Điện gió gặp khó vì các luật “vênh” nhau
Doanh nghiệp kiến nghị thay vì cần Giấy phép hoạt động điện lực mới được hoàn thuế, các dự án năng lượng được hoàn thuế GTGT ngay khi đã ký hợp đồng mua bán điện.
Hiệp hội Năng lượng vừa có văn bản kêu cứu gửi Thủ tướng về việc nhiều doanh nghiệp đầu tư vào ngành điện bị Tổng cục Thuế dừng hoàn thuế GTGT, thậm chí, doanh nghiệp còn đối diện với nguy cơ bị truy thu và phạt chậm nộp hàng ngàn tỷ đồng.
Trao đổi với DĐDN ông Bùi Văn Thịnh - Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và Điện mặt trời Bình Thuận, Tổng giám đốc Công ty CP Phong điện Thuận Bình nhấn mạnh, cách hiểu giữa các Bộ Tài chính và Bộ Công Thương khác nhau có thể đẩy nhiều nhà đầu tư điện tái tạo vào chỗ phá sản.
- Xin ông hãy chia sẻ rõ hơn về điều này?
Hiện tại các doanh nghiệp đầu tư điện tái tạo đang được hoàn thuế căn cứ theo Thông tư 130/2016 của Bộ Tài chính. Việc Tổng cục Thuế ban hành văn bản số 470 ngày 25/2/2021 về việc rà soát, thu hồi hoàn thuế GTGT đối với các dự án đầu tư ngành điện nộp hồ sơ trước thời điểm có Giấy phép hoạt động điện lực là một cú “sốc” với các nhà đầu tư điện tái tạo. Chúng tôi đã bị Cục Thuế tỉnh Bình Thuận yêu cầu truy thu số thuế GTGT đã được hoàn (10% giá trị thiết bị nhập khẩu), đồng thời phạt tiền chậm nộp 0,03%/ngày tính từ ngày được hoàn thuế.
Theo giải thích của cơ quan thuế, mặc dù, dự án đầu tư ngành điện là dự án đầu tư kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, căn cứ Luật Thuế GTGT, các dự án này chỉ được hoàn thuế GTGT khi được cấp Giấy phép hoạt động điện lực.
Trong khi theo Thông tư số 21/2020 ngày 09/9/2020 của Bộ Công Thương quy định về trình tự, thủ tục cấp, thu hồi giấy phép hoạt động điện lực, “chỉ khi nhà máy đã hoàn thành đảm bảo đủ các điều kiện vận hành và được nghiệm thu mới được cấp Giấy phép hoạt động điện lực”.
- Vậy cách hiểu của các Bộ “vênh nhau” ở đâu, thưa ông?
Đầu tư điện tái tạo được quy định là ngành nghề kinh doanh có điều kiện tại Luật Đầu tư. Khi đã được quy định là ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì không thể chỉ vì Giấy phép hoạt động điện lực mà nó không còn được đối xử như ngành nghề kinh doanh không có điều kiện.
Ngay Bộ Công Thương trong văn bản gửi Bộ Tài chính cũng khẳng định: "Giấy phép hoạt động điện lực không phải là giấy phép kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện”.
- Doanh nghiệp đã chịu thiệt hại bởi quy định này như thế nào, thưa ông?
Nếu thực hiện truy thu và phạt số tiền như trên, nhiều doanh nghiệp đầu tư điện tái tạo sẽ phải phá sản hoặc thua lỗ nặng nề. Bởi các chi phí đầu tư, kế hoạch thu hồi vốn... đã được doanh nghiệp tính toán trước khi đầu tư dự án và có tính đến phương án hoàn thuế GTGT.
Trong đầu tư điện tái tạo, thiết bị luôn chiếm phần vốn chính. Việc truy thu thuế GTGT 10% cùng với tiền phạt thuế có thể đẩy nhiều doanh nghiệp đến chỗ chết. Đơn cử như, Công ty CP Phong điện Thuận Bình hiện đang đầu tư thực hiện 02 dự án điện gió, vốn đầu tư thiết bị 2.000 tỷ đồng. Nếu truy thu thuế GTGT 200 tỷ đồng doanh nghiệp sạt nghiệp.
- Vậy nội dung kiến nghị Thủ tướng của doanh nghiệp tập trung vào đâu, thưa ông?
Trước tiên là về cách hiểu của các bộ khi dẫn chiếu luật. Với các dự án đầu tư thì ưu tiên cao nhất phải là các chính sách và quy định của Luật Đầu tư. Vấn đề ở đây là Luật Đầu tư đã quy định đầu tư điện tái tạo là ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì các luật khác như Luật Thuế GTGT hay Luật Điện lực phải thống nhất chính sách áp dụng theo Luật Đầu tư.
Chính phủ cần sớm trình Quốc hội sửa đổi Luật Thuế GTGT thống nhất hoàn thuế GTGT đối với các doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện. Thay vì cần Giấy phép hoạt động điện lực mới được hoàn thuế, các dự án năng lượng được hoàn thuế GTGT ngay khi đã ký hợp đồng mua bán điện (PPA), mà không cần Giấy phép hoạt động điện lực.
Chính phủ nên yêu cầu các bộ ngồi lại với nhau sửa đổi thống nhất các quy định pháp luật. Các bộ chủ trì sửa đổi các quy định pháp luật theo hướng, các dự án ngành điện được hoàn thuế GTGT trong giai đoạn đầu tư. Bởi đây chính là giai đoạn các nhà đầu tư cần vốn, chứ không phải giai đoạn dự án đã hoàn thành.
- Xin cảm ơn ông!
Ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam:
Các quy định về hoàn thuế GTGT để hỗ trợ dự án trong giai đoạn đầu tư được ban hành mà không áp dụng cho dự án ngành điện, cho thấy sự không thống nhất, bất hợp lý. Dự án đầu tư lĩnh vực năng lượng là loại dự án có vốn đầu tư rất lớn, triển khai thời gian dài. Nếu không được hoàn thuế GTGT trong giai đoạn đầu tư sẽ khiến doanh nghiệp vô cùng chật vật trong việc huy động vốn để triển khai.
Ông Nguyễn Tâm Thịnh - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trung Nam:
Chúng tôi đang đầu tư các dự án năng lượng tái tạo quy mô lên tới 2 tỷ USD, ước tính khoản thuế được hoàn hơn 2.100 tỷ đồng. Tuy nhiên, Cục thuế tỉnh Ninh Thuận, Đăk Lăk, Trà Vinh phản hồi với doanh nghiệp, dự án nằm trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện chưa được cấp giấy phép hoạt động điện lực thì không được hoàn thuế. Trong khi để được cấp giấy phép hoạt động điện lực, dự án phải hoàn thành, vận hành chính thức. Bất cập ở chỗ, nếu dự án đầu tư đã hoạt động rồi, lại thuộc diện không được hoàn thuế GTGT theo Nghị định 100/2016.
(DĐDN sẽ tiếp tục thông tin)
Có thể bạn quan tâm
Eo hẹp tín dụng năng lượng tái tạo
11:00, 01/05/2021
Nguyên nhân tiết giảm phát nguồn năng lượng tái tạo
04:00, 06/04/2021
Hệ thống điện quốc gia sẽ tăng chi phí do năng lượng tái tạo
04:00, 24/03/2021
Bộ Công Thương: Quy hoạch điện VIII ưu tiên cao cho phát triển năng lượng tái tạo
03:30, 01/04/2021
Doanh nghiệp năng lượng bất lực vì “Giấy phép hoạt động điện lực”?
11:00, 07/05/2021