Thúc đẩy năng suất lao động quốc gia (Kỳ III): Sự dai dẳng của lao động phổ thông

THY HẰNG 04/05/2021 11:00

Sự dai dẳng của lao động phổ thông, trình độ thấp không có lợi cho việc xây dựng một quốc gia công nghiệp với khả năng cạnh tranh toàn cầu.

LTS: Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng năng suất lao động của Việt Nam trong giai đoạn 2021 – 2025 là 6,5%/năm, đây là một thách thức của Việt Nam khi năng suất lao động tại Việt Nam đang thuộc nhóm thấp nhất trong khu vực và có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại. Vì lý do đó, việc tìm kiếm những giải pháp dài hạn cho việc cải thiện năng suất lao động cho toàn bộ nền kinh tế có ý nghĩa quan trọng.

Việt Nam từng nổi tiếng vì có số lượng lớn lao động trẻ, khéo léo và siêng năng. Tuy nhiên, sau ba thập kỷ rưỡi Đổi Mới và một phần tư thế kỷ hội nhập toàn cầu, Việt Nam không còn có thể kỳ vọng vào việc cạnh tranh hiệu quả trên thị trường thế giới và tiến tới thu nhập cao nếu chỉ dựa vào đặc điểm lao động này.

Lao động dịch chuyển từ nông, lâm và thủy sản sang công nghiệp-xây dựng và dịch vụ cho thấy xu hướng tăng dần về số lượng của lao động thành thị so với lao động nông thôn.

Việt Nam từng nổi tiếng vì có số lượng lớn lao động trẻ, khéo léo và siêng năng. Tuy nhiên, Việt Nam không còn có thể kỳ vọng vào việc cạnh tranh hiệu quả trên thị trường thế giới và tiến tới thu nhập cao nếu chỉ dựa vào đặc điểm lao động này.

Chất lượng lao động kém cải thiện

Báo cáo “Năng suất Việt Nam: Nguồn gốc tăng trưởng năng suất lao động của Việt Nam trong ba thập niên cải cách và hội nhập” vừa được công bố cho thấy, một lý do giải thích cho điều này là dân số Việt Nam chắc chắn sẽ già đi và tỷ lệ dân số lao động sẽ sụt giảm trong tương lai. Nhưng nguyên nhân nghiêm trọng hơn đó là, sau nhiều năm công nghiệp hóa nhanh chóng, chất lượng của lực lượng lao động Việt Nam vẫn chưa được cải thiện nhiều ngoài sức trẻ, sự khéo léo và cần cù.

“Việt Nam chưa bồi dưỡng và chính phủ cũng chưa giúp đỡ để đào tạo một số lượng đủ các nhà khoa học, nhà quản lý, kỹ sư và kỹ thuật viên với kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm để có thể cạnh tranh hiệu quả với thế giới”, Báo cáo chỉ rõ.

Trước đó, một báo cáo về năng suất khác của PGS.TS Nguyễn Bá Ngọc và Ths. Phạm Minh Thu, Viện Khoa học Lao động và Xã hội cũng cho rằng, tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo nghề đã tăng lên thay vì giảm đi từ năm 2007 đến năm 2013. Tỷ lệ này tăng từ 55,5% lên 65,5% trong công nghiệp và xây dựng, đồng thời tăng từ 30,5% lên 56,4% trong dịch vụ.

Theo đó, các bong bóng lớn trên thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản đô thị tại Việt Nam xung quanh năm 2007 đã khiến nhiều người đầu cơ để kiếm lợi nhuận vốn ngắn hạn. Sự cố này có thể đã biến người Việt, những người từng kiên nhẫn và chăm chỉ làm việc, trở nên theo chủ nghĩa vật chất thiển cận thay vì học tập công nghệ cho những mục tiêu dài hạn. Khoảng năm 2015, số lượng ứng viên đăng kí vào các trường cao đẳng kỹ thuật và dạy nghề ở miền Bắc Việt Nam đột ngột giảm mạnh, đe dọa các trường này gặp khó khăn trong hoạt động và có nguy cơ phá sản.

Trong bối cảnh thị trường lao động thành thị thắt chặt, các học sinh mới tốt nghiệp phổ thông đổ xô đi tìm kiếm các công việc dễ dàng để kiếm tiền nhanh chóng thay vì đi học thêm nhiều năm để có kỹ năng kỹ thuật. Tư tưởng này của giới trẻ Việt Nam được cho là đáng lo ngại, vì nó không có lợi cho việc xây dựng một quốc gia công nghiệp với khả năng cạnh tranh toàn cầu.

Việt Nam với tư cách là một quốc gia chưa đạt đến điểm bước ngoặt Lewis. Tuy nhiên, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các vùng lân cận từ lâu đã phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động kể từ những năm 2000 dưới áp lực tiền lương mạnh mẽ và tình trạng nhảy việc thường xuyên.

Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các vùng lân cận từ lâu đã phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động kể từ những năm 2000 dưới áp lực tiền lương mạnh mẽ và tình trạng nhảy việc thường xuyên.  

Ngưỡng Lewis

Mô hình nền kinh tế lưỡng phân của Arthur Lewis cho rằng công nghiệp hóa của một xã hội truyền thống dư thừa lao động được thực hiện bằng cách mở rộng khu vực công nghiệp hiện đại, đây là khu vực hấp thụ lao động dư thừa ở nông thôn thông qua di cư giữa nông thôn và thành thị (Lewis, 1954). Nếu quá trình này diễn ra suôn sẻ, lượng lao động nhàn rỗi hoặc khiếm dụng (underemployed) cuối cùng sẽ biến mất. Đây chính là “ngưỡng” Lewis, nơi mà tại đó nền kinh tế từ dư thừa lao động chuyển sang thiếu hụt lao động. Vượt qua ngưỡng này, tiền lương bắt đầu tăng và tổng chi phí cho tiền lương mở rộng, điều này làm dịch chuyển phân phối thu nhập có lợi cho người lao động.

Điều đáng nói, quá trình này có thể bị đình trệ nếu nông nghiệp không thể cung cấp đủ lương thực cho lao động thành thị, nếu tăng trưởng công nghiệp quá yếu hoặc hạn hẹp để hấp thụ lao động nông thôn hoặc vì bất kỳ lý do nào khác. Đối với một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, biết được vị trí của quốc gia trong quỹ đạo tăng trưởng Lewis, đồng thời biết được liệu có hay không và khi nào thì thị trường lao động thắt chặt, tiền lương và phúc lợi của người lao động bắt đầu tăng lên là rất quan trọng.

Trên thực tế, báo cáo Năng suất Việt Nam cho thấy, cơ cấu lao động của Việt Nam chuyển dịch mạnh mẽ từ năm 1991 đến năm 2019. Lao động dịch chuyển từ nông, lâm và thủy sản sang công nghiệp-xây dựng và dịch vụ cho thấy xu hướng tăng dần về số lượng của lao động thành thị so với lao động nông thôn.

Tuy nhiên, GTGT của khu vực công nghiệp và xây dựng tăng chậm hơn tốc độ di chuyển lao động này nên tạo ra áp lực giảm NSLĐ. Mặc dù dân số Việt Nam đông và còn tương đối, lực lượng lao động chủ yếu vẫn là lao động phổ thông và quá trình chuyển đổi sang lao động có tay nghề còn chậm.

Việt Nam có đang sắp chạm ngưỡng Lewis hay ít nhất là có đang tiến dần tới điểm này hay không? Tại Việt Nam, lao động đã và đang di chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp-xây dựng và dịch vụ, nhưng tốc độ dịch chuyển này không phải là rất nhanh và cũng chưa tăng tốc để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về lao động công nghiệp.

Cùng với đó, tiền lương đang tăng và tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng đã xuất hiện tại các thành phố lớn trong khi lao động vẫn dồi dào và dư thừa ở các làng quê nông thôn và vùng sâu vùng xa. Hà Nội Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có thể đã vượt qua ngưỡng nhưng các tỉnh thành còn lại của Việt Nam dường như vẫn ở trong nền kinh tế dư thừa lao động.

Nguyên nhân của cơ cấu thị trường lao động kép này có thể là do thứ nhất, dù tiếp tục xuất hiện tình trạng dư thừa lao động nhưng quá trình công nghiệp hóa vừa qua làm cho lao động dư thừa ở nông thôn ngày càng khan hiếm.

Thứ hai, thiếu các khuyến khích hoặc cơ chế cho lao động nông thôn có được kỹ năng cần thiết của khu vực công nghiệp hiện đại. Thứ ba, chênh lệch thu nhập giữa nông nghiệp ở nông thôn và công nghiệp ở thành thị không đủ để kích hoạt di cư lao động.

Thứ tư, tồn tại một số trở ngại về chi phí, lực cản hoặc chính sách ngăn cản dịch chuyển lao động thuận lợi giữa các khu vực kinh tế và các vị trí địa lý.

Tuy nhiên, các số liệu thống kê có thể ước tính quá cao tỷ trọng lao động trong khu vực nông thôn do hệ thống hộ khẩu. Nhiều người chuyển từ nông thôn ra thành thị để làm việc nhưng vẫn có thể chính thức được tính là sống tại quê nhà theo hộ khẩu hợp pháp của họ. Hơn nữa, thực tế là một lượng lớn dân số ở trong khu vực nông thôn không đồng nghĩa với việc tất cả đều làm nông dân.

Chênh lệch về cơ hội thu nhập giữa các thành phố lớn và làng quê nông thôn là động lực chính dẫn đến di cư lao động. Tuy nhiên, ở Việt Nam, khoảng cách thu nhập giữa hai khu vực này đã dần được thu hẹp và trở nên ổn định trong nửa cuối thập niên 2020, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đạt được tăng trưởng chia sẻ (shared growth). Điều này có thể giải thích phần nào lý do di cư lao động giữa nông thôn và thành thị không diễn ra mạnh mẽ như mong đợi từ sự mở rộng về số lượng của khu vực công nghiệp hiện đại.

Như vậy, có thể kết luận rằng di cư lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ hiện đang xảy ra ở Việt Nam, được thúc đẩy bởi công nghiệp hóa đang diễn ra, có hoặc không có di cư thực tế vào các thành phố. Một số người thực sự chuyển hẳn đến thành phố, chuyển tạm thời, theo thời vụ hoặc bất thường trong khi những người khác nhận lấy những công việc phi nông nghiệp mà không rời khỏi làng. Đây là một hiện tượng thường thấy tại các nền kinh tế Đông Bắc Á và Đông Nam Á trong thời kỳ tăng trưởng nhanh. Quá trình này chưa hoàn tất ở Việt Nam vì dường như vẫn có lao động dư thừa trên cả nước, đặc biệt là ở các vùng nông thôn.

“Điều này khiến chúng tôi kết luận rằng Việt Nam với tư cách là một quốc gia chưa đạt đến điểm bước ngoặt Lewis. Tuy nhiên, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các vùng lân cận từ lâu đã phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động kể từ những năm 2000 dưới áp lực tiền lương mạnh mẽ và tình trạng nhảy việc thường xuyên”, nhóm tác giả đánh giá.

Câu hỏi đặt ra là tại sao việc di cư lao động không diễn ra ồ ạt hơn để lấp đầy khoảng cách lao động theo vùng, đến mức các làng quê nông thôn hầu như không có những lao động trẻ giống như đã quan sát thấy ở Nhật Bản trong thập niên 60, ở Trung Quốc trong thập niên 90 và thập niên 2000. Di cư lao động giữa nông thôn và thành thị có diễn ra ở Việt Nam nhưng tốc độ có vẻ ổn định hoặc ít nhất không tăng tốc. Các lý do có thể gây ra vấn đề này, chẳng hạn như xuất hiện tình trạng thiếu hụt lao động ngay cả trong khu vực nông thôn, người lao động trang bị kém các kỹ năng công nghiệp, chênh lệch thu nhập giữa thành thị và nông thôn ngày càng thu hẹp cũng như sự tồn tại của một số rào cản dịch chuyển ngăn cản quá trình di cư lao động suôn sẻ.

Còn nữa...

Có thể bạn quan tâm

  • Thúc đẩy năng suất lao động quốc gia (Kỳ II): Những nỗ lực “rời rạc” khiến xếp hạng nằm nhóm "áp chót"

    11:30, 02/05/2021

  • Thúc đẩy năng suất lao động quốc gia (Kỳ I): Tiến trình "kỳ lạ" của năng suất lao động Việt Nam

    13:00, 01/05/2021

  • Thúc đẩy phong trào tăng năng suất

    04:30, 01/05/2021

  • Tăng năng suất lao động - dư địa để kinh tế Việt Nam "cất cánh"

    13:00, 28/04/2021

THY HẰNG