Có nên xây dựng thêm nhà máy lọc dầu?
Để chủ động nguồn cung trong nước bằng cách xây thêm nhà máy lọc hóa dầu, vấn đề đầu tiên là giải được bài toán hiệu quả.
>>Vai trò các nhà máy lọc dầu vẫn còn là “ẩn số”
PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp về phương án xây thêm nhà máy lọc dầu ở Vũng Tàu để chủ động nguồn cung.
- Ông bình luận như thế nào về phương án xây thêm nhà máy lọc dầu?
Hiện nay có 2 quan điểm. Thứ nhất, xây thêm nhà máy mới tại Vũng Tàu với công suất vào khoảng 10 triệu tấn/năm là quan điểm của Chính phủ.
Thứ hai, mọi hoạt động kinh doanh đều phải tính toán đến hiệu quả kinh tế. Với nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn hoàn toàn không có hiệu quả. Nếu đầu tư tiếp một nhà máy nữa mà không hiệu quả thì sẽ gây lãng phí. Do đó, có thể chủ động bằng cách nhập khẩu bằng hợp đồng bảo hiểm giá.
Với quan điểm cá nhân, tôi cho rằng, vấn đề an ninh năng lượng nhìn từ bài học khủng hoảng dầu cách đây 14 năm và hiện nay cho chúng ta thấy, nếu chủ động được nguồn xăng dầu trong nước thì vẫn tốt hơn.
Vì xăng dầu là nguồn nguyên liệu thiết yếu đầu vào quan trọng cho mọi hoạt động kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng... Nếu bị đứt gãy, không đảm bảo được an ninh năng lượng thì sẽ gây ra rất nhiều nguy cơ đối với toàn bộ hoạt động của nền kinh tế, an ninh quốc gia, quốc phòng.
Cũng có ý kiến cho rằng, muốn giải quyết được vấn đề này, có ý kiến cho rằng không cần xây dựng thêm nhà máy lọc hóa dầu, chỉ cần kho dự trữ. Tuy nhiên, nếu làm kho dự trữ thì tính hiệu quả có bằng sản xuất trong nước hay không? Đây là một vấn đề, vì khi xây kho dự trữ cũng đòi hỏi một khoản kinh phí rất lớn.
Còn với đề xuất xây dựng thêm nhà máy mới, nhìn lại bài học Nghi Sơn thì việc xây dựng là lãng phí, không hiệu quả. Khi xảy ra khủng hoảng năng lượng như tại thời điểm nay thì cũng vô nghĩa.
Tất nhiên, từ câu chuyện Nghi Sơn, chúng ta không thể rút ra kết luận có nên xây thêm nhà máy lọc hóa dầu nữa hay không. Đây chỉ là một vấn đề, việc lớn hơn của việc đảm bảo an ninh năng lượng là sự chủ động nguồn cung.
- Vậy, theo ông chúng ta có thể chủ động nguồn cung bằng cách nào?
Để đảm bảo an ninh năng lượng, có 3 giải pháp quan trọng đối với việc duy trì nguồn cung. Thứ nhất, là xây nhà máy lọc dầu. Thứ hai, là xây kho dự trữ. Thứ ba, là sử dụng công cụ bảo hiểm giá (hedging).
Để xây thêm nhà máy lọc hóa dầu, vấn đề đầu tiên là giải được bài toán hiệu quả. Với Nghi Sơn là hoàn toàn thua thiệt, kém hiệu quả, phải bù lỗ... việc này cần được rút kinh nghiệm.
Bên cạnh đó, mỗi nhà máy lọc dầu được thiết kế để lọc một loại dầu nhất định. Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn chủ yếu dùng nguồn dầu từ Kuwait. Như vậy, nếu xây dựng nhà máy mà bị phụ thuộc vào một nguồn cung duy nhất thì cũng rất nguy hiểm.
Nếu xây nhà máy có liên doanh thì phải nắm được quyền chi phối. Xem xét thận trọng những điều kiện ưu đãi cho phía liên doanh.
>>“Lình xình” tại Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn: Phía liên doanh dùng “chiêu trò”?
Chúng ta chỉ có thể nêu ra một số phương án để cùng phân tích về tính hiệu quả, chứ không thể nói hoặc phải xây nhà máy, làm kho dự trữ hay dùng bảo hiểm giá. Chủ động xây và tính toán được hiệu quả kinh tế có lợi hơn phải nhập khẩu thì đây là phương án tốt nhất.
Nếu liên doanh thì cần rút kinh nghiệm từ bài học Nghi Sơn. Với phương án xây kho dự trữ phải đi cùng khả năng phân tích, dự báo diễn biến thị trường chính xác. Cần dự trữ có mức độ nếu dự trữ quá mức sẽ gây ứ đọng vốn. Tại nhiều nước có quy định dự trữ bao nhiêu tháng, bao nhiêu ngày, bao nhiêu tuần.
Còn, khi sử dụng công cụ bảo hiểm giá (hedging) phải có đội ngũ chuyên gia phân tích, dự báo chính xác. Vừa qua ở Việt Nam có 3 doanh nghiệp lớn sử dụng hedging đều thất bại. Do đó, muốn sử dụng công cụ này thì phải có một đội ngũ chuyên gia giỏi trong phân tích, dự báo, diễn biến của thị trường.
Để phòng ngừa rủi ro biến động về giá thì cả 3 phương án trên đều cần tính đến. Mặc dù mỗi phương án đều có ưu và nhược điểm, nhưng muốn sử dụng thì phải tính toán, phân tích cụ thể.
Nếu nói nên áp dụng phương án này hay cách thức kia là có phần võ đoán. Còn hiện nay Chính phủ đã quyết định xây dựng nhà máy lọc hóa dầu tại Vũng Tàu với công suất 10 triệu tấn/năm là rất lớn.
Tuy nhiên, khi Chính phủ đưa ra phương án như vậy thì cũng phải tính bài toán, như vốn tự có bao ? chủ động xây hay liên doanh, liên kết. Liên doanh, liên kết thì điều kiện như thế nào với đối tác, phương án ra làm sao?
Tất cả các vấn đề này cần được phân tích cụ thể, chi tiết, không thể nói chung chung. Chính phủ đưa ra phương án và các cơ quan chức năng đang tính toán, xem xét để làm sao xây dựng nhà máy hóa lọc dầu mới với phương án tối ưu nhất.
- Cũng có ý kiến cho rằng, xây dựng thêm nhà máy liệu chúng ta có đáp ứng được vốn, công nghệ, hay câu chuyện liên doanh, liên kết. Quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?
Chúng ta phải phân tích và đi tìm lời giải cho bài toán này. Cụ thể, nguồn vốn đáp ứng được bao nhiêu? Năng lực kỹ thuật ra sao? Thiết kế nhà máy như thế nào?
Nếu không tự chủ mà phải liên doanh, liên kết thì chế độ ưu đãi trước khi ký kết với đối tác bên ngoài như thế nào để hai bên phải cùng có lợi. Nghi Sơn là một sự thất bại trong câu chuyện liên doanh.
Như vậy, khi một phương án đưa ra thì phải tính được hết dưới mọi góc cạnh. Nghi Sơn là một bài học nhãn tiền rất quan trọng để giúp cho các cơ quan chức năng thấy rõ liệu có cần xây dựng và nếu xây dựng thì cách thức triển khai như thế nào.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Vai trò các nhà máy lọc dầu vẫn còn là “ẩn số”
11:36, 16/03/2022
“Lình xình” tại Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn: Phía liên doanh dùng “chiêu trò”?
11:30, 12/02/2022