Xác lập vị thế Hải Phòng
Hải Phòng cần xác định được vị thế quan trọng của mình trong sự phát triển chung của khu vực cũng như của cả nước.
>>>TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Quy hoạch tổng thể quốc gia phải mang tính định hướng cao
Đó là quan điểm chung của nhiều chuyên gia về quy hoạch TP Hải Phòng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
8 điểm nhấn quan trọng
Theo PGS.TS Bùi Tất Thắng - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, mục tiêu thể hiện tầm nhìn của Quy hoạch phát triển thành phố đến năm 2050 bám sát mục tiêu tổng quát của Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị với 8 điểm nhấn đáng chú ý.
Đó là, xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước; Có công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững; kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối thuận lợi với trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không; trọng điểm logistics; trung tâm quốc tế về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học – công nghệ, kinh tế biển; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao ngang tầm với các thành phố tiêu biểu ở châu Á; trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, quốc phòng, an ninh được giữ vững. Đến năm 2045, Hải Phòng trở thành thành phố của trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới.
Về mục tiêu phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, quy hoạch đặt ra các chỉ tiêu: tỷ trọng đóng góp GRDP của thành phố Hải Phòng vào tổng sản phẩm (GDP) của cả nước đến năm 2030 phải đạt từ 10,9 đến 11,9%; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021-2030 tăng khoảng 13,5 - 14,5%/năm; GRDP bình quân đầu người năm 2030 đạt khoảng 498 – 543 triệu đồng (giá hiện hành); kinh tế số chiếm 35% GRDP thành phố; tỷ lệ đô thị hóa đạt 74 - 76%, phát triển không gian đô thị theo mô hình “Đô thị đa trung tâm và các đô thị vệ tinh”; thành lập thành phố thuộc thành phố Hải Phòng tại huyện Thủy Nguyên; hoàn thành việc chuyển đổi 50% số huyện thành đơn vị hành chính quận…
Đối với phương án phát triển hệ thống đô thị, quy hoạch xây dựng Hải Phòng là Đô thị loại I trực thuộc Trung ương, một trọng điểm kinh tế biển của cả nước, Trung tâm Giáo dục, Y tế và Khoa học công nghệ của vùng duyên hải Bắc Bộ; thành phố cảng xanh, văn minh, hiện đại; đầu mối giao thông, giao lưu trong nước và quốc tế; có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh.
>>Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển TP Hải Phòng
>>Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau
Cùng với các mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, báo cáo cũng đưa ra 2 khâu đột phá mà Hải Phòng nên tập trung trong thời gian tới là xây dựng Khu thương mại tự do tại Hải Phòng trên nền tảng dịch vụ hàng hải và logicstics gắn với công nghiệp công nghệ cao trở thành biểu tượng phát triển mới; xây dựng quần thể du lịch biển Hải Phòng (Cát Bà - Lan Hạ - Đồ Sơn), liên kết với các tỉnh vùng Duyên hải Đông Bắc, đặc biệt là Quảng Ninh.
Điểm nhấn Khu thương mại tự do
Ông Đan Đức Hiệp - nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho rằng, việc xây dựng quy hoạch sẽ gặp nhiều khó khăn do hiện chưa có quy hoạch quốc gia cũng như quy hoạch vùng. Việc Hải Phòng xây dựng quy hoạch căn bản sẽ vẫn dựa vào các thế mạnh và định hướng của địa phương. Do đó, sẽ có những hạn chế nhất định trong phát triển dài hạn do sẽ phải sửa đổi, điều chỉnh cho phù hợp với các quy hoạch khác.
Bên cạnh đó, ông Hiệp cho rằng, đề xuất xây dựng Khu thương mại tự do cần xem xét kỹ, bởi hiện với các hiệp định tự do thương mại đã giúp nền kinh tế cũng như các chính sách hết sức cởi mở, việc xây dựng khu thương mại tự do liệu có cần thiết nữa hay không.
Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, Hải Phòng cần xác định được vị thế quan trọng của mình trong sự phát triển chung của khu vực cũng như của cả nước.
Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị đặt ra những nhiệm vụ, chỉ tiêu hết sức khó khăn cho Hải Phòng, song đây cũng là cơ hội chưa từng có của thành phố. Mô hình đặc khu kinh tế là mô hình ưu việt nhất hiện nay trên thế giới. Các Nghị quyết đều có các cơ chế khuyến khích Hải Phòng đề xuất các mô hình phát triển đột phá để có thể đạt được các tiêu chí mà Nghị quyết đưa ra, trong đó không loại trừ việc xây dựng đặc khu kinh tế. Tuy nhiên, Hải Phòng cần thể hiện được quyết tâm hơn nữa để thực hiện những bước đột phá cho thành phố, tránh tâm thế là người "đi xin", mà phải xác định là đang thay mặt Trung ương, thực hiện các nhiệm vụ Trung ương giao để xây dựng thành phố xứng tầm một đô thị tiêu biểu trong khu vực cũng như trong châu lục mà Nghị quyết đã xác định. Hải Phòng cần chủ động hơn để đề xuất với Trung ương những bước đi có tính đột phá này.
Dự kiến đến tháng 9/2022, các cơ quan chuyên môn sẽ gửi xin ý kiến Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy theo quy chế làm việc; sau đó xin ý kiến các Bộ, các địa phương lân cận và cộng đồng dân cư; tháng 10/2022 trình Hội đồng thẩm định quy hoạch Quốc gia. Dự kiến, tháng 12/2022 trình HĐND thành phố thông qua vào Kỳ họp thường lệ cuối năm và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch, sau khi được HĐND thành phố thông qua.
Có thể bạn quan tâm
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Quy hoạch tổng thể quốc gia phải mang tính định hướng cao
00:00, 06/10/2020
Quy hoạch tổng thể quốc gia 2021-2030: Cần tầm nhìn xa
05:00, 29/07/2020
Quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ hoàn thành vào năm 2021
15:33, 15/07/2019
Lần đầu tiên lập kế hoạch quy hoạch tổng thể quốc gia
07:30, 14/06/2019