“Bức tranh” kinh tế tháng 5 đã có nhiều thay đổi
“Bức tranh” kinh tế-xã hội tháng 5/2022 khác rất nhiều so với tháng trước, nhất là tháng 5-2021 khi đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư bắt đầu.
>>Chủ tịch Quốc hội: Chính phủ cần bố trí ngân sách tăng lương cơ sở trong năm 2023
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn nhấn mạnh tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2022, chiều 4/6.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát trong bối cảnh chịu nhiều sức ép. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 5 tháng tăng 2,25% so với cùng kỳ (cao hơn mức tăng 1,29% của năm 2021, nhưng thấp hơn mức tăng giai đoạn 2017-2020).
Thị trường tài chính, tiền tệ cơ bản ổn định (tín dụng tăng 7,73% so với cuối năm 2021); các cân đối lớn, an ninh lương thực, năng lượng được bảo đảm; thu ngân sách nhà nước ước đạt 57,1% dự toán, tăng 18,7%.
Cùng với đó, sản xuất công nghiệp tiếp đà phục hồi, tháng 5 tăng 4% so với tháng trước và tăng 10,4% so với cùng kỳ; tính chung 5 tháng tăng 8,3%.
“Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, cả nước có gần 62.961 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2021; có 35.615 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 57,8%; có 71.805 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, chờ làm thủ tục giải thể và đã giải thể”, Bộ trưởng Trần Văn Sơn nói.
Trao đổi tại cuộc họp báo về tình hình giá xăng dầu tăng cao hiện nay, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, vấn đề này được lãnh đạo Bộ đặc biệt quan tâm và thường xuyên có những chỉ đạo quyết liệt. Trong đó có hai nội dung đối với xăng, dầu.
Thứ nhất, đảm bảo nguồn cung xăng, dầu cho đời sống, sinh hoạt của người dân, cũng như xăng, dầu cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Diễn biến giá cả xăng dầu cũng được lãnh đạo Chính phủ hết sức quan tâm.
Thứ hai, Bộ Công Thương luôn có sự phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để thực hiện nhất quán, đúng quy định theo Nghị định 83 và Nghị định 95 sửa đổi một số các nội dung của Nghị định 83, trong việc điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến của xăng dầu thế giới, nhằm mang lại những thuận lợi nhất trong điều kiện có thể đối với người dân cũng như doanh nghiệp.
>>Đề nghị Chính phủ báo cáo rõ nguyên nhân chưa đủ điều kiện thông báo vốn
Vẫn theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, có 3 biện pháp theo Bộ Công Thương trong thời gian vừa qua cũng như trong thời gian sắp tới cần phải lưu ý, tập trung sử dụng và thực hiện nhằm giảm cũng như kiềm chế ở mức độ cao nhất với mức tăng của giá xăng dầu như hiện nay.
Thứ nhất, sử dụng quỹ bình ổn giá một cách hiệu quả, linh hoạt nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động của giá thế giới, để góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế.
“Ngoài khó khăn do giá xăng dầu đối với người dân và doanh nghiệp, thì đây cũng là sức ép rất lớn đối với việc điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Đặc biệt đối với chỉ số giá tiêu dùng (CPI)”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chia sẻ.
Vẫn theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, đến ngày 1/6 là kỳ điều hành gần nhất, giá bình quân của một số mặt hàng thành phẩm xăng dầu trên thế giới ở tại thị trường Singapore từ đầu năm đến 1/6 tăng 45,86% đến 63,68%.
Tuy nhiên, nhờ sử dụng linh hoạt, hợp lý quỹ bình ổn giá xăng dầu, nên các mặt hàng giá xăng dầu trong nước chỉ tăng 27,29% đến 45,89%.
“Như vậy, mặc dù vẫn phải điều hành theo giá tăng của thế giới, nhưng mức tăng của chúng ta thấp hơn”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Thứ hai, phải sử dụng là điều chỉnh các loại thuế, phí cho cơ cấu xăng dầu. Ví dụ, thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế nhập khẩu.
Vừa qua, Bộ Công Thương đã có đề xuất và kiến nghị, Bộ Tài chính trong phạm vi chức năng của mình cũng đã báo cáo Chính phủ, và ngày 23/3/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 18 về giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn là giảm 50%, giảm 70% mức thuế bảo vệ môi trường đối với dầu hoả từ ngày 1/4, và có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2022.
“Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp cùng các bộ, ngành và đặc biệt Bộ Tài chính theo chức năng của mình sẽ đề xuất, rà soát tiếp tục có thể trong phạm vi cho phép giảm tiếp các sắc thuế có liên quan đến cơ cấu giá của giá xăng dầu”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.
Thứ ba, giá xăng dầu muốn điều chỉnh và có thể giảm được mức tăng thì không chỉ có liên bộ công thương-tài chính. Đây còn là trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành. Do đó, chúng ta cũng cần phải hướng tới những giải pháp, như đề xuất những chính sách an sinh để hỗ trợ cho người dân, đặc biệt là những đối tượng người nghèo, hộ chính sách…
Đi cùng đó là các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao như hiện nay.
“Chúng tôi tin rằng, những biện pháp hiện nay cũng như sắp tới chúng ta sẽ cố gắng mức cao nhất để có thể đảm bảo điều chỉnh mức giá xăng dầu trong điều kiện của Việt Nam cho phép, trong ngân sách của nhà nước cho phép, cũng như trong bối cảnh giá xăng dầu của Việt Nam hiện nay vẫn còn ở mức thấp hơn so với những nước có chung biên giới với Việt Nam, như Lào, Campuchia và Trung Quốc”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải bày tỏ.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khi tiếp cận… vốn
18:19, 04/06/2022
Bài học đắt giá cho doanh nghiệp tham gia thương mại quốc tế
18:07, 04/06/2022
Chủ tịch Quốc hội: Chính phủ cần bố trí ngân sách tăng lương cơ sở trong năm 2023
14:20, 04/06/2022
Đề nghị Chính phủ báo cáo rõ nguyên nhân chưa đủ điều kiện thông báo vốn
10:16, 04/06/2022
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2030
21:06, 03/06/2022
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: TP. Bắc Kạn đạt chuẩn nông thôn mới
21:00, 03/06/2022