Bền vững năng lượng tái tạo
Cơ chế chính sách thiếu đồng bộ, giật cục đang khiến nhiều doanh nghiệp lỡ “đổ tiền” đầu tư vào các dự án năng lượng kêu trời không thấu.
>>Vì sao Trungnam Group cầu cứu Chính phủ?
LTS: Thực hiện cam kết của Việt Nam tại hội nghị COP26, Quy hoạch điện VIII đang hướng đến phát triển năng lượng tái tạo (NLTT). Tuy nhiên, vấn đề được nhiều chuyên gia đặt ra hiện nay là, cơ chế nào để hút đầu tư vào NLTT?
Trungnam Group – chủ đầu tư dự án điện mặt trời 450 MW Trung Nam - Thuận Nam vừa có văn bản gửi Phó thủ tướng Lê Văn Thành, Bộ trưởng Bộ Công Thương và UBND tỉnh Ninh Thuận đề xuất các chính sách gỡ khó chỉ là phần nổi trong tảng băng chìm những khó khăn của doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Từ bức xúc của Trung Nam
Nới về dự án của mình, Trungnam Group cho biết: dự án điện mặt trời 450 MW Trung Nam - Thuận Nam là dự án dự án đầu tư có điều kiện được tỉnh Ninh Thuận tổ chức lựa chọn nhà đầu tư đúng theo quy định của pháp luật.
Vào tháng 10/2020, dự án chính thức được khánh thành và theo Trung Nam Group, dự án được Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) huy động công suất của toàn dự án để hòa vào lưới điện quốc gia. Trong đó có một phần công suất của dự án chưa xác định được giá bán điện cụ thể làm cơ sở thanh toán cho nhà đầu tư; Đồng thời trong thời gian chờ bàn giao trạm biến áp 500kV Thuận Nam – Vĩnh Tân cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), dự án điện mặt trời 450MW đang phải chịu chi phí truyền tải cho các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận và chịu chi phí quản lý vận hành trạm biến áp 500kV Thuận Nam khiến Trungnam Group gặp rất nhiều khó khăn và chịu áp lực rất lớn trong việc trả nợ vay cho ngân hàng theo phương án tài chính của dự án.
Trước những khó khăn của nhà đầu tư, Trung Nam Group cho biết tại cuộc họp do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì, Phó Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị EVN xem xét ưu tiên huy động công suất dự án điện mặt trời 450MW vì đây là dự án đã tham gia đầu tư hạ tầng truyền tải và đang chịu chi phí truyền tải hộ cho các dự án trong khu vực. Tuy nhiên, vào ngày 22/2/2022 Trungnam Group nhận được văn bản số 897/EPTC-KDMĐ+GDTT của công ty mua bán điện, thông báo kể từ 0h00 ngày 05/03/2022, EVN sẽ dừng khai thác đối với phần công suất chưa có cơ chế giá bán điện của nhà máy điện mặt trời Trung Nam- Thuận Nam 450MW.
>>Cần sớm ban hành chính sách mới cho năng lượng tái tạo
Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 2068/QĐ-TTg đã xác định: khuyến khích huy động mọi nguồn lực để đẩy mạnh phát triển và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, giảm nhẹ biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
(Nguồn: Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo)
Cần cơ chế xuyên suốt
Không chỉ điện mặt trời, các dự án điện gió cũng đang gặp khó khăn không kém khi bị EVN cắt giảm công suất. Thậm chí, nhiều dự án bị cắt giảm đến 90% công suất. đại diện một doanh nghiệp điện gió cho hay, từ đầu năm 2022 đến nay, tình hình bị cắt giảm có cải thiện hơn tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn mong muốn được huy động toàn công suất của dự án để hoàn thành nghĩa vụ cam kết vói đơn vị tài trợ vốn.
Các số liệu thống kê cũng đã nói lên tình trạng “bi đát” của các dự án năng lượng tái tạo. Tính đến hết năm 2021, tổng công suất đặt các nguồn năng lượng tái tạo đạt 20.670 MW, chiếm 27% tổng công suất đặt toàn hệ thống (76.620 MW); sản lượng điện từ nguồn năng lượng tái tạo đã đạt 31,508 tỷ kWh, chiếm 12,27% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.. Điều này cho thấy, việc giới đầu tư phát triển năng lượng tái tạo thường xuyên “kêu trời” vì bị giảm công suất phát không phải không có cơ sở.
Bàn về vấn đề này, Phó Chủ tịch thường trực VCCI Hoàng Quang Phòng từng khẳng định tại “Diễn đàn cơ chế thu hút đầu tư, phát triển bền vững năng lượng tái tạo tại Việt Nam”: năng lượng tái tạo đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch đảm bảo nguồn an ninh năng lượng. Nhưng Phó Chủ tịch VCCI cũng thẳng thắn nhìn nhận, việc triển khai các dự án năng lượng tái tạo hiện nay đang phải đối mặt với những thách thức mới như: hạ tầng lưới điện và kỹ thuật điều độ hệ thống điện do phải tối ưu hoá nguồn điện mới vào hệ thống... Nhiều nhà máy điện gió, điện mặt trời, phải giảm phát tới 60% công suất, gây lãng phí nguồn lực của xã hội và đang trở thành nguyên nhân cản trở nỗ lực thu hút đầu tư, xã hội hóa vào phát triển hạ tầng năng lượng điện.
Trong khi đó, ông Bùi Văn Thịnh - Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và Điện mặt trời Bình Thuận kiến nghị: Việt Nam cần có 1 bản đồ Quy hoạch điện lực quốc gia phù hợp với tình hình thực tế. Cùng với đó, để thúc đẩy thị trường năng lượng tái tạo phát triển bền vững thì Việt Nam cần quyết liệt trong việc thực thi quy hoạch điện, tránh tình trạng mất cân đối giữa nguồn và lưới, giữa các vùng miền, giữa các khu vực như thực trạng vừa qua.“Đối với giá mua điện, cần có chính sách giá điện phù hợp hơn”- ông Thịnh kiến nghị.
Ông Nguyễn Tâm Thịnh – Chủ tịch HĐQT Trung Nam Group: Việc dừng huy động công suất khi chưa có giá điện của dự án là không phù hợp theo các điều khoản đã thỏa thuận của hợp đồng mua bán điện giữa Tập đoàn điện lực Việt Nam và Công ty TNHH điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam. Cụ thể, tại khoản 5 điều 4 của Hợp đồng mua bán điện số 05/2020/HĐ-NMĐMT-THUANNAM.NT của dự án điện mặt trời 450MW với Tập đoàn điện lực Việt Nam ‘’ Trường hợp đến hạn thanh toán theo quy định tại khoản 1 điều này nhưng chưa có văn bản thống nhất của Bộ Công Thương về việc một phần nhà máy điện hoặc toàn bộ nhà máy điện được áp dụng giá điện theo quy định tại khoản 3 điều 5 Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg, các bên thống nhất ghi nhận sản lượng điện giao nhận. tiền điện sẽ được thanh toán sau khi có văn bản thống nhất của Bộ Công Thương. Cùng với đó, nhà đầu tư đã xây dựng trạm biến áp 500 KV – đường dây 500 KV Thuận Nam - Vĩnh Tân với tổng kinh phí gần 2000 tỷ đồng và với cam kết sẽ được khai thác toàn bộ công suất dự án DMT 450 MW nhằm bù đắp chi phí của NĐT đã xây dựng trạm 500 KV, các chi phí này đã được ngân hàng thẩm định trong phương án vốn vay của dự án. Do vậy phần công suất chưa xác đinh được giá bán điện trong khoảng 16 tháng khai thác dự án cùng với đại dịch COVID - 19 bùng phát trong 2 năm dự án phải chịu sự cắt giảm công suất phát liên tục kéo dài đã tác động rất xấu đến dòng tài chính của nhà đầu tư đối với dự án này. Việc không đủ nguồn tài chính để hoàn thành nghĩa vụ cam kết với đơn vị tài trợ vốn song song với việc nhà đầu tư phải đang gánh phần chi phí truyền tải cho các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Khi dừng huy động 40% công suất của dự án theo văn bản của EVN đồng nghĩa dự án chỉ vận hành đạt 60% so với thiết kế và như vậy sẽ phá vỡ cam kết của nhà đầu tư về phương án tài chính được tổ chức tín dụng thống nhất, dẫn đến dự án mất khả năng cân đối trả nợ vay trong khi đó các nhà đầu tư khác cũng như EVN lại được hưởng lợi trên đường dây truyền tải 500Kv do chính nguồn vốn của nhà đầu tư đã bỏ ra để đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải giải tỏa công suất. Đây là một thiệt thòi quá lớn và không công bằng cho nhà đầu tư. |
ĐBQH Nguyễn Quang Huân - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Halcom Việt Nam:
Xã hội hóa truyền tải điệnCác dự án năng lượng tái tạo cần vốn đầu tư lớn trong thời gian dài nên tín dụng ngân hàng đóng vai trò quan trọng.
Mặc dù, tốc độ tăng trưởng nhanh trong giai đoạn 2018-2020, nhưng tỷ trọng dư nợ tín dụng cho năng lượng tái tạo còn chiếm tỷ trọng khá thấp (từ 0,6%-1%). Do đó, Chính phủ cần xem xét cho phép xã hội hóa một phần đầu tư lĩnh vực truyền tải điện để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất điện năng lượng tái tạo được đấu nối và giải tỏa hết công suất điện.
Thêm vào đó, ngành điện cần đưa ra chính sách giá mua điện năng lượng tái tạo trong dài hạn và có một cơ chế cụ thể đối với thị trường điện nhằm đạt được giá điện cạnh tranh, công khai và minh bạch. Song hành, EVN cần xem xét lại hợp đồng mua bán điện, không đẩy rủi ro về phía doanh nghiệp.
Bà Ngô Thị Tố Nhiên, Giám đốc Tổ chức Sáng kiến về dịch chuyển Năng lượng:
Vẫn còn “khoảng trống” chính sáchCác chính sách về cơ chế tài chính cho năng lượng tái tạo đang có khoảng trống. Đến cuối 2020 giá FIT cho điện mặt trời đã kết thúc và cuối tháng 10/2021, giá FIT cho điện gió kết thúc. Mặc dù trong 2 năm vừa qua, Chính phủ đã có nhiều thảo luận liên quan đến sau giá FIT là gì? Với điện mặt trời, sau giá FIT là giá FIT2. Với điện gió sau giá FIT 1 từ năm 2011 và giá FIT 2 là năm 2018. Tuy nhiên, đến bây giờ cơ chế đấu thầu vẫn chưa rõ sẽ được thực hiện như thế nào? Đây cũng là điểm cần làm rõ trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần có chính sách phát triển năng lượng tái tạo có lộ trình xuyên suốt và liên tục mới có thể duy trì thị trường phát triển. Hiện nay, giá mua điện năng lượng tái tạo từ các nhà máy mới thường được mang ra so sánh với các nhà máy thủy, nhiệt điện được phát triển từ nhiều năm về trước. Do đó, cơ sở so sánh này sẽ không thể thúc đẩy thị trường này phát triển.
Ông Supa Waisayarat - Tổng Giám đốc Tập đoàn Super Energy:
Cần cơ chế khuyến khích đầu tưNăm 2022, chúng tôi hy vọng sẽ có nhiều cơ chế hỗ trợ và chính sách để khuyến khích các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Cụ thể, sớm ban hành khung giá mua bán điện mặt trời và gia hạn giá FIT đối với điện gió đã hết hạn. Với vai trò là nhà đầu tư chúng tôi cần chính sách mới hỗ trợ liên quan đến năng lượng tái tạo như cơ chế DPPA, cũng như cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân tham gia đầu tư vào các lĩnh vực liên quan đến hệ thống truyền tải điện và hệ thống lưu trữ, tích trữ pin...
Việc thiết lập các chính sách liên tục, xuyên suốt trong dài hạn là cần thiết để thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Có thể bạn quan tâm