Kinh doanh thua lỗ, nhiều cây xăng xin đóng cửa
Do thua lỗ, nhiều doanh nghiệp đã giảm mạnh chiết khấu bán hàng để hạn chế lấy nhiều hàng của các đại lý bán lẻ. Từ đó, dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ kinh doanh thua lỗ và cắt giảm sản lượng kinh doanh.
>>Ổn định giá xăng dầu: Đề xuất giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt và VAT
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) trao đổi về hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh, bán lẻ xăng dầu xin đóng cửa và tạm ngừng kinh doanh, tập trung ở các địa phương như An Giang, TP. HCM, Đắk Lắk... tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Công Thương quý III/2022, chiều 12/10.
Theo ông Trần Duy Đông, trong giai đoạn quý II/2022, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đã tăng mạnh lượng nhập khẩu xăng dầu do lo ngại thiếu nguồn cung trong nước, đây là giai đoạn giá xăng dầu thế giới đạt mức cao nhất từ đầu năm đến nay.
Thu hẹp kinh doanh, nhập khẩu “cầm chừng”
Sang quý III/2022, từ giữa tháng 7 đến đầu tháng 10 giá xăng dầu thế giới lại có xu hướng giảm, theo đó, giá bán lẻ xăng dầu trong nước cũng giảm liên tục. Nhiều doanh nghiệp bị thua lỗ lớn nên đã thu hẹp hoạt động kinh doanh và nhập khẩu cầm chừng.
Do thua lỗ nên nhiều doanh nghiệp đã giảm mạnh chiết khấu bán hàng để hạn chế việc lấy nhiều hàng của các đại lý bán lẻ, dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ kinh doanh thua lỗ và cắt giảm sản lượng kinh doanh.
Bên cạnh đó, tín dụng bị thắt chặt trong khi giá xăng dầu tăng, tỷ giá USD/VND tăng và khó tiếp cận nguồn ngoại tệ khiến các doanh nghiệp đầu mối không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng với khối lượng như các năm trước, do giá tăng gấp 2-3 lần giá các năm trước nên chỉ chủ yếu duy trì lượng hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối trực thuộc của doanh nghiệp mình và duy trì lượng dự trữ tồn kho theo quy định.
Ngoài ra, chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam tăng cao trong khi các chi phí này chưa được tính đủ vào giá cơ sở mặt hàng xăng dầu do nhà nước điều hành nên doanh nghiệp hạn chế lượng nhập khẩu để giảm thua lỗ.
Bên cạnh đó, nguồn cung xăng dầu trên thị trường thế giới đang rất khó khăn do nhu cầu hút hàng từ các nước Châu Âu, các doanh nghiệp đầu mối nhỏ, mới rất khó tiếp cận được nguồn hàng xăng dầu thế giới.
Vẫn theo ông Trần Duy Đông, một số doanh nghiệp đầu mối khu vực phía Nam bị tước giấy phép kinh doanh xăng dầu trong 1-1,5 tháng do vi phạm hành chính, dẫn đến thiếu nguồn cung cục bộ cho các đơn vị trước đây vẫn thường xuyên lấy hàng của doanh nghiệp đầu mối bị tước Giấy phép này.
“Cùng với đó, mưa bão ảnh hưởng đến việc vận chuyển hàng từ các nhà máy sản xuất trong nước và nhập khẩu về kho của doanh nghiệp làm chậm nguồn cung hàng trong một số giai đoạn”, ông Trần Duy Đông nói.
9 đề xuất
Để bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường, ông Trần Duy Đông thông tin, Bộ Công Thương đã và đang thực hiện một số biện pháp sau.
Thứ nhất, kiến nghị Bộ Tài chính giảm các loại thuế liên quan đến mặt hàng xăng dầu, như thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt. Đồng thời, sớm rà soát và gửi thông báo áp dụng mức chi phí đưa xăng dầu trong nước về đến cảng và premium trong nước theo mức phù hợp với thực tế phát sinh thời gian vừa qua để bảo đảm tính đúng, tính đủ trong giá cơ sở xăng dầu theo quy định hiện hành để khuyến khích các doanh nghiệp tăng lượng nhập hàng, bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định cho thị trường.
Thứ hai, Bộ Công Thương cũng phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố (đầu mối là Sở Công Thương) chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn có phương án bảo đảm nguồn cung xăng dầu; duy trì việc cung ứng xăng dầu trong hệ thống phân phối của doanh nghiệp.
Chỉ đạo các đơn vị chức năng trên địa bàn đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về duy trì bán lẻ xăng dầu tại các cửa hàng xăng dầu theo đúng quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định số 95/2021/NĐ-CP. Theo đó nhiều địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Phước, tỉnh Ninh Thuận... đã triển khai công tác chỉ đạo và giám sát việc cung ứng xăng dầu trên địa bàn.
"Bộ Công Thương cũng phối hợp với Bộ Tài chính, điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu trong nước để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu, khuyến khích các doanh nghiệp duy trì nguồn cung và hạn chế các hành vi đầu cơ găm hàng hoặc buôn lậu xăng dầu qua biên giới sang các nước lân cận", ông Trần Duy Đông nói.
>>Quỹ bình ổn giá xăng dầu chỉ hoạt động tốt khi dự báo tốt giá thế giới
>>Hoá giải thế khó trên thị trường bán lẻ xăng dầu
Thứ ba, Bộ Công Thương chỉ đạo các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối hỗ trợ để điều phối nguồn hàng, tăng cường cung ứng xăng dầu tại một số địa phương có hiện tượng thiếu xăng dầu cục bộ. Chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường trên toàn quốc phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trên địa bàn (đầu mối là Sở Công Thương) tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường một cách chặt chẽ ở khâu bán lẻ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định.
Thứ tư, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ Công Thướng sẽ tiếp tục rà soát chi phí trong cơ cấu tính giá. Hiện nay mức chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam tiếp tục tăng cao, để bảo đảm duy trì hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu nhập khẩu để bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường.
Đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục rà soát và sớm điều chỉnh chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam trong công thức tính giá cơ sở để bảo đảm tính đúng, tính đủ các chi phí phát sinh thực tế cho doanh nghiệp (mặc dù chi phí đưa xăng dầu từ Nhà máy về cảng và premium trong nước đã được Bộ Tài chính thông báo điều chỉnh tăng và được áp dụng từ ngày 11/10/2022 trong giá cơ sở).
Thứ năm, Bộ Công Thương đã, đang và sẽ tiếp tục đề nghị Ngân hàng nhà nước Việt Nam chỉ đạo các Ngân hàng thương mại có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu về hạn mức tín dụng, lãi suất ưu đãi, nguồn ngoại tệ nhằm giúp các doanh nghiệp giảm chi phí tài chính, tăng nguồn lực để nhập khẩu, mua xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước, bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường, đặc biệt là các doanh nghiệp tước giấy phép hoặc tạm tước giấy phép.
"Đề nghị các nhà máy lọc đầu cần có biện pháp hỗ trợ việc giao hàng nhanh cho doanh nghiệp đã đặt mua hàng theo các hợp đồng đã ký, sử dụng nguồn hàng dự trữ để hỗ trợ cung ứng cho các đầu mối (không có hợp đồng dài hạn với nhà máy) bán hàng dự trữ để hỗ trợ cung ứng cho các đầu mối (không có hợp đồng dài hạn với nhà máy) bán hàng tại các khu vực bị thiếu cục bộ để kịp thời bổ sung nguồn hàng cho các cửa hàng bán lẻ", ông Trần Duy Đông nhấn mạnh.
Các nhà máy lọc dầu cũng cần điều chỉnh cơ cấu sản xuất cho phù hợp với nhu cầu của thị trường, tăng lượng sản xuất để cung ứng cho thị trường trong nước. Trên cơ sở cuộc họp sáng nay, rà soát để phân giao tổng nguồn phù hợp, gồm nguồn nhập khẩu và trong nước để đảm bảo đủ nguồn cho quý IV.
Thứ sáu, Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan ra soát và sửa đổi, bổ sung quy định trong điều hành và kinh doanh xăng dầu như công thức và hướng điều hành giá (các yếu tố cấu thành); thời điểm điều hành, thời gian điều chỉnh premium...
Thứ bảy, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn cho phép các xe vận chuyển xăng dầu được đi trong thành phố vào giờ cao điểm để kịp cấp hàng cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu.
Thứ tám, đối với các cơ quan quản lý nhà nước bên cạnh việc theo dõi, giám sát hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu theo quy định cần có các biện pháp hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu duy trì hoạt động kinh doanh và vượt qua những khó khăn trong giai đoạn hiện nay.
Tránh tình trạng xử lý vi phạm không đúng quy định hoặc gây khó dễ cho doanh nghiệp để bảo đảm cung ứng xăng dầu liên tục cho thị trường, giữ vững an ninh năng lượng quốc gia.
Thứ chín, Bộ Công Thương đề nghị các cơ quan thông tin đại chúng cần đưa tin theo hướng tích cực, đa chiều để cung cấp đủ thông tin cho người đọc, hạn chế tâm lý hoang mang gây hỗn loạn thị trường và lo ngại hết xăng dầu, đi mua tích trữ gây mất cân đối cung cầu và mất an toàn phòng cháy chữa cháy.
Cần đưa những thông tin về sự nỗ lực của các doanh nghiệp khác đẫ tăng mạnh lượng bán hàng, cấp hàng để bảo đảm đáp ứng nhu cầu của người dân từ các địa bàn có cửa hàng đóng cửa chuyển sang mua (nhiều cửa hàng của các thương nhân đầu mối Petrolimex, PV OIL đã bán với số lượng tăng 70% so với ngày thường).
Có thể bạn quan tâm
Kiến nghị Bộ Công Thương gỡ khó cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu
00:06, 12/10/2022
Bình ổn thị trường xăng dầu: Cơ quan quản lý cần “lắng nghe” và có giải pháp quyết liệt
12:00, 09/10/2022
Ổn định giá xăng dầu: Đề xuất giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt và VAT
04:00, 24/09/2022