Bộ trưởng Bộ Tài chính: Động lực phục hồi kinh tế đo bằng "sức sống" doanh nghiệp
Muốn tăng được năng lực cho nền kinh tế phải phát triển được “sức sống” của doanh nghiệp. Đây là động lực quan trọng nhất nhằm phục hồi, phát triển kinh tế.
>>Ủy ban Văn hoá Giáo dục của Quốc hội: Đề nghị môn Lịch sử là môn học bắt buộc
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh tại phiên thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2022, ngày 25/5.
Do đó, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị mọi cấp, mọi ngành phải tập trung tháo gỡ khó khăn thủ tục hành chính, chính sách vốn, tiếp cận đất đai… để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, tạo ra những tiện ích, cơ sở hạ tầng cho doanh nghiệp.
Cụ thể, cần tập trung đẩy mạnh các tuyến đường cao tốc. Nếu có đường sẽ phát triển được nhiều ngành nghề khác, giải quyết được vùng nguyên liệu, thu hút đầu tư tốt hơn.
Vừa qua, Chính phủ đã tập trung xây dựng các tuyến đường cao tốc. Toàn bộ số vượt thu ngân sách ngoài thực hiện chính sách tại Nghị quyết 43/2022/QH15 của Chính phủ về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, còn lại được dồn để làm các đường cao tốc đi về các tỉnh như lên Tây Nguyên, xuống Vũng Tàu, đường cao tốc phía Đông… Mục tiêu cuối năm nay cố gắng bàn giao được 141 km đường cao tốc. Đây cũng là quyết tâm rất lớn.
Nêu câu hỏi, làm thế nào để chống lạm phát trong giai đoạn hiện nay, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, các cấp, các ngành phải tập trung vào tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thúc đẩy đầu tư công phát triển.
Vấn đề này có nhiều vướng mắc, ví dụ như tách dự án giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công. Đây là yêu cầu bức thiết vì giải phóng mặt bằng nằm trong phần chuẩn bị đầu tư, phải chuẩn bị trước. Tách phần này không chỉ dự án nhóm A, dự án đặc biệt hay những tỉnh có cơ chế đặc thù mà nên làm phổ biến.
“Giải phóng mặt bằng rất lâu, không thể 1-2 tháng làm được mà cả năm, thậm chí có những dự án hàng chục năm, thậm chí còn phải cưỡng chế… Tách ra để bố trí trước vốn; đây là vướng mắc cần tách ra. Tuy nhiên, trong Luật Đầu tư công lại “gói lại” hết. Có những nội dung phải căn chỉnh, hoàn thiện lại nhằm đảm bảo thúc đẩy phát triển”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.
Cũng tại phiên thảo luận ở tổ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã làm rõ một vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm liên quan tới việc "nguồn thu tăng nhưng liệu có bền vững không?".
Trước đó, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế băn khoăn khi thu ngân sách vượt dự toán nhưng chưa bền vững, thu từ dầu thô vượt 21.400 tỷ đồng do cả yếu tố tăng giá và tăng sản lượng khai thác; thu sử dụng đất tăng cao, vượt dự toán hơn 74.000 tỷ đồng nhưng "đây là khoản thu không ổn định, không bền vững".
Về vấn đề này, Bộ trưởng Tài chính cho biết, tổng thu ngân sách năm 2021 là khoảng 1,56 triệu tỷ đồng, vượt 16,4% dự toán, vượt 38% so với năm 2020. Trong đó, thu tiền sử dụng đất vượt 74.100 tỷ đồng, thu dầu thô vượt 21.400 tỷ đồng.
>>Cần kiểm tra lại "sức khoẻ" các tập đoàn lớn
"Thu từ dầu thô tăng lên là do giá dầu tăng lên. Lúc lập dự toán là 60 USD/thùng, sau đó lên 80 USD/thùng, chênh lệch 20 USD/thùng", Bộ trưởng Tài chính lý giải.
Theo Bộ trưởng, thu từ dầu thô chỉ chiếm 2,9% trong tổng thu ngân sách, còn tiền sử dụng đất là 11,8% tổng.
Dù thừa nhận có tăng lên, song theo ông Hồ Đức Phớc, phần lớn các khoản thu vẫn từ ngoài đất và dầu thô, chứng tỏ "sức sống" của nền kinh tế.
Việc tăng trưởng thấp hơn 2% nhưng thu ngân sách vẫn vượt 16,4%, theo giải thích Bộ trưởng, là do "tăng cường thu ngân sách ở những khu vực tiềm năng lâu nay chưa thu được, ví dụ như nền tảng số, bất động sản…".
Riêng khoản thu thuế chuyển nhượng bất động sản, Bộ trưởng Tài chính cho biết, qua rà soát hoạt động chuyển nhượng bất động sản, người dân và doanh nghiệp đã kê khai giá chuyển nhượng sát với thực tế hơn. Qua đó góp phần tăng thu thuế từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản quý I/2022 tăng 3.200 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Trước đó, khi "chia lửa" tại phiên chất vấn Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường hồi tháng 3 năm nay, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định sẽ tiếp tục thanh tra những hồ sơ còn nghi vấn về việc chuyển nhượng.
Cụ thể, liên quan đến giải pháp để thu thuế chuyển nhượng bất động sản, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan thuế cũng như phối hợp với chính quyền địa phương và các bộ, ngành để thu thuế bất động sản đúng với giá chuyển nhượng.
Bộ trưởng cho biết, trong thời gian 15 ngày đầu tháng 1 năm nay, qua kiểm tra 85.000 bộ hồ sơ và cho kê khai lại, thu thuế đã tăng 222 tỷ đồng. Vì vậy, thời gian tới, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết sẽ tập trung thanh tra các hồ sơ thuế còn nghi vấn về việc chuyển nhượng không đúng với giá kê khai theo luật thuế để xử lý theo quy định, kể cả các dự án bất động sản.
Còn theo cơ quan thuế, thời gian qua căn cứ vào cơ sở dữ liệu mà người nộp thuế đã kê khai tính thuế và tham khảo giá thực tế chuyển nhượng ở một số khu vực, vị trí tương đương đã phát hiện việc kê khai nộp thuế và yêu cầu kê khai lại, qua đó tăng thu cho ngân sách hàng trăm tỷ đồng. Các cá nhân kê khai lại giá tăng 2 - 5 lần, cá biệt có nơi điều chỉnh tăng lên 20 - 40 lần.
Có thể bạn quan tâm
Ủy ban Văn hoá Giáo dục của Quốc hội: Đề nghị môn Lịch sử là môn học bắt buộc
00:44, 26/05/2022
Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XV: Quốc hội thảo luận dự án Luật Cảnh sát cơ động
23:00, 25/05/2022
Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XV: Quốc hội cho ý kiến về Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)
04:13, 25/05/2022
Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XV: Quốc hội thảo luận về dự án đường Hồ Chí Minh
22:19, 23/05/2022
Khai mạc kỳ họp thứ 3 Quốc hội XV: Nhiều dự án quan trọng sẽ được quyết định
05:00, 23/05/2022
Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc phân bổ ngân sách trung ương
17:32, 22/05/2022