Tìm thị trường ngách cho nông sản từ xu hướng tiêu dùng xanh

NGUYỄN VIỆT 01/07/2022 01:18

Xu hướng tiêu dùng mới trên thế giới hiện nay là tiêu dùng xanh, kinh tế tuần hoàn. Do đó, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam nên nghiên cứu triển khai trong thời gian tới.

>>Giảm chi phí logistics cho nông sản: Mô hình liên kết hãng tàu và doanh nghiệp

GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Chia sẻ tại cuộc toạ đàm: “Kinh doanh nông sản Việt từ giải pháp phát triển hệ sinh thái nông nghiệp và thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong bối cảnh hội nhập”, tổ chức ngày 30/6, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, lĩnh vực nông nghiệp ngày nay có một vị trí rất quan trọng trong nền kinh tế của Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam đã có thương hiệu trên thế giới với những mặt hàng nông sản luôn được nhắc đến với một số sản phẩm, như tiêu, điều, cà phê, cá tra, cá basa…Tuy nhiên, những sản phẩm nông sản của Việt Nam cho đến nay vẫn chỉ bán thô, cho nên giá trị gia tăng thấp. Từ đó dẫn đến hệ luỵ làm giảm thu nhập của người nông dân. Trong khi chúng ta lại luôn trong tình trạng “thiếu hàng” sản phẩm thương hiệu mà có thể bán trực tiếp vào các siêu thị hay chợ trên thế giới.

"Hàng năm Cục Xúc tiến thương mại vẫn phối hợp với JETRO, KOTRA rà soát, đánh giá về những sản phẩm nông nghiệp có thể đưa được vào hệ thống phân phối của Nhật Bản như AEON… Tuy nhiên, nông sản chỉ là một phần, điều quan trọng rất khó khăn tìm ra được doanh nghiệp mới, sản phẩm mới để đưa vào chuỗi cung ứng hay chuỗi giá trị của những tập đoàn, công ty lớn của Nhật Bản. Đối với thị trường Nhật Bản, chúng ta đã rất khó khăn; với châu Âu, chúng ta lại càng khó hơn; riêng thị trường Mỹ “rất khó”. Chính vì vậy, cho đến nay có rất ít nông sản của Việt Nam làm được những điều như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan…", ông Vũ Bá Phú chia sẻ.

Ngoài ra, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp Việt Nam rất khó tìm ra sản phẩm để đưa vào thị trường, vì vẫn tư duy marketing kiểu cũ. Đó là có sản phẩm, sau đó mới đi tìm bán ở đâu, nhà cung ứng như thế nào?.

Theo ông Vũ Bá Phú, khi kinh doanh theo phương thức khởi nghiệp sáng tạo, việc đầu tiên là đặt câu hỏi về cách tìm đầu ra cho sản phẩm trên thị trường như thế nào? “Chúng ta không nên đối mặt hoặc cạnh tranh trực tiếp với các nhà phân phối lớn trên thế giới, khi thị trường đã được phân chia và định hình về cơ bản tại những khu vực thị trường lớn trên thế giới. Lúc này, muốn tồn tại thì phải đi tìm thị trường ngách”, ông Phú nói.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương).

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương).

Ví dụ, xu hướng tiêu dùng mới trên thế giới hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta thực hiện cam kết COP26, giảm phát thải khí nhà kính… là sẽ hình thành nên xu hướng tiêu dùng kinh tế xanh, tiêu dùng xanh, kinh tế tuần hoàn. Trước đó, châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản có xu hướng quay về sử dụng sản phẩm của thiên nhiên.

Do đó, ông Vũ Bá Phú cho rằng, những doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam nên nghiên cứu xu hướng này trên thế giới hiện nay và trong thời gian tới, để từ đó khai thác đúng với nhu cầu của thị trường và quay lại thiết kế những sản phẩm nông sản đáp ứng nhu cầu thị trường. Khi đó, chúng ta mới “chắc chắn” bán được hàng.

GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đánh giá, trong bối cảnh kinh tế nông nghiệp đang tạo dư địa lớn trong phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt khi Việt Nam đã tích cực, chủ động hội nhập với thị trường nông sản thế giới (tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt trên 48 tỷ USD), và ứng phó hiệu quả đại dịch Covid-19, cơ hội cho phát triển kinh tế nông nghiệp dựa trên các tài nguyên bản địa là rất lớn. Tiếp cận phát triển dựa trên nền tảng Hệ sinh thái, Liên kết chuỗi đang được các nhà lập chính sách, các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm.

Nhận thức đầy đủ vai trò đặc biệt của hệ sinh thái nông nghiệp và khởi nghiệp đổi mới sáng tạọ, ngày 18 tháng 5 năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 844/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo quốc gia đến 2025”. Ngày 9 tháng 2 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 194/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030”. Các quyết định của Thủ tướng đã chú trọng nhiều đến kinh doanh nông sản Việt trên cơ sở phát triển hệ sinh thái nông nghiệp và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp, từ đó làm tiền đề quan trọng thúc đẩy nông sản Việt trên trường quốc tế.

Có thể bạn quan tâm

  • Giảm chi phí logistics cho nông sản: Mô hình liên kết hãng tàu và doanh nghiệp

    04:30, 28/06/2022

  • Xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản tại Trung tâm Thương mại GO! Hạ Long

    07:50, 25/06/2022

  • Hà Nội tổ chức Festival nông sản OCOP

    17:20, 21/06/2022

  • Cơ hội nâng tầm giá trị nông sản Đồng bằng sông Cửu Long

    10:30, 21/06/2022

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Sơn La phấn đấu thành trung tâm chế biến nông sản, hoa quả Tây Bắc

    20:32, 17/06/2022

  • Tiêu thụ nông sản từ công nghệ

    12:00, 13/06/2022

  • Nông sản là “điểm sáng” của ngành nông nghiệp

    09:24, 08/06/2022

NGUYỄN VIỆT