“Trăn trở” với xăng dầu!

Chuyên gia kinh tế VŨ VINH PHÚ 16/06/2022 05:00

Việc tăng giá xăng dầu đã tác động mạnh đến sản xuất kinh doanh dịch vụ và đời sống tiêu dùng xã hội.

>>Bộ trưởng Bộ Tài chính: Cân nhắc giảm thuế để hạ giá xăng dầu

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, so với tháng trước, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2022 tăng 0,38%, trong đó khu vực thành thị tăng 0,34%; khu vực nông thôn tăng 0,42%.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước; 1 nhóm hàng giảm giá, đó là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng, giảm 0,13% so với tháng trước.

Biểu đồ tốc độ tăng/giảm CPI tháng 5/2022 so với cùng kỳ năm trước.

Biểu đồ tốc độ tăng/giảm CPI tháng 5/2022 so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,27% so với tháng trước, tác động làm CPI chung tăng 0,09 điểm phần trăm, trong đó lương thực tăng 0,28%, tác động tăng 0,01 điểm phần trăm; thực phẩm tăng 0,22%, tác động tăng 0,05 điểm phần trăm; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,4%, tác động tăng 0,03 điểm phần trăm.

Xăng dầu tăng 12 lần, giảm 3 lần

Chỉ số giá nhóm đồ uống và thuốc lá tháng 5/2022 tăng 0,33% so với tháng trước do giá nguyên liệu đầu vào và giá vận chuyển tăng. Cụ thể, giá nước giải khát có ga tăng 0,2% so với tháng trước; nước quả ép tăng 0,1%;rượu bia tăng 0,45% và thuốc hút tăng 0,28%.

Nhóm hàng may mặc, mũ nón, giày dép tháng 5/2022 tăng 0,18% so với tháng trước do giá nguyên phụ liệu sản xuất tăng vì ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine và chiến lược Zero Covid-19 từ Trung Quốc…

Chỉ số giá nhóm giao thông tháng 5/2022 tăng 2,34% so với tháng trước làm CPI chung tăng 0,23 điểm phần trăm, chủ yếu do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnhgiá xăng dầu theo giá nhiên liệu thế giới làm cho giá xăng tăng 5,93%; giá dầu diezen tăng 3,99%. Giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 1,06% so với tháng trước do giá nhiên liệu tăng. Giá dịch vụ bảo dưỡng phương tiện đi lại tăng 0,05%; thuê ô tô, xe máy tự lái tăng 0,22%; phụ tùng tăng 0,17%...

Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tháng 5/2022 là nhóm giảm giá duy nhất trong tháng, với mức giảm 0,13% so với tháng trước. Nguyên nhân chủ yếu do giá gas giảm 5,38% so với tháng trước vì từ ngày 01/5/2022, giá gas trong nước điều chỉnh giảm 29.000 đồng/bình 12 kg sau khi giá gas thế giới giảm 95 USD/tấn.

CPI tháng 5/2022 tăng 2,48% so với tháng 12/2021 và tăng 2,86% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 5 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 2,25% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 1,29% của 5 tháng đầu năm 2021, nhưng thấp hơn mức tăng của 5 tháng đầu năm 2017-2020; lạm phát cơ bản tăng 1,1%.

Qua số liệu trên cho ta thấy, tình hình giá cả những tháng đầu năm có nhiều diễn biến phức tạp và theo chiều hướng ngày càng tăng cao. Trong 5 tháng qua, điểm nổi cộm lên được dư luận quan tâm đó là việc tăng giá xăng dầu và những tác động của nó đến sản xuất kinh doanh dịch vụ và đời sống tiêu dùng xã hội. Tính đến thời điểm tăng giá gần nhất là ngày 13/6/2022, thì xăng dầu đã tăng giá 12 lần, giảm giá 3 lần.

Giá xăng đã lên mức cao nhất trong nhiều năm gần đây trên 32.000đ/lít, giá dầu Diezen cũng xấp xỉ 30.000đ/lít. Thực tế, Việt Nam vẫn còn phụ thuộc khá lớn vào thị trường xăng dầu, thành phẩm của thế giới, sản xuất trong nước cũng chỉ đảm nhiệm được 70%. Như vậy việc tăng giảm giá theo giá thế giới là một điều tất yếu.

Song, điều quan trọng là chúng ta xem xét thực hiện việc tăng giá như thế nào trong điều kiện thực tế từng thời kỳ và phù hợp với khả năng chịu đựng  của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, dịch vụ và đời sống tiêu dùng của nhân dân Việt Nam.

Trước hết, hãy nhận định về những tác động của việc tăng giá đối với sản xuất kinh doanh dịch vụ. Một khi xăng dầu tăng giá, tăng liên tiếp, với biên độ mạnh trong 1 thời gian ngắn, trước hết nó sẽ có tác động ngay tức thì đối với giá thành vận chuyển của các doanh nghiệp vận tải hàng hoá và vận tải công cộng.

Chi phí xăng dầu chiếm đến 35-40% trong chi phí vận chuyển, trong một vài tháng qua một số đơn vị vận tải tuy có bị lỗ song cũng vẫn cân nhắc trong việc tăng giá cước để đảm bảo hoạt động bình thường. Đó là điều trăn trở, khó khăn nhất trong 5 tháng vừa qua.

Đối với ngư dân, nhiều tàu thuyền đã tạm nằm bờ vì đánh bắt với giá xăng dầu cao, không đủ bù đắp chi phí khi bán sản phẩm thu hoạch được, đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Có những tỉnh như Khánh Hoà và một số tỉnh khác có đến 50% tàu cá không hoạt động.

Nhìn chung trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh dịch vụ của hầu hết các địa phương đều có tình trạng tương tự như ngành vận tải, đánh bắt hải sản, sản xuất nông nghiệp… Đây là giai đoạn khó khăn nhất sau 2 năm đại dịch vừa qua, các đơn vị chưa kịp hồi phục thì tác động của giá xăng dầu đã bồi thêm những khó khăn mới cho họ.

Về đời sống tiêu dùng của người dân, chúng ta đều biết một khi giá cước vận tải hàng hoá, logictics tăng cao do xăng dầu sẽ lập tức làm cho giá cả hàng hoá tăng lên nhiều đợt, những mặt bằng giá mới đã hình thành trong 5 tháng qua. Biên độ tăng giá thấp nhất từ 5-10% cao có mặt hàng đến 25-30%, thậm chí tăng gấp đôi.

Chúng ta hết sức quan tâm đến biến động giá của các mặt hàng thiết yếu như gạo, thịt lợn, rau, hoa quả, đường kính, sữa, dầu ăn… dùng cho bữa cơm hàng ngày của các gia đình trong giai đoạn  hiện nay. Do giá cả tăng nên mọi người phải tiết kiệm chi tiêu, dành dụm tiền cho những bất trắc xảy ra.

Nhất là trong hoàn cảnh họ đã bị thiếu thốn, vất vả về mặt kinh tế trong đại dịch vừa qua. Thu nhập của người nghèo, công nhân, nông dân, người về hưu đang ở mức độ rất khiêm tốn, thậm chí đi làm còn chưa đủ trang trải hàng ngày cho gia đình.

Những quyết định tăng lương và thu nhập có lúc không đủ bù đắp tình hình trượt giá ngoài xã hội, những số liệu công bố chính thức của tổng cục thống kê thường kì thực chất chưa phản ảnh đầy đủ tình hình lạm phát thực tế ở nước ta. Điều này nhắc nhở các nhà hoạch định chính sách cần lưu tâm đến thực trạng này.

Qua tình hình thực tế về những khó khăn nêu trên cho ta thấy, giá xăng dầu, nguyên nhiên vật liệu cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ tăng giá làm cho giá cả hàng hoá trên thị trường nội địa tăng lên, sự phát triển của doanh nghiệp và đời sống của người dân đang gặp những khó khăn cần phải có những giải pháp tức thời và mạnh mẽ hơn.  

Trong đó tác nhân tạo nên những khó khăn nhất đó chính là giá xăng dầu, vậy nếu muôn cởi nút thắt về giá hiện nay chỉ có thể tìm cách giảm thuế phí xăng dầu, soát xét lại chi phí, lợi nhuận định mức trong chuỗi kinh doanh xăng dầu hiện nay, cộng thêm với các biên pháp khác như các nghị quyết của Chính phủ đã ban hành trong  năm 2021 và 5 tháng đầu năm 2022.

Dư luận đòi hỏi các bộ ngành liên quan như Công thương, Tài chính sớm nhận ra những khó khăn nêu trên và sớm đưa ra các giải pháp để đề xuất với Chính phủ, Thường vụ Quốc hội và Quốc hội quyết định sớm, bởi bây giờ đã là những thời điểm giữa năm 2022.

Tính từ thời điểm dư luận, các chuyên gia có ý kiến về giảm thuế phí xăng dầu cho đến nay đã gần 3 tháng, tuy nhiên mới có thuế môi trường giảm 2.000đ/lít (giảm 50%) còn lại thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, chi phí kinh doanh xăng dầu, lợi nhuận định mức vẫn chưa có đề xuất của 2 Bộ.

Những câu trả lời của 2 Bộ về những vấn đề trên chưa có tính thuyết phục. Các Bộ cho rằng giảm giá xăng dầu sẽ dẫn tới buôn lậu xăng dầu. Dư luận đặt câu hỏi: “Vậy lực lượng hàng vạn chiến sĩ công an hải quan biên phòng quản lý thị trường được giao nhiệm vụ này họ đang làm gì? Chính họ đang tham gia vào việc ngăn chặn buôn lậu xăng dầu trên thị trường đó sao?

Một ý kiến khác của 2 Bộ đó là khi giảm thuế phí xăng dầu sẽ làm cho Việt Nam hạch toán không đầy đủ giá trị của hàng hoá, nguy cơ chúng ta bị kiện bán phá giá, trợ cấp có khả năng xảy ra. Ý kiến này là không chuẩn xác bởi hiện nay do giá xăng tăng cao một số nước thì Malaysia và một số nước khác đã giảm thuế phí thậm chí bằng 0, để hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân,  ở Malaysia xăng bán lẻ hiện nay chỉ 13.000vnđ/lít, nhưng họ và các nước khác đã nước nào bị kiện đâu?

Trả lời câu hỏi tại kì họp tháng 6/2022 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính, Công thương nói đang tiếp tục nghiên cứu rồi sẽ đề xuất với quốc hội xem xét. Hiện nay giá xăng dầu tại Việt Nam tính tới ngày 13/06/2022 đã tăng đến 60% về giá so với thời kỳ trước đại dịch, vậy các Bộ không biết nghiên cứu đến mức nào thì mới đề xuất giảm thuế phí, trong khi đó dư luận coi việc này đang rất cấp bách, giảm thuế phí để cứu cả nền kinh tế và giảm bớt những khó khăn trong chi tiêu của các gia đình Việt Nam hiện nay.  

Từ tình hình chậm trễ đề xuất giảm thuế phí của 2 bộ dư luận mong muốn đề nghị Quốc hội, Chính phủ trong thẩm quyền của mình, nếu thấy việc giảm thuế phí là hợp lý thì sớm chỉ đạo 2 Bộ xây dựng các phương án để sớm có quyết định ngay trong tháng 6/2022.

>>Đại biểu Nguyễn Thị Yến: Cần công khai, minh bạch quản lý, điều tiết giá xăng dầu

Dự báo 6 tháng cuối năm 

Theo dự báo của các tổ chức kinh tế quốc tế, kết hợp với tình hình ở trong nước cho thấy, 6 tháng cuối năm là giai đoạn còn tiếp tục nhiều khó khăn bởi kinh tế thế giới tuy có hồi phục nhưng không đồng đều và cũng chưa đạt được mức phát triển trước đại dịch. Chiến tranh giữa Nga và Ukraine vẫn còn tiếp diễn, các chuỗi cung ứng bị đứt gãy chưa khôi phục hoàn toàn.

Tính đến thời điểm tăng giá gần nhất là ngày 13/6/2022 vừa qua thì xăng dầu đã tăng giá 12 lần, giảm giá 3 lần.

Tính đến thời điểm tăng giá gần nhất là ngày 13/6/2022, xăng dầu đã tăng giá 12 lần, giảm giá 3 lần.

Tình hình lạm phát ở các nước hầu hết ở mức cao, giá lương thực, nguyên nhiên vật liệu đã tăng ở một mặt bằng giá mới, cộng thêm với những khó khăn do chính sách ngừng xuất và tạm ngừng xuất dầu ăn, lúa mì, phân bón, thức ăn gia súc… càng làm cho giá cả hàng hoá thế giới bị đẩy lên cao, trước hết là từ nay tới cuối năm.

Điều mà Việt Nam đáng quan tâm là những mặt hàng trên Việt Nam vẫn phải nhập khẩu để phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng trong nước, nguy cơ chúng ta phải chịu đựng tác động của nhập khẩu lạm phát vẫn đang hiện hữu.

Ở trong nước nếu chúng ta không có những giải pháp quyết liệt để kiềm chế việc tăng giá của xăng dầu, đưa giá mặt hàng này về một mức tương đối hợp lý, đồng thời ổn định được giá cả những mặt hàng thiết yếu cho đời sống tiêu dùng, CPI những tháng cuối năm sẽ có tốc độ tăng mạnh hơn những tháng đầu năm, thì việc thực hiện chỉ tiêu 4% là rất khó khăn.

Do đó, tôi kiến nghị một số giải pháp sau.

Thứ nhất, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, thực hiện kết nối lại các chuỗi cung ứng trong nội địa cũng như mối quan hệ xuất nhập khẩu với các nước khác. Tiếp tục thúc đẩy sản xuất bền vững, cung ứng trước hết cho thị trường nội địa và hàng hoá xuất khẩu.

Thứ hai, thực hiện tốt chính sách tài khoá và tiền tệ. Đảm bảo thu ngân sách đầy đủ, cần dung dưỡng nguồn thu, khuyến khích doanh nghiệp nói thật, tạo sự cạnh ng giữa các doanh nghiệp.

Thứ ba, chi ngân sách tiết kiệm hiệu quả, chống lãng phí. Đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, giảm chi phí về hành chính, tiền bạc, thời gian cho doanh nghiệp. Thực hiện chính sách tín dụng tích cực, thu hút vốn nhàn rỗi, sử dụng hiệu quả vốn vay ngân hàng.

Thứ tư, quản lý chặt chẽ thị trường chứng khoán, trái phiếu bất động sản đi đôi với đó khôi phục sức cầu nội địa, tổ chức kiểm soát thị trường giá cả chống đầu cơ buôn lậu nâng giá bất hợp lý kể cả những mặt hàng mà trước đây không thuộc nhà nước định giá như chỉ đạo của chính phủ mấy ngày gần đây, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh của các gia đình Việt Nam.

Thứ năm, ngoài việc giảm chi phí đầu vào cho hàng hoá vật tư, nguyên nhiên vật liệu cần tổ chức tốt hệ thống phân phối quốc gia, giảm trung gian bất hợp lý và những biểu hiện dựa vào thế mạnh của doanh số và thương hiệu để ép chiết khấu các nhà cung ứng của một số đơn vị bán lẻ thao túng thị trường làm thiệt hại cho người sản xuất và cả người tiêu dùng xã hội.

Thứ sáu, làm tốt hơn nữa công tác thống kê sát với tình hình thực tế để làm cơ sở chỉ đạo kịp thời góp phần vào ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội.

Nếu làm được tốt những yêu cầu trên, khả năng lạm phát năm nay chỉ ở mức 4% như chỉ tiêu Quốc hội đã đề ra, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ kế hoạch năm 2022 làm tiền đề phát triển nhanh và vững chắc cho những năm tiếp theo.

Có thể bạn quan tâm

  • Vì sao nên nghiên cứu bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu?

    05:30, 15/06/2022

  • Dự thảo Luật Giá (sửa đổi): Xem xét bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu

    00:06, 13/06/2022

  • Cân nhắc bỏ thuế bảo vệ môi trường giúp giá xăng dầu hạ nhiệt

    11:30, 03/06/2022

  • Bộ trưởng Bộ Tài chính: Cân nhắc giảm thuế để hạ giá xăng dầu

    13:01, 02/06/2022

  • Đại biểu Nguyễn Thị Yến: Cần công khai, minh bạch quản lý, điều tiết giá xăng dầu

    10:40, 01/06/2022

  • Xăng dầu - tác động chi phí đẩy và dư địa giảm giá

    05:00, 22/05/2022

  • Cần thiết giảm sâu hơn nữa thuế nhập khẩu xăng dầu

    08:00, 28/04/2022

  • “Bảo hiểm rủi ro” khi giá xăng dầu biến động

    01:00, 26/04/2022

Chuyên gia kinh tế VŨ VINH PHÚ