"Nhạc trưởng" cho liên kết phát triển ĐBSCL
Quy hoạch vùng ĐBSCL mới sẽ là "nhạc trưởng" trong hỗ trợ liên kết vùng, liên kết các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL để phát triển kinh tế nhanh và bền vững.
>>>Thủ tướng Phạm Minh Chính: Khơi thông nguồn lực cho ĐBSCL phát triển nhanh và bền vững
Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được công bố là quy hoạch có tầm nhìn dài hạn, mang tính tích hợp.
Theo ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, việc công bố Quy hoạch tích hợp với sự xác định rõ ràng nhiệm vụ và nguồn lực đầu tư, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế sẽ biết được lộ trình và không gian phát triển để có chiến lược định vị lâu dài, bổ sung nguồn lực đầu tư ở ĐBSCL. Đó là một cơ hội thực sự lớn cho ĐBSCL phát triển trong tương lai.
Giám đốc VCCI Cần Thơ chia sẻ thực tế cho thấy tổng vốn đầu tư của tư nhân, gồm trong nước và trực tiếp nước ngoài vào ngành nông nghiệp nói chung và nông nghiệp ĐBSCL nói riêng là rất thấp, bởi lẽ nông nghiệp vốn là ngành nhiều rủi ro không chỉ từ thiên tai mà còn cả về chính sách.
Do đó, Quy hoạch là một bước thay đổi căn bản, luật hóa được các lĩnh vực ngành hàng, địa bàn, quy mô và cách thức sản xuất, nên sẽ là điều kiện thuận lợi cho những dự án đầu tư lớn trong nông nghiệp ở ĐBSCL.
Tuy vậy, quá trình triển khai còn tùy thuộc vào hoạch định trong kế hoạch phát trển KT-XH của từng tỉnh, thành phố và sự phối hợp giữa các bộ ngành, địa phương với nhau.
“Vấn đề còn lại là tính thực thi ở bộ ngành, địa phương và từng chủ thể như thế nào. Chúng ta đang thiếu một thiết chế cấp vùng nên lâu nay cứ mãi loay hoay trong thực thi liên kết. Trong khi chờ một thiết chế mới thì Quy hoạch là một bước đi quan trọng để giúp liên kết có cơ sở hơn”, ông Lam lưu ý.
Theo đó, Giám đốc VCCI Cần Thơ cho rằng, mỗi địa phương cần có quy hoạch chi tiết và xây dựng chiến lược phát triển KT-XH trong từng giai đoạn, sẽ giúp cho doanh nghiệp nhận diện được tầm nhìn và lộ trình cụ thể, để theo đuổi và đồng hành cùng chủ trương Chính phủ và chính quyền địa phương.
Bên cạnh đó, hình thức liên kết cần được thực hiện bằng những cơ chế cụ thể hơn. Liên kết giữa chính quyền với doanh nghiệp, liên kết 4 nhà, liên giữa các địa phương. Trong nhiều năm qua, đây là vấn đề không mới nhưng thực tế vẫn chỉ là những cam kết, còn khả năng thực thi thì hầu như không triển khai thực hiện được là mấy.
>>>Cơ hội nâng tầm giá trị nông sản Đồng bằng sông Cửu Long
>>>Đề xuất phát triển dự án sản xuất lúa gạo chất lượng cao ĐBSCL
Đồng quan điểm về vấn đề này, PGS.TS. Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ cũng cho rằng, vấn đề kết nối và cơ chế điều phối liên kết vùng ĐBSCL là một hạn chế lớn trong kỳ vọng phát triển hài hoà cho vùng và các tiểu vùng.
Trên cơ sở Quy hoạch vùng đã được phê duyệt với 8 trung tâm đầu mối cho 13 tỉnh thành phố, mỗi trung tâm đầu mối phải trở thành trục kết nối và liên kết giữa các địa phương và liên kết giữa các ngành.
“Quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị trên phạm vi lãnh thổ vùng đảm bảo được tính liên kết, đồng bộ, kế thừa, ổn định và hệ thống giữa các quy hoạch, tạo cơ sở để quản lý và thu hút đầu tư, điều phối liên kết phát triển vùng chặt chẽ, hiệu quả hơn”, PGS.TS. Lê Anh Tuấn nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, nguồn lực đầu tư cho hạ tầng ĐBSCL cần được hoạch định mang tính thực tiễn cả về quy mô và nguồn cung ứng.
Theo đó, Lãnh đạo VCCI Cần Thơ phân tích thêm nếu để hệ thống hạ tầng yếu kém thì chi phí giao dịch, vận tải tăng cao, kéo theo hàng loạt vấn đề khác. Nếu gỡ được vấn đề này, ĐBSCL sẽ có thêm một lực lượng doanh nghiệp hùng mạnh, đây cũng là dư địa rất lớn cho cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Đặc biệt, xác định logistics là ngành quan trọng, đang là nhu cầu rất lớn cho ĐBSCL phát triển, Giám đốc VCCI Cần Thơ cho rằng đầu tư logistics rất cần hạ tầng đi trước, nhất là hạ tầng giao thông. Với quy hoạch này, nếu giao thông được xác định ưu tiên và có lộ trình cụ thể, thì các bộ ngành, địa phương cần bám sát, từ đó, sớm quy hoạch cụ thể, chi tiết các trung tâm logisitic.
Hạ tầng logistics hoàn chỉnh giúp cho tiết giảm chi phí vận tải và sản xuất của doanh nghiệp, nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh không chỉ trong nước mà đủ sức cạnh tranh quốc tế.
Có thể bạn quan tâm
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Khơi thông nguồn lực cho ĐBSCL phát triển nhanh và bền vững
13:00, 21/06/2022
Đề xuất phát triển dự án sản xuất lúa gạo chất lượng cao ĐBSCL
09:45, 21/06/2022
Nông nghiệp ĐBSCL: Bước chuyển từ "tư duy sản xuất" sang "tư duy kinh tế"
09:01, 21/06/2022