Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Phát triển năng lượng tái tạo cần tính đến dự trữ điện

THY HẰNG 11/03/2021 19:08

Theo đó, phát triển năng lượng tái tạo cần tính đến vấn đề dự trữ điện, đảm bảo an toàn vận hành của toàn hệ thống, quy mô công suất nguồn.

Tại cuộc họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch điện VIII, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, điện năng có vai trò quan trọng, yếu tố mang tính quyết định trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đây là lần thứ 3 cơ quan chủ trì soạn thảo gửi Dự thảo để Bộ Công Thương  xin ý kiến rộng rãi.

Đây là lần thứ 3 cơ quan chủ trì soạn thảo gửi Dự thảo để Bộ Công Thương  xin ý kiến rộng rãi.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Quy hoạch điện VII đã nhiều lần điều chỉnh để đảm bảo an ninh năng lượng, góp phần phát triển ngành điện và kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, việc thực hiện quy hoạch điện VII có những bất cập, hạn chế và gặp nhiều khó khăn; cơ cấu nguồn điện thay đổi, nhiều dự án điện chậm tiến độ hoặc không thực hiện được; những vấn đề về bảo vệ môi trường,... Quy hoạch điện VII có tầm nhìn đến 2030, do đó chúng ta cần có tầm nhìn dài hạn hơn. Vấn đề tiếp theo là thực hiện Luật Quy hoạch mới nên cần phải xây dựng quy hoạch điện bài bản hơn, toàn diện, sát hơn, đáp ứng điều kiện phát triển...

"Việc xây dựng, hoàn thiện và sớm phê duyệt Quy hoạch điện VIII là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng để huy động nguồn lực, phát triển bền vững ngành điện, cung ứng đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng, bảo đảm an ninh năng lượng", Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, Việt Nam hiện đang khai thác hiệu quả phần lớn tiềm năng thuỷ điện, không còn nhiều dư địa để phát triển thêm. Yêu cầu đặt ra với các dự án thuỷ điện trong thời gian tới là phải vận hành gắn với bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường.

“Cơ cấu ngành điện có sự thay đổi cơ bản, theo hướng tăng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo đó, các nguồn năng lượng điện mặt trời, gió cần được tiếp tục ưu tiên phát triển bởi đây là nguồn tài nguyên đặc biệt lớn của đất nước. Vấn đề đặt ra là các nguồn năng lượng này không thực sự ổn định, thời gian phát điện tập trung vào một số thời điểm trong ngày, do đó rất cần thiết phải hình thành và duy trì các nguồn điện nền ổn định của cả hệ thống.

Phó Thủ tướng lưu ý, phát triển năng lượng tái tạo cần tính đến vấn đề dự trữ điện, đảm bảo an toàn vận hành của toàn hệ thống, quy mô công suất nguồn. Không gian bố trí các dự án điện gần nguồn phụ tải để giảm chi phí cho đường dây truyền tải.

Theo Quy hoạch điện VIII, cơ cấu điện than ngày càng giảm trong tổng công suất nguồn. Tuy nhiên, đây vẫn là nguồn năng lượng đặc biệt quan trọng, là một trong những nguồn điện nền của cả hệ thống.

Dự thảo quy hoạch điện VIII, điện thương phẩm thấp hơn so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh khoảng 15 tỷ kWh vào năm 2030.

Dự thảo quy hoạch điện VIII, điện thương phẩm thấp hơn so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh khoảng 15 tỷ kWh vào năm 2030.

Về kế hoạch triển khai, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, quy hoạch cần tính toán đến bố trí nguồn vốn một cách phù hợp, đưa vào danh mục những dự án có thể sớm khai thác trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng đề nghị các thành viên Hội đồng thẩm định quy hoạch điện VIII khẩn trương góp ý kiến vào đề án; các chuyên gia phản biện làm việc tích cực, sớm có báo cáo phản biện. Bộ Công Thương nhanh chóng tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện Đề án để sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

"Quy hoạch điện VIII chắc chắn sẽ tạo ra bước đổi mới quan trọng, là cơ sở, nền tảng để huy động các nguồn lực, đầu tư phát triển ngành điện, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, là công cụ kiểm soát, quản lý hiệu quả, bền vững, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia", Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.

Theo Dự thảo quy hoạch điện VIII, điện thương phẩm thấp hơn so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh khoảng 15 tỷ kWh vào năm 2030. Tỉ trọng nhu cầu điện sẽ có sự dịch chuyển từ miền Nam ra miền Bắc, đây là yếu tố mới của Quy hoạch điện VIII.

Quy hoạch điện VIII cũng sẽ ưu tiên khai thác các nguồn năng lượng tái tạo sử dụng cho phát điện. Giai đoạn tới 2030, tiếp tục khai thác mạnh các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là các nguồn gió ngoài khơi xa bờ, các nguồn điện sinh khối và năng lượng tái tạo khác...

Dự thảo cũng đưa ra quy hoạch phát triển lưới điện thành 6 vùng lớn và 19 tiểu vùng. Trước năm 2030, giữa các vùng sẽ được liên kết bằng nhiều đường dây 500 kV. Sau năm 2030, sẽ xuất hiện thêm các đường dây truyền tải điện 1 chiều để giải tỏa công suất các cụm nguồn điện lớn, các nguồn điện gió xa bờ về các trung tâm phụ tải.

Về vốn đầu tư thực hiện Quy hoạch điện VIII, giai đoạn 2021-2030 cần khoảng 128,3 tỷ USD, trong đó cho nguồn điện là 95,4 tỷ USD và cho lưới điện khoảng 32,9 tỷ USD. Giai đoạn 2031-2045 cần khoảng 192,3 tỷ USD, trong đó cho nguồn khoảng 140,2 tỷ USD và cho lưới khoảng 52,1 tỷ USD.

Đề án cũng đề ra 3 nhóm cơ chế để thực hiện Quy hoạch điện VIII gồm cơ chế trong đầu tư phát triển điện lực, cơ chế thu hút vốn đầu tư, huy động vốn và cơ chế đảm bảo vận hành hệ thống điện và thị trường điện khi tích hợp cao nguồn năng lượng tái tạo. Ngoài ra, 13 giải pháp liên quan tới việc chỉnh sửa các văn bản quy phạm pháp luật, giải pháp về nguồn vốn, giá điện, bảo vệ môi trường, khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, tổ chức,... cũng được đề cập trong Đề án.

Có thể bạn quan tâm

  • Dự thảo Quy hoạch Điện VIII (kỳ 6): Khả năng nhập khẩu điện từ các nước láng giềng

    05:00, 04/03/2021

  • Dự thảo Quy hoạch Điện VIII (kỳ 5): Áp dụng công nghệ 4.0 trong truyền tải

    04:00, 01/03/2021

  • Dự thảo Quy hoạch Điện VIII (Kỳ 4): Cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư

    04:40, 26/02/2021

  • Dự thảo Quy hoạch Điện VIII (Kỳ 3): Nguy cơ mất cân đối điện vùng miền

    04:30, 25/02/2021

  • Dự thảo Quy hoạch Điện VIII: (Kỳ 2) Khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo lên tới 44%

    16:00, 24/02/2021

  • Dự thảo Quy hoạch điện VIII: (Kỳ 1) Biểu giá bán lẻ điện có gì mới?

    11:00, 24/02/2021

THY HẰNG