“Trải thảm” hạ tầng kỹ thuật thu hút đầu tư vào Vĩnh Phúc

VŨ KHUÊ 29/11/2021 02:07

Chuẩn bị tốt hạ tầng kỹ thuật để "khơi thông điểm nghẽn" và “đi tắt, đón đầu” trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế luôn là ưu tiên trọng tâm của Vĩnh Phúc.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành tiếp và làm việc với Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam Choi Joo Ho.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành tiếp và làm việc với Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam Choi Joo Ho.

>>Vĩnh Phúc: Đột phá cải cách TTHC tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp

Sở Kế hoạch và Đầu tư Vĩnh Phúc cho biết, hạ tầng sạch, giao thông thuận lợi… là những yếu tố thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp FDI cũng như doanh nghiệp trong nước khi tìm hiểu và quyết định đầu tư tại Vĩnh Phúc.

Hạ tầng khu công nghiệp luôn sẵn sàng

Do vậy, trong thời gian qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã không ngừng cải thiện hạ tầng kỹ thuật, nâng cao chất lượng dịch vụ, các chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn thông qua các việc làm cụ thể nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư khi đến với Vĩnh Phúc.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước phải thu hẹp sản xuất, nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn chọn Vĩnh Phúc là điểm đến tin cậy.

Để có được niềm tin của doanh nghiệp, trong các giải pháp để thu hút đầu tư, tỉnh Vĩnh Phúc đặt trọng tâm về việc phát triển hạ tầng các khu công nghiệp, giao mặt bằng sạch cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp trong quá trình đến đầu tư tại tỉnh.

Bên cạnh đó, những khu công nghiệp  đã đi vào hoạt động tỉnh ưu tiên, khuyến khích phát triển theo hướng công nghiệp “xanh”, tạo môi trường làm việc “xanh”, thân thiện môi trường để phát triển bền vững.

Tính đến năm 2021, Vĩnh Phúc đã có 14 khu công nghiệp được quyết định chủ trương đầu tư hoặc cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và thành lập với tổng diện tích quy hoạch là 2,773 triệu ha. Diện tích đất công nghiệp quy hoạch là hơn 2 triệu ha. Có 8 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động là Khai Quang (216.24ha), Bình Xuyên (286.98ha), Kim Hoa (50ha), Bá Thiện (325.75ha), Bình Xuyên II - giai đoạn 1 (42.21ha), Bá Thiện II (308.83ha), Tam Dương II - khu A (135.17ha), Thăng Long Vĩnh Phúc (213ha).

Với 6 khu công nghiệp mới được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư trong quý I/2021 gồm: Sông Lô II, Tam Dương I - KV2, Sông Lô I, Nam Bình Xuyên, Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa (Khu vực II - giai đoạn 1).

Theo quy hoạch đến năm 2030, tỉnh sẽ đầu tư xây dựng 19 khu công nghiệp, quy mô trên 5.000 ha. Hiện nay, đầu tư hạ tầng các khu/cụm công nghiệp là một trong các lĩnh vực Vĩnh Phúc đang ưu tiên kêu gọi đầu tư.

Chính sự tham gia của các công ty phát triển hạ tầng khu/cụm công nghiệp, với sự đầu tư bài bản, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật cùng cách thức quản lý chuyên nghiệp đã góp phần nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư của Vĩnh Phúc.

Không chỉ giúp doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận mặt bằng, nhà xưởng, các chủ đầu tư hạ tầng còn hỗ trợ tối đa các dịch vụ khép kín trong khu, cụm công nghiệp. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để hỗ trợ các doanh nghiệp ngay từ giai đoạn đầu của dự án cho đến suốt quá trình hoạt động sản xuất trong khu công nghiệp như: thủ tục cấp phép đầu tư, thuế, hải quan, nhập cảnh, kiểm toán, lao động, cung cấp các dịch vụ cho hoạt động sản xuất như điện, nước, xử lý nước thải, viễn thông, cập nhật thông tin chính sách cho các doanh nghiệp …

>>Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc: Tạo cơ chế đặc thù để có thêm nguồn lực 

Hệ sinh thái hạ tầng dịch vụ đồng bộ, hiện đại

Xác định phát triển hạ tầng, trong đó đặc biệt là hạ tầng giao thông để “đi tắt, đón đầu” thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, tỉnh đã ưu tiên nguồn vốn đầu tư có trọng tâm, trọng điểm các công trình giao thông trong hệ thống hạ tầng khung đô thị, bảo đảm kết nối thông suốt giữa các địa phương, các tỉnh, thành lân cận.

Trong 10 năm vừa qua, nhiều tuyến giao thông trọng điểm đã hoàn thành, đưa vào sử dụng như: đường Hợp Thịnh – Đạo Tú, đường Tôn Đức Thắng kéo dài và đường Nguyễn Tất Thành địa phận huyện Bình Xuyên, thành phố Phúc Yên; đường song song đường sắt tuyến Bắc, đoạn từ bến xe Vĩnh Yên đến đường Kim Ngọc.

Các tuyến đường vành đai 1,2,3,4 đang tiếp tục được đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đưa vào khai thác, sử dụng. Đường vành đai 5 vùng thủ đô đang được chuẩn bị đầu tư, đoạn từ Đèo Nhe (địa phận giáp ranh Thái Nguyên- Vĩnh Phúc) đến ĐT.301B và nút giao IC5 để thông xe toàn tuyến qua Vĩnh Phúc vào năm 2024.

Bên cạnh đó, các đường trục Bắc - Nam, Đông - Tây và các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ được cải tạo, nâng cấp, tạo nên mạng lưới giao thông hợp lý, mật độ cao, kết nối chặt chẽ giao thông đối nội với giao thông đối ngoại.

Một số tuyến đường, công trình giao thông, cầu lớn vượt sông được bổ sung vào quy hoạch như tuyến đường ven chân núi Tam Đảo, đoạn từ Đại Lải đi Tây Thiên; đường kết nối trục Bắc Nam với trục trung tâm đô thị mới Mê Linh; cầu Vĩnh Phúc kết nối tỉnh Vĩnh Phúc với tỉnh Phú Thọ; cầu Vân Phúc kết nối với thành phố Hà Nội…

Dự kiến hết năm 2021, tỉnh sẽ thông xe nhiều tuyến đường mới như: Đường vành đai 2, đường Hợp Châu đến thị trấn Tam Đảo, đường song song đường sắt, tuyến phía Nam, đoạn từ đường Hợp Thịnh – Đạo Tú giao với đường Kim Ngọc…

Hạ tầng kỹ thuật đồng bộ bên trong và bên ngoài Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc

Hạ tầng kỹ thuật đồng bộ bên trong và bên ngoài Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc

Cùng với đó, tỉnh luôn quan tâm chủ động khai thác các nguồn vốn, đặc biệt là công tác vận động thu hút vốn ODA cho đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang triển khai thực hiện 7 chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi đều đã ký hiệp định vay và có hiệu lực, bao gồm: Dự án cải thiện môi trường đầu tư đã đưa vào sử dụng; Dự án quản lý nguồn nước và ngập lụt đã khởi công 30% giai đoạn đầu, phần còn lại và các dự án khác như Dự án cầu Đầm Vạc, một số dự án hợp phần của Chương trình phát triển các đô thị loại II sẽ được khởi công xây dựng trong thời gian sớm nhất.

Ngoài ra, tỉnh tích cực vận động, khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động trong ngành điện lực, viễn thông… đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật khung đô thị Vĩnh Phúc để đáp ứng nhu cầu đầu tư và phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Trong đó, hệ thống lưới điện từ cao áp đến lưới trung áp, lưới hạ áp được đầu tư đồng bộ, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Toàn tỉnh đã đầu tư 02 trạm biến áp 220 KV; 8 trạm biến áp 110 KV; hệ thống truyền tải, phân phối gồm 2.011 trạm biến áp phân phối với tổng công suất đạt hơn 1 triệu kVA; lưới điện trung thế gồm đường dây 110kv với 43 xuất tuyến có tổng chiều dài 433,3km; đường dây 22kV với 35 xuất tuyến có tổng chiều dài 805,4km; đường dây 10kV có 6 xuất tuyến có tổng chiều dài 194,8km.

Lưới điện quốc gia đã được phủ kín trên toàn tỉnh, 100% số xã trên địa bàn tỉnh được sử dụng điện lưới quốc gia. Hạ tầng hệ thống điện được đầu tư đồng bộ đến tận hàng rào các khu, cụm công nghiệp, sẵn sàng cung cấp điện cho doanh nghiệp.

Hạ tầng cáp quang được triển khai đến 136 xã, phường, thị trấn, các khu, cụm công nghiệp, khu du lịch, thương mại trên địa bàn tỉnh. Hạ tầng mạng truyền số liệu chuyên dùng cho cơ quan nhà nước đã xây dựng trục cáp quang và lắp đặt thiết bị đầu cuối, kết nối tất cả các cơ quan, đơn vị trong tỉnh;

Các dịch vụ công nghệ thông tin, viễn thông được cung cấp bởi các nhà cung cấp là các Tập đoàn lớn đóng trên địa bàn tỉnh (VNPT, Viettel, FPT, …), đáp ứng tất cả các nhu cầu sử dụng của người dân, doanh nghiệp.

Có thể bạn quan tâm

  • Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc: Ổn định kinh tế vĩ mô là hàng đầu, kiểm soát dịch bệnh là ưu tiên

    01:20, 22/10/2021

  • Chiến lược “khuấy động” FDI của Vĩnh Phúc

    19:55, 10/10/2021

  • Khu công nghiệp HDTC Bá Thiện - Vĩnh Phúc thu hút nhà đầu tư

    12:00, 08/10/2021

VŨ KHUÊ