Quy hoạch Điện VIII thông qua nhưng còn nhiều bất cập

KHÁNH LINH 16/05/2022 16:00

Các chuyên gia cho rằng, dù quy hoạch Điện VIII đã được thông qua, nhưng vẫn còn nhiều bất cập, cần có thêm những giải pháp để đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển kinh tế- xã hội.

>>Dự thảo Quy hoạch điện VIII: Cần làm rõ 2 vấn đề then chốt

Quy hoạch điện VIII hướng tới khắc phục các bất cập còn tồn tại cũng như bám sát các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 nhằm “đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050”.

Trong hơn 1 năm, đã có hơn 20 cuộc họp nhằm xây dựng, thẩm định Quy hoạch Điện VIII. Thường trực Chính phủ cũng đã có Kết luận về dự thảo Quy hoạch điện VIII với nhiều chỉ đạo quan trọng. 

Quy hoạch điện VIII thông qua nhưng còn nhiều bất cập

Theo đó, Quy hoạch điện VIII đã có những thay đổi lớn trong dự thảo quy hoạch kể từ bản đầu tiên (tháng 3/2021). Về cơ bản, các ý kiến đều thống nhất cao với quan điểm, định hướng, chỉ đạo của Chính phủ trên nguyên tắc đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, nhằm bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng; tối ưu hiệu quả tổng thể của nền kinh tế, đảm bảo giá điện ở mức thấp nhất, phù hợp với khả năng của người dân. Trong khi đó, vẫn đảm bảo thực hiện một cách hết sức trách nhiệm những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về giảm phát thải, bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, theo ý kiến các chuyên gia thì việc thực hiện Quy hoạch lần này cũng sẽ còn nhiều khó khăn, bất cập. Ông Nguyễn Văn Thịnh, Chủ tịch Hội điện gió và điện mặt trời Bình Thuận cho rằng, Quy hoạch điện VIII dù đã được thông qua nhưng vẫn còn những thách thức. Thứ nhất là giá nhiên liệu truyền thống, nguồn cung hiện không ổn định. Thứ hai là sức ép về "Net Zero" mà Thủ tướng đã cam kết, trong đó có thành phần năng lượng tái tạo quá lớn, là thách thức cho hệ thống đường dây ở Việt Nam. Thêm vào đó, các vấn đề liên quan đền bù đường dây điện, thu hồi đất giải phóng mặt bằng nhưng chưa được giải quyết và ngày càng phức tạp. "Những “xung đột” từ các chủ đầu tư dự án và người dân trong thời gian quan là một thực tế nhức nhối về việc đền bù giải phóng mặt bằng cho các dự án điện gió", ông Thịnh nói.

Còn theo ĐBQH Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam; Chủ tịch HĐQT Công ty Halcom Việt Nam, quy hoạch điện VIII hiện nay có những bước tiến nhất định so với bản tháng 3/2021. Nhưng để thực hiện được nó thì cần có nhiều cụ thể hoá. Ví như, việc tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo (NLTT) trong tổng nguồn điện thì có vẻ đã tốt. Tuy nhiên, điện NLTT phát không đều. Bên cạnh đó EVN cũng gặp rắc rối về việc tiếp nhận nguồn điện. Vì vậy, vẫn cần giải pháp thực sự cho tương lai.

Từ những vấn đề trên, ĐBQH Nguyễn Quang Huân cho rằng, hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Thứ nhất, là tăng tỷ lệ điện. Thứ 2, khi công suất đặt có thể lớn thì công suất tiếp nhận là bao nhiêu?. Bởi riêng NLTT, nhà máy điện mặt trời có thể đạt 100MW nhưng chỉ làm được 6,7 tiếng ban ngày thì thực tế phát lên lưới được bao nhiêu. Ngoài ra, hiện nay NLTT chiếm 25% công suất đặt, nhưng thực tế tỷ trọng phát lưới chỉ 6-8%. Do vậy, cần nghiên cứu kỹ thay vì nhầm lẫn giữa công suất đặt và nguồn điện từ phụ tải tiêu thụ thì không chính xác.

Quy hoạch điện VIII đã được thông qua

Quy hoạch điện VIII đã được thông qua

Thứ 3, về công suất dự trữ để đề phòng trường hợp nhà máy bị hỏng, sự cố đường dây vẫn đảm bảo an ninh năng lượng thì được giảm đáng kể. Vì vậy, phải xem dự trữ đó đủ an toàn chưa, hay chỉ cố gắng để với tỷ trọng NLTT cao, để nhìn thấy được chỉ tiêu phát thải ròng bằng “0” đến năm 2050, nhưng không căn cứ vào tình hình thực tế và nhu cầu tiêu thụ điện. 

Thứ 4, hiện nay việc đưa nhập khẩu điện rơi vào khoảng 5GW và đến tận 2030 mới có 7GW cho phát triển điện gió ngoài khơi. Vì vậy, ở một chừng mực nào đó chúng ta vẫn đang phụ thuộc vào nước ngoài mà chưa nghĩ đến phát triển dài hạn. Hiện nay, để đáp ứng được nguồn điện, Việt Nam có thể nhập khẩu với giá rẻ. Việc nhập khẩu với giá rẻ có thể sẽ tiếp diễn trong 1-2 năm tới, nhưng những năm tiếp theo sẽ thế nào, ông Huân đặt câu hỏi.

>>Dự thảo Quy hoạch điện VIII: (Kỳ 1) Thiên về ổn định thay vì đổi mới và phát triển?

>>Dự thảo Quy hoạch điện VIII: (Kỳ 2) Điện than chỉ có lợi thế trong ngắn hạn

Hơn nữa, hiện tại chúng ta đang lo ngại việc phát triển điện gió ngoài khơi với tổng mức đầu tư cao, không phát triển ổn định, trong khi công nghệ mới Hydrogen xanh, hay công nghệ amoniac xanh nhiên liệu chưa ra đời, chưa được thương mại hoá nên cứ “nhập khẩu”. Như vậy, việc dự trù cho an ninh năng lượng lâu dài cho đất nước không được tính đến. Bởi để đảm bảo an ninh năng lượng phải giảm tối đa nguồn nhập khẩu nước ngoài. Hơn nữa, điện gió, điện mặt trời ở Việt Nam có trở ngại là phát không đều. Do đó, chúng ta phải cải tiến lưới điện, phải sử dụng công nghệ, tinh toán điện tích năng bù… để tận dụng nguồn năng lượng này.

Vì như Đức đã sử dụng và đưa tỷ trọng NLTT lên rất cao. Họ phấn đấu đến năm 2030 có vùng dùng NLTT 100%, từ đó họ mới có thể thực hiện được Net Zero trong tương lai. Còn Việt Nam hiện nay vẫn đang cẩn trọng, và việc không phát triển thêm điện than vào năm 2030 cũng là một tín hiệu tốt. Đặc biệt, điện 8 lần này đã có kịch bản là sau điện than nhưng nguồn vào sẽ dùng vào nguồn khác như khí, gas, amoniac,…để đảm bảo an ninh năng lượng.

Giải pháp để EVN và nhà đầu tư NLTT cùng có lợi?

Để NLTT tại Việt Nam tiếp tục phát triển, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội, các chuyên gia đã đưa ra nhiều ý kiến. Ông Nguyễn Văn Thịnh cho rằng, để cân bằng lợi ích của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) và nhà đầu tư NLTT, cần sự chung tay của các bên. Theo đó, giá điện phải hợp lý để EVN và các nhà đầu tư NLTT cùng thắng. Hiện nay, giá mua NLTT cao hơn giá bán bình quân thì chủ đầu tư NLTT cũng không sung sướng gì mà EVN vẫn lỗ. Thứ hai, phải có liên kết lưới trong khu vực các nước với nhau. Nếu không, sẽ không thể tiêu thụ hết được nguồn điện từ NLTT quá lớn như hiện nay. 

Còn theo ông Nguyễn Quang Huân, hiện nay trên thế giới, có nhiều giải pháp đã được các chuyên gia đưa ra, nhưng trong Quy hoạc điện VIII chưa đề cập. Đó là tăng khả năng tiếp nhận bằng cách dùng lưới điện thông minh thay vì thủ công như hiện tại. Các chuyên gia nước ngoài nhận định rằng, nếu dùng lưới điện thông minh thì khả năng tiếp nhận lưới điện tăng khoảng 4% khi điều tiết bằng hệ thống tự động. Khi khả năng tiếp nhận lưới điện tăng lên thì chúng ta có thể tiếp nhận được thêm điện NLTT như điện mặt trời, điện gió. Nếu chúng ta điều hành như hiện nay mà phát triển NLTT thì không khả thi, vì có những lúc công suất cực đại lên thì vượt quá công suất của lưới điện nên phải từ chối. Tuy nhiên, nếu tăng công suất tiếp nhận lưới điện lên thì các nguồn điện có thể tiếp nhận được. Việc bù những lúc vì đêm hoặc yếu thì phải có nguồn điện khác bù lại như nhiệt điện, điện khí.

Quy hoạch điện VIII được các chuyên gia góp ý nhiều

Quy hoạch điện VIII được các chuyên gia góp ý nhiều

Việt Nam cũng cần phải nghiên cứu các giải pháp công nghệ mà các nước đã áp dụng. Ví như, trên thế giới đã có những loại nhiệt điện mặt trời phát về đêm. Theo đó, giải pháp này sẽ làm giảm tải điện những lúc cao điểm sẽ không phát lên lưới điện, mà tích trữ bằng công nghệ nhiệt điện thay vì quang điện. Thế giới đã tiến bước đến công nghệ đó thì chúng ta cũng có thể xem xét thương mại hoá. Hơn nữa, Việt Nam cũng có thể nghiên cứu Hydrogen. Các trạm điện mặt trời hoặc điện áp mái cục bộ thay vì phát lên lưới người ta có thể trung sản xuất Hydrogen xuất khẩu.

Ngoài ra, Việt Nam cũng có thể nghiên cứu bán điện trực tiếp cho người tiêu dùng. Thực tế, Bộ Công Thương cũng “rập rịch” nhưng chưa đưa ra chính sách để nhà sản xuất điện bán điện tại chỗ. Nếu giải pháp này được triển khai sẽ giảm việc phát điện lên lưới, đặc biệt đường dây 500kV Bắc Nam. Hơn nữa, với cơ chế bán điện tại chỗ thì có thể tiêu thụ ở miền Bắc, miền Trung, miền Nam theo giá thoả thuận,…

Khi Dự thảo Quy hoạch điện VIII được thông qua, một số doanh nghiệp cũng đưa ra kiến nghị cho các dự án điện gió “dở dang” sau khi Bộ Công Thương quyết định không gia hạn giá FIT cho các dự án điện gió này. Các dự án dở dang, chưa kịp vận hành thương mại trước 1/11/2021 sẽ có phương án xử lý trên cơ sở thỏa thuận giữa chủ dự án với bên mua điện là EVN.

Ông Vũ An Minh, Giám đốc Công ty CP điện gió Hướng Linh 7, 8 kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương cần có phân biệt rõ cơ chế ưu tiên cho những dự án hoặc 1 phần dự án đã được hoàn thành và COD một phần trước 31/10/2021 với những dự án sau 31/10/2021 vẫn đang tiếp tục xây dựng hoặc mới bắt đầu xây dựng. Với các dự án chuyển tiếp đúng nghĩa gồm 16 dự án với tổng công suất 1080MW sẵn sàng lên lưới từ 31/10/2021 đã phải dừng hoạt động do không kịp COD. Rất lãng phí cho doanh nghiệp, nhà nước và xã hội. Cần có cơ chế giá ưu đãi tốt ngay cho các dự án này để EVN có thể huy động lên lưới ngay".

Có thể bạn quan tâm

  • Quy hoạch điện VIII: Giải bài toán nỗi lo thiếu điện?

    Quy hoạch điện VIII: Giải bài toán nỗi lo thiếu điện?

    11:07, 20/04/2022

  • Lập Quy hoạch điện VIII là nhiệm vụ cấp bách

    Lập Quy hoạch điện VIII là nhiệm vụ cấp bách

    04:00, 20/04/2022

  • Dự thảo Quy hoạch điện VIII: Giảm nhiệt điện, tăng điện gió

    Dự thảo Quy hoạch điện VIII: Giảm nhiệt điện, tăng điện gió

    03:00, 28/02/2022

  • Sẽ trình Quy hoạch Điện VIII trong quý I/2022

    Sẽ trình Quy hoạch Điện VIII trong quý I/2022

    11:00, 13/01/2022

KHÁNH LINH