỳ 1) Biểu giá bán lẻ điện có gì mới?
11:00, 24/02/2021
Quy hoạch điện VIII có thể được phê duyệt vào năm 2021
11:20, 09/11/2020