Thích ứng với “mặt bằng giá mới”: Điều hành linh hoạt
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) khẳng định giá các nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất tăng cao. Vì vậy chúng ta phải bình tĩnh để ứng phó.
- Vậy theo ông, chu kỳ tăng giá này sẽ ảnh hưởng tới thị trường Việt Nam thế nào?
Liên quan đến vấn đề giá nguyên liệu thô đứng trước chu kỳ tăng, trên thế giới, nguyên liệu thô có chu kỳ trong một thời điểm nào đó sẽ tăng giá và trong thời điểm nào đó lại xuống giá. Đó là việc hết sức bình thường đối với tất cả các loại mặt hàng chứ không riêng với nguyên liệu thô.
Về vấn đề này, Bộ Công Thương đã cung cấp thông tin và cũng có cảnh báo đối với các doanh nghiệp và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để họ có thể biết và chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
- Ở góc độ quản lý Bộ Công Thương có tham mưu gì để bình ổn giá trên thị trường hay không?
Bộ Công Thương đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong công tác bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá đối với một số mặt hàng theo quy định của pháp luật.
Đối với mặt hàng xăng dầu, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã phối hợp điều hành giá bán xăng dầu theo hướng bám sát diễn biến của giá thế giới nhưng hạn chế biên độ biến đổi để bình ổn thị trường trong nước thông qua việc sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Đối với các mặt hàng thiết yếu khác, việc quản lý giá được thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước, Bộ Công Thương luôn theo dõi sát tình hình cung cầu hàng hóa, bảo đảm cân đối cung cầu để không xảy ra tình trạng tăng giá do thiếu hụt nguồn cung.
- Thưa ông, có ý kiến lo ngại một mặt bằng giá mới đang được thiết lập. Là thành viên của Ban chỉ đạo điều hành giá, quan điểm của Bộ Công Thương về vấn đề này như thế nào?
Với vai trò là Thường trực của Tổ Điều hành Thị trường trong nước và thành viên của Ban Chỉ đạo Điều hành giá, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, Sở Công Thương các địa phương thường xuyên theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu, kịp thời đưa ra các giải pháp, kiến nghị nhằm bảo đảm đủ cân đối cung cầu hàng hóa, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.
Đồng thời, Bộ cũng bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ trong công tác điều hành giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, nhất là việc điều hành giá mặt hàng xăng dầu để hạn chế thấp nhất sự tác động cộng hưởng vào CPI chung khi có sự điều chỉnh tăng giá các mặt hàng thiết yếu khác, bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát do Quốc hội giao (CPI dưới 4%).
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Thích ứng với “mặt bằng giá mới”: “Siêu chu kỳ tăng giá” ?
04:00, 22/05/2021
ĐIỂM BÁO NGÀY 21/05: Thích ứng với "mặt bằng giá mới"
08:00, 21/05/2021
Mặt bằng giá mới: Điều hành giá trong điều kiện mới
05:00, 04/04/2021
Mặt bằng giá mới: Cẩn trọng “nhập khẩu lạm phát”
11:00, 03/04/2021
Mặt bằng giá mới: Cảnh báo xu hướng… “đầu cơ tài sản”
14:10, 02/04/2021