Gián đoạn chuỗi sản xuất và cung ứng khu công nghiệp (Kỳ I): Làn sóng dịch chuyển sản xuất sẽ ra sao?

THY HẰNG 27/05/2021 11:00

Một số nhà máy phải đóng cửa tại Việt Nam và Ấn Độ có thể khiến việc dịch chuyển chuỗi cung ứng phải hoãn lại một thời gian.

Trước đó, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất toàn cầu dịch chuyển chuỗi cung ứng, mạng lưới sản xuất và phân phối sản phẩm, dịch vụ ra khỏi Trung Quốc. Nhờ đó, một số quốc gia như Việt Nam, Ấn Độ được hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển này.

Khu công nghiệp Vân Trung với 90.000 công nhân đã tạm ngừng hoạt động từ sáng 18/5.

Khu công nghiệp Vân Trung với 90.000 công nhân đã tạm ngừng hoạt động từ sáng 18/5.

Tình thế giờ đây đã thay đổi và lo ngại cho rằng chuỗi cung ứng có thể quay đầu trở lại Trung Quốc khi số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh tại Ấn Độ và Việt Nam. 

Tuy nhiên, khi trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế Bùi Ngọc Sơn, Viện Nghiên cứu Chính trị và Kinh tế thế giới cho rằng, “Chiến lược Trung Quốc +1 là xu thế không thể đảo ngược, các doanh nghiệp vẫn sẽ tiếp tục dịch chuyển một phần ra khỏi Trung Quốc do các căng thẳng về địa chính trị giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn tiếp tục gia tăng. Các Chính phủ đồng minh cũng vẫn gia tăng áp lực khiến các doanh nghiệp phải dịch chuyển sản xuất”.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam và Ấn Độ được xem là điểm đến lý tưởng. “Tuy nhiên dịch bệnh COVID-19 bùng phát sẽ khiến quá trình dịch chuyển này chững lại và chậm lại”, chuyên gia nhấn mạnh.

Khi chia sẻ với CNBC, nhà kinh tế trưởng Zhang Zhiwei cũng cho rằng, trước đại dịch, các công ty chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc - như Samsung, Foxconn, đều là những công ty tên tuổi - sang Việt Nam, Ấn Độ. Nhưng đợt bùng dịch gần đây đã buộc các nhà máy của Foxconn, nhà thầu sản xuất lớn của Apple, phải đóng cửa tại Việt Nam và Ấn Độ. Điều này có thể việc dịch chuyển chuỗi cung ứng phải hoãn lại một thời gian.

“Vấn đề quan trọng ở đây là hoạt động đi lại quốc tế bị đình trệ, vì vậy các công ty đa quốc gia không thể cử nhân viên của họ đến Ấn Độ và Việt Nam để thiết lập các nhà máy mới”, ông Zhang Zhiwei nói thêm.

Từ tháng 4, số ca nhiễm mới Covid-19 tại Ấn Độ liên tiếp lập kỷ lục và chưa có dấu hiệu giảm. Các nhà kinh tế dự báo nền kinh tế quốc gia Nam Á này có thể sẽ quay đầu suy giảm trong quý 2. 

Nhà máy đóng cửa khiến các doanh nghiệp ngưng trệ sản xuất.

Nhà máy đóng cửa khiến các doanh nghiệp ngưng trệ sản xuất.

Còn tại Việt Nam, tính đến ngày 25/5, tỉnh Bắc Giang đã yêu cầu đóng cửa 4 khu công nghiệp, trong đó có 3 cơ sở sản xuất của Foxconn, tạm thời đóng cửa để phòng, chống dịch Covid-19. 

Chuyên gia cho rằng, các chuỗi được dịch chuyển vào Việt Nam sẽ chủ yếu là hàng tiêu dùng và công nghệ tiêu dùng. Do đó, Việt Nam cần bước sang giai đoạn mới vừa chống dịch vừa sản xuất an toàn, có phương án cho sản xuất an toàn, tránh làm đứt gãy chuỗi sản xuất toàn cầu mà nhiều doanh nghiệp ở các khu công nghiệp như Bắc Giang, Bắc Ninh đang là mắt xích quan trọng. 

Dù cho biết Việt Nam vẫn được tin tưởng trong kiểm soát dịch, nhưng chuyên gia cũng đặc biệt nhấn mạnh rằng, chúng ta cần tích cực hơn nữa trong vấn đề vắc xin. “Phải nhanh chóng có Chương trình vắc xin quyết liệt, Chính phủ chấp nhận chi ngân sách hoặc huy động nguồn lực cho việc triển khai vắc xin như cách Mỹ đã làm ”, chuyên gia Bùi Ngọc Sơn nhấn mạnh.

Theo đó, Việt Nam cần tận dụng tổ chức bộ máy đến tận phường đang có để thiết lập các chốt phân bổ vắc xin về các địa phương, các nhóm dân cư, người lao động trong các lĩnh vực theo mức độ nguy cơ. Đặc biệt, nhóm người lao động tại các khu công nghiệp như Bắc Giang, Bắc Ninh để các nhà đầu tư thấy được sự quyết liệt của Chính phủ và yên tâm trong công tác chống dịch của chúng ta mà tiếp tục có quyết định đầu tư.

Kỳ II: Mục tiêu tăng trưởng chịu tác động ra sao?

Có thể bạn quan tâm

  • PMI tháng 4: Mức độ gián đoạn chuỗi cung ứng đã bớt nghiêm trọng

    02:30, 05/05/2021

  • Sự cố kênh đào Suez: Doanh nghiệp cần phương án dự phòng cho bất ổn chuỗi cung ứng

    14:00, 29/03/2021

  • Tắc nghẽn kênh đào Suez phơi bày "lỗ hổng" của chuỗi cung ứng toàn cầu

    04:30, 28/03/2021

  • Dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu: Cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt?

    13:00, 19/11/2020

  • Đón "sóng" dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu

    17:00, 22/06/2020

  • Doanh nghiệp Nhật Bản muốn dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc

    03:30, 02/06/2020

THY HẰNG