Dự kiến giảm giá 30%, điện mặt trời áp mái còn thu hút nhà đầu tư?

THY HẰNG 11/03/2021 05:00

Giá điện mặt trời áp mái mới dự kiến giảm xuống chỉ còn 5,2 - 5,8 cent/kWh, tương đương giảm 30% với từng loại công suất dự án, thay vì áp dụng "đồng giá" như trước.

Bộ Công thương đang xây dựng dự thảo cơ chế giá điện mặt trời áp mái mới, thay thế cho mức giá đang được quy định tại Quyết định 13/2020/QĐ-TTg đã hết hiệu lực từ 31/12/2020.

giá điện mặt trời áp mái sẽ giảm xuống chỉ còn 5,2 - 5,8 cent/kWh (tương đương giảm gần 30%) với từng loại công suất dự án.

Giá điện mặt trời áp mái sẽ giảm xuống chỉ còn 5,2 - 5,8 cent/kWh với từng loại công suất dự án.

Cụ thể, dự kiến từ mức 8,38 cent/kWh (theo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg), giá điện mặt trời áp mái sẽ giảm xuống chỉ còn 5,2 - 5,8 cent/kWh (tương đương giảm gần 30%) với từng loại công suất dự án, thay vì áp dụng "đồng giá" như trước.

Mức giá của từng dự án sẽ phụ thuộc vào quy mô công suất hệ thống lắp đặt, quy mô càng lớn giá sẽ càng thấp, khuyến khích hộ gia đình lắp đặt hơn các trang trại, khu nhà công nghiệp.

Dự thảo cũng quy định tỷ lệ tự dùng của các dự án này. Các bên mua lại điện từ các dự án cũng chỉ được phép mua một phần nhất định sản lượng điện phát, còn lại phía nhà sản xuất phải cam kết sử dụng.

Theo ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo nhận định, mức giá dự kiến còn 5,2 - 5,8 cent/kWh được xây dựng trên cơ sở cơ quan tư vấn nước ngoài nghiên cứu, đánh giá về sự thay đổi, phát triển của năng lượng tái tạo, giá thiết bị điện mặt trời ở Việt Nam và trên thế giới.

Đồng thời dựa trên các tính toán từ chi phí đầu tư, chi phí vận hành sửa chữa của hệ thống điện, chi phí lắp đặt, tính cả chi phí vay vốn, chi phí đấu nối và đời sống của dự án trong vòng 20 năm.

“Mức giá này đảm bảo hài hoà lợi ích của cả nhà đầu tư và đơn vị mua điện. Với mức giá này, nhà đầu tư đã có hiệu quả kinh tế. Còn Nhà nước cũng có lợi vì có được giá điện hấp dẫn, là điện sạch, môi trường sạch, góp phần cung cấp điện năng cho đất nước, giảm áp lực đầu tư lưới điện, truyền tải và phân phối điện”, ông Hoàng Tiến Dũng nhấn mạnh.

Bởi theo Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, trong thời gian vừa qua, giá thiết bị phục vụ cho việc lắp đặt điện mặt trời áp mái giảm nhanh, hiệu suất tấm pin cao hơn nhiều và cho nhiều điện hơn, nên mức giá này được tư vấn đánh giá vẫn mang lại hiệu quả cho nhà đầu tư và sản xuất một phần điện để bán lên lưới. Còn đối với nhà đầu tư - đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái phục vụ tiêu dùng thì giá này rẻ hơn nhiều so với giá mua điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

"Mục đích để phát triển đúng hướng, tức là khuyến khích người dân, doanh nghiệp lắp đặt để tự dùng, thay vì tình trạng ồ ạt lắp điện áp mái để hưởng giá cao khi đẩy hết công suất lên lưới", ông Hoàng Tiến Dũng nói.

 quy định tỷ lệ tự dùng của các dự án này

Các dự án điện mặt trời áp mái cũng bị quy định tỷ lệ tự dùng mà nhà sản xuất phải cam kết sử dụng.

Cũng liên quan tới điện mặt trời Bộ Công Thương vừa có công văn hoả tốc đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẩn trương thực hiện rà soát, tổng hợp các vấn đề liên quan đến phát triển điện mặt trời ở các địa phương và trên cả nước.

Theo đó, Bộ Công Thương đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổng hợp các dự án điện mặt trời được hưởng giá bán điện theo Quyết định số 13 của Thủ tướng Chính phủ; chỉ đạo các Tổng công ty điện lực, đơn vị điện lực tỉnh lập danh sách đối với các hệ thống điện mặt trời mái nhà có quy mô công suất từ 100 kWp trở lên đã đi vào vận hành, được áp dụng giá bán điện quy định tại Quyết định số 13 của Thủ tướng Chính phủ; xác nhận các hệ thống điện mặt trời mái nhà đảm bảo tuân thủ quy định về phát triển, đấu nối, công nhận ngày vận hành, ký hợp đồng mua bán điện và các quy định khác của pháp luật trong lĩnh vực điện lực và cung cấp danh sách hệ thống để tổng hợp.

Trên cở sở danh sách điện mặt trời mái nhà nêu trên, các đơn vị tổng hợp điện mặt trời mái nhà trên toàn quốc; nghiên cứu, đề xuất giải pháp vận hành có hiệu quả nhằm hạn chế tối đa việc cắt giảm nguồn điện mặt trời đã đưa vào vận hành, hạn chế tối đa thiệt hại kinh tế của các nhà đầu tư.

Trên thực tế, Bộ Công Thương dự kiến có 1,3 tỉ kWh điện năng lượng tái tạo sẽ bị cắt giảm trong năm 2021, trong đó hơn 500 triệu kWh cắt giảm do thừa nguồn điện mặt trời vào buổi trưa và quá tải đường dây 500kV.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo Bộ Công thương, các địa phương và EVN rà soát các vấn đề liên quan đến phát triển điện mặt trời, đồng thời yêu cầu thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra về phát triển điện mặt trời mái nhà tại các địa phương, các công ty điện lực..., kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm các sai phạm, nhất là các hành vi trục lợi chính sách trong triển khai điện mặt trời áp mái.

Có thể bạn quan tâm

  • Điện mặt trời kêu cứu vì... “thừa điện”

    11:00, 25/02/2021

  • Xử lý nghiêm sai phạm trong phát triển điện mặt trời

    23:55, 18/02/2021

  • Rà soát, thanh tra về điện mặt trời mái nhà

    11:00, 18/02/2021

  • Thời hạn giá FiT lộ rõ nhược điểm của quy hoạch điện mặt trời

    05:00, 15/01/2021

THY HẰNG