Cơ chế nào cho địa phương đầu tư cao tốc: “Mở lối”cho Quảng Ninh
Tạo mặt bằng sạch là điểm hấp dẫn các nhà đầu tư đến Quảng Ninh, đây cũng là yếu tố then chốt giúp tỉnh này thần tốc hoàn thành những con đường nghìn tỷ.
LTS: Chủ trì cuộc họp về chủ trương xây dựng đường cao tốc 2021-2025 và định hướng tới năm 2030 Thủ tướng Chính phủ cho rằng xây dựng các tuyến đường cao tốc cần hài hòa giữa các vùng miền nhưng tập trung cho những vùng động lực; không trông chờ, ỷ lại vào ngân sách. Thủ tướng đồng ý với đề xuất "quốc lộ, cao tốc của tỉnh nào nên để tỉnh đó đầu tư".
Tại buổi làm việc mới đây với tỉnh Quảng Ninh, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, thành công và kinh nghiệm xây cao tốc của Quảng Ninh là tư liệu quý để các cơ quan Trung ương phối hợp tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội sớm thông qua nghị quyết để tạo cơ sở triển khai trên toàn quốc.
Lấy công dẫn dắt tư
Nhìn những con đường cao tốc mà Quảng Ninh đã và đang làm có thể thấy, vì sao Bộ trưởng Bộ GTVT lại chia sẻ như vậy. Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy: “Việc kêu gọi vốn cho các dự án giao thông ở Quảng Ninh đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng là lĩnh vực đầu tư có vốn lớn và ẩn chứa nhiều rủi ro, nhưng hiện nay, chưa có chính sách phù hợp để khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp tham gia vào và chưa có chính sách chia sẻ rủi ro đủ mạnh giữa Nhà nước và nhà đầu tư”.
Tuy nhiên, xác định rõ sự “lợi hại” của giao thông cho mục tiêu bứt phá kinh tế, năm 2014, Quảng Ninh đã kiến nghị, đề xuất với chính phủ về việc huy động nguồn lực triển khai các dự án giao thông theo phương thức PPP. Ngày 18/6/2014, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Thủ tướng, nêu rõ việc Thủ tướng đồng ý về chủ trương đầu tư tuyến đường Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái theo các hình thức BOT, PPP.
Điểm nhấn trong việc này là, Quảng Ninh đã “thuyết phục” Trung ương cho cơ chế sử dụng ngân sách Nhà nước để đầu tư phần đường cao tốc đảm bảo tính khả thi của các dự án. Hiện nay, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đang được triển khai dài 80,2km, tổng vốn đầu tư trên 13.815 tỷ đồng với đa phần là vốn của nhà đầu tư, tỉnh chỉ bỏ ngân sách địa phương làm 16,7 km, đoạn Vân Đồn - Tiên Yên và triển khai GPMB. Bằng cơ chế riêng, Quảng Ninh chỉ phải bỏ 1 đồng vốn ngân sách và thu hút 7-8 đồng vốn tư nhân để cùng phát triển hạ tầng giao thông.
Hài hòa lợi ích người dân
Sau khi đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái điều chỉnh quy mô, vận tốc xe từ 100km/h lên 120km/h, mặt đường có thay đổi sử dụng đất nhiều hơn, phát sinh nhiều hộ dân phải di chuyển giải phóng mặt bằng. Tỉnh Quảng Ninh phát động chiến dịch cao điểm “30 ngày đêm” giải phóng mặt bằng.
Cùng với phương châm “nằm vùng, ba cùng tại chỗ với cơ sở”, “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, kịp thời giải đáp thắc mắc, đảm bảo quyền lợi xứng đáng cho người dân, thì nhiều địa phượng đã có cách làm linh động, mạnh dạn. Đường sá, điện thắp sáng, nước sạch, mặt tiền tiện lợi cho phát triển sản xuất, kinh doanh đều đáp ứng được nguyện vọng người dân. Chính vì vậy, Quảng Ninh chỉ cần đến 15 ngày đã nhận được sự ủng hộ của cả 1.168 hộ dân bị ảnh hưởng bởi việc điều chỉnh quy mô Dự án và tự nguyện ký biên bản bàn giao mặt bằng. Chiến dịch 30 ngày đêm đã về đích trước 50% thời gian so với kế hoạch, xác lập kỷ lục về tốc độ GPMB của Quảng Ninh.
Đại diện Công ty BOT Biên Cương nhà đầu tư xây dựng Cao tốc Hạ Long – Vân Đồn đánh giá: “Cái ngại của nhiều nhà đầu tư là công tác GPMB, nhưng đến với Quảng Ninh thì đã sẵn mặt bằng sạch. Quảng Ninh cũng có các cơ chế, chính sách rất thông thoáng, hài hòa và tích cực vào cuộc, kiểm tra những kiến nghị khó khăn của doanh nghiệp”.
Theo ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh: “Yếu tố tiên quyết chính là phải tạo dựng được niềm tin trong lòng dân. Muốn làm được điều đó, yếu tố công khai phải luôn đặt lên hàng đầu, chứng minh cho dân thấy bằng chính hiệu quả của những dự án được triển khai và quyền lợi người dân không bao giờ bị bỏ lại”.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính: quan điểm dứt khoát là dự án đi qua nơi nào, địa phương nơi đó là cơ quan nhà nước có thẩm quyền; các địa phương phải lo ngân sách, chịu trách nhiệm về khâu giải phóng mặt bằng cho dự án. Căn cứ vào tình hình cụ thể, nhà nước sẽ hỗ trợ một phần kinh phí (tối đa 50%) cho phần xây lắp tại các dự án.
Vì thế, nguồn vốn nhà nước sẽ đóng vai trò “vốn mồi” dẫn dắt các nguồn vốn khác.
Có thể bạn quan tâm
ĐIỂM BÁO NGÀY 28/05: Cơ chế nào cho địa phương đầu tư cao tốc?
05:50, 28/05/2021
Điều chỉnh vốn đầu tư cao tốc quốc lộ 45 - Nghi Sơn
11:00, 22/03/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Chuyển đổi hình thức đầu tư cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ
18:01, 06/01/2021
TP. HCM được giao quyết định chủ trương đầu tư cao tốc TP. HCM – Mộc Bài
08:00, 24/10/2020
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Đẩy nhanh tiến độ GPMB, xử lý vướng mắc trong thực hiện cao tốc Bắc – Nam phía Đông
23:00, 27/05/2021
Dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt được đầu tư theo hình thức PPP
12:30, 22/05/2021