RCEP: Sức ép sẽ thúc đẩy động lực cho Việt Nam
RCEP thúc ép chúng ta phải có những thay đổi để tận dụng được cơ hội về thuế quan. Với sức ép và thách thức từ RCEP lại là động lực.
>>RCEP: Thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, kết nối chuỗi sản xuất khu vực
Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ tại hội nghị tập huấn tuyên truyền ASEAN với chủ đề: Tác động của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (Hiệp định RCEP) đối với nền kinh tế Việt Nam và những điều doanh nghiệp cần biết, do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức, ngày 19/4.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang đánh giá, bên cạnh đem đến nhiều cơ hội lớn, RCEP là một hiệp định mới cũng mang tới những thách thức đối với doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam.
Ngành sản xuất trong nước sẽ phải đối mặt với một thách thức lớn nhất là hàng hóa từ các nước khác có thể đưa vào Việt Nam với mức thuế suất thấp hơn.
“Do đó doanh nghiệp sẽ phải thay đổi nhanh hơn và đầy đủ hơn chứ không phải với một tầm nhìn ngắn hạn như trước đó để phát triển bền vững”, bà Trang nói.
Bản thân các doanh nghiệp cũng nhận ra rằng hiện nay kinh doanh không phải kinh doanh với một thị trường mà kinh doanh với thế giới. Những thị trường tưởng dễ tính đã không còn dễ tính, doanh nghiệp sẽ phải sẵn sàng với những thách thức mới.
Đồng thời cần cải cách môi trường kinh doanh để làm sao giải phóng hiệu quả nhất và có ý nghĩa thực chất nhất để tăng năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước bởi những cạnh tranh từ đối tác RCEP sẽ mạnh hơn nhiều không chỉ ở thị trường trong nước mà còn ở cả thị trường nước ngoài.
Còn ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Kinh tế tổng hợp, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương - CIEM cho rằng, không chỉ Việt Nam, các nền kinh tế, đặc biệt là các nền kinh tế có xuất khẩu đang muốn tìm kiếm không gian cho hàng hóa.
>>Cơ hội từ RCEP
Nhất là thị trường bên ngoài trong quá trình phục hồi sau 2 chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch Covid-19. Có thể thấy một sự nhất quán trong các cơ hội, kế hoạch phục hồi là tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Riêng với RCEP, những tác động tới kinh tế Việt Nam không phải giờ mới cân nhắc mà đã được đánh giá từ năm 2013 - 2014, khi mới đàm phán gia nhập RCEP.
Đến thời điểm này, dù còn nhiều đánh giá khác nhau về tác động nhưng đây là thị trường lớn với 30% dân số thế giới, chiếm 30% GDP và quan trọng nhất là thị trường được dự báo phục hồi nhanh sau đại dịch.
Việt Nam đã tham gia 2 hiệp định thương mại thế hệ mới (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và EVFTA) với những cam kết và ràng buộc cao hơn so với RCEP.
Vì vậy về lý thuyết, nếu Việt Nam chủ động thực hiện hiệu quả các cam kết thì sẽ cải thiện được năng lực cạnh tranh và nhiều lợi thế khi thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và cả RCEP.
Hiệp định RCEP sẽ tạo thành một thị trường với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng (chiếm khoảng 30% dân số thế giới) và GDP khoảng 26,2 nghìn tỷ USD (tương đương khoảng 30% GDP toàn cầu), trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới xét về quy mô dân số. Vì vậy, Hiệp định RCEP dự kiến sẽ giúp tạo lập một thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài cho các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng, góp phần thúc đẩy việc thực hiện chính sách xây dựng nền sản xuất định hướng xuất khẩu của Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm
RCEP: Thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, kết nối chuỗi sản xuất khu vực
00:06, 02/01/2022
Cơ hội từ RCEP
04:30, 01/01/2022
RCEP có như kỳ vọng?
15:00, 15/07/2021