TP.HCM: Không để xảy ra tình trạng “ngâm” hồ sơ, nhũng nhiễu doanh nghiệp
Đó là khẳng định của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong tại Hội nghị sơ kết 3 năm hoạt động của Tổ công tác về đầu tư của TP.HCM diễn ra mới đây.
Theo bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, sau 3 năm thành lập, Tổ công tác về đầu tư của UBND TP.HCM đã kết luận hướng dẫn xử lý vướng mắc cho 92 dự án. Trong đó, có 51 dự án bất động sản, 21 dự án liên quan phát triển hạ tầng kỹ thuật, giao thông, 18 nội dung liên quan đến phát triển hạ tầng xã hội, phục vụ người dân và 2 dự án liên quan đến hoạt động sản xuất.
Với sự quyết liệt của UBND TP.HCM, Tổ công tác về đầu tư đã tập trung tháo gỡ vướng mắc cho 35 dự án với tổng mức đầu tư hơn 320.000 tỉ đồng, đến nay cơ bản thực hiện xong nội dung chỉ đạo, các khó khăn đã được tháo gỡ, đang triển khai thực hiện các bước đầu tư tiếp theo.
Đối với 57 dự án còn lại, các cơ quan chức năng đang cần đánh giá lại pháp lý, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn lấy ý kiến hướng dẫn của các bộ ngành hoặc xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng để củng cố hồ sơ pháp lý, làm cơ sở tiếp tục triển khai dự án.
Mặc dù đã tháo gỡ được nhiều dự án nhưng tại Hội nghị nhiều doanh nghiệp than phiền về các thủ tục tại TP.HCM làm quá chậm. Ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp cơ khí, điện TP.HCM cho biết, một số doanh nghiệp cơ khí thuộc Hội đã được cấp phép đầu tư vào khu công nghệ cao từ năm 2017 và 2018. Tuy nhiên, giấy phép xây dựng cấp chậm nên doanh nghiệp chưa thể khởi công làm dự án.
Tương tự, ông Trần Việt Anh - Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM cũng phản ánh, các thủ tục giấy tờ khi đầu tư vào khu công nghiệp ở TP.HCM vẫn làm rất chậm. Ông dẫn ví dụ, doanh nghiệp đầu tư vào Khu công nghiệp Hiệp Phước để làm xong các thủ tục mất khoảng 2-3 năm. Trong khi cùng thời gian đó, doanh nghiệp đầu tư ở các tỉnh lân cận thì đã khởi công xây nhà máy.
Để thu hút được các nhà đầu tư vào TP.HCM, ông Trần Việt Anh kiến nghị, Thành phố cần có dữ liệu về các doanh nghiệp đầu tư từ 5 -10 năm qua ở Thành phố để có chính sách hỗ trợ trong đầu tư. Đặc biệt, TP.HCM cần phát triển các khu công nghiệp chuyên ngành, sử dụng công nghệ mới, lao động trình độ cao để thu hút các tập đoàn lớn đến đầu tư.
Sau khi nghe phản ánh của các doanh nghiệp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, việc Thành phố tổ chức hội nghị này mong muốn gửi thông điệp đến nhà đầu tư rằng chính quyền Thành phố luôn cầu thị, mong muốn giải quyết các khó khăn của các doanh nghiệp, nhà đầu tư bằng hành động thực chất, cụ thể.
Ông Nguyễn Thành Phong khẳng định, Tổ công tác đầu tư là mô hình đầu tiên của cả nước, thành lập để đẩy nhanh tiến độ và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các dự án trên địa bàn Thành phố.
Người đứng đầu chính quyền TP.HCM giao Sở Kế hoạch và Đầu tư thường xuyên rà soát những khó khăn, vướng mắc của các dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm của Thành phố để tổng hợp, tham mưu đề xuất đưa vào chương trình làm việc của Tổ công tác đầu tư. Theo dõi chặt chẽ việc tổ chức thực hiện kết luận của Tổ công tác đầu tư, không để chậm trễ các nhiệm vụ, các công việc đã có kết luận, có thời hạn, thời hiệu. Trường hợp phát sinh khó khăn mới vượt thẩm quyền, báo cáo ngay để Tổ công tác đầu tư chỉ đạo xử lý.
Cùng với đó, bổ sung Kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư của Thành phố năm 2021 như: Nếu quá 15 ngày làm việc, cơ quan được lấy ý kiến không trả lời bằng văn bản thì xem như đồng ý và phải chịu trách nhiệm về các nội dung có liên quan. Thực hiện thanh tra, kiểm tra theo đúng quy định của pháp luật (không quá một lần/năm); kết hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành nhiều nội dung trong một đợt thanh tra, kiểm tra, trừ trường hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật rõ ràng. Khi cần yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ thì thông báo một lần bằng văn bản cho doanh nghiệp, nhà đầu tư về toàn bộ các nội dung cần phải sửa đổi, bổ sung đối với mỗi bộ hồ sơ theo đúng tinh thần Nghị quyết số 35 của Chính phủ.
Bên cạnh đó, TP.HCM sẽ nghiên cứu giảm ít nhất 30% thời gian xử lý kiến nghị của doanh nghiệp so với quy trình cơ quan, đơn vị đang thực hiện. Trên 60% số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính của TP.HCM đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cũng giao Trung tâm xúc tiến Thương mại và Đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công thương thường xuyên tổ chức các hội nghị gặp gỡ với doanh nghiệp theo nguyên tắc tiếp xúc từng hội đồng ngành kinh tế để lắng nghe ý kiến góp ý đối với môi trường đầu tư kinh doanh của Thành phố, cũng như các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ. Quyết liệt, đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp cho đến khi dự án đi vào hoạt động. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “ngâm” hồ sơ, nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp khi liên hệ giải quyết công việc.
“Chính quyền Thành phố luôn cầu thị, mong muốn giải quyết mọi khó khăn chính đáng của doanh nghiệp bằng những hành động thực chất, cụ thể để có thêm nhiều dự án được tháo gỡ thông qua cơ chế hoạt động của Tổ công tác đầu tư, góp phần xây dựng môi trường đầu tư Thành phố ngày càng minh bạch, thông thoáng” - Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
“Thông” vốn cho hạ tầng giao thông TP.HCM
15:53, 19/03/2021
“Lên đời” 5 huyện, chuyên gia lo ngại TP.HCM sốt đất
08:30, 19/03/2021
TP.HCM "cởi trói" cho 61 dự án bất động sản
05:05, 18/03/2021
Năm 2030, TP.HCM sẽ không còn "huyện" hành chính
07:04, 16/03/2021
TP.HCM – Long An: Ưu tiên đầu tư 6 dự án hạ tầng giao thông để giữ ngắn khoảng cách
02:14, 16/03/2021