Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Bộ Công Thương đã thực hiện thành công “mục tiêu kép”

NGUYỄN VIỆT 09/01/2022 19:23

Với sự nỗ lực, cố gắng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, ngành Công Thương đã từng bước vượt qua thách thức và đã đạt được những kết quả quan trọng.

>>Đơn giản hóa các điều kiện là nhiệm vụ trọng tâm

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Bộ Công Thương, ngày 9/1.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành.

Theo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, những kết quả ngành Công Thương đạt được năm 2021 thể hiện qua các ngành, lĩnh vực sản xuất công nghiệp đạt được kết quả quan trọng, như ngành điện, dầu khí, than khoáng sản, xi măng, sắt thép... đã tận dụng ưu điểm, lợi thế khép kín của chu trình công nghệ sản xuất, thực hiện thành công mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa duy trì sản xuất kinh doanh.

4 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022

Xuất nhập khẩu năm 2021 có chuyển biến tích cực, tăng trưởng mạnh mẽ vào các tháng cuối năm; hoạt động lưu thông, phân phối hàng hóa có nhiều đổi mới, công tác quản lý thị trường được tăng cường; công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính được triển khai có hiệu quả…

“Những kết quả nổi bật trên trước hết là do sự nỗ lực, cố gắng của tập thể lãnh đạo và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Công Thương. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tôi ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động ngành Công Thương đã đoàn kết, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2021”, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nói.

Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng để thực hiện mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021-2025. Phó Thủ tướng thống nhất với các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ giải pháp Bộ Công Thương đã thống nhất tại Hội nghị, đồng thời nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm sau.

Thứ nhất, tập trung lãnh đạo chỉ đạo công tác xây dựng và tổ chức thực hiện các quy hoạch ngành quốc gia bảo đảm đúng tiến độ và chất lượng. Trước mắt tập trung cao cho Quy hoạch điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Thứ hai, tập trung tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các ngành công nghiệp năng lượng, chế biến chế tạo, hóa chất, phân bón, sản xuất hàng tiêu dùng như dệt may, da giày, chế biến gỗ, nông lâm thủy sản...

Thứ ba, ngành Công Thương cần bám sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, thực hiện hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, có phản ứng kịp thời trong sản xuất, lưu thông hàng hóa, đặc biệt hoạt động xuất nhập khẩu cần thực hiện các giải pháp bền vững, lâu dài.

Đánh giá toàn diện các tác động để tận dụng tối đa lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia. Đẩy mạnh xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường và hàng hóa xuất khẩu.

Tiếp tục tập trung phát triển thương mại nội địa, mở rộng hệ thống phân phối như trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống, chợ đầu mối... nhằm thúc đẩy tiêu dùng, phát triển thương mại điện tử gắn với thương mại truyền thống để khai thác hiệu quả sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng chuyển đổi số.

Thứ tư, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm minh các vi phạm; đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng nhái hàng giả, bảo đảm môi trường kinh doanh lành mạnh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đặc biệt, ngành Công Thương cần tiếp tục thực hiện đột phá về thể chế chính sách; điều chỉnh, bổ sung kịp thời, phân cấp phân quyền mạnh hơn, cải cách thủ tục hành chính nhằm khơi thông mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội.

Với bề dày truyền thống vẻ vang của ngành Công Thương, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tin tưởng tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Công Thương sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đạt được; nỗ lực vượt qua mọi khó khăn thách thức, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2022.

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định, đến năm 2025, Việt Nam là nước có công nghiệp theo hướng hiện đại, đến năm 2030 là nước có công nghiệp hiện đại, tạo tiền đề quan trọng để đến năm 2045 (kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước), Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao; trong đó ngành Công Thương được trao sứ mệnh quan trọng để thực hiện khát vọng hùng cường, thịnh vượng của đất nước.

Năm 2021 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức; đặc biệt là tác động nghiêm trọng, chưa từng có của đại dịch Covid-19 gây ra.

Song, với sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt, quyết liệt của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự vào cuộc kịp thời, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, cùng với sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, sự hỗ trợ hiệu quả của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống đại dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển KT-XH.

“Cùng với cả nước, ngành Công Thương đã tích cực, chủ động và sáng tạo trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh, bảo đảm lưu thông, cung ứng kịp thời hàng hóa thiết yếu, đẩy mạnh xuất nhập khẩu và đã đạt được những kết quả quan trọng, tích cực”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.

>>Bộ trưởng Bộ Công Thương: Thành quả xuất siêu đến từ các FTA

Quyết liệt ngay từ ngày đầu, tháng đầu

Vẫn theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, năm 2021 là năm đặc biệt khó khăn, bởi phần lớn thời gian cả nước phải tập trung cho công tác phòng, chống đại dịch COVID-19. Song, với sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt, quyết liệt của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong việc tiếp cận, nhanh chóng tiêm chủng vắc xin cho toàn dân và thay đổi “chiến lược phòng, chống dịch Covid -19” từ “Zero Covid” sang thích ứng an toàn, linh hoạt để thực hiện “Mục tiêu kép”, thông qua việc ban hành hàng loạt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và quyết định “mở cửa lại nền kinh tế” theo tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên.

Sự vào cuộc kịp thời, hiệu quả của các Bộ, ngành, địa phương trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Cùng với sự nỗ lực phấn đấu, ủng hộ, chia sẻ của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, nước ta đã bước đầu vượt qua những khó khăn, thách thức và đạt được những kết quả rất quan trọng, tương đối toàn diện trên các lĩnh vực.

Như nền kinh tế duy trì mức tăng trưởng dương (2,58%), kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối vĩ mô được bảo đảm; kim ngạch XNK đạt mức kỷ lục; sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá; chuỗi cung ứng trong và ngoài nước được duy trì, bảo đảm đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân và doanh nghiệp trong mọi tình huống.

“Đóng góp vào thành tích chung đó, ngành Công Thương đã nỗ lực phấn đấu, chủ động, sáng tạo triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp và người dân trong sản xuất kinh doanh, bảo đảm lưu thông, cung ứng kịp thời hàng hóa thiết yếu, đẩy mạnh xuất nhập khẩu và đã đạt được nhiều kết quả tích cực”, Bộ trưởng bày tỏ.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, vẫn còn những tồn tại, hạn chế và vấn đề đặt ra cho Ngành cần tập trung giải quyết. Trong đó, đáng lưu ý là năng lực sản xuất công nghiệp còn chậm được cải thiện; chưa có sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp trong nước vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp có tính nền tảng, then chốt.

Xuất khẩu tuy tăng mạnh nhưng nhập khẩu vẫn còn cao và phụ thuộc nhiều vào khu vực FDI; năng lực xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế; hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt là xuất nhập khẩu qua biên giới chủ yếu là đường tiểu ngạch.

Hệ thống hạ tầng thương mại như chợ đầu mối, trung tâm logistics, kho chứa hàng hóa còn nhiều bất cập, làm gia tăng chi phí, giảm năng lực cạnh tranh; Công tác thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thực hiện cải cách hành chính ở một số lĩnh vực, đơn vị còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra.

Khả năng ứng phó với các vấn đề mới, các thay đổi từ bên ngoài đôi lúc còn bị động, thiếu linh hoạt; tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên thị trường nội địa, vi phạm cạnh tranh… còn diễn biến phức tạp.

“Các tồn tại, hạn chế nêu trên đều là những điểm nghẽn đối với sự phát triển của Ngành trong nhiều năm qua, càng bộc lộ rõ hơn dưới tác động của đại dịch Covid- 19 và quá trình hội nhập quốc tế. Vì vậy, chúng ta đã thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá rất nghiêm túc, cầu thị và kịp thời có các giải pháp khả thi để khắc phục; tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành; nâng cao ý thức chấp hành; tăng cường kiểm tra, đôn đốc công việc nhằm tạo sự chuyển biến thực chất và mạnh mẽ hơn trong thời gian tới”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, năm bản lề, tạo nền tảng thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu kế hoạch 5 năm 2021-2025. Dự báo tình hình quốc tế, trong nước tiếp tục có những yếu tố bất lợi.

Đặc biệt là đại dịch COVID-19 có thể còn diễn biến phức tạp, khó lường; chiến tranh thương mại giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; tăng trưởng kinh tế thế giới chưa vững chắc, không đồng đều. Áp lực lạm phát, rủi ro và bất ổn của thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế gia tăng…

Tuy nhiên, nước ta cũng đang có những tiền đề tốt, yếu tố thuận lợi để thu hút đầu tư, phục hồi và phát triển KT-XH, khôi phục chuỗi sản xuất, cung ứng theo hướng bền vững hơn. 

Để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác, bứt phá vươn lên, thực hiện thắng lợi và toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2022 đã được Chính phủ giao, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành cần quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng tại Hội nghị một số nội dung, nhiệm vụ sau.

Một là, tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các chủ trương, chính sách có liên quan về phát triển công nghiệp, thương mại; bám sát diễn biến tình hình, thường xuyên kiểm tra, đánh giá để xử lý linh hoạt, kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh, bảo đảm hoàn thành và hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Hai là, chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng tham mưu cho cấp có thẩm quyền nhằm thể chế kịp thời các quan điểm, chủ trương, chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng; tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện những cơ chế, chính sách còn bất cập, các quy định đang cản trở quá trình thực hiện; đồng thời, xây dựng, ban hành các quy định, chính sách phù hợp, bảo đảm đồng bộ, khả thi và đề xuất cấp có thẩm quyền cho thực hiện thí điểm những nhiệm vụ theo tinh thần đổi mới, sáng tạo để khơi thông và giải phóng các nguồn lực, nhất là nguồn xã hội hóa trong đầu tư phát triển Ngành. 

Ba là, khẩn trương xây dựng, ban hành Kế hoạch hành động và tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ được giao trong Chương trình tổng thể phòng, chống đại dịch COVID-19; Chương trình phục hồi, phát triển KTXH và các nghị quyết của Chính phủ, góp phần cùng cả nước thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra.

Bốn là, đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cơ cấu lại ngành Công Thương dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Tích cực, chủ động tham mưu tổng kết việc thực hiện các mục tiêu CNH, HĐH; đánh giá, làm rõ những ưu điểm, hạn chế trong mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là việc thực hiện chính sách thu hút đầu tư FDI trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại.

Từ đó có chủ trương, chính sách phù hợp nhằm kết nối chặt chẽ giữa các doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước, thúc đẩy phát triển kỹ năng quản trị, chuyển giao công nghệ, hình thành các chuỗi cung ứng vật tư, nguyên liệu và cụm liên kết ngành, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt và năng lực tự chủ của nền kinh tế quốc gia.

Đồng thời, có cơ chế, chính sách hỗ trợ và huy động các nguồn lực để thúc đẩy phát triển các Tập đoàn, Doanh nghiệp lớn (cả Nhà nước và tư nhân) của Việt Nam đầu tư ra nước ngoài (nhất là ở các nước có trình độ KHCN tiên tiến), giúp các doanh nghiệp này có thể đi tắt, đón đầu, tiếp nhận chuyển giao công nghệ hiện đại; trực tiếp tham gia, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam từng bước tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.

Năm là, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành và ý thức chấp hành, gắn với đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Tiếp tục đổi mới lề lối, phương thức làm việc, đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh; chủ động phối hợp xử lý công việc gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong toàn hệ thống.

Có thể bạn quan tâm

  • Bộ trưởng Bộ Công Thương: Thành quả xuất siêu đến từ các FTA

    00:00, 10/11/2021

  • Bộ Công Thương đưa ra 5 giải pháp đảm bảo cung cấp điện

    12:13, 23/10/2021

  • Bộ Công Thương điều tra đường mía Thái Lan “mượn đường, né thuế”

    15:00, 23/09/2021

  • Bộ Công Thương: Thắt chặt kinh doanh đa cấp không phép

    11:47, 27/08/2021

NGUYỄN VIỆT