Kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm: Nhiều điểm sáng tích cực!
Chiều 4/7, tại Hà Nội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, người phát ngôn Chính phủ Trần Văn Sơn chủ trì họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6/2022.
>>Phân bổ vốn phát triển kinh tế - xã hội thuộc lĩnh vực y tế bảo đảm hiệu quả
Họp báo diễn ra ngay sau Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2022 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Phát biểu tại họp báo, Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, nhất là những khó khăn chung toàn cầu do các hệ lụy và tác động tiêu cực của dịch Covid-19 và ảnh hưởng bởi xung đột Nga-Ukraine, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng cao.
Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự ủng hộ, giám sát của Quốc hội, sự chung sức, đồng lòng, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương, tình hình kinh tế-xã hội tháng 6 và 6 tháng năm 2022 khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực, tăng trưởng ấn tượng, kinh tế đang phục hồi toàn diện, nhiều chỉ số vượt kế hoạch đề ra.
GDP quý II/2022 tăng 7,72% (tốc độ tăng cao nhất trong 11 năm qua); 6 tháng đầu năm tăng 6,42%. Điều này cho thấy rõ sự phục hồi và phát triển của nền kinh tế.
Đồng thời, 44/63 tỉnh có tốc độ tăng trưởng trên 6%, thể hiện tính đồng đều trong phục hồi của các địa phương.
Bên cạnh đó, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng tăng 2,44%.
Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm trong điều kiện khó khăn (thu ngân sách nhà nước 6 tháng ước đạt 66,1% dự toán, tăng 18,8%; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 371 tỷ USD, tăng 16,4%, xuất siêu 710 triệu USD; an ninh lương thực được bảo đảm, xuất khẩu trên 3,5 triệu tấn gạo; cung cấp đủ điện, xăng dầu; cung ứng lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu).
Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, tăng trưởng tín dụng đạt 8,85% so với cuối năm 2021.
Bộ trưởng Trần Văn Sơn thông tin, các ngành, lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế phát triển ổn định, nhiều lĩnh vực phục hồi nhanh. Nông nghiệp phát triển ổn định; xuất khẩu nông sản 6 tháng đạt 28 tỷ USD.
Bên cạnh đó, an sinh xã hội được chú trọng; các hoạt động chăm lo cho các đối tượng chính sách, người nghèo, người lao động được triển khai tích cực, hiệu quả, các gói hỗ trợ của Chính phủ đã thực hiện gần 82 nghìn tỷ đồng cho khoảng 50 triệu lao động và trên 728.000 người sử dụng lao động.
Các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí diễn ra sôi động. Trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được giữ vững; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh.
Đặc biệt, theo Bộ trưởng Trần Văn Sơn, những thành tựu, kết quả của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. S&P nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+ với triển vọng ổn định, thể hiện góc nhìn tích cực đối với Việt Nam trên thị trường vốn quốc tế.
Chỉ số "Chất lượng sống" của Việt Nam đạt 78,49 điểm, xếp vị trí 62/165, tăng 39 bậc chỉ sau 1 năm. Chỉ số công khai minh bạch ngân sách năm 2021 tăng 9 bậc so với 2019, xếp thứ 68/120 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Ngoài ra, Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), Văn phòng nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN + 3 (AMRO) dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng khá cao trong năm 2022, lần lượt ở mức 5,8%, 6,0%, 6,5% và 6,5%.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn cần khắc phục, nhiều thách thức cần vượt qua, trong đó nổi lên là dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến khó lường với các biến chủng mới lây lan nhanh hơn, làm tăng nguy cơ bùng phát dịch trở lại; ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế tiềm ẩn nhiều rủi ro; áp lực lạm phát tăng.
>>Hoàn thiện thể chế liên kết vùng kinh tế - xã hội
Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn; nhiều vấn đề xã hội phát sinh, trong đó có tình trạng thiếu vật tư, thiết bị y tế, nhiều cán bộ, nhân viên y tế trong khu vực công lập xin nghỉ việc, chuyển công tác; đời sống một bộ phận người dân còn gặp nhiều khó khăn; quốc phòng, an ninh tiềm ẩn rủi ro... cũng là những thách thức cần phải giải quyết thời gian tới.
Để giải quyết những khó khăn, thách thức trên, Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho biết, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác với đại dịch; ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường chứng khoán; chú trọng thu hút và khơi thông nguồn vốn đầu tư toàn xã hội; thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh chính trị.
Đồng thời, tăng cường công tác xây dựng Đảng trong hệ thống hành chính nhà nước trong sạch, vững mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin truyền thông về chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Có thể bạn quan tâm
Chậm hỗ trợ người lao động: Một số doanh nghiệp "sợ sai"
18:00, 04/07/2022
Tối ưu hoá kinh doanh, “chặn đà” tăng giá thức ăn chăn nuôi
17:07, 04/07/2022
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Xây dựng Đề án bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô
16:48, 04/07/2022
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đề xuất miễn học phí cho học sinh THCS
14:26, 04/07/2022