Kinh tế-xã hội phát triển nhanh, ấn tượng

Bài và ảnh: NGUYỄN VIỆT 01/10/2022 16:26

Tình hình kinh tế-xã hội phục hồi, phát triển nhanh và mạnh, ấn tượng. Đặc biệt, GDP quý III tăng cao, đạt 13,67%, góp phần đưa tăng trưởng 9 tháng đầu năm đạt 8,83% (cao nhất từ năm 2011 đến nay).

>>Việt Nam có bị ảnh hưởng bởi “mùa Đông kinh tế 2023”?

"Có 10 địa phương có GRDP 9 tháng đầu năm 2022 tăng trên 11%. TP. HCM và Hà Nội cũng đều đạt mức tăng trưởng cao, lần lượt là 9,97% và 9,69%", Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn cho biết tại cuộc họp báo Chính phủ tháng 9, ngày 1/10.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn. Ảnh: Nguyễn Việt

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn. Ảnh: Nguyễn Việt

Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 2,29%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,44%, khu vực dịch vụ tăng 10,57%.

Kinh tế tiếp tục đà phục hồi

Cụ thể, về tình hình sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông, lâm, thuỷ sản theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn, đối với ngành trồng trọt tính đến 15/9 diện tích gieo cấy lúa mùa cả nước đạt 1.505,3 nghìn ha, bằng 100,2% cùng kỳ năm 2021.

Về ngành chăn nuôi, chăn nuôi trâu, bò phát triển ổn định. Đàn trâu giảm khoảng 1,1%, đàn bò tăng khoảng 3,4%, đàn lợn tăng 8,8%, đàn gia cầm ước tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Tính đến ngày 23/9, cả nước không còn dịch cúm gia cầm và dịch lở mồm long móng, dịch viêm da nổi cục còn ở 4 địa phương, dịch tả lợn châu Phi còn ở 20 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày.

Về ngành nông nghiệp, tính chung 9 tháng năm 2022 diện tích trồng rừng mới tập trung ước đạt 191,2 nghìn ha, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2021. Diện tích rừng bị thiệt hại là 887,9 ha, diện tích rừng bị cháy là 24,5 ha, giảm 98,3%, diện tích rừng bị chặt phá là 863,4 ha, giảm 1,6%.

Về ngành thuỷ sản, tính chung 9 tháng năm 2022 tổng sản lượng thuỷ sản ước đạt 6.602,8 nghìn tấn, tăng 7,2%, khai thác ước đạt 2.991,6 nghìn tấn, giảm 2,4%.

Về sản xuất công nghiệp, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 9 tháng năm 2022 ước tăng 9,63% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, ngành ngành chế biến, chế tạo tăng 10,69%, ngành sản xuất và phân phối điện tăng 7,71%, ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,03%, ngành khai thác khoáng tăng 4,42%.

Về hoạt động dịch vụ, tính chung 9 tháng năm 2022 tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 4.170,2 nghìn tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2021.

Nếu loại trừ yếu tố giá tăng 16,8%-cùng kỳ năm 2021 giảm 6,6%, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hoá ước đạt 3.300 nghìn tỷ đồng, tăng 15,8%, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 430,9 nghìn tỷ đồng, tăng 54,7%, doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 18,2 nghìn tỷ đồng, gấp 3,9 lần cùng kỳ.

Về xuất khẩu hàng hoá, tổng kim  ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá 9 tháng năm 2022 ước đạt 558,52 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá ước đạt 282,52 tỷ USD, tăng 17,3%, kim ngạch nhập khẩu hàng hoá ước đạt 276 tỷ USD, tăng 13%.

Về tình hình đăng ký doanh nghiệp, tính chung 9 tháng năm 2022 cả nước có gần 112,791 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 31,9% so với cùng kỳ năm 2021, tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới là 758,124 lao động, tăng 16,8%.

“Có 50.509 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 56,1%, có 62,544 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, tăng 38,7%, có 36,330 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thuể, tăng 12,1%, 13,824 doanh nghiệp hoàn tất giải thể, tăng 8,0%”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn cho biết.

>>Kinh tế Việt Nam 2023 vẫn tiềm ẩn rủi ro

>>Khi siêu thị không còn là “siêu nhân”

Không “say sưa” với những gì đã đạt được

Về vốn đầu tư toàn xã hội, 9 tháng đạt trên 2,1 triệu tỷ đồng, tăng 12,5% so cùng kỳ. Vốn FDI thực hiện 9 tháng đạt trên 15,4 tỷ USD (cao nhất trong 5 năm qua), tăng 16,2% so với cùng kỳ cho thấy xu hướng mở rộng đầu tư sản xuất, kinh doanh khá tích cực, phản ánh niềm tin của doanh nghiệp vào việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô của nước ta.

Toàn cảnh cuộc họp báo. Ảnh: Nguyễn Việt

Toàn cảnh cuộc họp báo. Ảnh: Nguyễn Việt

An sinh xã hội được bảo đảm (từ tháng 7/2021 đến nay, đã hỗ trợ trên 85,3 nghìn tỷ đồng cho trên 55,2 triệu lượt người lao động và gần 856 nghìn người sử dụng lao động theo các nghị quyết của Chính phủ). Tình hình lao động chuyển biến tích cực, thị trường lao động phục hồi, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm giảm mạnh.

An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác đối ngoại được đẩy mạnh. Nhiều vấn đề tồn đọng hoặc các vấn đề nóng, đột xuất phát sinh được tập trung chỉ đạo, xử lý, giải quyết phù hợp, hiệu quả.

Các tổ chức quốc tế đều đánh giá tích cực về tình hình kinh tế-xã hội của Việt Nam và dự báo lạc quan về tốc độ tăng trưởng kinh tế nước ta trong năm 2022 và 2023 thuộc nhóm cao nhất Đông Nam Á (Moody's, WB, IMF, ADB dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 lần lượt là 8,5%, 7,2%, 7%, 6,5%).

Moody's nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, triển vọng ổn định. Nikkei Asia xếp Việt Nam ở vị trí thứ 2 về chỉ số phục hồi sau dịch COVID-19.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, những kết quả đạt được nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cùng các quyết sách quan trọng của Nhà nước, trong đó có sự đồng hành của Quốc hội.

Sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, mạnh mẽ, có trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị cùng cộng đồng doanh nghiệp và sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế, đặc biệt là sự đồng lòng, ủng hộ của Nhân dân cả nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, các thành viên Chính phủ cho rằng, nước ta còn không ít khó khăn, thách thức phải đối mặt. Trong đó nổi lên là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn còn tiềm ẩn những rủi ro. Việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm.

Hoạt động sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn do giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào, chi phí sản xuất cao; tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế ở một số bệnh viện, địa phương chưa được xử lý dứt điểm; đời sống một bộ phận người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn;...

Chỉ đạo các nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ "Những kết quả đạt được là rất tích cực và đáng mừng, song chúng ta không được lơ là, chủ quan; không say sưa với những gì đạt được vì trước mắt chúng ta còn rất nhiều khó khăn, thách thức phải đối mặt, phải xử lý".

Có thể bạn quan tâm

  • TP.HCM: Tập trung nghiên cứu, thảo luận để đưa ra giải pháp phục hồi phát triển kinh tế

    12:01, 29/09/2022

  • Doanh nhân thương binh: Năng động trong phát triển kinh tế

    21:03, 27/09/2022

  • Chuyển lượng sang chất kinh tế tuần hoàn: Thấu hiểu nhu cầu kinh tế tuần hoàn

    15:55, 27/09/2022

  • Chuyển lượng sang chất kinh tế tuần hoàn: Tầm nhìn dài hạn

    15:52, 27/09/2022

  • Phát triển kinh tế tuần hoàn còn nhiều rào cản

    11:00, 27/09/2022

Bài và ảnh: NGUYỄN VIỆT