TP HCM: Ưu tiên triển khai nhanh dự án vành đai 3 và 4 để kết nối Vùng
Đó là kiến nghị của Chủ tịch UBND TP HCM với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác của Chính phủ tại buổi làm việc đầu tiên với địa phương trên cương vị mới ngày 13/5/2021.
Ưu tiên triển khai nhanh
Theo ông Phong Nguyễn Thành Phong, dự án cao tốc TP HCM - Mộc Bài dài 53 km, tổng mức đầu tư hơn 10.700 tỷ đồng (sau tổng vốn dự kiến 13.600 tỷ đồng) đã được Thủ tướng giao UBND thành phố thực hiện. Tuy nhiên, do quy định về đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) thay đổi nên phải làm lại trình tự, thủ tục; đồng thời chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng tăng, cần cập nhật lại.
Do đó, để đẩy nhanh tiến độ dự án, sau khi thành phố báo cáo tiền khả thi, ông Phong đề xuất Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan rà soát, trình Chính phủ phê duyệt để triển khai và đề xuất Trung ương hỗ trợ 100% vốn ngân sách bồi thường, giải phóng mặt bằng ở thành phố.
Đối với Dự án đường Vành đai 3 có tổng chiều dài hơn 98 km đi qua các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TP HCM và Long An đã được Thủ tướng phê duyệt cách đây 10 năm. Và hiện Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt dự án thành phần 1A (tỉnh lộ 25B - cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây), 1B (cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây - xa lộ Hà Nội, TP Thủ Đức). Dự án thành phần 2A, 2B, đoạn 3, đoạn 4 đang hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng dự án 1A vượt so với cam kết trước đây của thành phố khoảng 1.800 tỷ đồng (thành phố cam kết ứng 3.000 tỷ đồng). Do nguồn vốn thành phố gặp nhiều khó khăn, ông Phong mong muốn Thủ tướng cho bố trí vốn Trung ương đối với chi phí giải phóng mặt bằng tăng lên của dự án 1A.
Bên cạnh đó, dự án thành phần 1B, ông Phong cũng đề xuất Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải sớm chọn nhà đầu tư, triển khai khởi công trong quý 3 năm nay theo kế hoạch. Lý do, "do Vành đai 3 là tuyến huyết mạch, cấp thiết kết nối Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và là điểm đầu của cao tốc TP HCM - Mộc Bài, TP HCM - Chơn Thành, thành phố kiến nghị Thủ tướng quan tâm, chỉ đạo triển khai các đoạn còn lại trong giai đoạn 2021-2025" - ông Phong nhấn mạnh.
Đối với đường Vành đai 4, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong, cũng kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu tổng thể phương án, quy mô, hình thức đầu tư, kết nối với các tuyến giao thông chính trong vùng. Bộ Giao thông Vận tải phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng đơn vị liên quan có cơ chế hỗ trợ một phần vốn Trung ương giai đoạn 2021-2025 cho tuyến đường này theo chỉ đạo của Thủ tướng ngày 21/8/2020 – ông Phong kiến nghị.
Đề xuất giải pháp
Kết luận tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, cho rằng: “Do nội dung đề xuất của TP HCM rất nhiều và phong phú, chất lượng đòi hỏi phải cao, cho nên yêu cầu các đồng chí cần tập trung tối đa để cùng bàn bạc. Cần phát biểu trực tiếp vào vấn đề, không bàn nữa. Cái gì chưa được thì đề xuất giải pháp” – Thủ tướng nhấn mạnh
Cũng theo Thủ tướng, trên tinh thần đề xuất của TP HCM, các thành viên Chính phủ đã họp, nghiên cứu các nội dung "mà hai bên cùng quan tâm để cùng giải quyết". Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao các kiến nghị, sự chuẩn bị của TP HCM, đi đúng với những vấn đề TP đang cần tháo gỡ, thể hiện trách nhiệm cao. Bên cạnh đó, Thủ tướng nhắc lại, vị trí và vai trò của TP HCM là vị trí hết sức quan trọng về chính trị, kinh tế, quân sự, an ninh quốc phòng, xã hội... không chỉ đối với khu vực miền Nam mà đối với cả nước. Và những năm vừa qua, TP HCM tiếp tục là đầu tàu kinh tế của cả nước, có những thành tựu quan trọng về hiệu quả đầu tư, các chỉ số phát triển kinh tế, đi cùng với vị trí nguồn nhân lực cao so với khu vực và trong nước, về sáng tạo, khởi nghiệp, đổi mới...
Theo Thủ tướng, mặc dù có "điều này điều kia" nhưng TP HCM vẫn là thành phố đổi mới sáng tạo và những việc làm của thành phố thời gian vừa qua là những việc làm rất có ý nghĩa.
“Trong quá trình làm nó có mâu thuẫn chúng ta phải giải quyết, trong quá trình làm có mắc sai lầm chúng ta phải xử lý nó. Tuy nhiên, tựu chung lại TP đang đi đúng hướng, đang tích cực làm tốt những chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và vai trò của mình" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Liên quan những tồn tại ở các dự án hạ tầng giao thông, trước đó, dự án đường vành đai 3 cũng đã từng được nhắc đến với tình trạng dang dở nhiều năm nhưng không thể hàn thành do vướng mắc về cơ chế chính sách. Theo quy hoạch, đường Vành đai 3 dài hơn 90 km, chạy qua TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An, chia làm 4 đoạn: Tân Vạn - Bình Chuẩn, Tân Vạn - Nhơn Trạch, Bình Chuẩn - quốc lộ 22 và quốc lộ 22 - Bến Lức. Dự án khi xây xong giúp liên kết các cao tốc TP HCM - Trung Lương, TP HCM - Long Thành - Dầu Giây; quốc lộ 1, 22; hình thành mạng lưới giao thông liền mạch giữa TP HCM với các tỉnh xung quanh, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng... Và theo quy hoạch được phê duyệt 11 năm trước, toàn tuyến Vành đai 3 cơ bản hoàn thành trước năm 2020. Tuy nhiên đến nay chỉ đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn (một phần đường Mỹ Phước - Tân Vạn thuộc Bình Dương) dài hơn 16 km đã hoàn thành. Ba đoạn còn lại dù Bộ Giao thông Vận tải, TP HCM và các địa phương có động thái thúc đẩy nhưng chưa được khởi công do vướng giải phóng mặt bằng, chi phí tăng, thiếu vốn đầu tư... Đối với đường Vành đai 4, theo quy hoạch dự án có tổng chiều dài 198 km, đi qua Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, TP HCM và Long An, ước tính tổng mức đầu tư 100.000 tỷ đồng. Thời gian được duyệt từ năm 2013, tuyến vành đai này vai trò chiến lược trong liên kết vùng, đặc biệt kết nối Khu đô thị cảng Hiệp Phước ở phía Nam Sài Gòn với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên sau 8 năm, tuyến đường chưa được hình thành. Vành đai 4 chia làm 5 đoạn, trong đó hiện chỉ đoạn Bến Lức - Hiệp Phước (dài gần 36 km), tổng vốn 20.000 tỷ đồng đang được nghiên cứu đề xuất đầu tư. Các đoạn còn lại chưa khởi động, gồm: Phú Mỹ - Trảng Bom (hơn 45 km), Trảng Bom - quốc lộ 13 (52 km), quốc lộ 13 - quốc lộ 22 (gần 23 km), quốc lộ 22 - Bến Lức (hơn 41 km). Tuy nhiên, trong giai đoạn 2017-2020, tỷ lệ ngân sách giữ lại của TP HCM hàng năm bị giảm mạnh từ 23% xuống 18%, dẫn đến việc đầu tư cho hạ tầng giao thông càng gặp trở ngại. Nhiều dự án giao thông quan trọng ở thành phố đều chậm so với quy hoạch do thiếu vốn. |
Có thể bạn quan tâm
Thủ tướng: Cương quyết không để dịch COVID-19 bùng phát ở TP.HCM
14:39, 13/05/2021
TP.HCM kiến nghị Thủ tướng 5 nhóm vấn đề trọng tâm
11:17, 13/05/2021
Thủ tướng Phạm Minh Chính lần đầu làm việc với lãnh đạo TP.HCM
10:35, 13/05/2021
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: "Không để dịch bệnh lây lan trong các khu công nghiệp"
19:09, 12/05/2021
Thủ tướng yêu cầu giải quyết dứt điểm các ổ dịch, nhanh chóng ổn định tình hình
20:15, 11/05/2021
Phó Thủ tướng chỉ đạo xử lý nghiêm đối tượng lợi dụng thông tin thổi giá đất
17:47, 11/05/2021
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Cơ bản đang kiểm soát được 4 nguồn lây dịch COVID-19
17:36, 10/05/2021