Thủ tướng “đối thoại 2045”: Chính phủ xây thể chế, tạo bệ đỡ cho doanh nghiệp phát triển
Các doanh nghiệp đều mong muốn Chính phủ xây dựng thể chế minh bạch, sáng suốt, nâng cao năng lực cạnh tranh tạo bệ đỡ và động lực cho phát triển.
Tại “đối thoại 2045” do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, bà Thái Hương, Chủ tịch TH True Milk cho biết, việc tổ chức đối thoại này là cơ hội cho các doanh nghiệp phát biểu, nêu các kiến nghị về phát triển đất nước.
Thể chế minh bạch, sáng suốt
Đặc biệt, trong vòng 25 năm nữa, trên một nền tảng như hiện tại, bà Thái Hương đã chỉ ra những gì là thế mạnh của Việt Nam. Theo bà, Việt Nam đang phát triển và năm 2045 sẽ là một quốc gia phát triển, văn minh, môi trường được bảo vệ, xã hội an lành. Nền tảng con người phải có trí tuệ với sức khỏe, do đó, phải có ngành nông nghiệp xanh, sạch, hữu cơ, với một thế hệ doanh nhân hướng tới phát triển bền vững, các sản phẩm thực phẩm không gây hại cho sức khỏe con người.
Một lợi thế khác của Việt Nam là an ninh chính trị tốt, con người cần cù, hiền hòa, với nhiều đặc sản, nhiều thảo dược ở các vùng… đây là cơ hội để tạo ra những sản phẩm tốt cho sức khỏe.
Một hướng đi khác rất tiềm năng là du lịch chữa bệnh, kết hợp đông y và tây y, cùng với du lịch sinh thái, du lịch lịch sử.
Bà Thái Hương cũng kiến nghị đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp phát triển đi theo hướng chia sẻ với người nông dân.
Đặc biệt, bà Thái Hương bày tỏ mong muốn Chính phủ cần tạo ra một thể chế minh bạch, sáng suốt, tạo bệ đỡ cho các doanh nghiệp phát triển.
Nâng cao năng lực cạnh tranh tạo động lực
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Công ty Masan cũng nhấn mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh và định hướng tiêu dùng từ Chính phủ sẽ tạo động lực cho phát triển.
Với Masan, một tập đoàn chỉ trong thời gian rất ngắn đã chiếm vị trí top đầu lĩnh vực tiêu dùng với triết lý Keep Going, cho biết, để hướng tới mục tiêu nền kinh tế năm 2045, Việt Nam đi sau về đích trước, giải pháp nằm ở đổi mới nền tảng cạnh tranh, tìm năng lực cạnh tranh vượt trội.
Theo ông Quang, hiện nay, nền kinh tế toàn cầu đang hội nhập, vấn đề quan trọng là chuỗi cung ứng, tạo năng lực cạnh tranh cho chuỗi cung ứng. Xuất khẩu nông sản rất lớn, tuy nhiên hiện nay, hạ tầng của chuỗi cung ứng và phân phối luôn là trở ngại. Tình trạng được mùa nhưng giá thấp, khi giá cao lại không có sản phẩm.
Bên cạnh đó, vấn đề then chốt để đẩy mạnh phát triển nền kinh tế là hạ tầng cung ứng và phân phối. Chi phí công đoạn sản xuất đến tiêu dùng chiếm khoảng 30% giá thành. Nếu giảm thiểu chi phí trong lưu thông hàng hóa, sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí, hàng hóa lưu thông tốt hơn, doanh nghiệp có năng lực tìm kiếm lợi nhuận tốt hơn.
Vấn đề thứ hai là nền tảng công nghệ. Nhà nước chuyển đổi từ nền kinh tế, quản lý truyền thống, sang nền kinh tế số hóa.
Và cuối cùng, cần hướng công nghệ gắn đến phát triển xanh và tái tạo năng lượng. Rất cần động lực, định hướng của Chính phủ, như chi ngân sách vào xe điện...
Có thể bạn quan tâm
Thủ tướng "đối thoại 2045": Mãnh liệt Việt Nam
16:00, 06/03/2021
Thủ tướng "đối thoại 2045": Tầm nhìn về một Việt Nam hùng cường
14:51, 06/03/2021
Vận hội mới của đất nước nhìn từ Nghị quyết XIII: (Kỳ 1) Tầm nhìn phát triển đến năm 2045
04:30, 24/02/2021
HÀNH TRÌNH ĐỔI MỚI: Tầm nhìn 2045
04:50, 11/02/2021