“Gỡ bí” cho nông sản Việt
Một trong những biện pháp hỗ trợ hiệu quả nhất để tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thời gian vừa qua là ứng dụng số và thương mại điện tử.
>>Tái ùn tắc nông sản biên giới: Doanh nghiệp xuất khẩu nhận "cú đấm bồi"
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh về việc hỗ trợ người nông dân, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp thời gian qua tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Công Thương, chiều 30/3.
Cụ thể, ứng dụng số, thương mại điện tử, bán hàng online và kết nối, ký hợp tác cùng những “người khổng lồ” như Amazon Global Selling với 300 triệu khách hàng trên thế giới.
Hợp tác với những “người khổng lồ”
Vừa qua, Cục xúc tiến thương mại cũng làm việc với Alibaba. Hai bên đã có sự kết nối, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tiêu thụ các sản phẩm. Vì vậy, cần tăng cường các biện pháp này để hỗ trợ bà con nông dân, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, trong đó có nông sản.
“Không phải chỉ khi có dịch mới bắt buộc phải tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu online, cả khi hết dịch thì hình thức này vẫn sẽ là xu hướng bắt buộc. Tất nhiên, có một số mặt hàng, hoạt động xúc tiến thương mại phải trực tiếp như hội chợ triển lãm ở các nơi trên thế giới, để giới thiệu trực tiếp, đưa mặt hàng trực tiếp đến khách hàng, nhưng biện pháp thương mại điện tử chắc chắn không thể không thực hiện”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định.
Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Đề án đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2020 -2030”.
Do đó, thời gian tới Bộ Công Thương sẽ tích cực phối hợp với các bộ, ban, ngành cơ quan địa phương, cơ quan xúc tiến thương mại có liên quan, tích cực triển khai đưa các ứng dụng số, nền tảng số trong việc hỗ trợ, kết nối tiêu thụ cho sản phẩm nông sản của bà con nông dân, để hỗ trợ người nông dân chủ động chào bán các sản phẩm của mình.
Liên quan đến kế hoạch tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân trong mùa vụ 2022, ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (xúc tiến thương mại) cho biết, Bộ Công Thương đã triển khai hàng loạt hoạt động kết nối tiêu thụ, như Hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm với các thị trường nước ngoài trên cả môi trường trực tiếp và trực tuyến.
Hội nghị giao thương nhóm mặt hàng cụ thể với thị trường tiềm năng; tổ chức hội chợ triển lãm cho các sản phẩm nông sản. Ngoài ra, Bộ Công Thương triển khai hàng loạt chương trình hỗ trợ, đưa nông sản vào hệ thống phân phối hiện đại, hệ thống siêu thị.
>>Ùn tắc nông sản biên giới: Những chuyến hàng đầu tiên thông quan
Bộ Công Thương là một trong những đơn vị tích cực triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trước đây, trong giai đoạn mới đổi tên là “Tự hào hàng Việt Nam, Tinh hoa hàng Việt Nam” và hàng loạt các hoạt động hỗ trợ, kết nối, đưa sản phẩm nông sản tiêu thụ tại các sàn thương mại điện tử (thương mại điện tử) trong nước và quốc tế.
Ông Hoàng Minh Chiến cho biết thêm, vừa qua Bộ Công Thương triển khai hàng loạt hoạt động liên quan đến hỗ trợ kỹ thuật để nâng cao năng lực cho bà con nông dân, nâng cao chất lượng sản phẩm, khẳng định uy tín của hàng hóa, đặc biệt là sản phẩm nông sản. Trong đó, đẩy mạnh ứng dụng truy xuất nguồn gốc cho quy trình nuôi trồng và chăm bón.
“Bộ Công Thương đã giao cho Cục xúc tiến thương mại triển khai, xây dựng bản đồ nông sản Việt Nam. Việc hình thành bản đồ sẽ cung cấp thông tin chính thức, giới thiệu khách hàng tiềm năng cho sản phẩm nông sản từng địa phương, và thông qua môi trường mạng, hoàn toàn có thể kết nối trực tiếp từng địa phương, hợp tác xã, hộ nông dân sản xuất”, ông Hoàng Minh Chiến chia sẻ.
Cùng với đó, Bộ Công Thương còn tổ chức nhiều khóa đào tạo hỗ trợ liên quan đến nâng cao kỹ năng bán hàng lẻ cho hộ nông dân, hợp tác xã như bán hàng livetream, trực tuyến.
>>Ùn tắc nông sản biên giới: Triển khai chức năng cảnh báo ùn tắc tại cửa khẩu
Chính ngạch sẽ hết cảnh ùn ứ
Trao đổi tại cuộc họp báo về tình hình tiêu thụ nông sản vẫn gặp một số khó khăn ở một số nhóm hàng và một số thời điểm cụ thể. Cụ thể là mặt hàng trái cây xuất khẩu qua các cửa khẩu đường bộ biên giới sang Trung Quốc, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương hết sức quan tâm và đã có một số động thái nhằm tháo gỡ khó khăn.
Đó là, Bộ đã dự thảo và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án về chuyển hoạt động thương mại biên giới từ tiểu ngạch sang chính ngạch. Bên cạnh đó, Bộ đã thành lập Ban chỉ đạo giải quyết vấn đề ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu biên giới do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm Trưởng ban, đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục chức năng thuộc Bộ là thành viên.
Ngoài ra, Bộ đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc đẩy mạnh đàm phán với Trung Quốc để gia tăng số lượng mặt hàng trái cây xuất khẩu chính ngạch trong thời gian tới.
“Qua các kênh của các Vụ, Cục thuộc Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan, cũng như các cơ quan hữu quan của phía Trung Quốc, Bộ Công Thương đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh tác động đến vấn đề này”, ông Trần Thanh Hải nói.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải hướng dẫn doanh nghiệp thay đổi phương thức giao nhận và tận dụng các phương thức khác ngoài đường bộ như đường sắt, đường biển.
Tại thời điểm này, số lượng xe hàng còn ùn tắc ở khu vực biên giới đã giảm đi rất nhiều. Việc giảm này do chính sách chống dịch của Trung Quốc chưa thay đổi làm khả năng thông quan bị giảm đi, khiến doanh nghiệp hạn chế đưa hàng lên cửa khẩu.
Ngoài ra, do các doanh nghiệp nhận thức được cần thay đổi phương thức vận chuyển, phương thức giao hàng hóa. “Do đó, số lượng xe tại thời điểm này còn ùn tắc ở cửa khẩu Lạng Sơn còn khoảng hơn 1.000 xe”, ông Trần Thanh Hải thông tin.
Vẫn theo ông Trần Thanh Hải, Bộ Công Thương còn phối hợp với các hiệp hội, địa phương tổ chức tập huấn cho doanh nghiệp về xuất khẩu nông sản nói chung, xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc nói riêng. Trong đó có việc biên soạn tài liệu hướng dẫn doanh nghiệp tìm thị trường, bạn hàng, các điều cần lưu ý khi tham gia hoạt động xuất khẩu, kể cả chính ngạch và tiểu ngạch.
Trao đổi về vấn đề, tại sao năm nào cũng tượng ùn tắc, không tiêu thụ được các sản phẩm? Tại sao người dân, doanh nghiệp không xuất khẩu chính ngạch...? Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thẳng thắn, đó là sự manh mún trong hoạt động sản xuất kinh doanh, sự phối hợp giữa doanh nghiệp, nhà sản xuất, nông dân… còn nhiều bất cập.
“Việt Nam là một trong những nước có xuất khẩu tăng trưởng cao, nhưng vẫn còn tồn tại hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch. Đây là cả một quá trình, để giải quyết được, chúng ta phải khuyến khích người sản xuất, nông dân, doanh nghiệp hoạt động theo chính ngạch. Đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn do chính nội tại của chúng ta hiện nay”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp "bán tháo" nông sản vì khó đầu ra
15:57, 23/03/2022
Nam Định: Gỡ khó đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử
11:14, 23/03/2022
Câu chuyện xuất khẩu nông sản: Nội lực của doanh nghiệp mới là quan trọng
10:00, 21/03/2022
Nông sản Hà Tĩnh tìm đường… "xuất ngoại"
20:45, 11/03/2022
Xung đột Nga – Ucraine tác động thế nào đến xuất nhập khẩu nông sản của Việt Nam?
02:33, 05/03/2022
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Để nông sản không ùn tắc ở cửa khẩu: Đâu là giải pháp căn cơ?
20:30, 04/03/2022