Hoạt động sản xuất kinh doanh đang dần ổn định trong trạng thái "bình thường mới"
Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho biết, nhờ kiểm soát dịch bệnh, nền kinh tế từng bước mở cửa, hoạt động sản xuất, kinh doanh đang dần ổn định trong trạng thái bình thường mới.
Chủ trì họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2021, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn cho biết, trong tháng 10, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP về quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” và Bộ Y tế ban hành Quyết định 4800 cụ thể hóa một bước Nghị quyết 128.
Với quan điểm đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết, từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế, bảo đảm hài hòa giữa mở cửa và kiểm soát dịch bệnh có hiệu quả, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về qui định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Tiếp tục hoàn thiện Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch bệnh, sớm báo cáo cấp có thẩm quyền; kịp thời sửa đổi, bổ sung những vấn đề chưa phù hợp, bảo đảm sự lãnh đạo nhất quán, tập trung, xuyên suốt.
Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương tiếp tục chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó với dịch bệnh, tăng cường khả năng thu dung, điều trị, tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực truy vết, xét nghiệm, cách ly y tế, điều trị trên địa bàn; chủ động, thường xuyên cập nhật cấp độ dịch.
Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho biết, nhờ kiểm soát dịch bệnh, nền kinh tế từng bước mở cửa, hoạt động sản xuất, kinh doanh đang dần ổn định trong trạng thái bình thường mới, kinh tế - xã hội tháng 10 đã khởi sắc hơn so với tháng 9.
Cụ thể, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát ở mức thấp, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số CPI tháng 10 giảm 0,2% so tháng 9; 10 tháng tăng 1,81% so cùng kỳ, thấp nhất từ 2016. Thị trường tiền tệ, tỷ giá ổn định, lãi suất có xu hướng giảm.
Thu ngân sách 10 tháng đạt 90,9% dự toán, đáp ứng 31,55 nghìn tỷ đồng nhu cầu phòng chống dịch và 19,22 nghìn tỷ đồng hỗ trợ người dân.
Vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm tăng 15,8% so với cùng kỳ: Nhu cầu mở rộng sản xuất cao, phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư nước ngoài vào khả năng phục hồi của nền kinh tế.
Xuất khẩu trong tháng 10 tăng 6,4% so với tháng trước. Xuất siêu thực hiện trong tháng 10 là 2,85 tỷ USD. Tính chung 10 tháng xuất siêu đã trở lại đạt 160 triệu USD.
Sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 10 tăng 6,9% so với tháng trước, 10 tháng tăng 3,3%. Nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển ổn định. Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tháng 10 tăng 111,2% về số lượng và tăng 73,9% về vốn so với tháng 9; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 29,8%.
Công tác an sinh xã hội được triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả; đời sống người dân nhìn chung ổn định (đã hỗ trợ gần 24,56 nghìn tỷ cho trên 26 triệu người; 5,16 triệu lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp với số tiền 12,37 nghìn tỷ đồng). Trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được giữ vững. Công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế đạt những kết quả quan trọng.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho biết, các thành viên Chính phủ cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, nước ta vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
“Dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại. Kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro và sức ép lạm pháp do một số mặt hàng tăng mạnh trên thi trường quốc tế và chỉ số lạm pháp ở nhiều nước tăng mạnh. Hoạt động sản xuất kinh doanh còn khó khăn; giải ngân vốn đầu tư công chậm; một số chuỗi sản xuất, lao động chưa phục hồi; đời sống một bộ phận nhân dân gặp khó khăn, nhất là ở những địa bàn có dịch bùng phát...”, Người phát ngôn Chính phủ chia sẻ.
Bộ trưởng cũng cho biết, kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương quán triệt, thực hiện nghiêm túc, nhất quán các nhiệm vụ, giải pháp để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ.
Cụ thể, phối hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ, gắn với chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; giám sát chặt chẽ nợ xấu; cơ cấu lại nợ và có giải pháp tín dụng để phục hồi sản xuất, kinh doanh, nhất là các ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp có khả năng lan tỏa về tăng trưởng. Tập trung thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy đầu tư công. Khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Chương trình phục hồi kinh tế.
Thúc đẩy hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, duy trì chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng. Có giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Ứng phó hiệu quả, hạn chế thiệt hại do thiên tai.
Khai thông, phát triển mạnh thị trường trong nước. Bảo đảm cung cầu hàng hóa, chuẩn bị nguồn hàng dự trữ, không để thiếu hàng hóa. Tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường; quản lý, điều hành linh hoạt, hiệu quả về giá các mặt hàng thiết yếu. Nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại. Từng bước mở cửa thị trường du lịch quốc tế gắn với áp dụng hộ chiếu vắc-xin, tạo điều kiện khôi phục thị trường du lịch.
Tiếp tục chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, nắm chắc tình hình để có giải pháp an dân, ổn định xã hội; đẩy mạnh thực hiện các chính sách giảm nghèo bền vững. Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; có giải pháp giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động, nhất là tại các khu vực sản xuất trọng điểm. Thực hiện kế hoạch năm học 2021-2022 linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch bệnh, bảo đảm an toàn và chất lượng. Củng cố tiềm quốc phòng, an ninh. Tăng cường bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm lừa đảo.
Quan tâm rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn; tiếp tục hoàn thiện, kiện toàn chức năng nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ. Tiếp tục rà soát các vướng mắc về thể chế, pháp luật để kịp thời tháo gỡ; thực hiện hiệu quả việc cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.
Thủ tướng yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng, Trưởng ngành, các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm chất lượng, tiến độ các nội dung, đề án, báo cáo trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các phiên thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV.
Chủ động tăng cường các biện pháp thông tin, truyền thông bảo đảm kịp thời, đẩy đủ, trung thực, khách quan, chính xác; kịp thời đấu tranh phản bác, xử lý các thông tin sai sự thật, xuyên tạc về công tác phòng, chống dịch và tình hình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Có thể bạn quan tâm
Giải pháp đẩy nhanh quá trình phục hồi nền kinh tế
15:30, 05/11/2021
Nhịp độ phục hồi kinh tế Việt Nam
11:00, 05/11/2021
Cải thiện môi trường kinh doanh là nền tảng hỗ trợ phục hồi kinh tế
04:20, 05/11/2021
Cần tư duy mới về cơ cấu lại nền kinh tế
22:02, 04/11/2021