Khảo sát tiền lương 2.000 doanh nghiệp xem xét điều chỉnh lương tối thiểu vùng 2022

THY HẰNG 24/03/2021 11:00

Bộ LĐTB&XH sẽ khảo sát về tiền lương làm cơ sở điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2022, bài toán này cần sự tính toán hợp lí, đảm bảo sự hài hòa cho cả doanh nghiệp và người lao động. 

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, từ ngày 1/4 tới, cơ quan này sẽ tiến hành khảo sát tại 2.000 doanh nghiệp thuộc 18 tỉnh, thành phố để thu thập thông tin về tình hình lao động, tiền lương làm cơ sở cho việc đề xuất điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2022.

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, từ ngày 1/4 tới, cơ quan này sẽ tiến hành khảo sát tại 2.000 doanh nghiệp thuộc 18 tỉnh, thành phố để thu thập thông tin về tình hình lao động, tiền lương làm cơ sở cho việc đề xuất điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2022.

Từ ngày 1/4  LĐTB&XH khảo sát tại 2.000 doanh nghiệp thuộc 18 tỉnh, thành phố về tình hình lao động, tiền lương làm cơ sở cho việc đề xuất điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2022.

Điều chỉnh lương tối thiểu vùng gây khó cho doanh nghiệp

Trong đó, 3 tỉnh có số doanh nghiệp được khảo sát nhiều nhất là: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng với số lượng 150 doanh nghiệp/thành phố.

Ngoài tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nội dung khảo sát còn bao gồm việc thực hiện một số nội dung của Bộ luật Lao động về hợp đồng lao động, thỏa ước lao động; tình hình lao động, tiền lương của doanh nghiệp; ý kiến của doanh nghiệp về mức điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng dự kiến năm 2022. Việc điều tra sẽ được thực hiện từ ngày 1/4 và kéo dài trong 60 ngày.

Cũng liên quan tới tiền lương tối thiểu, trong dự thảo Báo cáo Chính phủ về tiền lương tối thiểu trong năm 2021 đang được lấy ý kiến, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng, trong năm 2020, do tác động của dịch Covid-19, Hội đồng Tiền lương quốc gia quyết định lựa chọn phương án khuyến nghị Chính phủ không điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2021.

Đồng tình với quan điểm này, nhiều Hiệp hội doanh nghiệp và các doanh nghiệp cho biết, thời điểm hiện nay, "sức khỏe" của cộng đồng doanh nghiệp đang ở mức kém lạc quan nhất và rất mong manh, do đó, việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng là không phù hợp.

“Năm 2021 vẫn tiếp tục là năm khó khăn, xuất khẩu toàn ngành dệt may sẽ không quá 38 tỷ USD, tức là chưa hồi phục được về mức xuất khẩu năm 2019. Thậm chí, tác động của dịch tới ngành còn kéo dài tới năm 2022”, ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết.

Đặc biệt, theo tính toán của Hội đồng Tiền lương quốc gia, với dự báo CPI năm 2020 tăng 4% thì mức lương tối thiểu hiện hành đã cao hơn mức sống tối thiểu 1,51%. Thực tế CPI năm 2020 chỉ tăng 3,23% nên mức lương tối thiểu còn cao hơn mức sống tối thiểu tới 2,28%.

Ngoài ra, do tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế, việc tăng tiền lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, những người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước cũng đã phải lùi thời hạn 1 năm sang giữa năm 2022.

Do đó, không chỉ đại diện Hiệp hội Dệt may, tất cả các Hiệp hội Da giày – túi xách, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản,...đều thống nhất đồng tình với việc không điều chỉnh mức lương tối thiểu năm 2021. Tiếp tục áp dụng mức lương tối thiểu theo quy định hiện hành tại Nghị định số 90/2019/NĐ-CP ngày 15/11/2019 của Chính phủ cho đến khi có thông báo mới. 

Không thể lấy thời điểm tăng lương từ 1/7

Trước đó, tại buổi làm việc với Thủ tướng vào đầu năm 2021, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị Chính phủ xem xét tăng lương tối thiểu vùng năm 2021 từ ngày 1/7 thay vì hoãn không tăng lương cả năm 2021. Mức tăng cụ thể tùy tình hình kinh tế - xã hội, “sức khỏe” doanh nghiệp. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đề xuất Chính phủ từ năm 2022 điều chỉnh thời điểm tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7 hằng năm thay vì ngày 1/1 như hiện nay. 

Tuy nhiên, các Hiệp hội doanh nghiệp và Bộ LĐTB&XH tiếp tục “bác” đề xuất này. Theo đó, Bộ luật Lao động hiện không ấn định thời điểm điều chỉnh lương tối thiểu cụ thể mà chỉ quy định các yếu tố làm căn cứ điều chỉnh lương tối thiểu vùng.

Cạnh đó, đa số các quốc gia lựa chọn thời điểm điều chỉnh lương tối thiểu trùng với thời điểm bắt đầu năm tài chính để tạo thuận tiện cho việc lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Năm tài chính của Việt Nam bắt đầu từ ngày 1/1 và kết thúc vào ngày 31/12. Theo đó, việc Việt Nam lựa chọn thực hiện điều chỉnh lương tối thiểu vào thời điểm 1/1 như hiện nay là phù hợp với thông lệ quốc tế.

Ngoài ra, khi Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng vào ngày 1/1 thì các doanh nghiệp và tổ chức đại diện người lao động, người lao động cũng đồng thời tiến hành thương lượng để điều chỉnh các chính sách lương, thưởng và xác lập các điều kiện lao động mới. Thực tế thời gian qua các doanh nghiệp đều thực hiện theo xu hướng này, qua đó tình hình quan hệ lao động trong các doanh nghiệp được duy trì khá ổn định.

“Nếu chuyển thời điểm điều chỉnh lương tối thiểu vùng sang 1/7, khi đó doanh nghiệp và người lao động, tổ chức đại điện người lao động có thể phải nhiều lần thương lượng để thay đổi chính sách. Điều đó dễ dẫn đến phát sinh những bất đồng, ảnh hưởng không tốt tới sự ổn định quan hệ lao động trong doanh nghiệp…”, Bộ LĐ-TB&XH phân tích thêm. 

Các doanh nghiệp nhấn mạnh, tiếp tục duy trì thời điểm điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trùng với thời điểm bắt đầu năm tài chính (ngày 1/1) như thời gian vừa qua để phù hợp với kế hoạch tài chính, kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời hạn chế những bất đồng, ảnh hưởng không tốt tới sự ổn định quan hệ lao động trong doanh nghiệp.

Có thể bạn quan tâm

  • Đề xuất tăng lương tối thiểu 2021 dựa vào "xuất khẩu tăng" là sai lầm!

    04:30, 08/03/2021

  • Hàng loạt Hiệp hội doanh nghiệp đề nghị không điều chỉnh lương tối thiểu vùng 2021

    12:27, 06/03/2021

  • Lương tối thiểu vùng 2021: Đa số thành viên Hội đồng tán thành phương án không điều chỉnh

    00:13, 06/08/2020

  • Lương tối thiểu vùng 2021: “Nếu không tăng lương, doanh nghiệp cần bảo đảm việc làm cho lao động”

    10:55, 05/08/2020

  • Lương tối thiểu vùng 2021: Khó điều chỉnh tăng khi doanh nghiệp đang gặp “bão dịch” lần 2

    10:52, 05/08/2020

THY HẰNG