Giải ngân vốn đầu tư công “ách tắc” vì giải phóng mặt bằng

THY HẰNG 12/05/2021 11:00

Mặc dù được xem là giải pháp cốt lõi cho thúc đẩy tăng trưởng giai đoạn khủng hoảng bởi COVID-19, tuy nhiên, giải ngân vốn đầu tư công lại đang ì ạch, không như mong đợi.

Báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, ước giải ngân kế hoạch vốn 4 tháng đầu năm 2021 đạt 86.010,29 tỷ đồng, bằng 18,65% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó vốn trong nước đạt 20,74%, vốn nước ngoài đạt 2,02%.

Đầu tư công

Việc tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công sẽ là chìa khóa cho tăng trưởng năm 2021, vừa giúp kích cầu kinh tế, vừa giúp tiêu thụ nguyên vật liệu và giải quyết công ăn việc làm cho người lao động. 

Quan trọng tính hiệu quả

Đáng lưu ý, trong khi chỉ có 5 bộ và 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 20% kế hoạch, thì còn lại hầu hết các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt thấp, 41/50 bộ và 26/60 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15%, trong đó có 17 bộ chưa giải ngân kế hoạch vốn.

Trước đó, Trung tâm Thông tin dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) nhận định, quý I/2021, một số yếu tố được xem là động lực và đóng góp lớn đối với tăng trưởng lại chưa đạt được kết quả như kỳ vọng, trong đó có giải ngân vốn đầu tư công thấp, triển khai phân bổ vốn chậm. 

Ông Lê Tuấn Anh, Phó vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) nhận định, một trong những nguyên nhân phải nhắc đến đầu tiên khiến cho việc giải ngân chậm là giải phóng mặt bằng. Hiện việc này gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về đơn giá, phương án đền bù, khó khăn trong di dời các công trình tiện ích...

Hơn nữa, cũng có tình trạng chủ đầu tư chưa kiên quyết trong việc đôn đốc nhà thầu triển khai thi công dẫn đến công việc còn trì trệ; các tháng đầu năm chưa giải ngân được nhiều. “Hiện đang có sự chênh lệch lớn giữa giá đất Nhà nước thu hồi với giá đền bù của nhà đầu tư theo cơ chế thỏa thuận dẫn đến nhiều trường hợp có đất thuộc diện được Nhà nước thu hồi yêu cầu bồi thường với giá cao hơn quy định và yêu cầu thỏa thuận”, đại diện Bộ Tài chính cho biết.

Ngoài ra, cũng có vướng mắc về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đặc biệt là đất lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, rừng tự nhiên; việc đo đạc, kiểm đếm và áp dụng mức đền bù… Những điều này khiến cho công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án đầu tư công gặp nhiều khó khăn.

Bộ Tài chính cũng chỉ ra việc quản lý đất đai còn lỏng lẻo, đất công bị người dân lấn chiếm, không thể xác định nguồn gốc đất đai của các thửa đất bị thu hồi. Quy trình thủ tục pháp lý của công tác thu hồi đất một số nơi chưa chặt chẽ, công khai minh bạch, dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện.

Trên thực tế, giải ngân vốn đầu tư công chậm chạp đã được nói đến từ nhiều năm nay nhưng thực trạng không được cải thiện bao nhiêu dù Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ thường xuyên đốc thúc. Đầu tư công rất quan trọng trong thời điểm hiện tại khi nền kinh tế bị tác động bởi đại dịch Covid-19. Đây là tiền đề quan trọng để tiếp tục vực dậy kinh tế trong đại dịch. 

“Động lực tăng trưởng trong quý tiếp theo vẫn là xuất khẩu, đầu tư công còn các lĩnh vực khác chưa thể phục hồi ngay được với tình hình hiện nay mà sẽ được cải thiện dần dần”, PGS.TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách nhấn mạnh. 

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói rằng, đầu tư công là một trong những yếu tố quan trọng nhất, giúp nền kinh tế hồi phục và tăng trưởng khi khó khăn "bủa vây" như hiện nay. Tuy nhiên, trong công tác giải ngân vốn đầu tư công, yếu tố quan trọng nhất chính là hiệu quả, chứ không phải giải ngân vốn "càng nhiều càng tốt".

41/50 bộ và 26/60 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15%, trong đó có 17 bộ chưa giải ngân kế hoạch vốn.

41/50 bộ và 26/60 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15%, trong đó có 17 bộ chưa giải ngân kế hoạch vốn.

"Chúng ta đã có nhiều bài học đắt giá về việc đầu tư công kém hiệu quả... Chúng ta cố giải ngân, nhưng chỉ giai đoạn ban đầu, sau đó lại ngưng, ách tắc do thiếu sự chuẩn bị từ đầu đến cuối, thiếu sự liên tục", bà Chi Lan nêu quan điểm. Bà Chi Lan còn lo ngại việc thúc đẩy đầu tư công ồ ạt, "vẽ" thêm dự án trong khi chưa sẵn sàng thực hiện. Việc chưa có đủ điều kiện làm một cách hiệu quả, xuyên suốt, rồi lại bỏ dở, gây thất thoát nguồn lực và không phát huy được tác dụng. Thậm chí, có những dự án mới còn "chồng" dự án cũ.

Quy trách nhiệm người đứng đầu

Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, đầu tư công rất quan trọng trong thời điểm hiện tại khi nền kinh tế bị tác động bởi đại dịch Covid-19. Đây là tiền đề quan trọng để tiếp tục vực dậy kinh tế trong đại dịch. Do đó, ông Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh cần phải tạo mọi điều kiện để nhanh chóng giải ngân vốn đầu tư công.

Cụ thể, chuyên gia đề xuất, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương xây dựng và ban hành Chương trình hành động đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công các dự án được giao quản lý.

Đảm bảo công tác tổ chức bộ máy và năng lực quản lý của chủ đầu tư, chủ dự án; nâng cao năng lực của các ban quản lý dự án, đảm bảo triển khai thực hiện các dự án theo tiến độ cam kết; giảm thiểu tình trạng nhà thầu không đủ năng lực; tăng cường đào tạo, tăng cường năng lực, đạo đức và trách nhiệm công vụ của cán bộ làm công tác quản lý dự án, quản lý đầu tư.

“Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch năm 2021 của các dự án, Bộ Tài chính kiến nghị các địa phương đẩy nhanh tiến độ lập, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh; trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định; khẩn trương lập, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, xã”, TS Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.

Tại phiên họp Chính phủ mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Minh Chính cũng đã yêu cầu, người đứng đầu các Bộ, cơ quan, địa phương phải chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện về việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch.

Có thể bạn quan tâm

  • Hưởng lợi đầu tư công, Tracodi đặt tham vọng tăng trưởng mạnh

    04:00, 30/04/2021

  • “Gập ghềnh” đầu tư công

    12:00, 21/04/2021

  • Kỳ I: Đầu tư công là động lực cho tăng trưởng ngành ngân hàng năm 2021

    14:26, 16/04/2021

  • Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của Bộ GTVT ra sao?

    10:01, 09/04/2021

THY HẰNG