Liên kết phát triển dịch vụ logistics Hải Phòng

NHÓM PHÓNG VIÊN 23/04/2021 08:30

Hội nghị "Liên kết phát triển dịch vụ logistics Hải Phòng" đóng góp những ý kiến giúp UBND TP Hải Phòng xây dựng một chính sách phát triển ngành logistics hiệu quả, bền vững.

Được sự đồng ý của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và UBND TP Hải Phòng, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Sở Công Thương Hải Phòng và Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam tổ chức Hội nghị “Liên kết phát triển dịch vụ logistics Hải Phòng” vào sáng ngày 23/4 tại TP Hải Phòng.

Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với UBND TP Hải Phòng, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam tổ chức Hội nghị “Liên kết phát triển dịch vụ logicstics Hải Phòng” vào sáng ngày 23/4 tại TP Hải Phòng.

Hội nghị “Liên kết phát triển dịch vụ logistics Hải Phòng” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và UBND TP Hải Phòng chỉ đạo, do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Sở Công Thương Hải Phòng và Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam tổ chức sáng ngày 23/4.

Hải Phòng có vị trí địa lý thuận lợi là cửa chính ra biển của cả khu vực phía Bắc, có vị trí chiến lược, đóng vai trò đặc biệt quan trọng để phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả miền Bắc, trong hợp tác "Hai hành lang - Một vành đai kinh tế" giữa Việt Nam - Trung Quốc và hội nhập với khu vực, quốc tế.

TP Hải Phòng còn là địa bàn có mối quan hệ chiến lược với các cực tăng trưởng lớn trong vùng Đông Á và Đông Nam Á; có hệ thống cảng với lưu lượng hàng hóa thông qua lớn nhất khu vực phía Bắc và đứng thứ hai toàn quốc. Năm 2020, sản lượng hàng hóa thông qua cảng trên địa bàn thành phố đạt gần 143 triệu tấn, tăng 10,58% so với cùng kỳ năm 2019.

Hải Phòng với hệ thống hạ tầng giao thông khá đồng bộ với Cảng cửa ngõ quốc tế, Cảng hàng không quốc tế Cát Bi; đường ôtô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; hệ thống đường sắt quốc gia, đường thủy nội địa phù hợp với phương thức vận tải thương mại quốc tế, TP Hải Phòng hoàn toàn đủ điều kiện để có thể phát triển thành trung tâm logistics quốc tế.

Những năm qua, TP Hải Phòng luôn chú trọng đầu tư, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng. Trong đó, hạ tầng logistics như: đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện, đường cao tốc Hải Phòng - Hạ Long, cao tốc ven biển Ninh Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh, đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đã và đang được đầu tư xây dựng, nâng cấp đồng bộ.

Hệ thống hạ tầng hỗ trợ logistics của Hải Phòng cũng được đầu tư khá bài bản với những bãi container, kho ngoại quan, kho CFS và lực lượng các loại hình vận tải đa phương thức rất phong phú…

Đặc biệt, Hải Phòng có lợi thế cảng biển với cảng nước sâu Lạch Huyện được xem là “cái rốn” của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, đó là nguồn động lực cho ngành dịch vụ logistics phát triển.

Theo định hướng quy hoạch phát triển dịch vụ logistics của TP Hải Phòng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, TP Hải Phòng sẽ phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ trong chuỗi logistics, nhằm nâng cao giá trị dịch vụ logistics đối với mỗi tấn hàng hóa thông qua các cảng.

Cụ thể, giai đoạn 2020 - 2030, TP Hải Phòng xây dựng 17 loại hình dịch vụ trong chuỗi hoạt động logistics bao gồm: xếp dỡ, kho bãi hỗ trợ vận tải biển, kho bãi hỗ trợ mọi phương thức vận tải, chuyển phát, đại lý vận tải, đại lý thủ tục hải quan, dịch vụ khác, hỗ trợ bán buôn, vận tải dịch vụ biển, vận tải dịch vụ đường thủy nội địa, đường sắt, hàng không, vận tải đa phương thức, kiểm định, dịch vụ hỗ trợ vận tải…

Mục tiêu đã đề ra, tuy nhiên, ngành cung ứng dịch vụ logistics Hải Phòng đang gặp những rào cản cho sự phát triển. Trong đó, công tác liên kết trong cộng đồng doanh nghiệp logistics cũng như liên kết trong vùng chưa mạnh… Hệ thống các doanh nghiệp như cảng biển, kho bãi, vận tải còn nhỏ lẻ, hoạt động manh mún, tự phát, chưa tìm được tiếng nói chung dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, giảm hiệu quả tổng thể, chưa chuỗi cung ứng lạnh. Hải Phòng cũng chưa có những đội tàu vận tải biển quốc tế đủ mạnh, nguồn nhân lực cung cấp cho logistics còn thiếu…

Để tìm kiếm các giải pháp phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành logistics, góp phần đề xuất xây dựng chính sách phát triển, kêu gọi đầu tư vào ngành dịch vụ logistics Hải Phòng, được sự đồng ý Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và UBND TP Hải Phòng, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Sở Công Thương Hải Phòng và Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam tổ chức:

Hội nghị “LIÊN KẾT PHÁT TRIỂN DỊCH VỤ LOGISTICS HẢI PHÒNG”

Thời gian: 7h30-11h30, ngày 23/4/2021

Địa điểm: Trung tâm Hội nghị Thành phố Hải Phòng, 18 Hoàng Diệu, Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), lãnh đạo UBND thành phố Hải Phòng cùng các diễn giả là lãnh đạo, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực logistics… Đặc biệt, hội nghị còn có sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp logistics trong và ngoài thành phố Hải Phòng.

Hội nghị đóng góp những ý kiến giúp UBND TP Hải Phòng xây dựng một chính sách phát triển ngành logistics hiệu quả, bền vững. Từ đó, xây dựng Hải Phòng trở thành một trung tâm phát triển dịch vụ logistics của quốc gia và khu vực; hình thành các tập đoàn doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ logistics với chất lượng cao, đủ năng lực, từng bước cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.

HOẠT ĐỘNG LOGISTICS CHƯA KHAI THÁC HẾT TIỀM NĂNG LỢI THẾ CỦA THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

Phát biểu chào mừng Hội nghị, ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hải Phòng cho biết, TP Hải phòng là đô thị loại 1, là giao điểm của 2 hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai, Hà Nội – Hải Phòng, và hiện nay ven biển Bắc bộ là 1 trong 3 cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ trọng điểm trong kế hoạch phát triển 2 vành đai 1 vành đai giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hải Phòng

Ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hải Phòng

Trong 5 năm qua, kinh tế thành phố phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng của GRDP cao bình quân đạt 13,64% gấp 2,5 lần tốc độ trung của cả nước. Năm 2020, trước tác động lớn của dịch COVID-19 nhưng thành phố đã thành công trong phòng chống dịch.

Hạ tầng logistics đã ngày càng hoàn thiện, hạ tầng cảng biển, giao thông được đầu tư mạnh mẽ có bước phát triển đột phá theo hướng hiện đại, đồng bộ. Cảng kiểu mẫu quốc tế Hải Phòng hoàn thành xây dựng giai đoạn khởi động, đưa vào khai thác tuyến số 1, số 2, hạ tầng giao thông đường bộ cơ bản đáp ứng kết nối các khu công nghiệp với hệ thống cảng biển. Hệ thống cảng biển được đầu tư xây mới phù hợp xu hướng phát triển từng bước trở thành trung tâm dịch vụ logistic của khu vực và quốc tế.

Các ngành cảng biển đã đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế của thành phố. năm 2020, sản lượng hàng hóa qua cảng Hải Phòng đạt hơn 142 triệu tấn, tăng bình quân 17.55%, dịch vụ hàng không cũng được phát triển mạnh mẽ với 11 đường bay nội địa, 4 đường bay quốc tế được khai. Các dịch vụ logistics đã được quan tâm xác định được vị trí chủ lực có những bước phát triển mạnh mẽ về số lượng và chất lượng.

Dịch vụ logistics tăng trưởng bình quân 23%/năm, góp phần quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu của thành phố và cả nước. Tuy nhiên kết quả hoạt động logistics chưa khai thác hết tiềm năng lợi thế của thành phố, chưa có trung tâm logistics, trung tâm tiếp nhận và phân phối hàng hóa lớn, chi phí dịch vụ cao, chất lượng dịch vụ và tính chuyên nghiệp chưa đồng bộ.

Ngày 24/1/2019 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 45-NQTW về phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 để xác định rõ đến năm 2025 thành phố Hải Phòng cơ bản hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa là trọng điểm kinh tế biển của cả nước, trung tâm dịch vụ logistics quốc gia. Đến năm 2030 trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực: trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại bằng cả đường biển, đường hàng không, đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao..

"Nghị quyết 45 đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt của trung ương đối với thành phố là mục tiêu, nhiệm vụ phát triển của thành phố trong thời gian tới. Hội nghị hôm nay mục đích là để lắng nghe chia sẻ kinh nghiệm, đóng góp của các đơn vị, cơ quan các nhà khoa học, các doanh nghiệp đặc biệt các ý kiến của ban ngành, để phát triển logistics Hải Phòng trong thời gian tới". - ông Thọ nói.

DOANH NGHIỆP LOGISTICS ĐÔNG NHƯNG CHƯA MẠNH

Phát biểu khai mạc Hội nghị, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, theo kết quả PCI mới được VCCI công bố, thành phố Hải Phòng xếp vị trí thứ 7/63 tỉnh, thành phố, xếp vị trí thứ 2/11 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng, đạt 69,27 điểm, tăng 0,54 điểm và tăng 3 bậc so với năm 2019. Đây là lần thứ ba thành phố Hải Phòng nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước và trong nhóm địa phương có chất lượng điều hành kinh tế tốt. 

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Theo đánh giá từ Báo cáo PCI 2020, kết quả này đến từ việc thành phố Hải Phòng đã xác lập được cơ chế đánh giá trách nhiệm người đứng đầu các sở, ban, ngành và quận, huyện trong thực hiện cải cách hành chính. Đi kèm với việc đổi mới công tác kiểm tra cải cách hành chính tại đơn vị bằng việc thành lập tổ công tác giúp việc để kiểm tra kỹ lưỡng, chi tiết hồ sơ, tài liệu đồng thời có hướng dẫn cụ thể các biện pháp để khắc phục các tồn tại hạn chế và công khai kết quả kiểm tra.

Đáng lưu ý, UBND thành phố Hải Phòng đã duy trì các cuộc đối thoại doanh nghiệp định kỳ hàng tháng, hàng quý. Tại những cuộc đối thoại này, cùng với việc trả lời các kiến nghị của doanh nghiệp, lãnh đạo UBND thành phố còn công khai kết quả, thời hạn giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp của các sở, ngành và huyện thị và căn cứ vào đó để thực hiện đánh giá thi đua, khen thưởng hàng năm đối với các sở, ngành, địa phương.

“Hải Phòng đã lấy lại được phong độ của mình trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, lấy lại đẳng cấp của sự tiên phong. Hải Phòng đang đi đầu trong việc hút dòng vốn FDI của cả nước, là một cực tăng trưởng mạnh mẽ của tam giác phát triển kinh tế phía Bắc. Đó cũng là một trong những hạ tầng mềm tạo động lực phát triển”. – TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch VCCI, ở góc độ hạ tầng cứng, với lợi thế là cửa ngõ chính ra biển của cả khu vực phía Bắc, Hải Phòng có vị trí chiến lược, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và phía Bắc. Đặc biệt, Hải Phòng giữ vị trí trọng yếu trong hợp tác "Hai hành lang - Một vành đai kinh tế" giữa Việt Nam và Trung Quốc, là địa bàn có mối quan hệ chiến lược với các cực tăng trưởng lớn trong vùng Đông Á và Đông Nam Á.

“Dù có vị trí thuận lợi và nhiều tiềm năng, nhưng Hải Phòng vẫn chưa phát huy được hết những lợi thế đã có, chưa thực sự trở thành địa phương đi đầu về phát triển dịch vụ logistics, chưa tận dụng lợi thế để góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam.

Đặc biệt, Hải Phòng từng được xem là “cái nôi” của logistics Việt Nam. Tuy nhiên hiện nay các doanh nghiệp tại Hải Phòng chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ, các văn phòng đại diện hoặc chi nhánh của các doanh nghiệp có trụ sở chính Hà Nội, TP HCM. 

Việc hàng trăm doanh nghiệp hoạt động nhưng đơn lẻ, chưa tạo thành chuỗi cung ứng dịch vụ ngành logistics đã dẫn tới tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, doanh nghiệp “đông nhưng không mạnh”, phát triển manh mún thiếu quy hoạch làm giảm khả năng cạnh tranh đặc biệt trong bối cảnh hội nhập”. – Ông Lộc nói. 

Như các chuyên gia đã phân tích, có rất nhiều số liệu khác nhau, nhưng có một xu hướng tuyệt đối là chi phí logistics ở Việt Nam đang rất cao hơn mức trung bình của thế giới, trong đó đặc biệt vận tải chiếm 40 – 50% chi phí. Như vậy, làm thế nào để doanh nghiệp Việt Nam có thể nâng cao năng lực cạnh tranh trong logistics khi chi phí sản xuất kinh doanh sẽ quyết định sự phát triển của các doanh nghiệp trong thời gian tới.

Và đầu tư vào lĩnh vực logistics và tăng cường liên kết logistics không chỉ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp mà còn giảm chi phí hoạt động cho doanh nghiệp đồng thời đón nhận cơ hội rất lớn cho logistics ở Việt Nam. “Chúng ta đang trong quá trình hội nhập mạnh mẽ, nền kinh tế dựa nhiều vào xuất, nhập khẩu nên logistics cảng biển rất quan trọng, thể hiện việc chúng ta có cạnh tranh được hay không trong bối cảnh hiện nay, khi chiến tranh thương mại và đại dịch COVID-19 diễn ra, đã làm thay đổi lại nhận thức và chiến lược của các tập đoàn xuyên quốc gia”. – Chủ tịch VCCI nói.

Theo người đứng đầu VCCI, đầu tư vào lĩnh vực logistics và tăng cường liên kết logistics không chỉ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp mà còn giảm chi phí hoạt động cho doanh nghiệp đồng thời đón nhận cơ hội rất lớn cho logistics ở Việt Nam. “Chúng ta đang trong quá trình hội nhập mạnh mẽ, nền kinh tế dựa nhiều vào xuất, nhập khẩu nên logistics cảng biển rất quan trọng, thể hiện việc chúng ta có cạnh tranh được hay không trong bối cảnh hiện nay, khi chiến tranh thương mại và đại dịch COVID-19 diễn ra, đã làm thay đổi lại nhận thức và chiến lược của các tập đoàn xuyên quốc gia”. – ông Lộc nói.

Việt Nam đang trở thành một điểm đến hàng đầu trong việc đầu tư đa dạng hóa, sẽ có nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh từ Trung Quốc sẽ chuyển sang Việt Nam và xem đây là một cơ hội rất lớn và để đón nhận cơ hội này thì phải nâng cao năng lực logistics là một điều kiện quan trọng với vị trí địa kinh tế địa chính trị Việt Nam hoàn toàn và Hải Phòng nói riêng hoàn toàn có thể trở thành một trung tâm dịch vụ logistics trung tâm trung chuyển của quốc tế và khu vực hoàn toàn có thể là một trung tâm trong tương lai và là một xu thế tiềm năng trong tương lai

Hơn nữa, các chính sách thuận lợi hóa thương mại, kích thích tăng trưởng kinh tế hậu Covid-19 được thực hiện bởi Chính phủ cũng đang hỗ trợ trong việc mở rộng thị trường. Do đó, hỗ trợ liên kết doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp logistics Việt Nam là yêu cầu tất yếu.

Hiện nay, động lực phát triển đang dịch chuyển rất mạnh về phía Bắc khi các chuỗi cung ứng và dịch chuyển của Trung Quốc đang có xu hướng dịch chuyển đến các tỉnh phía Bắc, đặc biệt Hải Phòng là tâm điểm của cơ hội đó.

“Hải Phòng phát triển không phải vì Hải Phòng mà vì cả khu vực của cả nước khi đây là cửa ngõ ra biển, là mặt tiền của đất nước trong sự nghiệp đối ngoại. Hy vọng Hải Phòng sẽ tiếp tục lấy lại phong độ trở thành thành phố tiên phong dẫn dắt công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước trong thời gian tới và lĩnh vực logistics hôm nay sẽ là điểm sáng.

Cần chung tay để mở ra cơ hội vươn tới nâng cao năng lực và thế giới sẽ đổ về đây, để chúng ta sẽ có chiếc bánh to hơn, mỗi người sẽ có một phần lớn hơn. Việc thành lập Hiệp hội logistics Hải Phòng trên cơ sở Hiệp hội logistic Việt Nam và VCCI sẵn sàng hợp tác chung tay với cộng đồng doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực quan trọng này”. – ông Lộc nhấn mạnh.

LOGSTICS TRONG BỐI CẢNH MỚI: THUẬN LỢI VÀ THÁCH THỨC

Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương cho biết, trong bối cảnh, kinh tế thế giới đang trải qua những biến động sâu sắc kể từ sau thế chiến II. Thêm vào đó, đại dịch COVID-19 bộc lộ những điểm nghẽn cốt tử của chuỗi cung ứng toàn cầu. COVID-19 cho tất cả các nước phải suy nghĩ lại vai trò của chuỗi cung ứng.

ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương

Thời điểm này cách đây một năm, các doanh nghiệp đặc biệt là các ngành có nguồn nguyên liệu ở nước ngoài đang rất căng thẳng và bị đứt gãy nguồn cung nguyên liệu. Sau đó, khi nguồn cung được khắc phục lại thì các doanh nghiệp lại gặp vấn đề nguồn cầu, suy giảm cầu ở thị trường Châu Âu, Châu Mỹ. Cuối năm 2020, khi nguồn cung được đảm bảo và nguồn cầu khôi phục trở lại thì các doanh nghiệp lại gặp phải thực trạng tăng giá cước cảng biển – khúc giữa để kết nối giữa cung và cầu. Điều này cho thấy, tác động của dịch COVID-19 tác động đến tất cả các công đoạn của chuỗi cung ứng”. – ông Trần Thanh Hải nói.

Theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương, bối cảnh tiếp theo, Châu Á đang vươn lên thành trung tâm sản xuất hàng hóa của thế giới; làn sóng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ đang song hành cùng sự phát triển của nhân loại và đến thời điểm này nó trở thành một làn sóng mạnh mẽ. Và COVID-19 cũng trở thành một nhân tố để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số này. Và tại Việt Nam, không phải chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà trong lĩnh vực giáo dục – xã hội cũng làm quen một cách mặc định với chuyển đổi số nhưng nó trở thành một thói quen để có thể bắt nhịp.

“Trong bối cảnh chung của thế giới như vậy, hoạt động logistics có những thuận lợi như thế nào?” – ông Hải đặt câu hỏi và cho biết: Đó là sự thay đổi nhận thức về logistics trong các cơ quan Trung ương và địa phương. Xuất nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng mạnh. Trong 3 tháng đầu năm 2021, con số tăng trưởng là từ 24-26%. Gia tăng luồng đầu tư vào logistics, đặc biệt là vào hạ tầng logistics. Tiếp đó là sự gia tăng phát triển của thương mại điện tử. Tuy nhiên, thương mại điện tử sẽ không phát triển nếu không có sự đi kèm của hạ tầng logistics. Sự bùng nổ của thương mại điện tử kéo theo dịch vụ chuyển phát phát triển, từ đó thúc đẩy ngành logistics tăng lên.

Theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương, bên cạnh những thuận lợi, cũng có nhiều khó khăn và thách thức. Nhìn chung ngành logistics Việt Nam, trong đó có TP Hải Phòng chủ yếu mới chỉ cung cấp các dịch vụ logistics cơ bản, giá trị gia tăng thấp, chưa đủ để Hải Phòng bứt phá. Hải Phòng có vị trí thuận lợi cho việc trung chuyển. Và để làm được điều đó, Hải Phòng phải hình thành khu thương mại tự do.

Ngoài ra, các doanh nghiệp hoạt động chủ yếu hoạt động trong thị trường nội địa, tại địa phương, chưa vươn ra thị trường bên ngoài. Một nguy cơ hiện hữu từ chuyện đầu tư. Bên cạnh đầu tư trực tiếp tại Việt Nam thì còn xuất hiện làn song đầu tư gián tiếp bằng việc mua cổ phần.

Vấn đề tiếp theo là làm sao để liên kết? Theo ông Trần Thanh Hải, tại Hải Phòng hiện các doanh nghiệp đang tìm cách liên kết thông qua thành lập hiệp hội logistics. Đây là biện pháp tốt để các doanh nghiệp có một mái nhà chung để trao đổi, chia sẻ, hỗ trợ nhau trong từng hoạt động. Tiếp theo là yếu tố nhân lực. Tất cả các yếu tố như công nghệ, vốn, hạ tầng… dần dần chúng ta có thể khắc phục nhưng thiếu con người thì tất cả các yếu tố trên đều chậm phát huy. Vấn đề đào tạo nhân lực hiện chúng ta vẫn còn thiếu. Và nhân lực cũng là 1 trong 6 trọng tâm được quyết định 200 của Thủ tướng Chính phủ nêu ra.

“Do đó, cần xác định rõ vị trí của logistics trong quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội của thành phố và quyết liệt triển khai để tạo đột phá. Chú trọng vào nâng cao giá trị gia tăng cho dịch vụ logistics. Khẩn trương triển khai khu thương mại tự do; hỗ trợ doanh nghiệp logistics Hải Phòng lớn nhanh hơn”. - Ông Trần Thanh Hải nói.

XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN HẢI PHÒNG THÀNH TRUNG TÂM LOGISTICS QUỐC GIA VÀO NĂM 2025

Ông Bùi Quang Hải, Giám đốc Sở Công thương TP Hải Phòng thông tin: Ngày 24/1/2019, Bộ Chính trị đã ban hành NQ số 45/NQ-TW về phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 để xác định rõ: “Đến năm 2025 thành phố Hải Phòng cơ bản hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa là trọng điểm kinh tế biển của cả nước, trung tâm dịch vụ logistics quốc gia. Đến năm 2030 trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực: trung tâm dịch vụ logistíc quốc tế hiện đại bằng cả đường biển, đường hàng không, đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao.

Ông Bùi Quang Hải - Giám đốc Sở Công thương TP Hải Phòng

Ông Bùi Quang Hải, Giám đốc Sở Công thương TP Hải Phòng

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hải Phòng lần thứ 16 nhiệm kỳ 2020-2025 đã đặt ra những mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế như: “Đến năm 2025 Hải Phòng trở thành trung tâm công nghiệp lớn của cả nước, GRDP đạt bình quân tối thiểu tăng 14,5%/năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng bình quân 21,5%/năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 35 tỷ USD, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 300.000 tỷ, tăng bình quân 15-16%/năm; Phấn đấu phát triển 15 Khu công nghiệp, diện tích 6.418 và 23 Cụm công nghiệp, diện tích 973 ha, sản lượng hàng hoá qua cảng đạt 300 triệu tấn; Thu hút đầu tư FDI đạt 12,5 – 15 tỷ USD; Tăng trưởng dịch vụ logistics đạt khoảng 30 - 35%/năm và tỷ trọng đóng góp vào GRDP của thành phố từ 20 - 25%/năm”.

Theo ông Hải, đan xen với khó khăn, thách thức, thành phố Hải Phòng cũng đang có những thời cơ rất lớn để phát triển kinh tế xã hội, trong đó phát triển logistics đã được thành phố xác định là một trong 3 trụ cột để xây dựng và phát triển thành phố: Công nghiệp công nghệ cao, Cảng biển và Logictics và Du lịch - Thương mại.

Do đó trong thời gian tới Giám đốc Sở Công thương TP Hải Phòng cho rằng, cần phải có sự lãnh đạo chỉ đạo quyết liệt hơn, có những chính sách hỗ trợ cụ thể, kịp thời để tạo điều kiện cho dịch vụ logictics thành phố phát triển, phát triển bền vững.

Thứ nhất, tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hệ thống cảng biển, hạ tầng thông tin đồng bộ hiện đại. Trong đó, ưu tiên nguồn lực tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm: Đường cao tốc ven biển, mở rộng Quốc lộ 10, các tuyến đường kết nối liên tỉnh Hải Phòng với Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Dương, các tuyến đường vành đai 2 Tân Vũ - Bùi Viện; Đình Vũ - Thuỷ Sơn, vành đai 3 Lưu Kiếm - Lập Lễ; hệ thống cầu vượt, cầu Tân Vũ - Lạch Huyện 2 ... kết nối với cảng, các Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp. Giai đoạn 2021 - 2025, thành phố sẽ đầu tư 67 cây cầu với tổng mức đầu tư 17.000 tỷ đồng, đến năm 2030 đầu tư xây dựng 126 cây cầu với mức đầu tư 83.000 tỷ đồng.

Trong năm 2021 - 2022 sẽ khởi công xây dựng các Bến số 3, 4, 5, 6 kêu gọi đầu tư các bến số 7, 8, 9, 10 thuộc Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện với tổng mức đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng. Bên cạch việc nâng cấp, đầu tư xây dựng hệ thống đường bộ, thành phố cần cải thiện kết nối về đường sắt và đường thuỷ nội địa vào quy hoạch vùng: Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai, Hải Phòng - Hà Nội - Lạng Sơn để kết nối với phía nam Trung Quốc, tuyến đường sắt tốc độ cao Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai, Lạng Sơn và kết nối với Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, nghiên cứu, đề xuất tuyến đường sắt song song với tuyến đường bộ ven biển,...

“Để thích ứng với xu hướng phát triển cuộc cách mạng lần thứ 4 diễn ra nhanh chóng trên toàn cầu, muốn phát triển chúng ta không thể chỉ dựa vào vị trí địa kinh tế, lao động giản đơn mà cần phải có sự đột phá đổi mới tư duy sáng tạo ứng dụng công nghệ kết nối hợp tác phát triển dịch vụ logistics giữa các vùng, doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước. Logistics truyền thống phải thay đổi để đáp ứng đòi hỏi của nền kinh tế số, sự gia tăng của thương mại điện tử dẫn đến gia tăng khách hàng cá nhân và mô hình kinh doanh tích hợp B2B2C. Quan tâm đầu tư để phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số bao gồm hạ tầng viễn thông, băng rộng, hạ tầng điện toán đám mây...”. - Ông Bùi Quang Hải nói.

Thứ hai, quản lý và thực hiện tốt Quy hoạch phát triển logictics thành phố, giai đoạn 2021 - 2025 sẽ phát triển 6 Trung tâm logistics, diện tích 261 ha; Phối hợp với các sở, ngành tham mưu cho thành phố rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch để phát triển các Trung tâm logictics với quy mô lớn, thu hút các nhà đầu tư lớn, tạo ra mạng lưới có khả năng dẫn dắt thị trường, khai thác, chia sẻ nguồn hàng và phục vụ cho phát triển của cảng Lạch Huyện; Xem xét chuyển đổi, bố trí một phần diện tích trong Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp để xây dựng Trung tâm logistics nhỏ hơn phục vụ làm kho, bãi, lắp ráp, đóng gói…phục vụ cho giao hàng chặng cuối cho thị trường và mục tiêu cụ thể.

Thứ ba, đẩy nhanh tiến độ phát triển hạ tầng các Khu kinh tế, Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp để kêu gọi thu hút đầu tư FDI và doanh nghiệp trong nước tạo điều kiện phát triển công nghiệp, sản xuất hàng xuất khẩu qua đó tạo nguồn hàng tại chỗ, liên kết đầu vào, đầu ra hàng hoá cũng như phục vụ sửa chữa, sản xuất các trang thiết bị... phục vụ cho hoạt động logistics.

Thứ tư, nâng cao năng lực sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics về trình độ quản lý, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, trình độ, chất lượng nguồn nhân lực, liên kết hợp tác chặt chẽ giữa các doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp logictics với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu khai thác tốt nguồn hàng, thế mạnh, nguồn lực, kinh nghiệm của nhau phục vụ khách hàng và cùng phát triển. Phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu cho thành phố thành lập Hiệp hội Logistics của Hải Phòng.

Thứ năm, phát triển mở rộng thị trường logistics qua hoạt động Xúc tiến thương mại cho dịch vụ logistics, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế về logistics tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước vươn lên bắt kịp trình độ khu vực và thế giới (Kế hoạch hội nhập quốc tế, đối ngoại của thành phố hàng năm).

Thứ sáu, tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, đề xuất cơ chế chính sách nhằm phát triển dịch vụ logistics, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận đất đai, vốn, thị trường cũng như thu hút hãng tàu, chủ hàng, các nhà cung cấp dịch vụ đại lý môi giới, bảo hiểm tài chính ngân hàng.

Thứ bảy, tiếp tục tham mưu cho thành phố nghiên cứu thành lập Khu thương mại tự do để kêu gọi các tập đoàn chuyển các chuỗi cung ứng toàn cầu phố chuỗi cung ứng toàn cầu về thành phố, khai thác lợi thế của Cảng quốc tế Hải Phòng.

Cuối cùng là nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, phìu hợp với yêu cầu của thị trường; quan tâm kiện toàn bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ quản lý nhà nước về logictics, chú trọng cải cách hành chính, đơn giản hoá và minh bạch thủ tục hành chính, các quy định, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cấp, Sở, ban, ngành, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại.

ĐỀ XUẤT KIẾN NGHỊ NHẰM THÁO GỠ KHÓ KHĂN CHO DOANH NGHIỆP LOGISTICS

Phát biểu tại Hội nghị, ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho biết, đại dịch đã làm khoảng 75%-80% doanh nghiệp Hội viên Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) bị ảnh hưởng cả về hoạt động kinh doanh lẫn nguồn thu. Nhờ những biện pháp quyết liệt của Chính phủ trong việc chống dịch và phát triển kinh tế nên đến nay khoảng 70%-80% hội viên VLA đã phục hồi trạng thái hoạt động như trước đại dịch. Một trong lý do giúp ngành dịch vụ logistics phục hồi là khả năng chống chọi của doanh nghiệp và sự thúc đẩy của các FTA thế hệ mới.  

ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA)

Ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA)

Tuy nhiên khó khăn cũng do hậu quả đại dịch gây ra là tình trạng thiếu container rỗng cho hàng xuất khẩu đang gia tăng, mặc dù đã giảm nhiệt. 3 tháng đầu năm nay kim nghạch xuất khẩu đạt gần 80 tỷ USD, tăng hơn 20% so với cùng kỳ 2020. Hiện nay, giá container đi Châu Mỹ, Châu Âu tăng phi mã so với trước đại dịch tùy từng tuyến đường biển. Chủ một DN xuất khẩu thủy sản cho biết một container tôm đi châu Âu, cước vận chuyển tăng từ 1.500 USD lên đến 6.500 USD, có lúc 7.500 USD. Đây là khó khăn lớn nhất hiện nay đối với DN làm dịch vụ logistics.

Vừa gượng dậy từ tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, chuỗi cung ứng toàn cầu đang bị đứt gãy lại hứng chịu thêm một cú sốc nặng nữa từ việc tắc nghẽn kênh đào Suez trong 6 ngày với những rủi ro khó lường cho các bên liên quan. Sự cố của tàu Ever Given đã làm chệch dòng thương mại 10 tỷ USD/ngày, hơn 450 tàu thuyền chở đủ loại hàng hoá bị ách tắc. Tốc độ tăng trưởng thương mại toàn cầu giảm 0,2-0,4%. 9,6 tỷ USD hàng hóa không thể lưu thông. Ngoài ra còn những cảnh báo về rủi ro địa chính trị đối với thương mại toàn cầu.

"Những đòn trừng phạt mạnh tay của Mỹ đối với Trung Quốc không đơn thuần là một cuộc chiến thương mại. Chúng còn cho thấy những thách thức đối với thương mại toàn cầu. Để giảm thiểu sự gián đoạn, khó khăn các doanh nghiệp cần đa dạng hóa chuỗi cung ứng và phương thức vận chuyển, đồng thời chúng ta phải có phương án đề phòng để tránh những “điểm nghẹt thở” về địa lý hoặc chính trị, tự nhiên hoặc nhân tạo như vụ tàu Ever Given lần này". - ông Khoa nói.

Theo ông Đào Trọng Khoa, điểm nổi bật của ngành dịch vụ logistics Việt Nam hiện nay là chi phí logistics còn ở mức cao so với mức trung bình của thế giới. Kết cấu hạ tầng logistics chưa đồng bộ, năng lực cạnh tranh còn hạn chế, thiếu các trung tâm logistics, nhiều thủ tục liên quan bất cập.

Tuy nhiên, theo khảo sát nhanh của Viện nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam (VLI), đơn vị trực thuộc VLA vào tháng 4/2021 thì các loại hình dịch vụ mà các doanh nghiệp cung cấp phổ biến là những dịch vụ cơ bản phổ biến như thủ tục hải quan, giao nhận, vận tải nội địa và quốc tế, kho bãi. Tỷ lệ cung cấp các loại hình có giá trị gia tăng cao còn thấp.

Cụ thể, có nhiều cảng nhưng các cảng đang trong quá trình container hóa, chỉ có thể tiếp nhận các tàu nhỏ và chưa được trang bị các thiết bị xếp dỡ container hiện đại, còn thiếu kinh nghiệm trong điều hành xêp dỡ container.

Bên cạnh đó, đa số các cảng biển hiện nay đường ra vào cảng đều là nhưng con đường độc đạo và nhỏ chưa đáp ứng được tốc độ gia tăng của hàng hóa và lưu lượng xe gia tăng  nên gây nên tình trạng thường xuyên ắc tắc vào giờ cao điểm, vào nhưng dịp lễ, Tết khi lượng hàng về nhiều, họặc chỉ cần có 1 vụ tai nạn thông cũng gây ắc tác đường ảnh hưởng đến việc giao nhận hàng hóa tại cảng.

Ngoài ra, năng lực vận tải đường sắt không đựơc vận dụng hiệu quả do chưa được hiện đại hóa. Không có sự kết nối đường bộ với đường sắt. Chưa phát huy năng lực của Cảng hàng không trong việc chuyên chở hàng hóa.

Đáng chú ý, quy mô của các công ty logistics ở Hải Phòng đa phần là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Năng lực cạnh tranh trên thị trường dịch vụ quốc tế và trong nước còn yếu. Thủ tục Hải quan và kiểm tra chuyên ngành còn phức tạp chồng chéo kéo dài thời gian thông quan cho các lô hàng xuất nhập khẩu. 

Theo khảo sát các doanh nghiệp, hiện vấn đề đầu tiên là giao thông, ùn tắc giao thông là vấn đề cấp bách ảnh hưởng đến giao thương. Thứ hai là thiếu kết nối vận tải dẫn đến tình trạng xe rỗng. Thứ ba, do ảnh hưởng của Covid-19. Thứ tư, thủ tục hành chính.

Từ thực trạng trên, Phó Chủ tịch VLA đã đưa ra một số kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp logistics Hải Phòng.

Thứ nhất, cần sớm thành lập Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Hải Phòng theo đúng quy định của Nghị định số 45/NĐ 2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ.

Việc thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics của Hải Phòng là một tất yếu khách quan đáp ứng yêu cầu phát triển dịch vụ logistics của Hải Phòng và liên kết Vùng đông bằng sông Hồng. Đây là thời cơ thích hợp để thành lập người đại diện cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics là Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Hải Phòng mà hôm nay chúng ta đón chào sự ra mắt của Ban thành lập Hiệp hội. 

"Việc ra đời của Hiệp hội chắc chắn sẽ thu hút hoạt động của các Doanh nghiệp dịch vụ logistics trên địa bàn thành phố, góp phần nâng cao năng lực và quy mô của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics của thành phố trở thành những nhà cung cấp dịch vụ logistics 3PL thông qua việc liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước (vận tải, cảng biển...) với nhau và với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics quốc tế". - ông Khoa nói.

Thứ hai, phát triển Hải Phòng thành trung tâm dịch vụ logistics khu vực, phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, khu vực Đồng bằng sông Hồng và cả nước. Thành phố Hải Phòng hội tụ đầy đủ điều kiện để trở thành trung tâm dịch vụ logistics.

Theo ông Khoa, để thu hút đầu tư phát triển ngành dịch vụ logistics, thành phố có những khuyến nghị với Chính phủ cho phép cơ chế linh hoạt trong việc định ra các ưu đãi đầu tư nhất là kết cấu hạ tầng (thời hạn cho thuê đất, việc giải phóng mặt bằng, thuế, vay vốn ưu đãi, bảo lãnh Chính phủ...). Cải cách thủ tục hành chính, nhất là thủ tục hải quan, thủ tục ra vào cảng biển của tàu biển và hàng hóa.

"Hiện nay, khó khăn lớn nhất của khu vực cảng Hải Phòng là kết cấu hạ tầng kết nối với vùng hậu phương, trong đó các đường ra vào cảng. Thành phố cần đề nghị với Trung ương về việc nhanh chóng xây dựng các tuyến quốc lộ đã nêu trên và giải quyết vấn đề ách tắc giao thông, tải trọng cầu đường nhất là liên quan đến vận chuyển container để phục vụ tốt nhất cho dòng lưu chuyển hàng hóa thông qua cảng và thành phố". - ông Khoa nhìn nhận.

Do đó, ông Khoa cho rằng, nâng cao năng lực của thệ thống kho bãi đáp ứng yêu cầu của các cảng biển cầu nối quan trọng của hoạt động logistics toàn cầu. Kho bãi tập kết hàng hóa phải được thành phố ưu tiên phát triển. Cho phép khu vực tư nhân được tham gia đầu tư các dự án phát triển hệ thống kho bãi, thông tin liên lạc. Xây dựng một số trung tâm dịch vụ logistics.

Ông Khoa cũng kiến nghị, cần đu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin. Với cảng biển có thể xem xét theo mô hình hệ thống portnet của Singapore, nơi mà thông tin được quản lý và chia sẻ bởi cảng biển, hãng tàu, các nhà vận chuyển đường bộ, các đại lý giao nhận vận tải và các cơ quan của Chính phủ, nhất là hải quan.

Đồng thời, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong hoạt động logistics. Nguồn nhân lực phục vụ ngành logistics tại thành phố còn thiếu trầm trọng và chưa đồng bộ. Trên địa bàn Thành phố cần tận dụng sự đào tạo của Trường Đại học Hàng Hải trong việc đào tạo chuyên ngành logistics, quản trị chuỗi cung ứng.

CÁC CHÍNH SÁCH VÀ BIỆN PHÁP HỖ TRỢ, PHÁT TRIỂN NGÀNH DỊCH VỤ LOGISTICS HẢI PHÒNG

Các vị diễn giả tại phiên thảo luận

Các vị diễn giả tại phiên thảo luận “Đề xuất các chính sách và biện pháp nhằm hỗ trợ, phát triển dịch vụ logistics Hải Phòng”

Phiên thảo luận mở đầu tiên của hội nghị với chủ đề: “Đề xuất các chính sách và biện pháp nhằm hỗ trợ, phát triển dịch vụ logistics Hải Phòng” do ông Phạm Ngọc Tuấn - Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp điều phối. Đây là một trong những phần được các doanh nghiệp logistics mong chờ nhất.

ông Phạm Ngọc Tuấn - Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp

Ông Phạm Ngọc Tuấn - Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp

Logistics Hải Phòng đã ưu tiên những vấn đề gì?

Phát biểu tại phiên thảo luận, PGS. TS. Đan Đức Hiệp, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng đặt câu hỏi: Làm sao để thực hiện được Nghị quyết 45/NQ-TW đưa ra để đưa Hải Phòng thành trung tâm logistics quốc gia và quốc tế.

PGS. TS. Đan Đức Hiệp, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng

PGS. TS. Đan Đức Hiệp, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng

Theo ông Đan Đức Hiệp, tại phần kho bãi chúng ta chưa nghiên cứu về sự đứt gãy của thị trường nên không có sự đồng bộ.

Bên cạnh đó, khi các doanh nghiệp lên đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, có hàng nghìn doanh nghiệp đăng ký có chữ “logistics” nhưng hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau như dịch vụ, thương mại, xây dựng,.. Điều này dẫn đến số liệu thống kê về hoạt động logistics bị sai lệch.

Đồng thời, số lượng về kho bãi cung ứng đưa về thị trường chưa chính xác. Trong nhận thức của chúng ta đã hiểu về quy hoạch của ngành là đặt ở phía Bắc, với trung tâm tổng kho lớn nhất đặt ở Hải Dương, diện tích lên tới mấy trăm ha, với kỳ vọng giải quyết được không gian rất lớn nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được.

“Mặt khác, logistics đóng góp bao nhiêu phần trăm GDP thì vẫn chưa tính toán được nên chưa thể nói chính xác về số liệu của ngành” – ông Hiệp cho biết.

Theo Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị đã khẳng định rằng trung tâm logistics rất quan trọng, nhưng chi phí logistics không có sự cạnh tranh là vì đâu? Đã từng có trường hợp một container hàng từ Mỹ về Việt Nam giá 40 USD nhưng một container hàng từ Hải Phòng đi Hà Nội giá những 80 USD.

Để giải quyết vướng mắc, TS. Đan Đức Hiệp đề nghị về chính sách với thành phố Hải Phòng và Trung ương như sau:

Thứ nhất, thay đổi nhận thức và làm lại quy hoạch, nếu cứ vận tải là chính thì chúng ta chưa đánh giá được hết mà nó là một khâu quan trọng trong lĩnh vực này.

Thứ hai, quy hoạch của Trung ương nói chung và của Hải Phòng nói riêng đã có, nhưng thiếu sự kết hợp chặt chẽ với quy hoạch các trung tâm thương mại, cung ứng hàng hóa, kho bãi lớn, nên phải kết hợp điều chỉnh bổ sung. Trong quy hoạch sắp tới, nên ra soát, xem xét để có được trung tâm như Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị đề ra thì phải có trung tâm logistics xứng tầm với quy mô. Ít nhất là 300 ha nằm ở khu Cát Hải, với điều kiện tính chất của khu vực đó như thế nào thì cần phải xây dựng phù hợp.

“Hiện nay, chúng ta vẫn còn vận chuyển lòng vòng nên các doanh nghiệp luôn đòi hỏi về hạ tầng, đường giao thông. Tuy nhiên, nếu xây dựng được trung tâm logistics thì giải quyết hạ tầng giao thông chỉ còn là vấn đề nhỏ”. – Ông Hiệp nói.

Ngoài ra, theo ông Đan Đức Hiệp, cần phải có cơ chế chính sách để thu hút được các doanh nghiệp đền bù giải phóng mặt bằng, làm sao để giải quyết được như của Sungroup hay Vinfast.

Thêm vào đó, trong các khu công nghiệp nên dành ra diện tích một vài ha như Khu công nghiệp VSIP để làm kho bãi. Nếu các doanh nghiệp phải thuê kho bãi thì sẽ nâng cao chi phí,  nên nếu tập trung một khu vực tập trung, thì mọi nguyên liệu đưa về đó và sản xuất xong cũng đưa về đó đóng gói, rồi đưa ra cảng, sẽ tốt hơn cho các doanh nghiệp.

“Làm chung thì mới sống được, còn làm riêng thì sẽ không hiệu quả” - ông Hiệp nhấn mạnh.

Thứ ba, là phải có chính sách miễn thuế nhập khẩu trang thiết bị, máy móc. Nếu coi đây là lĩnh vực quan trọng thì Chính phủ nên nghiên cứu miễn thuế vì thiết bị của chúng ta còn kém và lạc hậu. Trong khi các trung tâm logistics lớn cần công nghệ hiện đại, nhưng phải đầu tư lớn và sẽ khó cho doanh nghiệp.

Thứ tư, thủ tục hành chính một số năm gần đây Chính phủ đã làm tốt và hiện nay cũng đã cải thiện nhiều. Đặc biệt là thủ tục hải quan trong 5 năm trở lại đây đã rất thuận lợi, có nhiều cải thiện. Và với chính sách của thành phố tiếp tục đầu tư hạ tầng và phải dứt điểm việc này để kết nối như tại Hải Phòng đường Ngô Quyền một loạt càng chạy ra chạy vào đây phải có đứa gom để kết nối càng ở giai đoạn sau

Thứ năm, Chính phủ buộc phải nâng cấp hệ thống đường sắt, chúng ta đã từng có đề án kéo đường sắt vào đến cảng Đình Vũ thì vận tải đường sắt sẽ thay thế cho đường ô tô chạy ra chạy vào như hiện nay và chi phí sẽ rẻ hơn nhiều. Thậm chí, kể cả về đường sông chúng ta cũng chưa giải tỏa được, cần phải lưu ý về vấn đề này.

Thứ sáu, Hiệp hội logistics ra đời thì làm sao 46 - 50 doanh nghiệp cần kết hợp lại với nhau và cần vai trò quản lý của nhà nước. Tuy nhiên, hiệp hội phối kết hợp để thành những khu vực đồng bộ thì sức cạnh tranh sẽ tốt hơn, chi phí rẻ hơn và thúc đẩy phát triển lĩnh vực mạnh hơn.

Giải quyết “điểm nghẽn” logistics Hải Phòng

Có mặt tại phiên thảo luận, PGS.TS Hồ Thị Thu Hoà, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và PT Logistics Việt Nam cho biết, chúng ta có thể thấy đến lúc này có rất nhiều ý kiến khác nhau về sự phát triển của logistics Hải Phòng. Hiện có 3 điểm tắc nghẽn chính về logictics Hải Phòng.

Thứ nhất là kết nối vận tải đa phương thức. Có thể nói rằng, Hải Phòng có tập trung của tất cả các phương thức vận tải. Tuy nhiên, gánh nặng đặt lên vận tải bộ, dẫn đến tắc nghẽn giao thông và chi phí vận tải. 

PGS.TS Hồ Thị Thu Hoà, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và PT Logistics Việt Nam

PGS.TS Hồ Thị Thu Hoà, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và PT Logistics Việt Nam

Tiếp theo là vấn đề hạ tầng logistics. Theo bà Thu Hoà, hiện nay, Hải Phòng có 50 bến cảng biển và khoảng 444 bến cảng thủy nội địa; 30 kho dịch vụ với hơn 160.000m2, phần lớn tập trung trên địa bàn quận Hải An và Ngô Quyền. Hải Phòng hiện đã có 12 KCN đang triển khai đầu tư, xây dựng, kinh doanh cơ sở hạ tầng (trong đó có 8 KCN nằm trong KKT Đình Vũ - Cát Hải diện tích 4.175 ha và 4 KCN nằm ngoài KKT diện tích 762 ha).

Ngoài ra, có 2 trung tâm logistics đã hoạt động là trung tâm Logistics Green, trung tâm tiếp vận Yusen Logistics (KCN Đình Vũ) và 1 trung tâm logistics đang xây dựng là Trung tâm CDC (KCN Đình Vũ 2).  

Điểm nghẽn thứ ba theo bà Thu Hoà là chi phí logistics. Thông thường chi phí vận tải chịu khoảng 60%, do đó, chúng ta cần tác động vào chi phí vận tải.

“Từ 3 điểm tắc nghẽn trên, chúng tôi đề xuất mô hình trung tâm logistics với các khu vực chính trong trung tâm logistics gồm: Khu vực kho bãi và dịch vụ logistics, khu vực văn phòng giao dịch, khu vực dịch vụ hỗ trợ, khu vực dành cho đơn vị vận tải, khu vực kiểm tra chuyên ngành, khu vực thương mại tự do,…

Bên cạnh đó, để phát triển trung tâm logistics Hải Phòng, Hải Phòng cần ban hành chính sách khuyến khích hoạt động vận tải đa phương thức trên địa bàn TP Hải Phòng; rà soát các quy hoạch, căn cứ tính pháp lý (quỹ đất) để  xác định vị trí trung tâm logistics; nghiên cứu, đánh giá tác động môi trường của trung tâm logistics; xây dựng chiến lược thực hiện (phân kỳ giai đoạn), nguồn vốn dự toán chi tiết; xây dựng mô hình đầu tư, quản lý trung tâm logistics có hiệu quả. Đồng thời, căn cứ vào nguồn hàng để xác định quy mô và chức năng của trung tâm logistics” – bà Hòa đề xuất.

“Khát” nhân lực phục vụ logistics

Theo PGS.TS Nguyễn Minh Đức - Phó hiệu trưởng trường Đại học Hàng hải Hải Phòng, hiện nay nguồn nhân lực phục vụ cho ngành logistics Hải Phòng đang thiếu trầm trọng. 

PGS.TS Nguyễn Minh Đức - Phó hiệu trưởng trường Đại học Hàng hải Hải Phòng

PGS.TS Nguyễn Minh Đức - Phó hiệu trưởng trường Đại học Hàng hải Hải Phòng

Theo đó, PGS.TS Nguyễn Minh Đức đề xuất 4 yếu tố khắc phục tình trạng thiếu nhân lực phục vụ cho ngành logistics.

Thứ nhất, cần hỗ trợ tốt hơn cho học sinh, sinh viên trong việc định hướng nghề nghiệp, trong đó chúng ta có định hướng HSSV tới ngành logistics nhiều hơn các ngành khác hay không? Có làm việc phân luồng một số sinh viên vào đại học, một số sinh viên vào trường nghề đào tạo logistics, nếu có sự phân luồng tốt chúng ta sẽ có nguồn nhân lực ổn định, đầy đủ cho logistics trong tương lai.

Thứ hai, tăng cường liên kết chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, sở, ban ngành thành phố với các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo. Trong đó các cơ sở ban ngành đóng vai trò làm cầu nối, định hướng ưu tiên ngành nào quan trọng để đào tạo trước, có sự chỉ đạo giúp phát triển, tận dụng nguồn lực nền kinh tế.

Thứ ba, tăng cường nguồn nhân lực không chỉ cho ngành logistics, cần chính sách thu hút nguồn nhân lực, nhân tài trong Hải Phòng cũng như bên ngoài đến Hải Phòng.

Thứ tư, có một chiến lược phát triển logistics Hải Phòng, thành phố nên đầu tư cho nghiên cứu phát triển nguồn nhân lực, đầu tư phát triển cho logistics xanh, cảng biển thông minh… trên cơ sở đấy có điều kiện triển khai nguồn nhân lực.

PGS.TS Nguyễn Minh Đức cho biết, hiện Hải Phòng hiện có khoảng gần 250 doanh nghiệp đăng ký cung cấp dịch vụ logistics với khoảng 175.000 nhân lực hoạt động trong lĩnh vực logistics. Tuy nhiên, nguồn nhân lực logistics hiện tại của Hải Phòng thiếu cả về chất lượng và số lượng, nguồn nhân lực chất lượng cao hiện chỉ đáp ứng khoảng 40% - 45% nhu cầu của ngành.

Do đó, cần tiến hành dự báo nhu cầu nguồn nhân lực logistics thành phố Hải Phòng bằng hàm tương quan hồi quy xác định mối quan hệ giữa khối lượng hàng hóa có nhu cầu cung cấp dịch vụ logistics và chuỗi số liệu tăng trưởng nhân lực phục vụ trong lĩnh vực logistics của thành phố Hải Phòng để xác định nhu cầu nguồn nhân lực cho lĩnh vực logistics.

Bên cạnh đó, phải dự báo được nhu cầu nguồn nhân lực logistics nhằm đáp ứng với tốc độ tăng trưởng trung bình 20%÷25% mỗi năm của ngành dịch vụ logistics, sẽ là cơ sở cho sự phát triển của các doanh nghiệp logistics tại Hải Phòng. 

Để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và phát triển một đội ngũ nhân lực logistics có chất lượng cho Hải Phòng trong thời gian tới, theo PGS.TS Nguyễn Minh Đức, giải pháp trước mắt vẫn cần sự kết hợp chặt chẽ giữa các Sở, Ban, ngành các doanh nghiệp logistics và người lao động thông qua các khóa, trường lớp đào tạo, sử dụng kết hợp nhiều nguồn tài chính và phương thức đào tạo với giáo án tiên tiến nhằm đáp ứng tốt đòi hỏi trong thực tiễn.

Theo ông Minh Đức, muốn phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thì việc đầu tiên phải làm là thu hút được nguồn tuyển sinh đầu vào cho ngành logistics là những học viên có năng lực, điểm số đầu vào cao. Thực tế trong hai năm vừa qua, chuyên ngành logistics tại các trường đại học cao đẳng đều có điểm chuẩn đầu vào cao hàng đầu. Đây là một dấu hiệu tốt, nhưng để tiếp tục duy trì thì vẫn cần nhiều hơn những nguồn đầu tư từ nhà nước và xã hội để tăng tính hấp dẫn của chuyên ngành. Đó là việc có thêm nhiều nguồn học bổng cho sinh viên có thành tích học tập tốt, có thêm nguồn hỗ trợ tài chính cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, có thêm các chương trình thực tập sinh tại các doanh nghiệp uy tín, có thêm cơ hội tiếp cận với thực tế công việc tại doanh nghiệp trong ngành.

Làm sao để các giải pháp kết nối được đồng bộ?

“Hải Phòng không chỉ có dịch vụ, du lịch mà phát triển công nghiệp vượt bậc so với tất cả các tỉnh xung quanh. Tuy nhiên, làm sao để các giải pháp kết nối được đồng bộ với nhau?”- PGS. TS Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nêu.

PGS. TS Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

PGS. TS Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Theo ông Trần Kim Chung, vừa qua, chúng ta đều thấy, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, cả nước chỉ tăng trưởng 2,9 % nhưng Hải Phòng lại có 11 % tăng trưởng và không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Năm 1997, đã có đề án đặc khu kinh tế Hải Phòng phấn đấu được 40.000 tấn cảng nhưng đến nay đạt được 150.000 tấn cảng. Tính cả năm 2012, khi cả nước lâm vào đáy của phát triển kinh tế, khủng hoảng giai đoạn 2011-2013, thì Hải Phòng lại đón được LG vào khu công nghiệp Tràng Duệ với 13 ha KCN trong 18 tháng đã lấp đầy.

Hiện khu công nghiệp Tràng Duệ đã trở thành trọng điểm của Hải Phòng và LG cam kết sẽ đầu tư không kém Samsung vào Việt Nam và đó là nỗ lực của Hải Phòng để tạo sự công nhận như hôm nay.

"Vậy logistics chỉ là một trong những cái thể hiện cho những thành tựu của Hải Phòng, mà Hải Phòng có lợi thế đặc biệt, không khu vực nào có đó là đường sông, đường sắt, đường biển,cảng hàng không và đường bộ. Không có gì thuận lợi hơn khi có một cảng hàng không Cát Bi và hai cảng hàng không liên đới là Nội Bài và Vân Đồn. Điều này  hoàn toàn có thể tự giải quyết được rất nhiều vấn đề về vận tải". - PGS. TS Trần Kim Chung nói.

Đặc biệt, theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cảng biển trước đây chỉ mong có một Lạch Huyện, nhưng bây giờ có thể đi ra được tận nơi, đó là những điều rất đáng ghi nhận. Hải Phòng không chỉ có dịch vụ, du lịch mà phát triển công nghiệp vượt bậc so với tất cả các tỉnh xung quanh. Tuy nhiên, làm sao để các giải pháp kết nối được đồng bộ với nhau?

Do đó, PGS. TS Trần Kim Chung cho rằng, để có giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách logistics trên địa bàn thành phố Hải Phòng cần chú trọng vào:

Thứ nhất, là quy hoạch, cần khẩn trương phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hạ tầng giao thông đi liền với chuẩn bị đủ ngân sách để triển khai quy hoạch. Hạ tầng Hải Phòng gắn liền với hạ tầng giao thông vận tải khu vực phía Bắc của cả nước. Triển khai thực hiện quy hoạch cùng lúc hay có ưu tiên, trọng điểm cũng là nội dung rất quan trọng.

"Nếu làm đồng bộ, ngân sách sẽ bố trí được hay không. Nếu làm trọng tâm, trọng điểm thì khi nào hoàn thành đồng bộ… Việc các nhà đầu tư chiến lược lựa chọn địa bàn đầu tư trúng quy hoạch hay khác với quy hoạch sẽ được xử lý thế nào đòi hỏi các cấp từ trung ương đến địa phương phải vào cuộc nhanh, quyết liệt và quyết đoán". - ông Kim Chung nói.

Thứ hai, là về vốn, ngân sách đầu tư phát triển hạ tầng địa phương cần được xem xét, hỗ trợ. Đầu tư hạ tầng khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải mặc dù đã được chọn là một trong ba khu kinh tế được ưu tiên đầu tư nhưng vẫn chưa được đầu tư đúng tầm. Tới đây, cần tăng cường đầu tư hơn nữa cho khu kinh tế này. Vốn đối ứng của địa phương với các công trình hạ tầng của trung ương bố trí thế nào.

Thứ ba, là lao động, làm thế nào để có đủ lao động, đặc biệt là lao động chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu của giai đoạn bùng nổ của đầu tư cơ sở hạ tầng và đầu tư phát triển kinh tế của Hải Phòng hiện nay và 10 năm tới. Giải quyết thế nào vấn đề tập trung lao động nhập cư: nhà, đời sống xã hội, các vấn đề hạ tầng kéo theo…Có cơ chế chính sách thế nào với lao động quốc tế.

Thứ tư, là đất đai, cần hoàn thiện quy hoạch đất đai phục vụ phát triển kinh tế nói chung và phục vụ phát triển hạ tầng. Có kế hoạch sử dụng đất cụ thể, chi tiết đồng thời với những điều chỉnh quan tọng đối với những đối tác lớn để đảm bảo thu hút và giữa chân được các nhà đầu tư chiến lược.

Thứ năm, là khoa học công nghệ, cần hoàn thành chính quyền điện tử cấp độ cao nhất. Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, để có thể nắm bắt thành công cơ hội và thách thức, việc chuyển đổi số là tất yếu. Chính phủ điện tử là một trong nhưng yêu cầu quan trọng. Vì vậy, Hải Phòng cần nâng cấp chính quyền điện tử sớm nhất có thể.

Đồng thời số hóa toàn bộ các dịch vụ công. Để tăng năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư để phát triển logistics, để kéo giảm chi phí và tăng hiệu lực hệ thống, cần số hóa toàn bộ các dịch vụ công. Công khai, minh bạch các dịch vụ công vừa làm giảm chi phí doanh nghiệp vừa tăng độ thân thiện của hệ thống cơ quan nhà nước đối với doanh nghiệp. Qua đó, thu hút thêm các doanh nghiệp đến đầu tư phát triển kinh tế nói chung và phát triển logistics nói riêng.

Bên cạnh đó, công khai trên cổng điện tử toàn bộ các quy hoạch. Việc công khai quy hoạch là một trong những nội dung của nhà nước, của bản thân các hoạt động quy hoạch. Tuy nhiên, để tối đa hóa tác động tích cực, việc công khai các quy hoạch trên công thông tin điện tử của thành phố là một bước tiến rất đáng thực hiện.

Ngoài ra, thu hút các doanh nghiệp công nghệ đến đầu tư, sản xuất. Bên cạnh việc thu hút các doanh nghiệp nói chung, việc thu hút các doanh nghiệp công nghệ là một phần quan trọng trong việc thu hút đầu tư. Đồng hành với các doanh nghiệp công nghệ là những doanh nghiệp trong chuối, trong hệ thống. Vì vậy, thu hút được các doanh nghiệp công nghệ sẽ kéo theo những hệ sinh thái doanh nghiệp tích cực cho kinh tế Hải Phòng.

Thứ sáu, là về chỉ đạo điều hành, cần có một chủ thể đứng ra chịu trách nhiệm và điều hành tổng thể về phát triển và đồng bộ hóa logistics trên địa bàn thành phố Hải phòng.

“Cần có một lộ trình tổng thể về phát triển và đồng bộ hóa logistics trên địa bàn thành phố Hải Phòng, có một nguồn ngân sách để thực hiện các hoạt động mang tính đồng bộ. Chuẩn bị đủ nguồn lực đất đai cho các hoạt động đồng bộ hóa logistics trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Ngoài ra Đảng, chính quyền, doanh nghiệp, người dân Hải Phòng cần có một tầm nhìn mới trong giai đoạn mới để đảm bảo kết nối với vùng trọng điểm phía Bắc, với khu vực phía Bắc và với các cơ quan Trung ương trong nhận thức, điều hành về phát triển kinh tế xã hội Hải Phòng, phát triển hạ tầng, logistics trên địa bàn thành phố Hải Phòng” - PGS. TS Trần Kim Chung nhấn mạnh.

Mong muốn Hải Phòng tối ưu hóa được các nguồn lực

Đây là chia sẻ của ông Đinh Hữu Thạnh, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP giao nhận vận tải Con Ong tai phiên thảo luận.

Ông Đinh Hữu Thạnh, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty CP giao nhận vận tải Con Ong

Ông Đinh Hữu Thạnh, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP giao nhận vận tải Con Ong

Ông Thạnh cho biết, trước khi chờ khu phi thuế quan ra đời chúng ta có thể cải tiến một số khâu thủ tục vì tất cả các khâu đều thuộc cơ quan quản lý của hải quan. Và chúng ta có thể tạo ra giá trị thặng dư cho hoạt động logistics từ đó.

Một vấn đề liên quan đến sân bay Cát Bitheo ông Đinh Hữu Thạnh đó là Sân bay Cát Bi có một số đường bay quốc tế và đến gần đây nhất, với sự đổi mới, nỗ lực của hải quan và TP Hải Phòng, về mặt thủ tục hải quan đã thông nhưng quá trình thông tương đối là lâu. Và trên góc độ thực tế, chúng ta chưa liên kết được với các hãng hàng không, cảng hàng không khác.

"Hải Phòng để tận dụng được sân bay Cát Bi thì Cát Bi cần cơ chế của cảng hàng không kéo dài, từ đấy có thể giảm được chi phí logictics cho hàng không giữa Hà Nội - Hải Phòng. Hải Phòng mà trông đợi vào các chuyến bay trực tiếp từ Hải Phòng thì không có nhiều, chúng ta phải trông đợi vào các chuyến bay nối từ TP. HCM, Đà Nẵng, Nha Trang. Chúng ta phải làm việc với những cảng hàng không đó để nối chuyến hàng hóa". - ông Thạnh nói.

Một vấn đề liên quan đến công nghệ thông tin, ông Thạnh mong TP Hải Phòng thúc đẩy, có một ứng dụng để có thể liên kết với các thành phố thuộc trung tâm logistics, đặc biệt là có cảng biển. “Có thể nói, thời gian qua, các cơ quan nhà nước đã cải cách rất mạnh mẽ. Tuy nhiên, chúng tôi thực sự mong muốn Hải Phòng tối ưu hóa được các nguồn lực để từ đó logistics đóng góp thực sự vào sự phát triển của kinh tế vùng” – ông Thạnh nói.

Sẽ điều chỉnh lại quy hoạch logistics

Sau thảo luận của các diễn giả về phát triển dịch vụ logistics Hải Phòng, ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng cho biết, sau Nghị Quyết 45 của Bộ Chính trị xác định rõ Hải Phòng trở thành trung tâm dịch vụ logistics quốc gia và trên cơ sở đó có giao cho các ngành nghiên cứu giảm các ngành logistics. Tuy hiện đang triển khai từng bước.

Ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng

Ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng

Ông Thọ cho biết, từ các nhận định, bài thuyết trình của các diễn giả tôi nhận thấy:

Thứ nhất, cần điều chỉnh lại quy hoạch phù hợp theo Nghị Quyết 45 của Bộ Chính trị đó là quy hoạch logistics cấp vùng và quốc tế. Đấy là tư duy cần chú ý, bởi trước kia quy hoạch mới chỉ dừng ở mức quốc gia chưa nhắc đến câu chuyện quốc tế. Như vậy quy mô sẽ lớn hơn. Thu hút FDI tăng cao như vậy nhu cầu mở rộng thị trường logistics sẽ càng lớn. Tôi cho rằng cần điều chỉnh quy hoạch này cho phù hợp quy mô ngày càng lớn cũng như định hướng điều chỉnh quy hoạch trong tương lai.

Thứ hai, hạ tầng kết nối với hệ thống cảng biển. Tại sao logistics của Hải Phòng và Việt Nam tăng cao trong đó có phần dịch vụ xếp dỡ tăng cao, chẳng qua chưa linh hoạt do vậy hướng tìm kho bãi liên kết giữ các nhà cung cấp, các khu công nghiệp, làm sao tiết kiệm nhất. đấy là hướng cần nghiên cứu.

Thứ ba, đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính, hải quan, cũng như khu vực xuất nhập khẩu. Chi phí liên quan đến phát sinh giao dịch hàng hóa mất thời gian đấy cũng là tăng cho giá dịch vụ.

Thứ tư, thêm nguồn nhân lực. Cần chất lượng đào tạo khi sinh viên ra trường phải làm được ngay đáp ứng được các nhu cầu doanh nghiệp. Nếu đào tạo kỹ sư logistics ra mà doanh nghiệp vẫn phải đào tạo lại thì câu chuyện đó cần phải xem xét lại. Khi chất lượng đào tạo kỹ sư phải đáp ứng được ngay, doanh nghiệp có thể sử dụng ngay.

Thứ năm, ứng dụng công nghệ 4.0 áp dụng công nghệ đối với quản lý, logistics thành phố sẽ quan tâm cùng các sở ban ngành đặc biệt là các doanh nghiệp sẽ đồng hành để kết nối làm sao để phát triển công nghệ 4.0.

Tăng cường liên kết, liên minh là xu thế thế giới

Ông Cao Hồng Phong, Giám đốc CTCP Cảng Nam Hải Đình Vũ – Gemadept đặt ra câu hỏi: “Tại sao bàn câu chuyện logistics chưa phát triển? hay phát triển chưa xứng tầm? Chúng ta có nhìn Hải Phòng với khu vực, các quốc gia, thế giới về mảng lĩnh vực logistics thì chúng ta đang mạnh, yếu những điểm nào?”.

Ông Cao Hồng Phong, Giám đốc CTCP Cảng Nam Hải Đình Vũ – Gemadept

Ông Cao Hồng Phong, Giám đốc CTCP Cảng Nam Hải Đình Vũ – Gemadept

Theo ông Phong, hiện có 4 xu thế của ngành trên thế giới: Xu thế cỡ tàu phương tiện vận tải ngày càng lớn hớn; Sự liên kết tăng cường sức mạnh với các liên minh hàng hải, liên doanh hợp tác đa ngành, M&A; Xu hướng liên kết ngành - một đơn vị làm nhiều ngành nghề.

Trong khi đó Việt Nam lại phát triển logistics nhỏ lẻ, manh mún dẫn đến vẫn chưa phát triển, do đó chúng ta phải liên kết lại với nhau, cần có nhiều buổi gặp gỡ đa phương, song phương, các doanh nghiệp gặp nhau nhiều hơn nữa.

Nếu liên kết với nhau chúng ta sẽ tối ưu hóa được chi phí, tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho khách hàng, cung cấp dịch vụ chọn gói, khai thác tối đa nguồn nhân lực, nâng cao năng lực cạnh tranh của mỗi doan nghiệp, cả cộng đồng logistics, của Việt Nam nói chung và sẽ tăng thêm nguồn và lượng hàng hóa xếp dỡ” – ông Phong cho biết.

Để tăng cường tính liên kết, liên minh giữa các doanh nghiệp logistics trong nước và quốc tế, ông Phong đề xuất:

Thứ nhất, cần phát triển lại hệ thống đường thủy nội địa, Hải Phòng có kết nối cao tốc với 17 tình thành phố nhưng không thể chỉ phụ thuộc vào đường bộ, chúng ta không thể phát triển logistics.

Thứ hai, cần chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp về vốn, giá bốc xếp.

Thứ ba, tăng cường sự giao lưu, liên kết hợp tác. Khi thành lập Hiệp hội logistics khu vực Hải Phòng, mong hiệp hội có vai trò tích cực, cụ thể nhất cho từng hội viên, đóng góp cho sự phát triển chung.

PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG LOGISTICS, TĂNG CƯỜNG KẾT NỐI ĐA PHƯƠNG THỨC, LIÊN KẾT VÙNG QUA CỬA NGÕ CẢNG BIỂN VÀ HÀNG KHÔNG HẢI PHÒNG

C

Các vị diễn giả tại phiên thảo luận: "Phát triển hạ tầng logistics, tăng cường kết nối đa phương thức, liên kết vùng qua cửa ngõ cảng biển và hàng không hải phòng"

Hải Phòng có thể cạnh tranh với các trung tâm logistics trong khu vực

Tại phiên thảo luận, ông Livio Arizzi, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Hàng không Lữ hành Việt Nam (Viettravel Airlines) cho biết, quá trình ở Việt Nam hơn 15 năm và đã chứng kiến sự thay đổi của Việt Nam với 2 thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng với tầm nhìn chiến lược.

Ông Livio Arizzi, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Hàng không Lữ hành Việt Nam (Viettravel Airlines)

Ông Livio Arizzi, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Hàng không Lữ hành Việt Nam (Viettravel Airlines)

Trong lĩnh vực logistics, có sự hỗ trợ từ Chính phủ, có thể phát triển lớn mạnh hơn và trở thành một trung tâm kinh tế cũng như trung tâm logistics cạnh tranh với các trung tâm lớn như tại Singapore, Hồng Kông các trung tâm lớn thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thế giới.

Với Hải Phòng là vị trí trọng điểm của phía Bắc Việt Nam, việc kết nối đường bộ, đường sắt, đường hàng không là rất quan trọng trong việc vận tải hàng hoá. Ngoài ra, kết nối với hải quan cũng đóng vai trò rất quan trọng vì đây là mấu chốt của thông quan hàng hoá, hỗ trợ cho phát triển mạnh mẽ lĩnh vực Logistics.

“Hiện nay, Vietravel Airline đang cung cấp 18 chuyến bay hằng ngày kết nối các thành phố như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Huế, Phú Quốc, Đà Lạt. Trong thời gian tới, ở trong thời gian tới sẽ có kết nối với TP. Hải Phòng. Ngoài ra, Vietravel Airline cũng có vận tải hàng hóa trên các chuyến bay nội địa với tải trọng 2 tấn trên một chuyến bay” - ông Livio Arizzi cho biết.

Cần thêm cầu kết nối với cảng Lạch Huyện

“Phải nói Hải Phòng là một trung tâm logictics của phía Bắc và khu vực, nhưng trung tâm logicstics đó lớn như nào, chất lượng như thế nào?” – ông Bùi Văn Quỳ, Phó Tổng giám đốc, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, kiêm Chủ tịch HĐTV Cảng container quốc tế Tân Cảng Hải Phòng đặt câu hỏi.

Ông Bùi Văn Quỳ, Phó Tổng giám đốc, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, kiêm Chủ tịch HĐTV Cảng container quốc tế Tân Cảng Hải Phòng

Ông Bùi Văn Quỳ, Phó Tổng giám đốc, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, kiêm Chủ tịch HĐTV Cảng container quốc tế Tân Cảng Hải Phòng

Việc liên kết để làm sao kết nối với thế giới? Hiện nay chúng ta đã kết nối nhưng để nó hiệu quả thì sao? Hiện nay, giao thông chủ yếu ở Hải Phòng đường bộ mà xu hướng của cảng Hải Phòng là đi ra ngoài. Thành phố phát triển lên, điều kiện về môi trường khắt khe hơn, việc đảm bảo đời sống của người dân được cao thì cảng sẽ ra bên ngoài.

Do vậy, Hải Phòng cần tăng cường thêm 1 chiếc cầu để nối ra cảng Lạch Huyện, nối tuyến đường sắt ra đến Lạch Huyện. Còn về đường sông, chúng tôi đã thử nghiệm nhiều tuyến dịch vụ kết nối Hải Phòng với Bắc Ninh và tháng 7/2021 chính thức khai trương. Khi đó, các hãng tàu, các nhà cung cấp dịch vụ logistics cũng hướng đến đó để làm nơi giao nhận logictics…

Hải Phòng là cửa ngõ của miền Bắc và kết nối với 2 quốc gia láng giềng là Lào, Trung Quốc bằng đường bộ, đường sắt, đường biển. Trước đây tất cả các cảng trong sông ở Hải Phòng chỉ kết nối được con tàu trong nội Á. Còn bây giờ, khi cảng Lạch Huyện ra đời, mà cụ thể là bến số 1, số 2 (Cảng container quốc tế Tân Cảng Hải Phòng) ra đời đã đón được những con tàu lên tới hơn 132.000 tấn (tương đương 12.000 TEU contairner). Đây là những con tàu lớn nhất từ trước đến nay vào cảng biển miền Bắc và Hải Phòng. Những con tàu này không cần sự trung chuyển của một nước thứ 3. Chúng ta có thể đi thẳng từ Hải Phòng đến các châu lục, trong đó có Bắc Mỹ.

“Hiện nay có những tuyến dịch vụ hàng tuần từ Lạch Huyện đi thẳng đến Bắc Mỹ. Và chính việc cảng đó là một mắt xích quan trọng của chuỗi cung ứng toàn cầu. Vai trò của cảng muốn phát triển lên thì phải nhìn về phía trước là các hãng tàu và phía sau chính là logictics (đường sắt, đường thủy, đường bộ, hàng không…) – ông Quỳ cho biết.

Quy hoạch giao thông để “chặn” chi phí logistics

“Quy hoạch ngành GTVT và tác động của ngành đến chi phí logistics. Đây là cơ hội để cải thiện hệ thống logistics gắn với hệ tầng giao thông kết nối và là vấn đề then chốt” – ông Phạm Hoài Chung, Phó Viện trưởng viện Chiến lược phát triển giao thông vận tải, Bộ GTVT cho biết.

ông Phạm Hoài Chung, Phó Viện trưởng viện Chiến lược phát triển giao thông vận tải, Bộ GTVT

Ông Phạm Hoài Chung, Phó Viện trưởng viện Chiến lược phát triển giao thông vận tải, Bộ GTVT

“Chưa bao giờ trong lịch sử chưa bao giờ có được 5 quy hoạch: đường bộ, đường sắt, đường không, đường biển, đường thủy nội địa cùng trong 1 thời điểm thực hiện luật quy hoạch năm 2107” – ông Chung nhận định.

Trong việc xây dựng quy hoạch, Viện trưởng viện Chiến lược phát triển giao thông vận tải phát triển theo hướng lấy cảng biển làm trung tâm, đường bộ và các phương thức khác kết nối đến. Đây là quan điểm mới trong cách tiếp cận xây dựng quy hoạch.

Đối với Hải Phòng, chúng tôi đã xây dựng quy hoạch logistics Hải Phòng. Hải Phòng đang cần phải định hướng rà soát lại trong quy hoạch logistics thực hiện Nghị quyết 45/NQ-TW của Bộ chính trị.

Đối với hệ thống giao thông đường bộ kết nối với Hải Phòng đang khá tốt. Hiện chỉ còn tuyến đường ven biển kết nối dọc từ Nam Định về Hải Phòng chưa hoàn thiện.

Đường thủy nội địa, có một dư địa lớn để kết nối trên hành lang, nối từ Lào Cai xuống Bắc Giang Bắc Ninh về đến Hải Phòng mà theo dự báo lượng hàng hóa lên đến 50 triệu tấn/hàng năm.

Hành lang đường thủy nội địa thứ hai từ Thái Bình, Nam Định về Hải Phòng cũng như về hành lang ven biển. Việc khai thác hành lang đường thủy nội địa còn nhiều điểm nghẽn.

Đối với cảng biển, đang tham gia quy hoạch xây dựng quy hoạch cảng biển, chúng ta có thể tính đến khai thác cảng Nam Đồ Sơn, như vậy mới đáp ứng được việc đưa HP thành trung tâm logistics quốc gia và quốc tế

“Cảng hàng không chúng tôi đang tham mưu cho bộ đề xuất phát triển cảng hàng không Tiên Lãng để hỗ trợ cảng hàng không Cát Bi trong tương lai. Tiềm năng logistics hàng không là rất lớn. Chúng ta cần phải kết hợp đồng bộ, khai thác hệ thống hạ tầng giao thông để giảm chi phí logistics” – ông Chung cho biết.

Cần hệ sinh thái xung quanh các nhà đầu tư lớn

Ông Hans Kerstens, Giám đốc kinh doanh Khu công nghiệp Đình Vũ (DEEP C) cho biết, Hiện nay, các công ty lớn đã đến Việt Nam như Samsung, nhưng điều mà chưa đến được Việt Nam đó là hệ sinh thái xung quanh những công ty này.

Ông Hans Kerstens, Giám đốc kinh doanh Khu công nghiệp Đình Vũ (DEEP C)

Ông Hans Kerstens, Giám đốc kinh doanh Khu công nghiệp Đình Vũ (DEEP C) (Bên trái)

Điển hình như các ngành công nghiệp hỗ trợ, các công ty hỗ trợ và cần phải có một lượng hàng rất lớn dịch chuyển từ Trung Quốc, Hàn Quốc đến Việt Nam. Vì thế sẽ tạo ra nhu cầu lớn cho hàng hóa di chuyển bằng đường hàng không, với tốc độ nhanh giữa các nhà máy đến Việt Nam. Trong khi đó, những công ty hỗ trợ này có thể thành lập tại Việt Nam để hỗ trợ cho các công ty lớn đó.

Nhưng để làm được điều đó, hệ thống cơ sở hạ tầng của chúng ta cần phát triển mạnh để có thể xử lý được lượng hàng lớn khi di chuyển từ các khu vực Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn trong khi lượng hàng dự trữ của những công ty này trong kho của họ rất thấp. Chính vì vậy, hạ tầng của Việt Nam cần phát triển rất nhanh trong vòng 3-5 năm tới

Ngoài ra,về vấn đề xây dựng khu công nghiệp có hai điểm cần chuẩn bị:

Thứ nhất, cần chuẩn bị đủ đất công nghiệp cho nhà đầu tư.

Thứ hai, các cơ sở hạ tầng cần có sẵn trong khu công nghiệp để khi nhà đầu tư đến có thể bắt đầu dự án luôn.

Tại Việt Nam, chức năng của Deep C là thu hút các nhà đầu tư từ nước ngoài và trong nước. Khi bắt đầu đầu tư tại Việt Nam, công ty đã nghiên cứu các nước khác thực hiện đầu tư như thế nào và lấy Trung Quốc là một ví dụ. Theo đó, Việt Nam là một đất nước có xu hướng phát triển tương tự.

Nếu nhìn vào Trung Quốc 15 năm trước, những công ty đầu tư vào Trung Quốc hiện cũng đang đầu tư vào Việt Nam với các lĩnh vực như điện tử, sản xuất linh kiện cho ngành năng lượng tái tạo. Ngoài ra, những công ty này còn đầu tư vào các tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai với các ngành công nghiệp, dệt may, sản xuất,...

Trong đó, cũng có sự khác biệt giữa các ngành về nhân công, tiện ích, xử lý nước thải,... các nhu cầu này khác biệt rất rõ rệt giữa ngành dệt may và ngành sản xuất linh kiện điện tử.

Có thể bạn quan tâm

  • Hải Phòng: Thúc đẩy ngành logistics phát triển bằng cách nào?

    06:50, 21/04/2021

  • Doanh nghiệp kỳ vọng thành lập Hiệp hội doanh nghiệp Logistics Hải Phòng

    08:00, 21/03/2021

  • Vì sao dự án trung tâm logistics hàng không tại Cần Thơ hấp dẫn nhà đầu tư?

    15:27, 05/03/2021

  • Doanh nghiệp “khổ” vì chi phí logistics tăng cao

    11:00, 04/03/2021

  • Điểm tựa chính sách cho doanh nghiệp logistics Việt

    11:00, 22/02/2021

NHÓM PHÓNG VIÊN