Sân bay địa phương “chắp cánh” phát triển kinh tế

HẠNH LÊ 07/10/2022 15:51

Nhiều địa phương trong cả nước có văn bản lên Chính phủ đề xuất bổ sung quy hoạch sân bay của tỉnh, tạo động lực tăng tốc phát triển kinh tế xã hội.

>>>TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Huy động vốn đầu tư một số cảng hàng không, sân bay

Hạ tầng đi trước mở đường

Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Sa Pa tại xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên đã được UBND tỉnh Lào Cai khởi công giai đoạn 1. Đây là bước đột phá lớn trong phát triển hạ tầng giao thông của tỉnh và khu vực trung du miền núi phía Bắc, tạo lực đẩy mạnh mẽ để tăng tốc phát triển kinh tế, xã hội, du lịch và dịch vụ.

Các địa phương khác như tỉnh Sơn La đã trình Chính phủ việc đầu tư xây dựng Cảng hàng không Nà Sản theo phương thức đối tác công tư (PPP); tỉnh Hà Giang đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải đề nghị bổ sung sân bay Tân Quang vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050…

Các sân bay địa phương theo phương thức PPP được đề xuất đưa vào Quy hoạch đa phần là các cảng hàng không mới, quy mô nhỏ, chưa hiện diện trên bản đồ hàng không Việt Nam. Tuy nhiên, các sân bay này đều nằm tại tỉnh, thành có nhiều tiềm năng trong phát triển du lịch, công nghiệp, kết nối giao thương và thu hút đầu tư như khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Trung Bộ.

Tỉnh Hà Giang được thiên nhiên ưu đãi nhiều thắng cảnh nổi tiếng nhưng chưa thu hút đông đảo khách du lịch và đa dạng hoá sản phẩm (ảnh minh hoạ)

Tỉnh Hà Giang được thiên nhiên ưu đãi nhiều thắng cảnh nổi tiếng nhưng chưa thu hút đông đảo khách du lịch và đa dạng hoá sản phẩm (ảnh minh hoạ)

Những khu vực trên được thiên nhiên ưu đãi ban tặng nhiều thắng cảnh, kỳ quan đặc sắc, là tiền đề phát triển ngành du lịch dịch vụ với nhiều sản phẩm đặc sắc, có sức cạnh tranh cao. Tuy nhiên, trong những năm qua, ngành công nghiệp không khói ở đây vẫn như “nàng công chúa ngủ trong rừng”.

Đã có nhiều doanh nghiệp khai thác du lịch, dịch vụ nhưng số lượng khách chưa xứng với tiềm năng, nguồn thu cho ngân sách chưa lớn do chủ yếu là khách nội địa, chi phí chi trả không nhiều, dịch vụ còn đơn điệu, khách nước ngoài vẫn hạn chế. Một trong những nguyên nhân là do địa hình phức tạp, việc di chuyển mất khá nhiều thời gian khiến việc giao thương đến các tỉnh miền núi như Sơn La, Điện Biên, Kon Tum, Đăk Nông… vẫn còn nhiều cản trở.

Đề xuất xây dựng sân bay địa phương không nằm ngoài mục đích tạo đường bay thẳng đưa khách du lịch từ các thành phố lớn trong nước và khu vực đến các điểm du lịch, không mất thời gian trung chuyển qua sân bay quốc tế Nội Bài (TP Hà Nội). Đồng thời là bước để các địa phương tiếp tục hoàn thiện hạ tầng giao thông, đi trước mở đường đón cơ hội đầu tư, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Tối ưu hoá lợi ích sân bay địa phương

Đánh giá về vai trò, ý nghĩa của sân bay địa phương trong hệ thống cảng hàng không, ông Michel Werson - Chuyên gia kinh tế trưởng của công ty NACO (tập đoàn Royal HaskoningDHV) cho biết: sân bay địa phương quy mô nhỏ có vai trò quan trọng trong hệ thống cảng hàng không của một quốc gia.

Hệ thống này thường gồm 3 lớp: Lớp trên cùng là các sân bay trung tâm lớn với lưu lượng hàng năm hơn 20 triệu lượt khách. Lớp thấp nhất là các sân bay địa phương hoặc cấp 3 với ít hơn 1 triệu khách hàng năm. Lớp còn lại - ở giữa, chính là lớp cầu nối, giữ vai trò kết nối các sân bay trung tâm và sân bay địa phương để hệ thống hoạt động.

Bên cạnh đó, các sân bay khu vực có thể cung cấp các kết nối trực tiếp giữa các vùng. Điều này đặc biệt quan trọng với các vùng xa xôi hoặc các vùng cần những kết nối giao thông thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương như phát triển điểm đến du lịch.

Cuối cùng, sân bay nhỏ có chức năng thúc đẩy kinh tế - xã hội, tạo việc làm, thu nhập từ thuế, là điểm tiếp cận để cứu trợ và viện trợ trong trường hợp thiên tai và cung cấp khả năng nhanh chóng tiếp cận với hỗ trợ y tế chuyên biệt mà khu vực đó hiện đang thiếu.

Với kinh nghiệm lâu năm trong việc quy hoạch và thiết kế các sân bay trên thế giới, dựa vào tỷ lệ sân bay trên một km vuông hoặc triệu dân, ông Michel Werson không thấy Việt Nam có số lượng sân bay quá lớn khi so sánh với các nước trong khu vực hoặc các khu vực khác. Quan trọng hơn, không có một công thức chung để xác định số lượng sân bay tối ưu.

Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc là điển hình của sân bay địa phương thúc đẩy kinh tế dịch vụ du lịch phát triển (ảnh minh hoạ)

Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc là điển hình của sân bay địa phương thúc đẩy kinh tế dịch vụ du lịch phát triển (ảnh minh hoạ)

Mỗi quốc gia, mỗi khu vực của một quốc gia có điểm đặc biệt riêng và các yếu tố dùng để xác định số lượng sân bay thích hợp là rất nhiều, thậm chí có thể khác nhau trong từng trường hợp. Do đó, theoChuyên gia kinh tế trưởng của công ty NACO, cách tiếp cận trong quá trình ra quyết định nên theo phương pháp black-and-white (đen trắng), chẳng hạn chỉ dựa trên khoảng cách giữa các sân bay.

“Có những ví dụ thực tế, trong đó các sân bay có thể cùng tồn tại gần nhau, thậm chí không phục vụ một khu vực lưu vực chung, nhưng cũng có những ví dụ trong đó một khu vực có quá nhiều sân bay cạnh tranh lẫn nhau và hệ thống chưa tối ưu. Xét theo yếu tố thời gian, chúng ta cần có góc nhìn hướng tới tương lai: các khu vực phát triển theo thời gian và hồ sơ cũng như tính đủ điều kiện để đề xuất xây dựng hạ tầng sân bay của họ cũng có thể thay đổi theo. Vì vậy, những gì hôm nay có vẻ đúng, ngày mai có thể khác” - ông Michel Werson cho hay.

Hiện, các địa phương đề xuất xây dựng sân bay nhỏ chủ yếu hướng tới phát triển du lịch và đảm bảo an ninh quốc phòng. Vì vậy, tần suất các chuyến bay không nhiều khiến không ít người lo ngại, việc xây dựng sân bay nhỏ có thể tạo gánh nặng tài chính cho chính quyền và nhà đầu tư.

Về vấn đề này, ông  Michel Werson nhấn mạnh: việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng cần có kế hoạch tốt và hợp lý. Điều đó có nghĩa là nên đầu tư đúng thời điểm vào các yếu tố năng lực theo từng giai đoạn thích hợp.

Thứ hai, để giúp sân bay nhỏ phát triển bền vững hơn về mặt tài chính cần biến chúng thành một phần của mạng lưới, có nghĩa là tập hợp chúng lại, có hoặc không bao gồm một sân bay lớn hơn bền vững về mặt tài chính. Mạng lưới mang lại cơ hội tổng hợp chi phí và tối đa hóa doanh thu chung. Có nhiều ví dụ khác nhau trên khắp thế giới, nơi các nhà khai thác tư nhân cũng có thể vận hành mạng lưới của nhiều sân bay nhỏ trong khu vực theo cách có lợi.

Có thể bạn quan tâm

  • Quảng Ninh: Đề xuất tiếp tục miễn phí tuyến xe buýt đi sân bay Vân Đồn để kích cầu du lịch

    Quảng Ninh: Đề xuất tiếp tục miễn phí tuyến xe buýt đi sân bay Vân Đồn để kích cầu du lịch

    02:00, 11/06/2022

  • Sân bay Vân Đồn đề xuất “chia sẻ tải” hàng hoá với sân bay Nội Bài

    Sân bay Vân Đồn đề xuất “chia sẻ tải” hàng hoá với sân bay Nội Bài

    05:00, 10/06/2022

  • Sân bay Long Thành sẽ là cảng hàng không trung chuyển lớn trong khu vực

    Sân bay Long Thành sẽ là cảng hàng không trung chuyển lớn trong khu vực

    17:00, 02/05/2022

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Xem xét chuyển sân bay Đồng Hới thành cảng hàng không quốc tế

    TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Xem xét chuyển sân bay Đồng Hới thành cảng hàng không quốc tế

    21:02, 15/04/2022

  • Hà Nội có cần sân bay thứ 2?

    Hà Nội có cần sân bay thứ 2?

    03:00, 30/12/2021

HẠNH LÊ