Thương mại điện tử tạo động lực phát triển logistics
Sự thay đổi của thương mại điện tử trong nước và trên thế giới sẽ có tác động mạnh, thúc đẩy ngành logistics theo hướng chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.
Trao đổi với Diễn đàn doanh nghiệp, ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) nhận định, thương mại điện tử và đặc biệt là thương mại điện tử xuyên biên giới đang trở thành xu hướng tất yếu trong việc phát triển lĩnh vực thương mại và logistics, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, thay đổi phương thức vận hành cũng như sự vận động của chuỗi cung ứng toàn cầu.
- Tuy nhiên, còn nhiều điểm yếu “cố hữu” trong doanh nghiệp logistics Việt Nam được cho là đang “cản đường” sự phát triển của thương mại điện tử, thưa ông?
Trong 3-5 năm gần đây, mức độ tăng trưởng dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới phát triển nhanh chóng, thường gấp 3-4 lần so với thương mại truyền thống. Báo cáo Thương mại điện tử các nước Đông Nam Á năm 2019 của Google, Temasek và Brain&Company dự đoán, tốc độ tăng trưởng trung bình cho cả giai đoạn 2015-2025 của thương mại điện tử Việt Nam là 29%. Dự báo đến năm 2025, quy mô thương mại điện tử của Việt Nam sẽ vươn tới ngưỡng 43 tỷ USD và đứng thứ 3 trong khối ASEAN.
Nhưng để phát triển được thương mại điện tử xuyên biên giới, doanh nghiệp logistics phải đảm bảo mạng lưới, có công nghệ phù hợp đảm bảo kết nối và quản lý từ người cung cấp đến đơn vị giao nhận và giao hàng chặng cuối, bởi với thương mại điện tử theo dõi quá trình dịch chuyển hàng hoá là yêu cầu tất yếu.
Trên thực tế, đây đang là những điểm yếu có tính cố hữu của doanh nghiệp trong một chặng đường dài. Do đó, để đón nhận những cơ hội từ thị trường trong đó thương mại điện tử thì vấn đề chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ và xây dựng mạng lưới là những yêu cầu cần đẩy mạnh đầu tiên.
Đặc biệt, đang có tình trạng thiếu sự liên kết giữa doanh nghiệp thương mại điện tử và doanh nghiệp logistics, làm mất đi cơ hội của doanh nghiệp logistics, đồng thời chưa đáp ứng được nhu cầu của thương mại điện tử. Do đó, nếu không thay đổi để thích ứng thì khó đáp ứng được nhu cầu phát triển.
- Những thay đổi nào cần được ưu tiên thực hiện để logistics đáp ứng được yêu cầu phát triển của thương mại điện tử, thậm chí trở thành động lực phát triển, thưa ông?
Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/05/2020 đã đề cập đến giải pháp tăng cường năng lực các hệ thống hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ cho thương mại điện tử. Trong đó giải pháp đặt ra yêu cầu có sự cải tạo, phát triển hạ tầng logistics.
Cụ thể: Cải thiện hạ tầng dịch vụ chuyển phát và logistics cho thương mại điện tử, ứng dụng các công nghệ mới trong hoạt động logistics; khuyến khích thí điểm và triển khai ứng dụng các phương tiện giao thông mới hỗ trợ việc vận chuyển, giao nhận hàng hóa trong thương mại điện tử; khuyến khích các giải pháp tổng thể liên kết doanh nghiệp hậu cần từ chặng đầu tới chặng cuối; nghiên cứu bài bản các giải pháp cho chuyển phát xuyên biên giới, logistics trong đô thị. Thêm vào đó, cần xây dựng hệ thống quản lý trực tuyến các dịch vụ vận chuyển, giao nhận và hoàn tất đơn hàng cho thương mại điện tử…
Mặc dù vậy, chúng tôi cho rằng cần những chính sách cụ thể hơn. Ví dụ như trong lĩnh vực thủ tục hải quan, lĩnh vực thuế…cần những giải pháp có tính đồng bộ, lan toả cho tất cả các doanh nghiệp và những giải pháp phục vụ riêng cho ngành logistics mà Nhà nước có thể hỗ trợ thông qua một doanh nghiệp nào đó để doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tiếp cận.
Để tạo thuận lợi cho thương mại điện tử xuyên biên giới và logistics cho thương mại điện tử xuyên biên giới phát triển, mới đây, Chính phủ ban hành Nghị quyết 24/NQ-CP ngày 26/2/2021 thông qua đề nghị xây dựng Nghị định quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử.
Tuy nhiên, việc xây dựng Nghị định này cần phải có tinh thần đổi mới, một cách tiếp cận vấn đề toàn diện, không phải là chỉ việc tập hợp các quy định liên quan sẵn có trước đây. Các vấn đề như quy định về hóa đơn chứng từ, trị giá tối thiểu (De minimis), kiểm tra chuyên ngành,... cần phải được tiếp cận ở góc độ tạo thuận lợi hóa tối đa, thông qua đánh giá rủi ro, các chế độ hậu kiểm phù hợp.
Việc thực hiện các hỗ trợ này đòi hỏi những nguồn lực cho triển khai, Nhà nước có thể hỗ trợ chi phí triển khai các giải pháp này, đồng thời hỗ trợ đào tạo nâng cao nhận thức, năng lực cho đội ngũ nhân lực trong lĩnh vực logistics.
Về mạng lưới, thị trường đã có nhiều mạng lưới mà doanh nghiệp Việt gần đây đã chủ động tham gia. Ở góc độ cơ quan nhà nước cần khuyến khích doanh nghiệp đón nhận, chủ động tham gia các mạng lưới thông qua đẩy mạnh liên kết địa phương, thành lập hiệp hội ngành nghề.
Ở góc độ Hiệp hội chúng tôi đã có những chương trình hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy chuyển đổi số, kết nối hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng mạng, Hiệp hội ngành nghề theo địa phương và khu vực, cũng như tạo điều kiện cho doanh nghiệp logistics Việt Nam tham gia vào mạng lưới quốc tế.
- Bản thân các doanh nghiệp logistics cần thích ứng như thế nào trước những "đòi hỏi" của bối cảnh mới, thưa ông?
Tỷ lệ chi phí dành cho dịch vụ logistics và chuyển phát tại Việt Nam còn khá cao trong các giao dịch sản phẩm hữu hình của thương mại điện tử. Mặt khác, người tiêu dùng ít nhiều còn e ngại về thời gian giao hàng không đúng cam kết, khó truy vết người bán hay khâu trả lại hàng còn nhiều phức tạp, dẫn đến giá mua hàng trực tuyến không thấp hơn nhiều so với mua hàng theo phương thức truyền thống. Do đó, trong khi logistics là một phần không thể thiếu, thậm chí là “xương sống” trong chuỗi cung ứng của thương mại điện tử thì thương mại điện tử giữ vai trò tăng cường sức bật cho logistics.
Theo đó, sự thay đổi về phương thức và thay đổi của thương mại điện tử cả trong nước và trên thế giới như tôi vừa nói sẽ có tác động mạnh, thúc đẩy ngành logistics theo hướng chuyên nghiệp và hiệu quả hơn, đồng thời cũng gây áp lực lớn tới chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp logistics.
Theo điều tra của Hiệp hội logistics Việt Nam thì số lượng doanh nghiệp logistics truyền thống bắt đầu tham gia cung cấp dịch vụ cho thương mại điện tử đang có xu hướng gia tăng. Cụ thể 15% số lượng doanh nghiệp của VLA có tham gia vào thương mại điện tử theo báo cáo của VLA và con số này chắc chắn sẽ gia tăng trong thời gian tới.
Bản thân các doanh nghiệp logistics tại Việt Nam cũng đứng trước yêu cầu phải có sự đầu tư công nghệ, độ kỹ lưỡng, nâng cao chất lượng trong dịch vụ vận tải và logistics, phải thay đổi để thích nghi và phát triển, nâng cao sức cạnh tranh.
Đặc biệt, các doanh nghiệp cần chú tâm phát triển thêm khu vực logistics chuyên biệt cho thương mại điện tử xuyên biên giới và nhập khẩu. Việc liên kết giữa các doanh nghiệp với các thế mạnh khác nhau như vận chuyển xuyên biên giới, dịch vụ trung tâm phân phối, hoàn tất đơn hàng cũng có thể là giải pháp cho việc nâng cao chất lượng dịch vụ của các bên.
Mặt khác, với xu hướng mua sắm qua mạng ngày càng phổ biến, chuỗi cung ứng logistics cần được cắt ngắn lại, bỏ bớt khâu trung gian để hàng hóa đi thẳng từ tổng kho của nhà phân phối đến tay người tiêu dùng.
Xin cảm ơn Ông!
Có thể bạn quan tâm
Người tiêu dùng lo ngại logistics “cản trở” thương mại điện tử
15:32, 06/05/2021
Phát triển logistics Hải Phòng: Xác định tiêu chí và ngành hàng trung tâm logistics
11:00, 01/05/2021
Hải Phòng: Khát “nhân lực” logistics
12:04, 01/05/2021
Hải Phòng: Chi phí logistics cao, nguyên nhân do đâu?
01:09, 04/05/2021