Đổi mới mô hình tăng trưởng: Nội lực hàng đầu là kinh tế tư nhân

THY HẰNG 04/12/2021 00:00

Chuyên gia nhận định nền kinh tế vẫn còn nhiều nội lực để bứt phá. Trong đó nội lực quan trọng hàng đầu là khu vực kinh tế tư nhân năng động và thích ứng nhanh với biến động.

>>Tư duy kinh tế mới trong "bình thường mới"

Đổi mới mô hình tăng trưởng không chỉ nhằm đạt được mục tiêu trong trung hạn và dài hạn mà còn phục vụ chính mục tiêu trước mắt, trong ngắn hạn. Đó chính là thúc đẩy phục hồi tăng trưởng sau khủng hoảng của đại dịch covid-19. Đây là nhiệm vụ trọng yếu đã được Đảng, Chính phủ xác định cần tập trung trong năm 2022 và giai đoạn 2022-2025.

Trong đó nội lực quan trọng hàng đầu là khu vực kinh tế tư nhân năng động và thích ứng nhanh với biến động.

 Nội lực quan trọng hàng đầu để đổi mới mô hình tăng trưởng là khu vực kinh tế tư nhân năng động và thích ứng nhanh với biến động.

Sức ép từ những xu hướng mới

Theo ông Đặng Đức Anh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), có thể nói sau đại dịch Covid-19, có sự thay đổi lớn trong cơ cấu và cấu trúc của nền kinh tế toàn cầu. Nếu như trước đây, động lực tăng trưởng kinh tế là sử dụng nguồn vốn và lao động, thì giờ đây, động lực đó đến từ khoa học công nghệ, công nghệ số…

Theo ông Đặng Đức Anh, văn kiện của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định mô hình tăng trưởng chuyển đổi sang nền kinh tế dựa trên cơ sở tăng năng suất, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để làm sao nâng cao sức cạnh trên trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, việc phân bổ các nguồn lực của nền kinh tế Việt Nam vẫn tồn tại những hạn chế nhất định. Do đó, để tăng trưởng kinh tế với mô hình mới, cần đặc biệt quan tâm tới việc thúc đẩy sử dụng hiệu quả nguồn lực.

Muốn phân bổ hiệu quả ta phải cơ cấu lại của các cơ quan kinh tế, làm sao phát huy được các tiềm lực của các vùng, địa phương, đi liền với đó là hình thành các cực tăng trưởng mới, làm sao để thúc đẩy sự liên kết của kinh tế vùng, địa phương?. “Tôi cho rằng trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn tới, ta phải tập trung vấn đề này", Phó Viện trưởng CIEM nêu quan điểm và lưu ý trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, vấn đề đổi mới thể chế và cơ chế quản lý để tháo gỡ điểm nghẽn cần được xem là một trọng tâm hàng đầu để hỗ trợ nền kinh tế, bên cạnh các chính sách tài khóa và tiền tệ.

“Nếu sử dụng các chính sách tài tệ và tiền tệ trong ngắn hạn mà vấp phải điểm nghẽn trong cơ chế quản lý thì có thể gây bất ổn trong dài hạn”, ông phân tích.

Cùng với việc phân bổ hiệu quả các nguồn lực, ông cũng nhấn mạnh, mô hình tăng trưởng kinh tế mới cần phải dựa trên khoa học và sáng tạo – điều mà theo ông đã được đặt ra trong văn kiện Đại hội Đảng nhiều năm qua nhưng việc triển khai vẫn còn hạn chế.

“Đại dịch vừa có tác động tiêu cực lại vừa có tác động tích cực trong việc làm thay đổi tư duy và thúc đẩy quá trình cải các mạnh mẽ hơn. Trong điều kiện bình thường thì động lực cho sự đổi mới ít hơn. Covid-19 đã tạo ra sức ép cho chúng ta trong việc thay đổi tư duy chuyển đổi số. Việc này bắt nguồn từ sự đổi mới tư duy của bộ máy hành chính”, Phó viện trưởng CIEM nhận định.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Sĩ Dũng, Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhận định, xu thế số hoá, công nghiệp hoá là tất yếu. Cách mạng công nghiệp 4.0 là xu hướng không chỉ tới khi đại dịch Covid xuất hiện mới xảy ra.

“4.0 bản chất là kết nối 3 không gian gồm không gian số, không gian vật lý và không gian sinh học. Kéo theo hàng loạt những thay đổi mà các thời kỳ kinh tế khác không có được, ví dụ như tích tụ dữ liệu chính xác và tự nhiên. Từ Big Data đó trí tuệ nhân tạo được ứng dụng và thay đổi tất cả. Do đó phải thúc đổi chuyển đổi số”, ông Nguyễn Sĩ Dũng nhấn mạnh. 

Covid-19 đã tạo ra sức ép cho chúng ta trong việc thay đổi tư duy chuyển đổi số.

Covid-19 đã tạo ra sức ép cho chúng ta trong việc thay đổi tư duy chuyển đổi số để đổi mới mô hình tăng trưởng.

Cũng theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, xu hướng tiếp theo của chuyển đổi là cắt giảm chi phí. Theo ông Dũng, chúng ta không còn là nền kinh tế khép kín, những thay đổi của nền kinh tế thế giới tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế có độ mở 200% như Việt Nam.

“Theo đó, khi chính sách tài chính tiền tệ của quốc tế thay đổi với lạm phát manh nha xuất hiện, Việt Nam chỉ có cách duy nhất là cắt giảm chi phí, không chỉ với doanh nghiệp mà Nhà nước cũng cần có phản ứng chính sách tạo điều kiện để các cắt giảm chi phí cơ hội được tạo ra. Không “nhập khẩu lạm phát” đó”, Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh.

Xu hướng thứ ba là đa dạng hoá chuỗi cung ứng. Để trong sự đa dạng đó các nhà đầu tư chọn Việt Nam. Xu hướng này trước năm 2020 là khá rõ. Nhưng tới năm 2021 còn vậy không?

“Chúng ta phải ưu tiên những nơi ưu tiên chọn Việt Nam. Ví dụ như doanh nghiệp và Chính phủ Nhật Bản. Chúng ta phải tạo ra phản ứng chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp nhà đầu tư Nhật Bản đa dạng hoá chuỗi cung ứng về Việt Nam được thuận lợi hơn”.

Xu hướng thứ tư là chuyển động của hệ thống chính trị giữa các nước. Ở đây phản ứng chính sách quan trọng là quản trị rủi ro, là phải giữ thị trường chúng ta có, để không “đổ vỡ” khi chính sách bảo hộ thay đổi.

>>Tư duy kinh tế mới trong "bình thường mới"

>>Gói kích thích kinh tế mới sẽ kéo dài 2 năm 2022 và 2023

Động lực từ kinh tế tư nhân

Đặc biệt, ông Đặng Đức Anh cho rằng nền kinh tế vẫn còn nhiều nội lực để bứt phá. Trong đó nội lực quan trọng hàng đầu là khu vực kinh tế tư nhân năng động và thích ứng nhanh với biến động.

“Đội ngũ kinh tế tư nhân của Việt Nam không chỉ có khát vọng vươn lên và đóng góp đưa Việt Nam không chỉ thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình mà còn sánh vai với các cường quốc 5 châu”, Phó Viện trưởng CIEM khẳng định.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng sở hữu nguồn nhân lực trẻ dồi dào, có khả năng nắm bắt các xu hướng mới. Do đó, với định hướng tập trung vào công nghệ và đổi mới, đây là một nhân tố then chốt trong tiến trình phục hồi và phát triển kinh tế thời gian tới. Phó Viện trưởng CIEM cũng nhận định môi trường kinh doanh của Việt Nam đang ngày một hoàn thiện hơn.

Tuy nhiên, ông lưu ý về việc xây dựng một bộ máy hành chính kiến tạo, đồng thời phân định rõ vai trò của nhà nước và thị trường. Trong đó, sự điều hành của nhà nước cần tạo điều kiện để thúc đẩy, không cản trở sự phát triển của thị trường.

“Ta cần phải xây dựng một bố máy chuyên nghiệp, đặc biệt là sau đại địch. Bộ máy này phải có khả năng xử lý tình huống và phản ứng nhanh với những diễn biến bất ngờ. Trong một thế giới đang biến động mạnh như hiện nay, nếu không phản ứng nhanh thì sẽ gây cản trở lớn”, ông Đặng Đức Anh nhấn mạnh.

Cùng với đó, cần tiếp tục cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và cắt giảm thủ tục hành chính để khu vực tư nhân tham gia mạnh mẽ hơn vào nền kinh tế, tận dụng các xu sau đại dịch như chuyển dịch chuỗi, cách mạng 4.0… 

“Với khu vực tư nhân, điều họ cần là một môi trường kinh doanh ổn định và công bằng, hơn là các hỗ trợ. Nếu có một bộ máy quản lý hành chính chuyên nghiệp, vì dân, tạo môi trường kinh doanh ổn định và thúc đẩy đầu tư, thì có thể ‘thổi bùng’ tiềm năng của khu vực tư nhân”, ông Đặng Đức Anh cho biết. 

Có thể bạn quan tâm

  • Một luật sửa 10 luật: Tháo gỡ ách tắc, tạo động lực mới cho phát triển

    06:34, 02/12/2021

  • Tư duy kinh tế mới trong "bình thường mới"

    01:00, 04/12/2021

  • Bức tranh kinh tế 11 tháng 2021: (Kỳ 3) Xuất nhập khẩu tiếp tục khởi sắc

    04:01, 03/12/2021

  • Gói kích thích kinh tế mới sẽ kéo dài 2 năm 2022 và 2023

    19:00, 02/12/2021

  • Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Đánh giá toàn diện nền kinh tế

    17:35, 02/12/2021

THY HẰNG