Gián đoạn chuỗi sản xuất và cung ứng khu công nghiệp (Kỳ III): “Hiệu đính” các gói hỗ trợ

THY HẰNG 31/05/2021 11:30

Cùng với những chính sách ngắn hạn giảm thiểu tác động tiêu cực của Covid-19, chuyên gia cho rằng cần cân nhắc đến nhiều giải pháp dài hơi, bao gồm cả thay đổi những gói hỗ trợ.

Đại dịch Covid-19 tiếp tục gây ra tác động bất lợi, sâu rộng, trực tiếp và gián tiếp đối với kinh tế toàn cầu. Ở Việt Nam, quyết định đóng cửa khu công nghiệp, nhà máy đã được áp dụng tại một số khu vực, những lo ngại về gián đoạn chuỗi sản xuất và cung ứng đã được đưa ra. Do đó, các chuyên gia cho rằng, cần cân nhắc đến nhiều giải pháp dài hơi, bao gồm cả thay đổi những gói hỗ trợ, những gói kích cầu quy mô lớn chưa từng có tiền lệ.

các gói an sinh xã hội cho các đối tượng bị ảnh hưởng cần được tiếp tục duy trì và tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các gói hỗ trợ.

Các gói an sinh xã hội cho các đối tượng bị ảnh hưởng cần được tiếp tục duy trì và tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các gói hỗ trợ.

Chính sách phải dễ tiếp cận

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Tô Trung Thành, Đại học Kinh tế quốc dân phân tích, ở cấp độ định hướng vĩ mô, Việt Nam có rất ít dư địa tiền tệ và tài khóa. Các chính sách hỗ trợ thông qua giảm mức thu các loại phí, lệ phí nếu dàn trải sẽ ảnh hưởng đến ngân sách, cần thu hẹp đối tượng thụ hưởng dựa trên mức độ chịu tác động bởi đại dịch.

Vì vậy, vị chuyên gia cho rằng, các nỗ lực chính sách nên tập trung vào việc cắt giảm lãi suất cho vay hơn là lãi suất huy động.

Bên cạnh đó, số doanh nghiệp tiếp cận và được hỗ trợ tiền tệ còn hạn chế so với mục tiêu đặt ra. Do vậy, các chính sách hỗ trợ cần rõ ràng, minh bạch và các rào cản không cần thiết cần được rà soát gỡ bỏ. Bên cạnh đó, do dịch diễn biến khó lường, các gói an sinh xã hội cho các đối tượng bị ảnh hưởng cần được tiếp tục duy trì và tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các gói hỗ trợ.

TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, điều cần lúc này là các gói chính sách dành cho những doanh nghiệp bị mất nhu cầu thị trường do dịch bệnh để kéo dài sức chống chịu, chứ không phải để kích thích sản xuất. “Đó là chính sách giãn thời gian trả các khoản vay cũ, giảm các chi phí tài chính liên quan đến thuê đất đai, nhà cửa và hỗ trợ doanh nghiệp trả chi phí tiền công, tiền lương để họ không phải sa thải lao động”, TS Phạm Thế Anh nhấn mạnh. 

Tuy nhiên, các chính sách phải được thiết kế để các đối tượng trên tiếp cận được. Cũng phải quan tâm đến nhóm lao động ở khu vực phi chính thức.

Vị chuyên gia cũng thẳng thắn nói đến tác dụng phụ của các gói chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đó là các ngân hàng, tổ chức tín dụng hưởng lợi nhiều hơn các doanh nghiệp sản xuất, dù họ không phải là đối tượng ưu tiên. Điều này phải cân nhắc trong các quyết sách hỗ trợ doanh nghiệp trong năm nay. 

“Phải nhắc lại, tăng trưởng của kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào thị trường thế giới. Nên muốn tăng trưởng, thúc đẩy kinh tế, trước hết, vẫn phải kiểm soát dịch bệnh tốt và giảm thiểu tác động đến sản xuất, từ đó mới tận dụng tốt được sự phục hồi, các chính sách kinh tế của các thị trường lớn trên thế giới”, TS Phạm Thế Anh nói.

Chuyên gia cho rằng, những đối tượng đang đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế, gồm các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu, doanh nghiệp quy mô lớn không cần các gói kích thích. Sự hồi phục của thị trường thế giới là điều kiện quan trọng để khu vực này hoạt động mạnh mẽ. Lúc này, họ cần các điều kiện thuận lợi để triển khai nhanh các kế hoạch đầu tư, sản xuất.

Kiên trì theo đuổi những giải pháp “dài hơi”

Cũng theo chuyên gia kinh tế Tô Trung Thành, cùng với những chính sách mang tính ngắn hạn đang thực hiện nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của Covid-19, Việt Nam nên kiên trì với những cải cách dài hơi hơn để cải thiện nền tảng vĩ mô và giảm thiểu rủi ro trong tương lai. Những giải pháp mang tính dài hạn để chuyển đổi căn bản mô hình tăng trưởng, gia tăng chất lượng tăng trưởng cần được kiên quyết thực hiện với quyết tâm chính trị cao nhất.

Việt Nam nên kiên trì với những cải cách dài hơn để cải thiện nền tảng vĩ mô và giảm thiểu rủi ro trong tương lai.

Việt Nam nên kiên trì với những cải cách dài hơn để cải thiện nền tảng vĩ mô và giảm thiểu rủi ro trong tương lai.

Cùng quan điểm, PGS.TS.Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, song hành với những chính sách mang tính ngắn hạn đang được thực hiện nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, Việt Nam nên kiên trì với những cải cách dài hơn để cải thiện nền tảng vĩ mô và giảm thiểu rủi ro trong tương lai.

Cụ thể như đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng dựa vào công nghệ - đổi mới sáng tạo, hoàn thiện thể chế, tôn trọng và bảo vệ sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; phát triển khu vực tư nhân đổi mới, năng động, sáng tạo… Những giải pháp mang tính dài hạn này để chuyển đổi căn bản mô hình tăng trưởng, gia tăng chất lượng tăng trưởng cần được kiên quyết thực hiện với quyết tâm chính trị cao nhất.

Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) Jacques Morisset thẳng thắn, vấn đề của Việt Nam hiện nay không hẳn là làm bao nhiêu mà là “phải làm hiệu quả hơn”. Doanh nghiệp kỳ vọng các chính sách hỗ trợ cần minh bạch, dễ tiếp cận hơn, đồng thời kiểm soát tốt, chống lại tham nhũng, trục lợi chính sách. Để thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh đại dịch, Việt Nam cần hết sức chú ý đến yếu tố “xanh”, chống ô nhiễm môi trường, đặc biệt là vấn đề không khí, phát tiển năng lượng tái tạo, để phát triển bền vững.

Có thể bạn quan tâm

  • Gián đoạn chuỗi sản xuất và cung ứng khu công nghiệp (Kỳ II): Tác động thể nào tới mục tiêu tăng trưởng?

    04:00, 29/05/2021

  • Gián đoạn chuỗi sản xuất và cung ứng khu công nghiệp (Kỳ I): Làn sóng dịch chuyển sản xuất sẽ ra sao?

    11:00, 27/05/2021

  • PMI tháng 4: Mức độ gián đoạn chuỗi cung ứng đã bớt nghiêm trọng

    02:30, 05/05/2021

  • Gián đoạn chuỗi cung ứng: Thời gian giao hàng lớn nhất trong gần một thập kỷ

    11:00, 02/02/2021

THY HẰNG