Nghẽn hạ tầng sẽ kìm hãm sự phát triển kinh tế
Điểm nghẽn hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông, hạ tầng năng lượng, hạ tầng thủy lợi, hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh sẽ kìm hãm sự phát triển kinh tế.
>>Cần thiết xây dựng Luật Phòng thủ dân sự
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân (Bình Dương), nhấn mạnh tại phiên thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, ngày 27/10.
Đánh giá về tình hình phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian vừa qua, đại biểu Nguyễn Quang Huân cho biết, từ những kết quả khả quan đạt được trong năm 2022, có thể thấy rõ bài học kinh nghiệm về chuẩn bị từ sớm, từ xa cần được tiếp tục áp dụng để đạt được những mục tiêu Đảng đã đề ra.
Đại hội Đảng khóa XIII đã đề ra mục tiêu đến năm 2030 nước ta sẽ đạt mốc thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 sẽ là nước thu nhập cao. Để đạt được các chỉ tiêu cao liên tục trong nhiều năm, cần chú trọng phát triển bền vững, bảo vệ môi trường để không tốn chi phí khắc phục ô nhiễm môi trường và tiết kiệm tài nguyên...
Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Quang Huân, điểm nghẽn hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông, hạ tầng năng lượng, hạ tầng thủy lợi, hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh sẽ kìm hãm sự phát triển kinh tế. “Do đó, tôi đề nghị báo cáo của Chính phủ cần làm rõ vấn đề này, đặc biệt là hạ tầng cấp thoát nước”, đại biểu Nguyễn Quang Huân nói.
Đồng thời, đại biểu Nguyễn Quang Huân đề nghị cần có cơ chế tốt hơn để thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực xử lý nước thải, cần giao thêm trách nhiệm xử lý nước thải cho các địa phương cho đến khi có Luật về xử lý, thoát nước được ban hành. Bổ sung thêm nội dung hoàn thiện hạ tầng thiết yếu phục vụ nhu cầu dân sinh, bên cạnh việc hoàn thiện hạ tầng về giao thông tại phần phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2023.
>>Hôm nay, Quốc hội thảo luận về phát triển kinh tế - xã hội
>>Quốc hội thông qua Nghị quyết bầu ba tư lệnh ngành
Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) đồng tình và đánh giá cao với kết quả đạt được về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; 14/15 chỉ tiêu Quốc hội giao đạt và vượt, tăng trưởng GDP đạt 8 % là khả thi. Các chính sách kinh tế vĩ mô được điều hành linh hoạt nên chỉ số giá tiêu dùng tăng dưới trần cho phép.
Hầu hết các khoản thu ngân sách nhà nước đạt và vượt dự toán, xuất nhập khẩu tăng cao, cán cân thương mại xuất siêu ở mức cao, bội chi ngân sách nhà nước và các khoản nợ công dưới trần cho phép. Do đó kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo, các nhiệm vụ chi được đáp ứng và xã hội ổn định.
Tuy nhiên, đại biểu Trần Văn Tiến cho rằng, kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022 còn nhiều hạn chế, như tăng trưởng GDP tuy cao nhưng chưa bền vững, phụ thuộc nhiều vào vốn và lao động. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội chưa đạt mục tiêu, chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng của kinh tế.
Thu ngân sách nhà nước chưa bền vững, tăng thu chủ yếu từ các nguồn thu có liên quan tới đất, một số khoản thu không đạt dự toán. Nợ đọng thuế có xu hướng gia tăng, một số nhiệm vụ chưa đạt được mục tiêu xuất nhập khẩu còn phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, số doanh nghiệp rời khỏi thị trường còn cao. Đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn, trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông, cháy nổ còn nhiều tiềm ẩn rủi ro...
Theo đại biểu Trần Văn Tiến, công tác lãnh đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022 rất quyết liệt, từ Trung ương đến địa phương. Các chính sách tài chính, tiền tệ nhằm phục hồi và phát triển kinh tế được ban hành kịp thời.
Việc xây dựng, hoàn thiện thể chế được quan tâm, tạo hành lang pháp lý thông thoáng và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc giúp sản xuất kinh doanh phát triển. Nhiều chỉ tiêu kinh tế năm 2021 tăng trưởng thấp nên so với cùng kỳ thì năm 2022 tăng trưởng cao. Công tác dự báo và lập kế hoạch một số chỉ tiêu năm 2022 còn thận trọng nên chưa sát với thực tế.
Từ những phân tích trên, đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị làm rõ nguyên nhân về chỉ tiêu tăng tốc độ năng suất lao động không đạt mục tiêu và giải pháp cho năm 2023. Đồng thời, cần chỉ rõ giải pháp giải ngân vốn đầu tư công để trong ba tháng còn lại tăng từ 46,7% lên 96% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Đại biểu Trần Văn Tiến cũng đề nghị làm rõ nguyên nhân dẫn đến thâm hụt cán cân thương mại năm 2022 ước chỉ đạt 1 tỷ USD trong khi xuất siêu đến cuối tháng 10 đạt trên 7 tỷ USD.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cũng đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của nước ta trong thời gian qua, đồng thời nhấn mạnh tăng trưởng kinh tế Việt Nam như một “ngôi sao sáng” trong bối cảnh kinh tế thế giới không ngừng biến động và gặp nhiều khó khăn.
“Thành tựu đó đạt được là do sự điều hành linh hoạt, phối hợp nhịp nhàng chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, cùng với đó là sự vào cuộc nhanh chóng, hỗ trợ kịp thời của Quốc hội. Đây là bài học giá trị bất hủ trong điều hành đất nước, đặc biệt trong bối cảnh nhiều thay đổi khó lường trước mắt”, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.
Thảo luận về phương hướng phát triển kinh tế, xã hội năm 2023, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị tăng cường nguồn lực để nền kinh tế giữ vững thị trường trong nước; khai thác thế mạnh của các hiệp định thương mại để mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Cần chuẩn bị sẵn các phương án hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp khi xảy ra khủng hoảng kinh tế, không đặt mục tiêu thu ngân sách quá cao để có dư địa thực hiện các chính sách tài khóa, cần chấp nhận tăng bội chi để có nguồn lực cho phát triển.
Cần tập trung đầu tư dứt điểm các công trình hạ tầng đang dở dang để hạn chế nợ công, hạn chế khởi công mới, dành một phần đầu tư công để đặt hàng, hỗ trợ hình thành các tập đoàn kinh tế mạnh, phát triển một số ngành trụ cột cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.
“Trong đó có 3 lĩnh vực cần ưu tiên đặt hàng là đường sắt, vận tải biển, công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số quốc gia”, đại biểu Hoàng Văn Cường đề xuất.
Có thể bạn quan tâm
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị làm rõ việc chậm tiến độ Quy hoạch điện VIII
03:30, 23/10/2022
Hôm nay, Quốc hội thảo luận về phát triển kinh tế - xã hội
03:02, 22/10/2022
Quốc hội thông qua Nghị quyết bầu ba tư lệnh ngành
17:27, 21/10/2022
Trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết thí điểm đấu giá biển số xe
05:05, 21/10/2022