Hoá giải thách thức lạm phát

PHAN NAM thực hiện 14/06/2022 00:30

TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, kịch bản phục hồi kinh tế cần đặt ra trong bối cảnh năm 2023 lạm phát vẫn ở mức cao so với lạm phát mục tiêu.

>>>Lạm phát thu nhỏ - Độc chiêu thời lạm phát

>>Áp lực lạm phát tăng cao, hoá giải cách nào?

Theo TS Nguyễn Bích Lâm, Việt Nam đã kiểm soát thành công lạm phát trong những tháng đầu năm 2022. Chính phủ đã chủ động chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp bình ổn giá, hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội.

- Theo ông đâu là các yếu tố sẽ gây áp lực lạm phát năm 2022 và 2023?

Thứ nhất, lạm phát chuỗi cung ứng là nhóm yếu tố tạo áp lực lớn nhất đến lạm phát của nền kinh tế trong thời gian tới. Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, sản xuất phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, với tỷ lệ 37% chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế. Đáng lo ngại, tỷ lệ này trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo - ngành có vai trò là động lực tăng trưởng chủ yếu của nền kinh tế chiếm 50,98%.

Thứ hai, giá nguyên nhiên vật liệu tăng cao. Kinh tế Việt Nam có đặc điểm khi giá nguyên vật liệu tăng 1% thì giá sản phẩm đầu ra tăng 2,06%, đồng nghĩa với gia tăng lạm phát của nền kinh tế. Do đó, rủi ro nhập khẩu lạm phát là không thể tránh khỏi trong bối cảnh các nền kinh tế là đối tác thương mại lớn, quan trọng hàng đầu của Việt Nam như Mỹ, EU, Hàn Quốc... đều dự báo lạm phát ở mức đáng lo ngại.

Thứ ba, tổng cầu tăng đột biến trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng. Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với quy mô 350 nghìn tỷ đồng, cùng với các gói hỗ trợ của năm 2021 đang thẩm thấu vào mọi lĩnh vực của nền kinh tế sẽ làm cho tổng cầu tăng đột biến, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tăng mạnh sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của đại dịch là áp lực lớn lên lạm phát trong năm 2022 và 2023.

- Ông dự báo như thế nào về lạm phát năm 2022 và 2023 của Việt Nam?

Các tổ chức quốc tế đưa ra các con số khác nhau về lạm phát của Việt Nam. IMF dự báo lạm phát năm 2022 của Việt Nam tăng 3,9%, sát ngưỡng mục tiêu kiểm soát 4%. Ngân hàng Standard Chartered dự báo lạm phát năm 2022 của Việt Nam vượt mục tiêu 4% Quốc hội đề ra và có thể lên 5,5% trong năm 2023…

Căn cứ vào các yếu tố tác động từ lạm phát chuỗi cung ứng; thiếu hụt nguồn cung; tổng cầu tăng đột biến; thiếu hụt lao động và dự kiến tăng lương tối thiểu vùng; bên cạnh đó, giá xăng dầu, giá điện dự báo tăng do nhu cầu sản xuất và tiêu dùng tăng trong thời gian tới; giá lương thực gia tăng theo giá lương thực thế giới; giá thực phẩm… dự báo lạm phát Việt Nam năm 2022 nằm trong khoảng 4% - 4,5%. Với độ trễ của gói phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và dự báo năm 2023 lạm phát vẫn ở mức cao so với lạm phát mục tiêu của các nền kinh tế là đối tác quan trọng của kinh tế Việt Nam, dự báo lạm phát năm 2023 của Việt Nam khoảng 5%- 5,5%. Lạm phát cả giai đoạn 2021-2025 khoảng 4%.

 Tốc độ tăng/giảm CPI tháng 3 và quý I các năm giai đoạn 2018-2022 (%)

Tốc độ tăng/giảm CPI tháng 3 và quý I các năm giai đoạn 2018-2022 (%).

>>Lạm phát toàn cầu đã đạt đỉnh?

- Vậy đâu là giải pháp kiểm soát lạm phát trong thời gian tới, thưa ông?

Trước hết, Chính phủ cần kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, rà soát bãi bỏ các quy định không hợp lý. Đồng thời, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, đặc biệt cộng đồng doanh nghiệp cần đa dạng nguồn cung.

Bộ Công Thương và Bộ Tài Chính cần minh bạch và đơn giản hoá quy trình thương mại; khuyến khích và đẩy mạnh chia sẻ thông tin về thương mại và giá cả; thúc đẩy cạnh tranh trong nước đối với lĩnh vực logistics, thương mại bán buôn và bán lẻ để giảm chi phí thương mại trong nước và quốc tế, giữ khả năng cạnh tranh và thị phần của hàng hoá Việt trên thị trường thế giới. Đối với các mặt hàng thiếu hụt trong dài hạn cần có chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư sản xuất.

Đồng thời, Bộ Công Thương cần nắm bắt kịp thời giá xăng dầu thế giới, nâng cao năng lực và chất lượng dự báo, có giải pháp tổng thể đảm bảo đầy đủ nguồn cung xăng dầu dài hạn hơn. Bộ Tài chính cần rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu và các loại thuế, phí nhằm bảo đảm tính đúng, tính đủ.

- Xin cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Kiềm chế lạm phát: Giảm thuế, phí để kéo chi phí đẩy

    11:20, 13/06/2022

  • Lạm phát thu nhỏ - Độc chiêu thời lạm phát

    04:30, 13/06/2022

  • Lạm phát toàn cầu đã đạt đỉnh?

    12:00, 12/06/2022

  • Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái: Lạm phát cơ bản được kiểm soát

    16:09, 08/06/2022

  • Đừng để lạm phát "cuốn trôi" người dân nghèo!

    05:05, 06/06/2022

  • Áp lực lạm phát tăng cao, hoá giải cách nào?

    03:30, 04/06/2022

PHAN NAM thực hiện