Chinh phục thị trường Trung Quốc bằng chất lượng và an toàn thực phẩm
Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam.
>>Xuất khẩu thuỷ sản tận dụng lợi thế logistics vào thị trường Trung Quốc
Ông Tô Ngọc Sơn, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương) nhấn mạnh tại Lễ Khai mạc “Hội chợ Xuất khẩu Chiết Giang tại Việt Nam lần thứ 10”, ngày 28/9.
Theo ông Tô Ngọc Sơn, mặc dù nền kinh tế Việt Nam và Trung Quốc đều đứng trước nhiều khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19 và những yếu tố bất ổn địa chính trị toàn cầu. Tuy nhiên, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước năm 2021 tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, đạt 166,4 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2020. 08 tháng năm 2022, đà tăng trưởng tiếp tục duy trì ổn định khi đạt 117,3 tỷ USD, tăng 10,79% so với cùng kỳ năm 2021.
“Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Để duy trì kim ngạch thương mại liên tục tăng trưởng, thì việc duy trì các hoạt động xúc tiến thương mại như Hội chợ ngày hôm nay là không thể thiếu”, ông Tô Ngọc Sơn nhấn mạnh.
Đây là cơ hội tốt để doanh nghiệp hai nước tăng cường giao lưu, trao đổi thông tin, tìm hiểu thị trường, tìm kiếm đối tác hợp tác, qua đó duy trì ổn định, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa giữa hai nước, góp phần tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế thương mại Việt - Trung.
>>Cần khảo sát đầy đủ thị trường Trung Quốc
>>Thay đổi tư duy tiếp cận với thị trường Trung Quốc
>>Ùn tắc nông sản biên giới: Thị trường Trung Quốc đã không còn dễ tính?
Từ đó, ông Tô Ngọc Sơn đề nghị trên cơ sở những thành công đã đạt được của Hội chợ sau 10 năm tổ chức, chúng ta hoàn toàn có thể hướng tới việc mở rộng và đa dạng hơn nữa các hoạt động trong khuôn khổ Hội chợ.
Trong đó có việc tổ chức các hoạt động kết nối doanh nghiệp nhập khẩu Chiết Giang với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam trong các lĩnh vực có thế mạnh của Việt Nam, như nông sản, thủy sản, thực phẩm chế biến...
“Gần đây các cơ quan chức năng của Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết Nghị định thư xuất khẩu quả sầu riêng tươi của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, mở ra cơ hội lớn cho người nông dân, doanh nghiệp Việt Nam và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng và doanh nghiệp Trung Quốc”, ông Sơn nói.
Tuy nhiên, trước tình trạng hàng hóa nông sản, thủy sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc ngày càng khó, thậm chí có thời điểm bị ùn ứ nhiều tại cửa khẩu khiến doanh nghiệp vô cùng khó khăn, việc tăng cường chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ và tìm kiếm đối tác tin tưởng… được xem là những giải pháp ứng phó hữu hiệu trước mắt.
Chia sẻ về thực tế xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc ngày càng khó, bà Bùi Hoàng Yến, Phó Tổ trưởng Tổ Công tác miền Nam, Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) nhìn nhận, từ năm 2019 trở về trước Trung Quốc là thị trường nhập khẩu đứng thứ 2 sau Mỹ đối với mặt hàng nông sản của doanh nghiệp (DN) Việt Nam.
Tuy nhiên, chính sách zero covid và các quy định về nhập khẩu nông sản của Chính phủ Trung Quốc đã khiến việc xuất khẩu hàng nông, thủy sản và các mặt hàng thực phẩm của Việt Nam sang Trung Quốc ngày càng khó khăn hơn.
Đơn cử như Lệnh 248, Lệnh 249 của Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Theo Lệnh 248, các DN có nhu cầu xuất khẩu thực phẩm sang Trung Quốc cần sớm đăng ký để các cơ quan có thẩm quyền tổng hợp, gửi danh sách sang Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Với Lệnh 249, DN phải chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm ngay cả khi sản phẩm đã xuất khẩu sang Trung Quốc.
Cùng với đó, Trung Quốc cũng ban hành tiêu chuẩn mới GB 2763-2021 quy định 10.092 mức giới hạn dư lượng tối đa với 564 loại thuốc bảo vệ thực vật, trong danh mục 376 thực phẩm. So với tiêu chuẩn GB2763-2019, số lượng loại thuốc bảo vệ thực vật trong tiêu chuẩn mới tăng 81 loại (tăng 16,7%); giới hạn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tăng 2.985 loại (tăng 42%).
Ðể tăng cường giám sát các sản phẩm nông sản nhập khẩu, tiêu chuẩn này cũng thiết lập 1.742 giới hạn dư lượng cho 87 loại thuốc bảo vệ thực vật chưa được đăng ký sử dụng ở Trung Quốc. Những yêu cầu này đang dần tiệm cận với những nước phát triển và duy trì việc kiểm soát Covid-19 trên bao bì, phương tiện vận chuyển thủy sản đông lạnh, thủy sản sống.
Riêng đối với các sản phẩm trồng trọt, Trung Quốc đang ngày càng kiểm soát chặt chẽ hàng hóa qua biên giới, nhất là giao thương tiểu ngạch; đẩy mạnh quản lý sản phẩm nhập khẩu theo hình thức nghị định thư và yêu cầu khai báo mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói…
‘‘Để ứng phó, trước mắt, DN cần lựa chọn những đối tác bảo đảm, tin cậy nhằm giúp việc lưu trữ hồ sơ (tối thiểu 6 tháng) được thuận lợi, bên cạnh việc tuân thủ các yếu tố như kho bãi, vận chuyển…’’, bà Bùi Hoàng Yến khuyến nghị.
Nêu các giải pháp rộng hơn, bà Bùi Hoàng Yến cho biết, ngoài nhiều biện pháp của các cơ quan ban ngành và các địa phương có biên giới với Trung Quốc đã áp dụng trong thời gian qua, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện hệ thống hạ tầng thương mại, tăng khả năng kết nối phục vụ lưu thông hàng hóa cho sản xuất, xuất khẩu, giảm chi phí logistics.
Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các tỉnh biên giới trong việc triển khai các phương án nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất - nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ.
Ngoài ra, để tính đến các phương án về lâu dài, việc tiếp tục thúc đẩy ký kết các nghị định thư về kiểm dịch thực vật giữa hai bên đối với các mặt hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc cũng là rất cần thiết để giảm thời gian thông quan.
‘‘Việc chuyển mạnh xuất khẩu sang chính ngạch, có các hợp đồng thương mại mua bán giữa hai bên cũng hữu hiệu trong giai đoạn hiện nay để tránh các rủi ro khi phụ thuộc vào hình thức buôn bán mang tính trao đổi cư dân biên giới. Đây cũng là vấn đề mà Bộ Công thương đã từng có các văn bản để khuyến cáo cho các DN…’’, bà Bùi Hoàng Yến nói.
‘‘Về dài hạn, DN cần tập trung giải quyết 2 vấn đề nổi cộm là chất lượng và an toàn thực phẩm, đặc biệt là vấn đề truy xuất nguồn gốc và chứng nhận chất lượng. Cùng với đó là đẩy nhanh tiến độ đàm phán mở rộng danh sách các mặt hàng được xuất khẩu chính ngạch; tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng xây dựng các vùng chuyên canh tập trung, có quy mô, chất lượng đồng đều và đạt chuẩn phục vụ xuất khẩu…’’, bà Bùi Hoàng Yến nêu một số giải pháp.
Bà Chen Cui, Tổng Giám đốc Công ty Yuanda (Sở Thương mại tỉnh Chiết Giang) đánh giá, quan hệ Trung Quốc - Việt Nam đang đứng ở xuất phát điểm mới, từ góc độ chiến lược và lâu dài Trung Quốc và Việt Nam cần tận dụng các lợi thế về thể chế và nguồn lực.
Tiếp tục tăng cường kinh tế liên khu vực và trao đổi thương mại, tiếp tục tăng cường giao lưu kinh tế thương mại giữa các khu vực, đẩy mạnh kết nối chiến lược, triển khai hợp tác thực chất, thúc đẩy cùng xây dựng “Vành đai Con đường”, nhằm đạt được kết quả hai bên cùng có lợi.
Hội chợ Xuất khẩu hàng hóa Chiết Giang tại Việt Nam là một trong những Hội chợ hàng hóa xuất khẩu lớn nhất và lịch sử tổ chức lâu nhất do tỉnh Chiết Giang tổ chức độc lập tại khu vực ASEAN.
Từ năm 2011 đến nay, Chiết Giang đã tổ chức 10 Hội chợ Hàng xuất khẩu Chiết Giang tại Việt Nam. Hội chợ đã có sự sáng tạo không ngừng, chuyển đổi từ mô hình Hội chợ trực tiếp sang mô hình trực tiếp kết hợp trực tuyến, luôn thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa Chiết Giang và Việt Nam phát triển nhanh chóng và tốt đẹp.
"10 cũng là một con số có ý nghĩa đặc biệt đối với người Trung Quốc. Trong văn hóa truyền thống Trung Quốc, 10 tượng trưng cho sự hoàn hảo và trọn vẹn”, bà Chen Cui chia sẻ.
Chiết Giang là một trong những khu vực phát triển năng động, đổi mới tích cực nhất ở Trung Quốc. Đồng thời đây cũng là tỉnh ven biển lớn với nhiều lợi thế và tiềm năng vượt trội.
Trong những năm gần đây, nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Chính phủ, tỉnh Chiết Giang đã thực hiện hàng loạt các hoạt động kết nối giao thương, hợp tác quốc tế đa chiều, với nhiều góc độ và lĩnh vực khác nhau.
Tỉnh đã đẩy nhanh nhịp độ đầu tư và hợp tác nước ngoài, liên tục tối ưu hóa công nghiệp, công nghệ, liên kết và thúc đẩy thương mại trong nước và quốc tế.
Việt Nam là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Trung Quốc trong khu vực ASEAN, là điểm “dừng chân” lý tưởng của các doanh nghiệp đồng thời cũng là điểm đầu tư nước ngoài tập trung nhất của Chiết Giang.
Ngày 1/1/2022, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có hiệu lực, tạo nền tảng tốt cho đầu tư và thương mại song phương giữa Chiết Giang và Việt Nam. Quan hệ hai bên ngày càng khăng khít, phát triển. Tổng kim ngạch thương mại hàng năm đều tăng và không ngừng mở rộng.
Triển lãm Thương mại Quốc tế Chiết Giang 2022 với tổng diện tích trưng bày 4000m2, triển lãm quy tụ 130 gian hàng với hơn 100 nhà sản xuất gốc với công nghệ hiện đại, tiêu chuẩn xuất khẩu Châu Âu, trưng bày 4 ngành chủ đạo: Ngũ kim & máy móc thiết bị; Dệt may & nguyên phụ liệu dệt may; Nội ngoại thất; Điện tử và thiết bị gia dụng.
Triển lãm kết hợp linh hoạt hai hình thức giao thương trực tiếp và trực tuyến, tăng cơ hội kết nối giao thương hai chiều, mở rộng và đa dạng nguồn cung ứng, nổi bật thế mạnh các thương hiệu sản phẩm đến từ Chiết Giang.
Có thể bạn quan tâm
Sầu riêng Việt Nam - "người mới" tại thị trường Trung Quốc nhiều thách thức
11:08, 28/09/2022
Xuất khẩu thuỷ sản tận dụng lợi thế logistics vào thị trường Trung Quốc
12:00, 04/09/2022
Phụ thuộc thị trường Trung Quốc, sản phẩm dừa “gặp khó”
04:30, 07/07/2022
Cần khảo sát đầy đủ thị trường Trung Quốc
04:00, 24/02/2022
Ùn tắc nông sản biên giới: Thị trường Trung Quốc đã không còn dễ tính?
04:00, 23/12/2021