Triển vọng ngành hàng không 2021: Lợi nhuận phục hồi nhưng vẫn lỗ
Nhóm chuyên gia của SSI cho rằng, lợi nhuận của ngành hàng không Việt Nam sẽ phục hồi trong năm 2021, nhờ vào vắc xin, nhưng vẫn ghi nhận lỗ bằng khoảng một nửa của năm 2020.
Theo các chuyên gia của SSI, biến thể của chủng COVID-19 mới nhất ở Anh cùng với sự bùng phát trở lại của dịch bệnh khiến triển vọng về ngành hàng không trên thế giới ảm đạm. Tuy nhiên, ngành hàng không có thể phục hồi vào nửa cuối năm 2021 khi các vắc xin được phê duyệt.
Do biến thể dễ lây nhiễm hơn của COVID-19, các quốc gia EU có lệnh cấm các chuyến bay đến và đi từ Anh đến hết ngày 1/1/2021, có thể kéo dài hơn. Tại châu Á, các ca lây nhiễm đang gia tăng trở lại ở Hàn Quốc, Hồng Kông, Thái Lan và Úc, khiến ngành du lịch phục hồi chậm trễ và dẫn đến việc hủy “bong bóng du lịch - travel bubble” giữa Hồng Kông - Singapore. SSI cho rằng, triển vọng của ngành chắc chắn sẽ được cải thiện khi vắc xin được sử dụng trên quy mô lớn, điều này có thể chỉ xảy ra từ nửa cuối năm 2021.
Trong khi đó, thị trường nội địa nhiều khả năng sẽ vẫn là thị trường trọng tâm của các hãng hàng không trong năm 2021, do các chuyến bay quốc tế chỉ có thể được hoạt động từ nửa cuối năm 2021. Ngành hàng không trong nước tin rằng chính sách hiện tại của Chính phủ đã được thiết lập để bảo vệ nền kinh tế trong nước. Sẽ không có rủi ro khi mở lại các chuyến bay quốc tế hoặc nới lỏng kiểm dịch cho đến khi tình hình dịch bệnh trên thế giới được kiểm soát tốt hơn.
Theo nhóm chuyên gia của SSI, sớm nhất vào nửa cuối năm 2021 sẽ có chuyến bay quốc tế với quy mô hạn chế được mở lại (một vài chuyến bay mỗi tuần đến một số điểm đến nhất định). Thị trường quốc tế sẽ phục hồi thực sự từ năm 2022. Trong năm 2021, chiến lược của các hãng hàng không có thể sẽ tập trung tối đa hóa thị trường nội địa bằng cách mở thêm đường bay, cung cấp nhiều dịch vụ giá trị trên chuyến bay và tạo ra nhiều sự lựa chọn về giá hơn cho hành khách.
Lợi nhuận có khả năng phục hồi, nhưng có thể ở mức âm đối với tất cả các hãng hàng không vì các yếu tố tải và sản lượng dự kiến sẽ vẫn ở mức thấp trong năm 2021. Theo kịch bản cơ sở của SSI, ước tính ngành hàng không sẽ ghi nhận mức lỗ bằng khoảng một nửa của năm 2020 tại công ty mẹ và sản lượng hành khách trong nước phục hồi lên mức năm 2019 (75 triệu hành khách). Lượng hành khách quốc tế dự kiến sẽ ở mức thấp 12 triệu khách (đạt khoảng 34% mức trước khi COVID-19 xuất hiện).
Nhóm chuyên gia của SSI cũng cho rằng, mặc dù các biện pháp hỗ trợ cho các hãng hàng không của Chính phủ có chậm, nhưng cũng đã mang lại hiệu quả nhất định đối với các hãnh hàng không, đặc biệt là đối với hãng hàng không quốc gia Việt Nam – Vietnam Airlines (HoSE: HVN). Cụ thể, Quốc hội đã cho phép Chính phủ hỗ trợ HVN thông qua hình thức đầu tư cổ phần và cho vay dài hạn với lãi suất thấp. Đồng thời, Chính phủ đã công bố kế hoạch cho HVN huy động 8.000 tỷ đồng vốn chủ sở hữu, đồng thời cung cấp gói vay 4.000 tỷ đồng cho hãng hàng không quốc gia này. Các biện pháp này đủ để HVN cải thiện cơ cấu vốn và giảm áp lực tài chính trung hạn.
Tại thời điểm cuối năm 2020, giá cổ phiếu VJC và HVN đã phục hồi khoảng 80% mức trước COVID-19 do thị trường trong nước phục hồi mạnh mẽ và nhờ vào sự hỗ trợ của Chính phủ. Hiện tại, định giá các hãng hàng không trong nước đang ở mức rất hấp dẫn so với các hãng hàng không thế giới, giảm từ 40% -50% so với đầu năm. Tuy nhiên, điều này cũng không mang lại nhiều lợi ích cho nhà đầu tư mới vào lĩnh vực hàng không Việt Nam. Định giá hiện tại không có khả năng đạt được mức trước COVID-19 khi có nhiều khả năng pha loãng/áp lực tài chính của quá trình tái cấu trúc hiện tại, cũng như nguy cơ bùng phát COVID-19 gia tăng tại một số địa phương.
Mặc dù, tiềm năng của ngành hàng không được đánh giá là sẽ phục hồi trở lại trong năm 2021, nhưng các chuyên gia của SSI cũng đã chỉ ra những rủi ro của ngành này.
Thứ nhất, giá dầu tăng trong năm 2021 cho thấy rủi ro đối với các hãng hàng không trong nước, do cạnh tranh trong nước ngày càng gay gắt và dư cung máy bay khiến giới hạn lợi suất tiềm năng cao hơn. Với việc, tân binh Vietravel Airlines đã ra nhập thị trường vào cuối năm 2020, do đó cạnh tranh sẽ càng gay gắt hơn. Ngoài ra, việc thiếu các chuyến bay quốc tế sẽ buộc các hãng hàng không phải sử dụng tất cả các máy bay phục vụ trong thị trường nội địa, khiến giá vé giảm. Vì vậy, bất kỳ đợt tăng giá dầu nào cũng sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của các hãng hàng không.
Thứ hai, cần thêm thời gian hơn để nghiên cứu và phân phối vắc xin rộng rãi trước khi tạo miễn dịch cộng đồng. Để tiêm chủng cho 70% dân số thế giới, khoảng 5 tỷ liều vắc xin phải được sản xuất, lưu trữ và vận chuyển trên toàn thế giới.
Theo các nhà chức trách Hoa Kỳ, ngay cả sau khi tiêm chủng, giãn cách xã hội, đeo khẩu trang và các biện pháp phòng ngừa khác có thể vẫn là điều cần thiết. Do đó, những chính sách này đối với Hoa Kỳ và các quốc gia khác có thể sẽ làm giảm nhu cầu đi lại đi/đến các quốc gia này. Với nỗ lực tiêm chủng trên toàn cầu, có thể phải mất hơn một năm mới có khả năng miễn dịch cộng đồng. Do đó, các hãng hàng không vẫn gặp khó khăn với nhu cầu yếu và các hạn chế về đường biên giới sau năm 2021.
Có thể bạn quan tâm
Hàng không Đông Nam Á có lợi thế lớn để phục hồi sau Covid-19
13:00, 25/02/2021
Hãng hàng không trong nước "có cửa" vận chuyển vắc xin COVID-19?
12:20, 24/02/2021
Bức tranh trái ngược của hàng không năm 2021
11:00, 24/02/2021
Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn sắp hoạt động trở lại
10:31, 21/02/2021
Viễn cảnh ảm đạm của hàng không Việt
05:14, 17/02/2021