Ùn tắc nông sản biên giới: Đừng coi thị trường nội địa chỉ là nơi “giải cứu”

THY HẰNG 03/01/2022 04:00

Các chuyên gia một lần nữa nhấn mạnh phải coi trọng thị trường nội địa. Đừng xem đây là thị trường giải cứu nông sản mỗi khi khủng hoảng thừa.

>>>Ùn tắc nông sản biên giới: Đề xuất vận chuyển bằng đường sắt

Đánh giá về tình trạng hàng hóa, nông sản Việt Nam bị ùn ứ tại cửa khẩu, Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Giám đốc Sở Thương mại đánh giá, đây không phải là chuyện lạ, đã xảy ra liên tục trong 10 năm qua. Tuy nhiên, đợt ùn ứ lần này được đánh giá lớn nhất từ trước tới nay.

Nhiều xe nông sản quay đầu về tiêu thụ nội địa. Ảnh: Dân Việt

Nhiều xe nông sản quay đầu về tiêu thụ nội địa. Ảnh: Dân Việt

"Không thể mãi bán tươi"

"Mọi năm, cuối tháng 12 là thời điểm tập kết hàng hóa, nhất là các mặt hàng nông sản của Việt Nam xuất sang Trung Quốc để phục vụ đất nước tỷ dân trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Thế nhưng, hiện nay, phía Trung Quốc kiểm soát dịch bệnh rất chặt, họ đưa ra nhiều yêu cầu chặt chẽ khi nhập khẩu hàng hóa ở các cửa khẩu. Điều này dẫn đến hiện tượng ùn ứ là điều dễ hiểu", ông Phú phân tích.

Từ thực tế này, chuyên gia Vũ Vinh Phú chỉ ra, không thể chỉ đưa ra các phương án mang tính tạm thời.

Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng nhận định, Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính. Nhiều năm qua Trung Quốc liên tục nâng cấp tiêu chuẩn hàng hóa nhập vào thị trường của họ. Trong khi đó, chúng ta gần như chưa có sự chuẩn bị do người sản xuất, ngay cả người quản lý vẫn giữ quan niệm thị trường Trung Quốc là thị trường dễ tính có thể tiêu thụ được hàng nông sản của Việt Nam. Chính vì vậy, hàng hóa cứ đến biên giới là ùn ứ.

Từ thực tế kể trên, theo bà Lan, Việt Nam cần sớm tìm ra các thị trường khác để có thể tiêu thụ hàng nông sản tươi, thay thế một phần cho thị trường Trung Quốc. Đây được xem là việc quan trọng cần thiết phải làm nhanh.

Cùng với đó, nông nghiệp phải chuyển nhanh sang chế biến sâu "chứ không thể cứ bán tươi mãi như thế được", theo bà Lan.

Cũng nhấn mạnh tới giải pháp tăng cường chế biến, chuyên gia Vũ Vinh Phú cũng nhận định, nếu xuất khẩu hoa quả tươi như hiện tại chỉ để được vài ngày. Do đó, nhà nước cần đầu tư kho dự trữ chiến lược.

Đồng thời, việc xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc phải dựa trên cơ sở đàm phán ký kết xuất khẩu chính ngạch và làm tốt vấn đề phòng dịch từ khâu nuôi trồng đến vận chuyển lên biên giới.

"Chúng ta phải mời chuyên gia, ngành chức năng Trung Quốc sang kiểm tra, phòng chống dịch ngay tại Việt Nam. Khi đó, hàng hóa sẽ được chuyển thẳng sang biên giới không phải kiểm dịch. Tình trạng chở thẳng hàng lên biên xong mới thực hiện các thủ tục chắc chắn dẫn tới việc ùn ứ", chuyên gia Vũ Vĩnh Phú chia sẻ.

nông nghiệp phải chuyển nhanh sang chế biến sâu

Chuyên gia khẳng định nông nghiệp phải chuyển nhanh sang chế biến sâu "chứ không thể cứ bán tươi mãi như thế được".

Chuyên gia khẳng định rằng, nếu không thay đổi tư duy với những chiến lược có tính lâu dài thì cuối năm sau hay các năm khác nữa nông sản vẫn sẽ lại ùn ứ tại cửa khẩu mỗi dịp cuối năm.

>>>Ùn tắc nông sản biên giới: Đề xuất thiết lập "vùng đệm" với Trung Quốc

>>>Khơi thông “nông sản đường biên”: Sức ép xuất khẩu “chính ngạch”

Tiềm năng thị trường nội địa

Đáng lưu ý, các chuyên gia một lần nữa nhấn mạnh phải coi trọng thị trường nội địa. "Đừng xem đây là thị trường giải cứu nông sản, ngay từ những báo cáo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới đưa ra năm 2016, nông nghiệp Việt Nam cần giảm chi phí tăng giá trị, khuyến khích nông nghiệp phát triển theo hướng này và nhấn mạnh cần chú trọng vào thị trường nội địa vì tính ra từ trước đến nay thị trường nội địa vẫn là nơi tiêu thụ 70% nông sản. Người ta khuyến cáo mình chú trọng thị trường nội địa nhưng hình như trong con mắt bà con nông dân của mình luôn coi thị trường nội địa là để bán những sản phẩm không thể xuất khẩu", bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh.

Cũng theo vị chuyên gia này, thị trường nội địa hiện vẫn còn rất nhiều tiềm năng vì dân số vẫn tiếp tục tăng, sức tiêu thụ ngày càng tốt hơn, đa dạng phong phú và cũng cao cấp hơn, tại sao lại không dùng thị trường nội địa?

Hơn nữa, khi các doanh nghiệp xuất khẩu khi xuất hàng đi họ phải tuân thủ rất nhiều công đoạn, nếu tiêu thụ tại thị trường nội địa, doanh nghiệp sẽ đỡ tốn chi phí hơn nhiều.

"Xuất khẩu nhiều khi chỉ để lấy danh tiếng hơn là lấy lãi lời thực sự vì đầu tư cho xuất khẩu quá tốn kém, kể cả nâng cấp chuẩn mực hàng hóa lẫn bao bì đóng gói, nhãn hiệu, đăng kí thương hiệu, vận tải, phân phối", Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhấn mạnh. 

Hiện nhiều xe nông sản ùn tắc tại biên giới đã quay đầu về bán tại thị trường nội địa, nhiều nhà bán lẻ lớn đã cho biết sẵn sàng hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm nông sản. Ông Nguyễn Thái Dũng, tổng giám đốc Công ty TNHH bán lẻ BRG, cho biết sẽ triển khai bán hàng không lợi nhuận nhằm giúp nông sản gặp khó trong xuất khẩu như trái cây, hải sản trên hệ thống siêu thị BRGMart. Hệ thống này sẽ chuẩn bị các kho lạnh tích trữ hải sản, trái cây để bán hàng từ nay đến Tết Nguyên đán, đồng thời đẩy mạnh bán hàng trên kênh online.

Theo bà Nguyễn Phương Hồng, giám đốc kế hoạch chuỗi cung ứng Tập đoàn Nafoods Group, với tổng công suất thiết kế của các nhà máy chế biến lên tới 100.000 tấn/năm, tương đương 300.000 tấn nguyên liệu/năm, doanh nghiệp này sẽ tham gia hỗ trợ tiêu thụ chanh dây và thanh long. "Với các sản phẩm tại cửa khẩu phía Bắc, có thể chuyển về nhà máy ở Nghệ An, còn phía Nam sẽ đưa về nhà máy tại Long An", bà Hồng cho biết.

Có thể bạn quan tâm

  • Ùn tắc nông sản biên giới: Xem xét kéo dài thời gian thông quan

    13:47, 02/01/2022

  • Ùn tắc nông sản biên giới: Đề xuất vận chuyển bằng đường sắt

    09:58, 28/12/2021

  • Ùn tắc nông sản biên giới: Đề xuất thiết lập "vùng đệm" với Trung Quốc

    14:29, 23/12/2021

THY HẰNG