Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Thành tích của Bộ Công Thương rất đáng trân trọng

NGUYỄN VIỆT 09/01/2022 20:06

Nhìn lại một năm đầy thách thức, nhất là trong thời gian các tỉnh, thành phố phía Nam giãn cách xã hội, mới thấy thành tích của toàn ngành Bộ Công Thương đáng trân trọng.

 >>Đơn giản hóa các điều kiện là nhiệm vụ trọng tâm

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan khẳng định tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Bộ Công Thương, ngày 9/1.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chúc mừng những thành tích đạt được của Bộ Công Thương và cho rằng, với nhiều nỗ lực, Bộ Công Thương đã phát huy vai trò tham mưu với Chính phủ, tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp, kết nối chuỗi cung ứng bị đứt gãy, mở dần thị trường…

Nỗ lực vượt khó

Đồng thời, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng đề nghị Bộ Công Thương cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần xây dựng phát triển thị trường nông sản trong nước.

Tiếp tục nghiên cứu chế biến đa dạng hoá sản phẩm và xúc tiến triển khai kế hoạch hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng ở nước ngoài trong 5 năm tới.

Là một trong những Bộ luôn đồng hành, sát cánh với Bộ Công Thương trong các hoạt động trong nước và thông qua mạng lưới Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cũng ấn tượng những kết quả nổi bật của Bộ Công Thương. Kết quả này thể hiện nỗ lực vượt khó rất cao của ngành Công Thương trong thời gian qua.

Không chỉ vậy, ngành Công Thương thích ứng nhanh và hiệu quả trước bối cảnh khó khăn. Bên cạnh sự chỉ đạo quyết liệt, Bộ Công Thương cũng cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh tạo thuận lợi cho doanh nhiệp. Ngành đã phát huy vai trò rất tốt là ngành xương sống của kinh tế khi đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa cho người dân trong mọi tình huống.

Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ cho rằng, trong những năm tới, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các Bộ, ngành trong việc thực thi phối hợp, triển khai các cam kết trong các FTA; hỗ trợ doanh nghiệp, quảng bá hàng hóa, tăng lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam trên thị trường thế giới.

Ấn tượng với những thành tích mà ngành Công Thương đã đạt được, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) chia sẻ, ngành thủy sản rất vui mừng khi đóng góp phần nhiều vào thành tích xuất nhập khẩu của năm 2021.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ.

Ông Nguyễn Hoài Nam cho biết, tại thời điểm đến hết tháng 10/2021, toàn ngành chỉ đưa ra dự báo xuất khẩu cả năm đạt khoảng 8,4-8,6 tỉ USD. Tuy nhiên, giai đoạn các tháng cuối năm tình hình khởi sắc rõ rệt, nhất là khi Nghị quyết 128 ra đời đã thúc đẩy sự phục hồi của ngành.

“Tính riêng trong tháng 12/2021, trị giá xuất khẩu thủy sản đã đạt tới 900 triệu USD, đây là con số chưa từng có. Có thể nói, năm nay ngành thủy sản đã thoát hiểm ngoạn mục”, ông Nam bày tỏ.

Về phía các địa phương, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, thời gian qua, ngành Công Thương đã tham mưu, ban hành các văn bản về phòng chống dịch để đảm bảo sản xuất an toàn. Đồng thời chủ động phối hợp với thành phố Hà Nội và doanh nghiệp để duy trì ổn định chuỗi cung ứng.

“Vì vậy, dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, nhiều nhà máy phải đóng cửa nhưng các chỉ tiêu về sản xuất, xuất khẩu của thành phố vẫn đạt mức khả quan, góp phần cho công tác an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu tiêu kép là tăng trưởng và phục hồi phát triển kinh tế”, ông Quyền nói.

Báo cáo tại Hội nghị về tình hình thực hiện nhiệm vụ ngành Công Thương năm 2021, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, nước ta thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội trong bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến phức tạp và có nhiều yếu tố không thuận lợi do đại dịch COVID-19 với những biến chủng mới.

Kinh tế thế giới phục hồi thiếu vững chắc và không đồng đều; nợ công, lạm phát tăng cao ở nhiều quốc gia. Trong nước, dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư ở nhiều địa phương với biến chủng Delta có tốc độ lây lan rất nhanh, xâm nhập sâu vào các trung tâm kinh tế, đô thị lớn... đặt ra những khó khăn, thách thức lớn đối với nền kinh tế.

>>Bộ trưởng Bộ Công Thương: Thành quả xuất siêu đến từ các FTA

Chủ động, sáng tạo trong triển khai nhiệm vụ

Trong bối cảnh đó, với nỗ lực và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, nhân dân cả nước, cộng đồng doanh nghiệp và lực lượng tuyến đầu chống dịch, kinh tế nước ta đã đạt những kết quả đáng ghi nhận: kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối vĩ mô được bảo đảm…

Toàn cảnh Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Bộ Công Thương.

Toàn cảnh Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Bộ Công Thương.

“Đóng góp vào các thành tích chung đó, ngành Công Thương, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đã tích cực, chủ động, sáng tạo trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao, hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ của ngành trong năm 2021”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.

Cụ thể, sản xuất công nghiệp duy trì mức tăng trưởng tích cực, cơ bản giữ được chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng trong và ngoài. Cơ cấu nội ngành tiếp tục chuyển biến tích cực theo đúng định hướng tái cơ cấu ngành, tăng tỷ trọng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo, giảm dần tỷ trọng của ngành công nghiệp khai khoáng.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của công nghiệp, với mức tăng 6,37%, đóng góp 1,61 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng GDP của cả nước và đóng góp tới 86,7% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Ngành điện đã đảm bảo tốt cân đối điện phục vụ phát triển KTXH và sinh hoạt của người dân; đưa vào vận hành 8 dự án nguồn điện với tổng công suất gần 4.350 MW; đặc biệt, đã thực hiện giảm giá điện, giảm tiền điện lớn chưa từng có cho nhiều đối tượng khách hàng (5 đợt với số tiền gần 17.000 tỷ đồng).

Ngành dầu khí về đích trước kế hoạch, đóng góp cao nhất cho ngân sách với 75,4 nghìn tỷ đồng, vượt 21% kế hoạch. Ngành than cũng đã nỗ lực vượt qua khó khăn cơ bản hoàn thành mục tiêu kế hoạch năm 2021.

Xuất nhập khẩu tiếp tục tạo kỷ lục mới với tổng kim ngạch ước đạt gần 670 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 336 tỷ USD, tăng 19%, (vượt 15% so với kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao). Nhập khẩu ước đạt 332 tỷ USD, tăng 26,5% so với năm 2020 và cơ bản được kiểm soát tốt.

Nhóm hàng hóa phục vụ sản xuất và hàng hóa thiết yếu luôn chiếm gần 90% kim ngạch nhập khẩu. Cán cân thương mại ghi nhận xuất siêu năm thứ 6 liên tiếp với giá trị khoảng 4 tỷ USD.

Thị trường trong nước tương đối ổn định, cơ bản đảm bảo được cân đối cung cầu, đặc biệt là cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu trong vùng dịch. Công tác kết nối cung cầu được thực hiện tốt, giá cả tương đối ổn định, góp phần đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh.

Thương mại điện tử trở thành phương thức phân phối quan trọng, góp phần duy trì chuỗi cung ứng và chuỗi lưu thông trong và ngoài nước, hỗ trợ tiêu thụ hiệu quả một lượng lớn nông sản cho người nông dân và doanh nghiệp, đặc biệt là trong những giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp. Doanh thu thương mại điện tử đạt 13,7 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ và thuộc nhóm 3 quốc gia có tốc độ tăng trưởng về thị phần bán lẻ trực tuyến cao nhất khu vực Đông Nam Á.

Công tác quản lý nhà nước đối với các ngành, lĩnh vực (quản lý thị trường, phòng vệ thương mại, hội nhập, xúc tiến thương mại, quản lý cụm công nghiệp, khuyến công, khoa học và công nghệ, tổ chức cán bộ...) được tổ chức triển khai đồng bộ, kịp thời, đóng góp tích cực vào thành tích chung của toàn Ngành.

Bên cạnh những kết quả tích cực đó, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng thẳng thắn nhìn nhận, phát triển ngành Công Thương năm 2021 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như, năng lực sản xuất công nghiệp chậm được cải thiện, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp có tính nền tảng, then chốt.

Xuất khẩu tăng mạnh nhưng mức độ phụ thuộc vào khu vực FDI lại tăng lên so với những năm gần đây; các hoạt động dịch vụ và làm giảm cầu tiêu dùng hàng hóa trong nước khiến doanh thu bán lẻ trong nước đạt thấp.

Trật tự thị trường mặc dù được tăng cường kiểm soát nhưng diễn biến phức tạp; Công tác nghiên cứu khoa học - công nghệ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu tái cơ cấu và phát triển ngành theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh…

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, những tồn tại, hạn chế nêu trên có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan nhưng nguyên nhân chính là do dịch COVID-19 diễn biến nhanh, phức tạp, ảnh hưởng lớn đến phát triển của ngành.

“Do đó, chúng ta cần nhìn nhận một cách thẳng thắn, cầu thị các hạn chế này để nghiêm túc rút kinh nghiệm và có các giải pháp để khắc phục kịp thời, tạo sự chuyển biến thực chất và mạnh mẽ hơn trong thời gian tới”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nói.

Có thể bạn quan tâm

  • Thứ trưởng Bộ Công thương: Nhiều mặt hàng tăng giá, áp lực lạm phát rất lớn

    03:00, 07/11/2021

  • Bộ Công Thương đưa ra 5 giải pháp đảm bảo cung cấp điện

    12:13, 23/10/2021

  • Bộ Công Thương không nghĩ đến tăng giá điện

    01:00, 01/10/2021

  • Bộ Công Thương điều tra đường mía Thái Lan “mượn đường, né thuế”

    15:00, 23/09/2021

NGUYỄN VIỆT