Yêu cầu Cục Hàng không cho ý kiến về lập hãng hàng không IPP Air Cargo
Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu nêu ý kiến về chủ trương thành lập Hãng hàng không IPP Air Cargo của “vua hàng hiệu” Johnathan Hạnh Nguyễn.
Theo đó, để có cơ sở xem xét, có ý kiến về chủ trương đầu tư Dự án thành lập Hãng hàng không IPP Air Cargo với mục tiêu xây dựng một hãng hàng không vận chuyển hàng hóa, Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam nghiên cứu và tham gia ý kiến.
Trong đó, xác định dự án thành lập Hãng hàng không IPP Air Cargo có thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, cho phép đầu tư của Thủ tướng Chính phủ theo quy định của pháp luật về hàng không hay không?
Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam với vai trò là nhà chức trách hàng không Việt Nam có quan điểm về việc thành lập thêm một hãng hàng không mới vận chuyển hàng hóa trong tình hình hiện nay.
Trước đó, theo kiến nghị của Cục Hàng không Việt Nam về việc giai đoạn từ nay đến năm 2022, tạm thời chưa xem xét cấp Giấy phép kinh doanh vận tải hàng không cho các hãng hàng không mới, Bộ GTVT có văn bản số 4620/BGTVT-VT ngày 14/5/2020 về việc rà soát, xem xét việc thành lập thêm những hãng hàng không trong tình hình mới nhằm đảm bảo quản lý nhà nước về hàng không, phát triển bền vững.
Trong đó, Bộ GTVT đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, trước mắt, tập trung phục hồi thị trường vận tải hàng không trong nước và quốc tế, tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không Việt Nam đang hoạt động; việc thành lập hãng hàng không mới sẽ được xem xét sau thời điểm thị trường hàng không phục hồi (dự kiến 2022).
Theo đánh giá của giới chuyên gia, Việt Nam cũng cần có một hãng hàng không chuyên chở hàng hóa riêng biệt để tận dụng tối đa những ưu tế mà chúng ta đang có. Bởi, hiện nay, Việt Nam chưa có hãng bay chuyên biệt về vận tải hàng hóa, do đó, hơn 80% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường hàng không ở Việt Nam do các hãng hàng không nước ngoài vận chuyển.
Từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, các hãng hàng không Việt Nam đã sử dụng máy bay chở khách để vận chuyển hàng hóa nhằm bù đắp thêm doanh thu bị sụt giảm do hoạt động vận tải hành khách gặp khó khăn, nhưng vẫn ở mức rất hạn chế.
"Hiện nay, các hãng hàng không Việt Nam tập trung giành giật thị trường hành khách. Trong khi đó, thị trường vận tải hàng hóa với hơn 80% thị phần đang nằm trong tay các hãng hàng không vận tải hàng hóa quốc tế. Do đó, chúng ta cũng phải có một hãng hàng không vận tải hàng hóa chuyên biệt, nhằm góp phần đưa hàng hóa của Việt Nam ra thế giới, đặc biệt là đối với mặt hàng nông sản”, một vị chuyên gia đánh giá.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn – Chủ tịch IPPG cho rằng, hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu đang rất khó khăn do cước vận chuyển tăng cao, nhiều mặt hàng nông sản, thủy hải sản không giải phóng được, mặc dù các doanh nghiệp đã chấp nhận giá cao nhưng vẫn phải xếp hàng chờ chuyến do máy bay không đủ slot.
“Khách hàng nước ngoài như châu Âu, Mỹ... muốn mua đồ tươi với giá cao hơn, nhưng đi tàu biển gần một tháng không thể đáp ứng được. Trong khi đó, vận chuyển bằng máy bay chỉ mất hơn 10 tiếng”, ông Hạnh Nguyễn cho biết.
Nhận định về thị trường vận tải hàng hóa bằng đường hàng không, ông Hạnh Nguyễn cho biết, đối với thị trường nội địa, các hãng nước ngoài mới chỉ tiếp cận được hai cảng hàng không là Tân Sơn Nhất và Nội Bài. Với mạng lưới máy bay chở hàng phủ sóng đến toàn bộ sân bay nội địa, IPP Air Cargo cũng đang đàm phán với các hãng hàng không nước ngoài để nối tiếp vận chuyển hàng hóa tới 16 sân bay tại Việt Nam.
Ở mỗi địa phương, Công ty Bellazio Logistics (đơn vị vận hành 5 kho logistics tại các sân bay lớn do IPPG đầu tư xây dựng song song với dự án IPP Air Cargo), sẽ có mặt để quản lý các kho hàng nhỏ kết nối với IPP Air Cargo. Khi đó, số lượng hàng hoá tại các cảng hàng không không còn bị khống chế, sẽ tăng trưởng nhanh nhờ có nhiều chuyến bay và giúp các công ty logistic nội địa phát triển mạnh mẽ. Người tiêu dùng ở tất cả các tỉnh, thành, vùng xa có thể nhanh chóng tiếp cận được với hàng hoá trên toàn cầu.
Với thị trường quốc tế, IPP Air Cargo sẽ đầu tư hệ thống máy bay sức chứa lớn hơn, cùng các hãng quốc tế khác bay vận chuyển hàng hoá ra nước ngoài và hợp tác chở hàng từ nước ngoài về Việt Nam. Khi đó, xuất khẩu hàng hóa từ rau quả, thực phẩm tươi sống và những mặt hàng xuất nhập khẩu có giá trị khác sẽ được vận chuyển trực tiếp, không chuyển lòng vòng qua nhiều cảng với chi phí cao như hiện nay.
“Các hãng Air Cargo nước ngoài khi nghe tin này cũng rất hào hứng vì theo đúng Hiệp định hàng không quốc tế, các chuyến bay vận chuyển hàng hóa trong nước bay ra nhiều thì số chuyến bay vào mới được tăng lên. Khi IPP Air Cargo "nhảy" vào thị trường này, các hãng nước ngoài có thể giảm khoảng 38% thị phần (theo tính toán của chúng tôi) nhưng sản lượng hàng hoá của các hãng sẽ tăng khoảng 50% nhờ được tăng chuyến”, ông Hạnh Nguyễn lý giải.
Cũng theo ông Hạnh Nguyễn, ngành vận tải hàng hoá bằng hàng không hiện nay cũng nguy hiểm và không hề đơn giản, bởi thị trường luôn cạnh tranh giá lẫn nhau. Trước IPP Air Cargo, cũng có một số cái tên nhen nhóm ý định, nhưng rồi cũng phải từ bỏ, khi thị trường lúc bấy giờ chưa sẵn sàng.
Tuy nhiên, ông Hạnh Nguyễn khẳng định, ông chưa làm gì mà không làm đến nơi đến chốn và luôn làm với tất cả tâm huyết của mình. Nếu Chính phủ cho phép mở hãng bay vận tải hàng hóa, ông sẽ có cách để “đấu” với những người “khổng lồ”, đồng thời sẽ giúp thị trường ngày càng mở rộng và cạnh tranh lành mạnh hơn.
Vào ngày 15/9/2020, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 7709/VPCP-CN truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, nay là Chủ tịch nước về phản ảnh của Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp.
Theo văn bản này, ngày 10 tháng 9 năm 2020, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp có bài viết “Hàng nông sản Việt Nam khó vươn ra thế giới vì chi phí logistics”, phản ánh ý kiến của các doanh nghiệp “phải có một hãng hàng không (Cargo Airlines) với đội bay chuyên chở hàng hóa riêng biệt phục vụ cho các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam, cho các tuyến đường riêng biệt”. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu đánh giá và đề xuất.
Có thể bạn quan tâm