TÁI CẤU TRÚC NỀN KINH TẾ: Doanh nghiệp cần tìm cách gỡ nút thắt của ngành hoạt động
Đó là chia sẻ của TS. Lê Võ Phương Nga, Giám đốc Quản trị tài chính, Credit Agricole Pháp tại Diễn đàn "Tái cấu trúc nền kinh tế giai đoạn 2021 -2025: Những vấn đề đặt ra với doanh nghiệp".
>>>[TRỰC TIẾP] Diễn đàn "Tái cấu trúc nền kinh tế giai đoạn 2021-2025: Những vấn đề đặt ra với doanh nghiệp"
Diễn đàn "Tái cấu trúc nền kinh tế giai đoạn 2021 -2025: Những vấn đề đặt ra với doanh nghiệp" được Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức tại Hà Nội từ 13h30 - 17h00 ngày 14/12.
Chia sẻ tại Diễn đàn, bà Lê Võ Phương Nga cho biết, chúng ta thực sự đứng trong bối cảnh quốc tế đặc biệt hơn tất cả cơ cấu kinh tế mà chúng ta từng biết. Dịch bệnh đã làm thay đổi tất cả, rất nhiều những thách thức đặt ra, nhưng cũng đi kèm với nhiều cơ hội mà nhiều doanh nghiệp đang nắm bắt.
Sau đại dịch, nền kinh tế thế giới đang chứng kiến sự đứt gãy về chuỗi cung ứng, bên cạnh đó là quá trình chậm lại của toàn cầu hóa và ưu tiên khu vực hóa với sự chuyển dịch trong chuỗi giá trị toàn cầu hết sức rõ ràng. Song song với đó, công cuộc chuyển đổi số, phát triển công nghệ đang được đẩy mạnh một cách “thần tốc”. Trong bối cảnh đó, trên thế giới và trong khu vực hình thành chuỗi giá trị mới mà chúng ta đặc biệt phải quan tâm.
Tái cơ cấu nền kinh tế nói chung đã có những thay đổi. Theo đó, bà Lê Võ Phương Nga đưa ra nhận định về 4 bài toán cần giải để thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế.
Thứ nhất là mô hình kinh tế tương lai, hướng đến phát triển kinh tế xanh và kinh tế số.
Thứ hai, cần nâng cao tương tác quốc gia, khả năng cạnh tranh, khả năng hợp tác, vị thế trong chuỗi giá trị và tương tác về nguồn lực lao động.
Thứ ba là tái cơ cấu kinh tế về chiều sâu, không chỉ thay đổi cấu trúc mà là thứ tự ưu tiên, cần phân bổ lại nguồn lực phát triển ở tầm quốc gia, ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin.
Và cuối cùng là thể chế, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã giảm 2 năm liên tiếp do tác động của đại dịch, điều đó cho thấy các nước cũng đang đi rất nhanh và nhanh hơn cả Việt Nam. Áp lực hiện tại là cải cách thể chế và môi tường kinh doanh không phải trên giấy tờ mà bằng hành động cụ thể từ phía Nhà nước để chào đón doanh nghiệp.
- Tái cơ cấu nền kinh tế để thích ứng tình hình mới: Ba lý do cần tái cơ cấu
- Tái cơ cấu nền kinh tế để thích ứng tình hình mới
Để giải được các bài toán này, theo bà Nga, tái cơ cấu nền kinh kinh tế sau khủng hoảng bằng huy động nguồn lực nội tại. Trước hết là tận dụng nguồn lực về tài chính trong dân, lượng tiền bơm vào nền kinh tế nằm rải rác trong dân. Việc đẩy được lượng tiền này vào lại nền kinh tế là cực kì cấp bách cho việc phục hồi kinh tế.
Lấy dẫn chứng, bà Nga cho biết, tại Pháp, người dân tiết kiệm thêm 160 tỉ Euro từ đầu 2020 đến cuối 2021, ước tính nếu 20% số tiền tiết kiệm này đã được đầu tư thì tăng trưởng kinh tế năm 2022 có thể sẽ là 6%, thay vì 4,3% như dự tính của quốc gia này.
Giải pháp tiếp theo là tăng cường phục vụ thị trường nội địa. Bài học về đứt gãy các chuỗi cung ứng do đại dịch dẫn đến xu thế toàn cầu hóa chậm lại, nhường chỗ cho xu thế địa phương hóa từ sản xuất đến tiêu thụ.
Bên cạnh đó, sử dụng tích cực công cụ thuế và đòn bẩy tài chính để định hướng doanh nghiệp và người tiêu dùng trong tái cơ cấu chuyển dịch cơ cấu kinh tế cho Việt Nam.
Ngoài ra, cần phát triển từ nội lực, phát triển kinh tế tư nhân, phát triển sức mua nội địa (Đại dịch cho thấy những mối đe dọa từ việc phụ thuộc vào chi tiêu nước ngoài và cung cấp lao động giá rẻ).
Đồng thời, cần tăng vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu, chuyển đổi cơ cấu từ chiều rộng sang chiều sâu, từ thang giá trị thấp lên thang giá trị cao, thâm nhập thị trường khu vực và thế giới. Đặc biệt, cần ưu tiên ngành trong tương quan với khu vực và quốc tế, tăng vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Mặt khác, bà Nga cũng đưa ra lời khuyên với doanh nghiệp cần tìm cách gỡ nút thắt của ngành hoạt động như: vốn, công nghệ, lao động, tập trung vào khả năng thích ứng và khả năng chống chọi của doanh nghiệp, tái cơ cấu doanh nghiệp theo ngành, theo khu vực cạnh tranh, hợp tác, đón xu thế trong nước và quốc tế, xu thế ngành và chuỗi giá trị, xu thế công nghệ, xu thế chuyển dịch vốn và lao động.
Có thể bạn quan tâm
TÁI CẤU TRÚC NỀN KINH TẾ: Cần đạt sự bứt phá về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp
15:00, 14/12/2021
TÁI CẤU TRÚC NỀN KINH TẾ: Doanh nghiệp cần đặt mình trong vai trò chủ động
14:18, 14/12/2021
[TRỰC TIẾP] Diễn đàn "Tái cấu trúc nền kinh tế giai đoạn 2021-2025: Những vấn đề đặt ra với doanh nghiệp"
12:30, 14/12/2021
14/12: Diễn đàn Tái cấu trúc nền kinh tế giai đoạn 2021 -2025: Những vấn đề đặt ra với doanh nghiệp
05:30, 14/12/2021