Thủ tướng “đối thoại 2045”: Doanh nghiệp đề xuất "bình đẳng tiếp cận nguồn lực"
Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TPBank mong muốn các bộ, ngành cần thay đổi tư duy từ quản lý sang phục vụ doanh nghiệp, người dân.
Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TPBank,Chủ tịch Hội đồng sáng lập Tập đoàn DOJI nhớ lại 5 năm trước, cũng tại Hội trường Thống nhất này, ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội và quốc dân đồng bào, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc đối thoại, tọa đàm với cộng đồng doanh nghiệp vào đúng dịp kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/2016). Để rồi trong suốt 5 năm của nhiệm kỳ, Chính phủ, Thủ tướng đã miệt mài thực hiện đúng cam kết của mình, đó là xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Đại hội Đảng lần thứ XIII đã vạch ra các mục tiêu cụ thể cho các mốc năm 2025, năm 2030 và tới khi chúng ta kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào năm 2045 thì mục tiêu là đưa Việt Nam trở thành một nước phát triển, có nền công nghiệp hiện đại và thu nhập cao. Liên Hợp Quốc đã có tiêu chí để một quốc gia được coi là nước có thu nhập cao, là GDP bình quân đầu người trên 12.000 USD. Tại thời điểm năm 2020, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì quy mô nền kinh tế của Việt Nam đạt khoảng 343 tỷ USD, đứng tốp 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, đứng thứ 4 ASEAN và thu nhập bình quân đầu người 3.521 USD, đứng thứ 6 ASEAN.
Như vậy, chúng ta đặt mục tiêu 2025 GDP bình quân đầu người là 4.700 – 5.000 USD và năm 2030 là 7.500 USD, đến năm 2045 Việt Nam sẽ vượt qua mức 12.000 USD để trở thành nước có thu nhập cao. Nếu duy trì tốc độ tăng trưởng GDP liên tục giai đoạn 2020 – 2030 ở mức 6 – 6,5%, giai đoạn 2030 – 2045 ở mức 5,5 – 6%. Và theo tính toán của chúng tôi, nếu duy trì tốc độ tăng trưởng 6,2 – 6,5% trong năm 2030 – 2045, thu nhập bình quân đầu người là 16.500 USD.
Theo số liệu dự báo của Tổng cục Thống kê thì dân số của Việt Nam 2045 vào khoảng 107,79 triệu người. Như vậy, quy mô nền kinh tế Việt Nam vào năm 2045 vào khoảng 1.778 tỷ USD, tương đương Hàn Quốc vào năm 2018.
Như vậy, để đạt mục tiêu mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã vạch ra đến năm 2045 Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao thì cần có sự đổi mới quyết liệt và mạnh mẽ về thể chế, cần có sự phát triển mạnh mẽ về khoa học công nghệ, bứt phá về năng suất chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh và cần có sự trỗi dậy mạnh mẽ kỳ diệu của kinh tế tư nhân.
Đảng và Nhà nước đã đặt kinh tế tư nhân (KTTN) vào đúng vị thế và vai trò của KTTN theo hướng ngày càng tích cực. Đại hội X của Đảng năm 2006 xác định KTTN có vai trò quan trọng, Đại hội XI năm 2011 đánh giá KTTN là một động lực và Đại hội XIII nhìn nhận KTTN là một động lực quan trọng, là một trong 3 trụ cột của cả nền kinh tế cùng với KTNN, kinh tế tập thể, đầu tư nước ngoài.
Cuối năm 2019 theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì KTTN chiếm 42% GDP và đóng góp 30% thu ngân sách, quan trọng hơn nữa là khu vực KTTN đã tạo ra 85% việc làm cho nền kinh tế. Và đến năm 2030 theo dự báo thì KTTN sẽ chiếm 60% GDP trong tỷ trọng nền kinh tế.
Như vậy KTTN, doanh nghiệp tư nhân có sứ mệnh rất quan trọng và trách nhiệm nặng nề trong sự nghiệp phát triển kinh tế thực hiện mục tiêu đến năm 2030 và 2045
Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII đã nêu rõ, Thủ tướng đã nhiều lần nhấn mạnh tinh thần đổi mới cải cách và cởi trói cho kinh tế tư nhân, giải phóng mọi nguồn lực. Để làm được điều này, ông Đỗ Minh Phú cho rằng cần tập trung vào một số điểm cốt lõi và coi như là các từ khóa.
Chuyển từ tư duy quản lý sang phục vụ. Cụ thể, các bộ, ngành cần thay đổi tư duy khi làm chính sách, thực thi chính sách từ “quản lý”, quản lý doanh nghiệp, quản lý người dân sang tư duy “phục vụ”: phục vụ doanh nghiệp, phục vụ người dân. Các cơ quan công quyền cần ở tâm thế “tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, đồng hành cùng họ”, lấy sự hài lòng và thành công của cộng đồng doanh nghiệp và người dân là thước đo hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Trong nhận thức và đối xử, phải bình đẳng giữa DNTN và doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp FDI, không phân biệt, không kỳ thị trong đánh giá, trong nhìn nhận. Bình đẳng tiếp cận nguồn lực.
Không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, quan hệ dân sự, nếu làm đúng pháp luật thì phải bảo vệ doanh nghiệp, bảo vệ quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp theo hiến pháp, pháp luật.
Khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân thấy vinh dự, tự hào khi làm ra sản phẩm tốt, tạo công ăn việc làm có đóng góp lớn cho xã hội. Nhất quán trong nhìn nhận, đánh giá tôn vinh sự đóng góp vai trò của các doanh nghiệp tư nhân/ Hộ gia đình trong sự phát triển kinh tế tại địa phương và với đất nước.
Doanh nghiệp tư nhân ngày nay không chỉ còn tham gia những ngành thâm dụng lao động giản đơn mà họ đã thực hiện các công trình lớn, tham gia vào các công đoạn phức tạp trong công nghệ và đã có nhiều tập đoàn KTTN đã đảm nhận vai trò đầu tàu ở những lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế như: công nghiệp điện tử viễn thông, tự động hóa, ô tô, sắt thép, hóa chất, xi măng…
Vì vậy, nếu được trao cơ hội, các doanh nghiệp tư nhân chắc chắn sẽ hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ khó khăn mà mình được giao phó. "Tôi cho rằng, mọi vấn đề xung quanh vấn đề cơ chế, chính sách với KTTN đều có thể gói gọn trong 4 từ khóa này" - ông Phú nói.
Đối với doanh nghiệp tư nhân, ông Đỗ Minh Phú cho rằng cần chú trọng nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, nhanh chóng áp dụng công nghệ mới trong sản xuất, kinh doanh và quản lý. Một mặt, tri thức hóa đội ngũ doanh nhân và mặt khác, thương mại hóa các sản phẩm trí tuệ. Đây là cốt lõi của cụm từ đổi mới sáng tạo; Kinh doanh liêm chính; Đề cao và vun đắp tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, có ý chí vươn lên để góp phần xây dựng một quốc gia hùng cường, hưng thịnh
Chủ tịch TPBank kiến nghị cần đẩy nhanh việc xây dựng hạ tầng dữ liệu quốc gia (Data) để phục vụ chiến lược kinh tế số.
“Hiện nay nhiều nước trên thế giới, tất cả các tổ chức là nhà nước, doanh nghiệp hay các ngân hàng đều hướng tới mô hình tổ chức hoạt động dựa trên dữ liệu (Data driven organization). Đảng đã đặt mục tiêu kinh tế số chiếm 20% tỷ trọng của nền kinh tế năm 2020 và 30% năm 2030 thì việc xây dựng hạ tầng dữ liệu quốc gia (hạ tầng Data) là vô cùng quan trọng, bao gồm: Dữ liệu về con người (dân cư, bảo hiểm, y tế và sinh trắc học, nhân khẩu học); Dữ liệu về tổ chức, ngành, dữ liệu gắn với cơ quan, tổ chức, các hồ sơ hành chính về doanh nghiệp và dịch vụ công; dữ liệu ngành y tế cơ sở khám chữa bệnh, giá thuốc, theo dõi sức khỏe, ngành giáo dục, ngành nông nghiệp, ngành GTVT, quản lý đô thị cơ sở hạ tầng; Dữ liệu về tài nguyên môi trường: Môi trường, đất đai không gian địa lý, dữ liệu gắn với tài nguyên. Đồng thời, chúng ta cần có cơ chế chia sẻ dữ liệu giữa các tổ chức, doanh nghiệp và cả người dân theo nguyên tắc minh bạch, hiệu quả và bảo đảm quyền riêng tư cá nhân.
Theo ông Đỗ Minh Phú, trong trào lưu phát triển như vũ bão của Cách mạng công nghiệp 4.0, hệ thống luật pháp của tất cả các quốc gia đều không thể theo kịp bước tiến đó, đặc biệt hệ thống pháp luật của Việt Nam đang chồng chéo, không đồng bộ. Đây là lực cản cho việc áp dụng các mô hình kinh tế mới, các công nghệ, kỹ thuật mới làm thay đổi thậm chí đảo lộn trình tự, hình thức và mô hình kinh doanh hiện thời. Ví dụ như kinh tế trí thức, kinh tế chia sẻ trong dịch vụ vận tải, Grab, Uber hay trong cho thuê nhà ở làm khách sạn AirBnB, cho vay ngang hàng P2P.
Vì vậy cần có cơ chế thử nghiệm chính sách (Sandbox) để áp dụng trong phạm vi nhỏ, không gian vừa phải, có thời hạn để rút kinh nghiệm và có trải nghiệm thực tế. Vấn đề này cần có văn bản pháp quy để đưa cơ chế sandbox thực hiện càng nhanh càng tốt.
“Nhiều ý kiến đã nói đến yêu cầu cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách. Những năm qua Chính phủ đặt trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, những năm tới, tôi cho rằng, cần đặt trọng tâm là đổi mới thể chế phân bổ nguồn lực, xây dựng phát triển các thị trường nhân tố sản xuất, đặc biệt là thị trường quyền sử dụng đất, thị trường lao động, thị trường khoa học công nghệ và sở hữu trí tuệ”, ông Đỗ Minh Phú chia sẻ và bày tỏ khát vọng xây dựng một đất nước hùng cường, thịnh vượng, sánh vai các cường quốc năm châu hiện nay đang được thổi bùng và lan tỏa trong khắp cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Hùng cường, thịnh vượng và hạnh phúc từng là ước mơ cháy bỏng của dân tộc Việt Nam, của người người lớp lớp dân ta suốt hàng nghìn năm, nhưng chưa bao giờ ở gần chúng ta đến thế.
“Vì vậy, chúng tôi kính mong và kỳ vọng Thủ tướng, Chính phủ, các Bộ ngành tạo điều kiện tốt nhất để cho khát vọng đó được nuôi dưỡng lớn mạnh, bùng cháy ở tất cả hàng triệu doanh nghiệp tư nhân, để cho toàn thể đàn chim doanh nghiệp Việt từ các cánh chim đại bàng, sếu đầu đàn và các cánh chim khác cùng kết thành một đàn vượt qua mọi giông bão khó khăn, ấp ủ niềm tự hào xây dựng tổ quốc của chúng ta vào dịp 100 năm kỉ niệm thành lập nước, để Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, hùng cường và hưng thịnh, xứng danh con cháu Lạc Hồng” - ông Phú chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm