Định vị lại ngành thép
Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng, trong bối cảnh thị trường quốc tế có nhiều biến động, ngành thép Việt Nam sẽ coi đây là động lực để định vị lại mình.
>>Giá thép phi mã, doanh nghiệp xây dựng lao đao
LTS: Từ tháng 2 đến nay, trước tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine khiến cho giá thép “nóng hơn giá vàng”, đã đến lúc ngành thép cần định vị lại mình trong vai trò là “bánh mỳ” của ngành công nghiệp.
Chia sẻ với DĐDN, ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng, trong bối cảnh thị trường quốc tế có nhiều biến động, ngành thép Việt Nam sẽ coi đây là động lực để định vị lại mình.
- Trong báo cáo mới đây, VNDirect nhận định: “Việt Nam đứng trước cơ hội trở thành công xưởng sản xuất thép mới của thế giới”. Ông có bình luận ra sao về vấn đề này?
Theo số liệu thống kê của VSA, Việt Nam đứng thứ 12 thế giới về sản xuất thép thô năm 2021 với sản lượng hơn 23 triệu tấn, gồm phôi thép vuông, thép dẹt, bloom và blank. Trong hơn 20 năm qua, ngành thép Việt Nam từng bước phát triển và khẳng định vị trí sản xuất thép trên bản đồ thép khu vực ASEAN và thế giới.
Quan điểm của VSA là phát triển ngành thép Việt Nam với chuỗi sản xuất khép kín, hiện đại trên cơ sở tận dụng công nghệ số và kỹ thuật tiên tiến. Ngành thép Việt Nam có cơ hội để phát triển, nhưng không cần thiết phải trở “thành công xưởng thế giới” thay Trung Quốc.
Quy mô sản xuất thép của hai nước có khoảng cách rất lớn. Năm 2021, Trung Quốc đứng vị trí số 1 về sản xuất thép thô của thế giới với gần 1,033 tỷ tấn thép trong khi đó Việt Nam là hơn 23 triệu tấn thép thô.
Công nghiệp thép Việt Nam vẫn cần tăng trưởng, nhưng không thể tăng theo tốc độ của Trung Quốc, mà ưu tiên chất lượng và sản phẩm công nghệ cao, các loại thép hợp kim phục vụ thép cho ngành công nghiệp chế tạo... Đặc biệt, giảm cacbon hoá thạch trong tương lai.
>>Giá thép sẽ giảm 10 - 15% trong năm 2022?
- Tuy nhiên, tỷ trọng thép công nghiệp ở Việt Nam vẫn thấp, cơ bản là thép xây dựng, thép có giá trị không cao. Vậy, theo ông chúng ta phải làm gì để phát triển thép chất lượng cao phục vụ cho các ngành chế tạo máy móc, cơ khí...?
Về chủng loại thép, Việt Nam đã dần dịch chuyển sang sản xuất những mác thép có chất lượng cao. Các doanh nghiệp như Formosa, Hòa Phát đang sản xuất các mác thép mới và thép chất lượng cao.
Để phát triển lĩnh vực thép công nghiệp phục vụ trong lĩnh vực chế tạo máy móc, cơ khí, chế tạo... chúng ta phải mở rộng và đầu tư công nghệ mới. Ngoài Formosa và Hòa Phát, chúng ta cần có thêm chính sách ưu đãi để ngành thép có thêm nhiều doanh nghiệp có thể cạnh tranh “sòng phằng” với thép thế giới.
Công nghiệp thép Việt Nam đang bước vào một giai đoạn mới trong tiến trình phát triển chung, trong đó cạnh tranh trên thị trường vận hành hiệu quả và các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài nắm giữ vai trò lớn hơn. Các doanh nghiệp tư nhân đang thiết lập vị thế của mình trong các lĩnh vực về sản phẩm thép cây và thép phục vụ xây dựng.
Những quy định pháp lí về việc mua bán kim loại vụn và bảo vệ môi trường cũng cần phải điều chỉnh vừa đáp ứng được nhu cầu sản xuất vừa bảo vệ môi trường hiệu quả.
Với vấn đề thu hút đầu tư FDI, cần thiết phải kiểm tra và đánh giá chất lượng của các dự án bằng những kiến thức chuyên môn. Hội tụ tất cả những yếu tố trên sẽ là chìa khóa để mở rộng thêm vai trò của VSA trong các vấn đề về đóng góp xây dựng chính sách.
Giai đoạn này đang là thời kỳ kiểm chứng năng lực doanh nghiệp trong việc dẫn dắt sự phát triển đến một giai đoạn mới. Kết quả của những kiểm chứng này sẽ quyết định tương lai của ngành công nghiệp thép Việt Nam.
- Thép Việt vẫn phải đối diện với ma trận hàng rào phòng vệ thương mại (PVTM). Đây là điều các doanh nghiệp phải có chiến lược, thưa ông?
Qua theo dõi diễn biến gần đây, VSA nhận thấy, các vụ kiện PVTM không chỉ xảy ra ở các thị trường lớn như Mỹ, Canada, Australia, Châu Âu… mà còn xảy ra ngày càng nhiều ở các nước trong khu vực ASEAN.
PVTM sẽ luôn đi kèm với sự phát triển của ngành ra thị trường thế giới, không thể tránh khỏi. Do đó, cách tốt nhất là các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu phải chuẩn bị kỹ lưỡng để đối phó một cách hiệu quả, như nâng cao năng lực quản trị rủi ro, quản trị thông tin dữ liệu đầu vào nguyên liệu sản xuất của doanh nghiệp, cải tiến công nghệ để nâng cao chất lượng... Điều kiện tiên quyết là phải chuẩn bị tốt các kiến thức, kinh nghiệm, nguồn lực để tham gia thị trường.
- Xin cảm ơn ông!
Ông Đinh Văn Chung, Phó giám đốc Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất:Với thép đặc chủng, chế tạo máy móc, hiện Việt Nam vẫn chưa phát triển. Bởi lẽ các sản phẩm thép đặc chủng đòi hỏi công nghệ phức tạp, đầu tư rất lớn, chủng loại nhiều nhưng dung lượng thị trường lại nhỏ, dẫn tới hiệu quả sản xuất kém. Hơn nữa, hiện thép đặc chủng cao cấp là những sản phẩm của các hãng thép thế giới đã có tiếng hàng trăm năm nay, nên các doanh nghiệp trong nước khó tham gia. Dù vậy, đây vẫn sẽ là hướng đi trong tương lai. Khi dung lượng thị trường tốt, hiển nhiên, các doanh nghiệp sẽ tính toán để tham gia đầu tư. Các đơn vị đang đặt vấn đề và Hòa Phát phải khảo sát thị trường, dung lượng đủ lớn mới có thể tính toán đầu tư. Ông Nguyễn Thanh Trung, Chủ tịch Công ty CP Tôn Đông Á:Ngành thép Việt Nam cần hướng tới phát triển “thép xanh” trong tương lai, đáp ứng các tiêu chuẩn của châu Âu khi thị trường này sẽ áp thuế khí thải cho các sản phẩm xuất khẩu. Sản xuất thép sạch là hướng đi bắt buộc đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thép muốn mở rộng thị trường xuất khẩu. Để giữ vững và tăng thị phần xuất khẩu, các doanh nghiệp cần phải nghiên cứu tìm hiểu việc áp thuế liên quan đến môi trường. |
Có thể bạn quan tâm
Giá thép phi mã, doanh nghiệp xây dựng lao đao
09:00, 19/03/2022
Giá thép tăng dựng đứng, doanh nghiệp ngành xây dựng làm ăn ra sao?
11:00, 15/03/2022
Cổ phiếu thép vẫn còn dư địa tăng trưởng
05:15, 15/03/2022
Giá thép tăng vượt đỉnh, doanh nghiệp ngành thép làm ăn ra sao?
12:45, 13/03/2022