Nguồn lực nào cho xây dựng 5.000 km đường cao tốc?
Bên cạnh cơ chế bố trí trước nguồn vốn để giải phóng mặt bằng, Quy hoạch lần này cũng đưa ra cơ chế chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư kỳ vọng thu hút vốn xã hội vào hạ tầng.
Bộ GTVT đang hoàn thiện để sớm trình Chính phủ Quy hoạch GTVT 10 năm tới (2021-2030), tầm nhìn 2050. Trong đó, đường bộ cao tốc được xác định có vai trò chủ lực kết nối 5 chuyên ngành.
Nhiều vướng mắc "cản đường"
Mục tiêu đột phá trong giai đoạn tới được xác định là phát triển đường cao tốc, theo đó, đến năm 2030 có 5.000 km đường cao tốc. Cụ thể, các dự án ưu tiên đầu tư sẽ nối thông cao tốc từ Lạng Sơn đến Cà Mau. Đồng thời, sẽ có các trục cao tốc kết nối với cảng biển quốc tế, tập trung cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ.
Quy hoạch cũng đề xuất hoàn thiện các vành đai đô thị của các thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM để kết nối các trung tâm đô thị với các vùng kinh tế trọng điểm.
Bên cạnh đó là hạ cấp hơn 2.000 km đường quốc lộ xuống thành đường địa phương. Giai đoạn vừa qua, số tuyến đường tỉnh được nâng lên thành quốc lộ quá lớn, một số tiêu chí quốc lộ không đạt nên chuyển về cho địa phương quản lý. Hệ thống quốc lộ đảm bảo nâng cấp lên từ 2 - 4 làn xe đối với các trục kết nối có tính lan tỏa.
Quy hoạch lần này đã rà soát lại kết nối, các tuyến quốc lộ, cao tốc sẽ được kết nối với cảng, cụm cảng chính như cảng quốc tế và cảng đường thủy nội địa mang tính chất thu gom hàng hóa của vùng và từng tỉnh, thành.
Trên thực tế, cách đây gần 10 năm, năm 2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 356 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển GTVT đường bộ đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Trong đó, Chính phủ đặt mục tiêu nhanh chóng phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc, để đến năm 2020, cả nước có khoảng 2.018km.
Thời điểm đó, ngoài 167 km đường cao tốc đã hoàn thành gồm TP HCM - Trung Lương, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Liên Khương - Đà Lạt, Vành đai 3 Hà Nội đoạn cầu Phù Đổng - Mai Dịch, Đại lộ Thăng Long, Chính phủ đặt ra mục tiêu giai đoạn từ năm 2013 - 2020 hoàn thành 1.852 km mới. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của Bộ GTVT, tính đến hết năm 2020, cả nước có khoảng 1.259km đường cao tốc đưa vào khai thác, đạt khoảng 57,6% so với quy hoạch.
Đại diện Tổng công ty Thiết kế GTVT -TEDI - đơn vị lập dự án quy hoạch cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn tới kết quả thực hiện không đáp ứng theo quy hoạch đề ra.
Trong đó, yếu tố cốt lõi là thiếu nguồn kinh phí đầu tư. Tổng nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2011 - 2020 theo quy hoạch của hệ thống đường bộ cần khoảng 1.100.000 tỷ đồng, nhưng thực tế nguồn vốn bố trí từ ngân sách và huy động xã hội hóa chỉ đạt khoảng 573.000 tỷ đồng, đạt khoảng 51% so với nhu cầu.
Cùng với đó, nhiều dự án thiếu mặt bằng để triển khai, kéo dài nhiều năm, thậm chí có những dự án đến khi hoàn thành vẫn còn vướng mặt bằng. Bên cạnh đó, một số dự án cao tốc được đề xuất triển khai theo hình thức đối tác công tư (PPP) nhưng việc cam kết nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương và địa phương chưa rõ ràng dẫn tới không tìm được nhà đầu tư.
Cũng có trường hợp những tỉnh, thành xin cao tốc về để địa phương thực hiện nhưng vì quá nhiều khó khăn, vướng mắc, không làm được lại đề xuất chuyển về Bộ GTVT, kéo dài thời gian triển khai đầu tư.
Giải phóng mặt bằng đi trước một bước
Do đó, để đạt được mục tiêu có 5.000 km đường cao tốc vào năm 2030 theo Quy hoạch lần này, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, sẽ có những cơ chế chính sách đột phá trong đầu tư phát triển đường cao tốc.
Cụ thể, Bộ GTVT đưa ra các cơ chế có tính thực tiễn để thực hiện đầu tư nâng cấp đưa các tuyến quốc lộ hiện hữu vào tiêu chuẩn và lấy đường cao tốc làm khâu đột phá cho đường bộ.
“Đầu tư đường cao tốc cần nguồn lực ban đầu rất lớn. Nếu dùng ngân sách Nhà nước để thực hiện mục tiêu đặt ra và kỳ vọng thành công sẽ không thực hiện được. Vì vậy, Bộ GTVT xác định cơ chế, chính sách để huy động các nguồn lực trong và ngoài nước”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhấn mạnh.
Mục tiêu đến năm 2025, cơ bản xây dựng xong các tuyến đường vành đai các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM. Bên cạnh đó, hoàn chỉnh hệ thống đường cao tốc phía Đông.
“Để đạt được mục tiêu này, đối với đường vành đai quy hoạch phân định rõ đường vành đai nào địa phương phải đầu tư, đường vành đai nào Trung ương sẽ đầu tư. Đồng thời, sẽ có cơ chế giữa Trung ương và địa phương để đầu tư các tuyến đường vành đai, nhất là trong giải phóng mặt bằng”, Thứ trưởng Bộ GTVT nhấn mạnh.
Thứ trưởng phân tích, đơn cử, TP HCM nếu không xây dựng được đường Vành đai 3, 4 thì thành phố này sẽ luôn ùn tắc. Điều này sẽ không lan tỏa được sự phát triển kinh tế - xã hội của TP HCM xuống khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh lân cận khi không có các trục cao tốc hướng tâm để kết nối vào đường Vành đai 3, 4 của thành phố.
Với Hà Nội, dù đã có đường Vành đai 3, nhưng đường Vành đai 4 chưa xây dựng xong và đường Vành đai 5 chưa được triển khai. Vì vậy, cần tập trung kết hợp giữa ngân sách Trung ương và địa phương, chia sẻ từng phần việc để đầu tư thành công các tuyến vành đai này.
Quy hoạch cũng sẽ tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách để huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển giao thông.
Kinh nghiệm thời gian quan cho thấy, nếu dự án nào giải phóng mặt bằng sạch ngay từ ban đầu, tiến độ xây dựng sẽ rất nhanh.
“Quy hoạch lần này đưa ra cơ chế bố trí trước nguồn vốn để giải phóng mặt bằng. Khi có mặt bằng sạch mới triển khai xây lắp, tránh trường hợp kéo dài thời gian dự án”, Thứ trưởng Lê Đức Thọ cho biết.
Đặc biệt, ngoài vốn ngân sách, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết có thể huy động các nguồn lực khác. Trong đó, nhấn mạnh tới cơ chế khuyến khích huy động nguồn vốn ngoài ngân sách, nhất là hình thức PPP. “Tuy chúng ta đã có Luật PPP nhưng trong quá trình đàm phán đã nảy sinh một số vấn đề khiến nhà đầu tư chưa mặn mà, nhất là đối với giao thông đường bộ. Quy hoạch lần này sẽ khắc phục bằng việc đưa ra quan điểm rõ ràng về việc Nhà nước cùng chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư”, Thứ trưởng Bộ GTVT nói.
Bên cạnh đó, trách nhiệm của ngân hàng, bảo hiểm, Nhà nước trong đảm bảo điều kiện hợp đồng với nhà đầu tư cũng được tính đến để đảm bảo tính khả thi. Theo Thứ trưởng Bộ GTVT, điều này sẽ loại bỏ được tình trạng lâu nay cơ quan Nhà nước ký hợp đồng với nhà đầu tư nhưng ngân hàng, bảo hiểm đứng ngoài cuộc. Lần này sẽ có sự ràng buộc trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi và bình đẳng giữa 4 bên là Nhà nước, nhà đầu tư, ngân hàng, bảo hiểm.
Có thể bạn quan tâm
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Phải có ít nhất 5.000 km cao tốc
12:25, 30/09/2020
Hai “ông lớn” cao tốc vốn nhà nước chính thức “về một nhà”
15:17, 30/03/2021
Dự án Cao tốc Bắc Nam đoạn qua tỉnh Thanh Hóa gặp khó khăn về vật liệu và bãi thải
15:00, 29/03/2021
Giải bài toán thiếu vật liệu làm cao tốc Bắc – Nam
03:30, 28/03/2021