Tăng năng suất lao động - dư địa để kinh tế Việt Nam "cất cánh"

TS VŨ TIẾN LỘC (*) 28/04/2021 13:00

Không giống như các nước đã đạt được sự phát triển cao về kinh tế, Việt Nam chưa trải qua giai đoạn tăng lên rất nhanh về năng suất, đây là điều cho phép một nền kinh tế cất cánh đến thu nhập cao.

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

LTS: Sáng 28/4, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Hội thảo “Năng suất lao động ở Việt Nam – Nguồn gốc và thách thức cho sự tăng trưởng”. Hội thảo này nằm trong khuôn khổ các hoạt động nhằm thúc đẩy phong trào năng suất trong khu vực doanh nghiệp mà VCCI được Thủ tướng Chính phủ giao trong Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 04 tháng 02 năm 2020, về giải pháp thúc đẩy tăng năng suất lao động quốc gia.

Diễn đàn Doanh nghiệp trích đăng phát biểu khai mạc Hội thảo của TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

"Chìa khoá" cho tăng trưởng

Đại hội Đảng khóa XIII đã đề ra mục tiêu là đến năm 2030 Việt Nam sẽ trở thành nước đang phát triến, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045, Việt Nam phấn đấu trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Để thực hiện được những mục tiêu khát vọng này thì chìa khóa chính là nâng cao năng suất lao động của Việt Nam.

Theo V.I. Lenin "Xét đến cùng thì năng suất lao động là cái quan trọng nhất, chủ yếu nhất cho thắng lợi của chế độ mới”, hay nói một cách khác, chế độ này chiến thắng chế độ khác là nhờ có năng suất cao hơn.

Theo Giáo sư Paul Krugman, nhà Nobel Kinh tế người Mỹ: “Năng suất không phải là tất cả nhưng trong sự phát triển lâu dài nó gần như là tất cả. Năng lực cải thiện mức sống của một quốc gia gần như hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực của quốc gia đó trong việc nâng cao kết quả đầu ra tính trên một đầu người lao động”.

Theo quan điểm của giáo sư Michael Porter người đã nghiên cứu khung phân tích năng lực cạnh tranh trong ba thập kỷ qua thì yếu tố trung tâm cốt lõi của năng lực cạnh tranh là khái niệm năng suất và năng suất là yếu tố động lực cốt lõi dẫn dắt sự thịnh vượng bền vững. Chính vì thế, để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế thì Việt Nam cần phải tăng năng suất quốc gia.

Từ việc coi trọng năng suất, các nền kinh tế đều tìm mọi cách để thúc đẩy việc tăng năng suất quốc gia, trong đó có Việt Nam. Việt Nam đã có nhiều nỗ lực mạnh mẽ trong việc cải thiện năng năng suất lao động trong những năm gần đây, nhờ đó năng suất lao động của Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể, cả về giá trị và tốc độ.

Năng suất lao động năm 2020 tính theo giá so sánh năm 2010 chỉ tăng 5,4% (so với mức tăng 6,2% năm 2019, và ở mức thấp nhất trong 5 năm gần đây), đạt mức 117,94 triệu đồng/lao động theo giá hiện hành (tương đương 5.081 USD/lao động). Mức tăng này cao hơn khi so sánh với các quốc gia trong khu vực.

Năng suất lao động của Việt Nam được cải thiện rõ nét, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 tăng 5,8%/năm, cao hơn giai đoạn 2011 - 2015 (4,3%) và vượt mục tiêu đề ra (5%). Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) bình quân 5 năm đạt khoảng 45,2% (mục tiêu đề ra là 30 - 35%). Mô hình tăng trưởng dần chuyển dịch từ chiều rộng sang chiều sâu, giảm dần sự phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, xuất khẩu thô, lao động giá rẻ, mở rộng tín dụng…, từng bước chuyển sang dựa vào ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

So sánh với các nước trong khu vực và trên thế giới, theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 là 5,11%, cao hơn mức trung bình của ASEAN (3,11%) và cao hơn hầu hết các quốc gia ASEAN, chỉ đứng sau Campuchia. Tuy nhiên, tốc độ này vẫn thấp hơn mức tăng của Trung Quốc (7%) và Ấn Độ (6%)

Mặc dù có mức tăng trưởng năng suất lao động cao, nhưng chưa đủ nhanh để có thể thu hẹp khoảng cách với các quốc gia khác. năng suất lao động của Việt Nam năm 2020, theo ước tính của ILO, thấp hơn 7 lần so với Malaysia; 4 lần so với Trung Quốc; 3 lần so với Thái Lan, 2 lần so với Philippines và 26 lần so với Singapore. Báo cáo 2020 của Tổ chức Năng suất châu Á (APO) cũng cho thấy, năng suất lao động Việt Nam tụt hậu so với Nhật Bản 60 năm, so với Malaysia 40 năm và Thái Lan 10 năm. Điều này cho thấy Việt Nam cần phải có nhiều nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa trong việc cải thiện năng suất quốc gia. 

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Hội thảo “NĂNG SUẤT LAO ĐỘNG Ở VIỆT NAM – Nguồn gốc và thách thức cho sự tăng trưởng”.

Hội thảo “Năng suất lao động ở Việt Nam – Nguồn gốc và thách thức cho sự tăng trưởng” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức.

Ba giai đoạn của tăng trưởng năng suất lao động

Từ những kết quả nghiên cứu của Báo cáo Năng suất Việt Nam do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN và Viện Chính sách Quốc gia Nhật Bản phối hợp thực hiện; Báo cáo đã chỉ ra các nguồn gốc cho sự tăng trưởng năng suất lao động ở Việt Nam trong thời gian qua theo 3 giai đoạn. Trong giai đoạn đầu, Việt Nam tích cực xóa bỏ các rào cản thị thường và hội nhập một cách quyết đoán vào cộng đồng quốc tế. Những nỗ lực này khởi đầu cho sự tăng trưởng đáng kể năng suất lao động Việt Nam, đạt đỉnh 7,13% vào năm 1995.

Trong giai đoạn thứ hai bắt đầu từ giữa thập niên 1990, tăng trưởng năng suất lao động đã chậm lại. Khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997-98 và khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-09 đã làm xáo trộn nền kinh tế Việt Nam. Quan trọng hơn, tăng trưởng ngày càng phụ thuộc vào đầu tư vốn lớn với sự giảm sút về hiệu quả vốn.

Trong giai đoạn thứ ba (tính từ năm 2013 đến nay), tình hình bắt đầu cải thiện và tăng trưởng năng suất lao động dần bắt kịp tốc độ của giai đoạn đầu tiên (cho đến khi đại dịch COVID-19 tấn công nền kinh tế Việt Nam cũng như toàn cầu vào năm 2020). Đóng góp của TFP vào năng suất lao động tăng cao như mức 73% trong giai đoạn 2011-2019 trong khi đóng góp của cường độ vốn giảm. Động lực chính của tăng trưởng đã chuyển từ nặng về đầu tư sang cải thiện hiệu quả đúng nghĩa.

Báo cáo cũng đã phân tích năng suất lao động theo từng nhóm ngành kinh tế (Công nghiệp-Xây dựng, Nông lâm nghiệp thủy sản và Dịch vụ) và khu vực kinh tế (nhà nước, tư nhân và FDI) để từ đó chỉ ra những sự khác nhau trong việc tăng năng suất của từng khu vực.

Báo cáo cũng chỉ những thành tựu trong tăng trưởng năng suất của Việt Nam so với các nước Đông Bắc Á và ASEAN. Tuy nhiên, Báo cáo cũng đã cho thấy, không giống như các nước đã đạt được sự phát triển cao về kinh tế ở phần còn lại của châu Á, Việt Nam chưa trải qua giai đoạn tăng lên rất nhanh về năng suất, đây là điều cho phép một nền kinh tế cất cánh đến thu nhập cao.

Báo cáo cũng đã liệt kê ra các chương trình cải thiện năng suất của Việt Nam đã triển khai với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế như Nhật Bản và Tổ chức năng suất châu Á (APO). Những hỗ trợ này đã đóng góp rất nhiều cho phong trào năng suất Việt Nam nhưng vẫn cần nhiều nỗ lực hơn nữa bởi lẽ tình hình năng suất hiện tại vẫn cách xa mức mong đợi.

Báo cáo này liệt kê 10 cộng cụ năng suất của Nhật Bản đã tạo ra những kết quả tốt tại Nhật Bản cũng như nhiều nước châu Á khác và trên thế giới nhưng chưa được vận dụng có hiệu quả tại Việt Nam. Báo cáo cũng khuyến nghị Việt Nam nên học hỏi các công cụ này một cách cẩn trọng và lựa chọn một số công cụ để thực hành theo trình tự thích hợp, với sự chọn lọc và điều chỉnh phù hợp thực tế Việt Nam. Việt Nam cũng có thể học tập về năng suất từ các quốc gia khác nhưng nên bắt đầu với Nhật Bản vì Chính phủ Nhật Bản sẵn sàng hợp tác xa hơn nữa và cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản cũng đang sẵn sàng. Cùng với đó, việc học hỏi không được thụ động mà phải do phía Việt Nam làm chủ và phát huy hiệu quả.

Ngoài ra, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hiện nay, việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp, trong nền kinh tế cũng sẽ là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy năng suất lao động. Theo kết quả nghiên cứu của trường Đại học Kinh tế Quốc dân, tính cho cả giai đoạn 2020 - 2030, trung bình mỗi năm, chỉ riêng kinh tế số đóng góp từ 7% cho đến 16,5% trong 100% tốc độ tăng trưởng năng suất lao động tổng thể. Theo đó, có thể thấy đóng góp của kinh tế số là rất quan trọng đến năng suất và hiệu quả của nền kinh tế, và là một động lực mới cho cải thiện nhanh chóng năng suất lao động.

(*) Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Chủ tịch Hội đồng Trung ương các Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam; Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh; Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách Thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ; Trưởng Ban Chỉ đạo PCI.

Có thể bạn quan tâm

  • Năng suất lao động khu vực FDI tăng trưởng bất thường

    09:53, 28/04/2021

  • TRỰC TIẾP: Hội thảo năng suất lao động ở Việt Nam - Nguồn gốc và thách thức cho tăng trưởng

    08:27, 28/04/2021

  • Năng suất lao động: "Nút thắt" ở ngành công nghiệp giải trí (Bài 2)

    11:00, 07/04/2021

  • Năng suất lao động: "Nút thắt" ở ngành công nghiệp giải trí (Bài 1)

    04:00, 07/04/2021

TS VŨ TIẾN LỘC (*)