Nhập siêu gần nửa tỷ USD trong 5 tháng đã đáng lo?

LINH NGA 14/06/2021 04:00

Phân tích từ số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan có thể thấy việc nhập siêu chưa hẳn không tốt, mà ngược lại trong thời điểm này vẫn cho thấy có điểm tích cực.

fd

Trong bối cảnh xuất khẩu tăng cao mà Việt Nam vẫn nhập siêu là bởi kim ngạch nhập khẩu còn tăng trưởng mạnh hơn.

Số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan vừa công bố cho thấy, tháng 5, cả nước nhập siêu hơn 2 tỷ USD khiến cán cân thương mại cả 5 tháng đầu năm đảo chiều với con số thâm hụt gần 500 triệu USD. Con số này đang làm dấy lên một số ý kiến quan ngại, bởi nước ta liên tục xuất siêu lớn nhiều năm gần đây. 

Điều này cũng cho thấy, trong bối cảnh xuất khẩu tăng cao mà Việt Nam vẫn nhập siêu là bởi kim ngạch nhập khẩu còn tăng trưởng mạnh hơn. Số liệu cho thấy hàng loạt nhóm hàng nhập khẩu chủ lực với quy mô kim ngạch cả tỷ USD đều đạt mức tăng trưởng ấn tượng.

2 nhóm hàng nhập khẩu chục tỷ USD gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 27,83 tỷ USD, tăng 26,5%; máy móc thiết bị đạt 18,9 tỷ USD, tăng 37,8%. Đáng chú ý, 2 nhóm hàng trên tăng trưởng rất cao trong khi cùng kỳ 2020 con số tăng thêm thấp hơn nhiều chỉ 9,8% với nhóm hàng máy vi tính, hay thậm chí tăng trưởng âm 7,3% với nhóm hàng máy móc. 5 tháng đầu năm 2021, riêng kim ngạch tăng thêm của 2 nhóm hàng trên đã lên đến khoảng 11 tỷ USD.

Ngoài ra, còn hàng loạt nhóm hàng chủ lực với kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên có mức tăng trưởng rất cao. Có thể kể đến như: vải may mặc gần 5,9 tỷ USD, tăng 30,9%; chất dẻo nguyên liệu 5,1 tỷ USD tăng 51,9%; sắt thép 4,64 tỷ USD tăng 378%; hóa chất hơn 3 tỷ USD tăng 56,1%; nguyên phụ liệu dệt may, da giày 2,75 tỷ USD tăng 30,6%; hạt điều hơn 2,2 tỷ USD tăng 281,1%; ô tô nguyên chiếc hơn 1,5 tỷ USD tăng 83,1%...

Tình hình xuất khẩu quá phụ thuộc vào các doanh nghiệp nước ngoài trong khi nhập siêu lại là những mặt hàng không có tác động thúc đẩy sản xuất đang làm dấy lên sự lo ngại khi Việt Nam quay đầu nhập siêu sau thời gian dài xuất siêu. Tuy nhiên, ở góc nhìn khác, có nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, nhập siêu chưa hẳn là đáng lo ngại, thậm chí đây là tín hiệu tích cực hơn về khả năng hồi phục kinh tế.

Trao đổi với báo giới, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho biết, nhập khẩu chủ yếu là máy móc, thiết bị, nguyên nhiên vật liệu, linh phụ kiện và chỉ một phần nhỏ là hàng tiêu dùng. Đối với doanh nghiệp trong nước, phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên cần nhập máy móc, thiết bị, nguyên nhiên vật liệu, linh phụ kiện về để hình thành tài sản cố định và sản xuất, lắp ráp các sản phẩm, hàng hoá.

fd

Nhập khẩu chủ yếu là máy móc, thiết bị, nguyên nhiên vật liệu, linh phụ kiện.

Một số ít các doanh nghiệp nhập khẩu vật tư, nguyên vật liệu để sản xuất hàng xuất khẩu nên nhập khẩu của doanh nghiệp nội thường lớn hơn xuất khẩu nhiều. Cộng thêm hàng tiêu dùng nhập khẩu thì rõ ràng xuất khẩu của các doanh nghiệp nội càng nhỏ hơn nhiều, do đó nhập siêu là đúng.

Cũng theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, các doanh nghiệp FDI nhập nguyên, vật liệu, linh phụ kiện để lắp ráp, sản xuất, kinh doanh để xuất khẩu là chính, lượng tiêu thụ nội địa ít; giá xuất khẩu lớn hơn nhập khẩu nhiều. Vì vậy FDI luôn xuất siêu.

Việc nhập khẩu nguyên phụ liệu, máy móc thiết bị tăng cao sẽ góp phần quan trọng tạo thêm nhiều hàng hóa xuất khẩu, nhiều công ăn việc làm cho người lao động.

Đại diện Bộ Công Thương cho hay "Hoạt động nhập khẩu có sự gia tăng mạnh mẽ trong 5 tháng đầu năm 2021 nhờ sự mở rộng của lĩnh vực sản xuất đã thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu đầu vào và sự phục hồi của nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) cũng đưa ra nhận định: Khả năng nhập siêu là do kinh tế phục hồi, các doanh nghiệp tăng nhập khẩu để đầu tư.

Tuy nhiên, ngoài yếu tố nêu trên, một điểm nữa có tác động không nhỏ đến việc tăng trưởng mạnh của nhập khẩu là giá cả tăng thêm của nhiều mặt hàng chủ lực. Khi, sắt thép dù chỉ tăng 8,3% về lượng nhưng tăng đến 37,8% về kim ngạch nên con số tăng thêm cũng lên đến hơn 1 tỷ USD. Hay như mặt hàng hạt điều tăng đến chóng mặt hàng trăm phần trăm; ô tô nhập khẩu cũng tăng mạnh cả về lượng và kim ngạch… Lo ngại giá tăng cao các doanh nghiệp có tâm lý tích trữ thêm nguyên liệu để phòng trường hợp dịch bệnh kéo dài. 

Cùng với quy luật tăng mạnh xuất khẩu những tháng cuối năm cộng với con số nhập siêu mới chưa đầy nửa tỷ USD, hoàn toàn có thể tin tưởng xuất siêu của Việt Nam sẽ sớm trở lại.

Có thể bạn quan tâm

  • Xuất nhập khẩu tháng 4/2021: Tín hiệu mừng từ nhập siêu

    Xuất nhập khẩu tháng 4/2021: Tín hiệu mừng từ nhập siêu

    03:30, 04/05/2021

  • Thực thi RCEP: Rủi ro lớn nếu chấp nhận nhập siêu từ RCEP

    Thực thi RCEP: Rủi ro lớn nếu chấp nhận nhập siêu từ RCEP

    04:50, 28/01/2021

  • RCEP không làm trầm trọng nhập siêu cho Việt Nam

    RCEP không làm trầm trọng nhập siêu cho Việt Nam

    04:00, 20/11/2020

LINH NGA